Ngày tàn của những trạm xăng đang đến gần: Sạc xe dễ như sạc điện thoại, cả một nền văn hóa của Mỹ sẽ mất đi nhường chỗ cho kỷ nguyên xe điện
Các trạm xăng tại Mỹ đang phải vận động hành lang để sống sót trước cơn bão xe điện.
- Tham vọng thống lĩnh thị trường xe điện toàn cầu, Trung Quốc dùng chiến thuật “cá da trơn” để vươn mình ra ‘biển lớn’
- Vinfast bắt tay với Amazon, đưa trợ lý Alexa lên xe điện
- Mặt tối đằng sau cơn sóng thần đổ vào ngành xe điện: Loạt ‘tân binh’ chìm nghỉm trong ‘địa ngục sản xuất’, ảo tưởng có thể thành công như Tesla
Theo tờ The Vox, ngành xe điện sẽ thống trị nước Mỹ chẳng sớm thì muộn. Nhà Trắng thậm chí từng tuyên bố kế hoạch khiến một nửa số xe mới bán ra trong năm 2030 tại Mỹ là ô tô điện. Hàng loạt những ông lớn như GM hay Volvo đang lập kế hoạch để chuyển từ xe xăng sang xe điện.
Với một tương lai mà xe điện lên ngôi bá chủ, những trạm xăng tại Mỹ cũng như trên toàn thế giới bắt đầu bước vào một chu kỳ suy thoái và phải tìm đường ra mới cho riêng mình.
Nền văn hóa lụi tàn
Tại Mỹ, các trạm xăng đã trở thành cả một nền văn hóa đặc trưng khi người dân nước này cuồng lái xe. Mỗi lần họ đổ xăng là 1 lần mua sắm, ăn uống, nghỉ ngơi. Những biểu tượng của các trạm xăng trở thành điều thường thấy trong các bộ phim, truyện tranh hay văn hóa đại chúng Mỹ.
Vậy nhưng với xe điện, sự cần thiết của các trạm xăng dần mất đi. Mặc dù nhiều trạm đã bố trí những cây sạc điện cho các xe điện (EV) nhưng người dân vẫn có xu hướng thích sạc tại nhà hơn. Ngoài ra, lợi nhuận từ sạc điện của trạm xăng chẳng đáng là bao và họ sẽ chết dần nếu không còn bán được xăng nữa.
Bên cạnh đó, do sự thuận tiện của việc sạc điện nên những cây sạc có thể bố trí ở bất kỳ đâu, từ bến tàu cho đến cửa hàng Starbucks. Rõ ràng, người Mỹ sẽ chẳng cần trạm xăng nữa nếu xe điện dần lên ngôi.
"Điều tuyệt vời là bạn sẽ chẳng cần phải gắn chặt với các trạm xăng khi di chuyển nữa. Việc chúng ta muốn sạc điện cho xe ở đâu và như thế nào trở nên dễ dàng hơn nhiều so với những trạm xăng khổng lồ tốn kém mà bạn phải xây sâu xuống tận lòng đất để tạo kho chứa", quản lý kinh doanh và marketing Rob Barrosa của hãng Electrify America chuyên cung cấp mạng lưới sạc cho xe điện của Volkswagen nhận định.
Theo dự báo của hãng tư vấn Boston Consulting Group, khoảng 80% thị trường bán lẻ xăng dầu sẽ thua lỗ trong năm 2035. Rất nhiều trạm xăng trong tổng số hơn 100.000 trạm trên toàn nước Mỹ sẽ phải đóng cửa bởi nếu chỉ dựa vào doanh số bán hàng của các siêu thị tại những bến đỗ là không đủ.
Tờ Vox nhận định việc các trạm xăng cố gắng thay đổi để bắt kịp ngành xe điện là điều rất khó khăn vì biến đổi cấu trúc thành một trạm sạc xe điện có chi phí quá đắt đỏ, trong khi chính phủ và các công ty có thể xây dựng cả một mạng lưới sạc trên diện rộng, biến các trạm xăng thành đồ thừa.
Rất nhiều chuyên gia đã nhận định những trạm sạc xe điện sẽ thay đổi khi chúng được trải rộng khắp nơi trên nước Mỹ. Một số mô hình như trạm xăng kết hợp công viên hay trung tâm thương mại đã được lên kế hoạch, nơi mọi người có thể đi bộ, nghỉ ngơi, mua sắm hay thậm chí tập thể thao trong lúc chờ sạc điện.
Thay đổi để sống sót
Trạm xăng thường là nhà trung gian giữa các công ty xăng dầu và lái xe. Các hãng khai thác, lọc hóa dầu cần mạng lưới phân phối trong khi lái xe cần nơi đổ xăng, đi vệ sinh, ăn uống, nghỉ ngơi dọc đường. Những trạm xăng còn có nguồn thu nhờ bán thực phẩm, rượu bia thuốc lá, xổ số... qua các siêu thị xây dựng cạnh đó. Một số trạm thậm chí còn có xưởng sửa chữa bảo hành hay nhà hàng hạng sang.
Để có thể bắt kịp trào lưu xe điện, nhiều trạm xăng đã lắp đặt các cây sạc tiêu chuẩn Level 3, có thể sạc lượng điện cho xe chạy 32km chỉ trong vòng 1 phút. Với khả năng có thể bị đào thải vì xe điện, các trạm xăng đang nhắm đến ưu thế sạc nhanh hơn các thiết bị sạc tại gia hoặc những trạm sạc thông thường khác nhằm tìm đường sống sót.
Hiện rất nhiều trạm sạc tại Mỹ đang song song bơm cả xăng lẫn sạc điện nhằm bắt kịp với thời đại, tuy nhiên không phải trạm nào cũng có thể thay đổi. Việc lắp đặt các cây sạc điện, bao gồm cả việc kết nối hệ thống điện theo tiêu chuẩn có thể tiêu tốn đến hàng chục nghìn USD tùy địa điểm và đây là con số quá tốn kém cho các trạm xăng nhỏ.
Thậm chí con số tiêu tốn có thể còn lên cao nữa bởi các kỹ thuật viên phải đào xuyên qua đường nhựa để lắp đặt hệ thống dây điện nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn do chúng gần các bể chứa xăng dầu. Chỉ một sự cố rò điện nhỏ cũng có thể gây tai nạn. Ngoài ra, các trạm xăng còn phải mua máy biến áp để tăng công suất điện nhằm đủ năng lượng sạc cho các xe EV.
Anh Chris Bambury, chủ một chuỗi các trạm xăng tại bang California cho biết chỉ riêng việc lắp đặt 4 cây sạc điện cho xe EV tại 1 địa điểm đã tiêu tốn của anh 500.000 USD. May mắn thay là chính phủ Mỹ hỗ trợ khoảng 90% chi phí thông qua chương trình kích cầu ô tô điện, bằng không chẳng đời nào anh Bambury đủ tiền lắp đặt những thứ đắt đỏ này.
Mặc dù vậy, số phận của các trạm xăng tại Mỹ cũng khá mong mạnh bởi theo quy hoạch của Bộ năng lượng, rất nhiều trạm sạc công cộng, dù công suất thấp hơn và sạc lâu hơn nhưng phủ sống rộng khắp, từ khách sạn, nhà nghỉ, trung tâm thương mại đến các công viên. Đó là chưa kể mạng lưới sạc của những hãng tư nhân phụ trợ cho các công ty sản xuất xe EV như Blink, Electrify America hay Chargepoint.
Thông thường, các công ty trên sẽ bố trí mạng lưới sạc của họ xoay quanh những bãi đỗ xe, nhà hàng hoặc siêu thị, nơi lái xe có thể tìm kiếm việc để làm trong lúc chờ xe đầy điện.
Sạc xe như sạc điện thoại
Tờ Vox nhận định chính phủ Mỹ đang cố gắng thuyết phục người dân rằng xe điện dễ dùng, đi được xa chẳng kém ô tô xăng nên họ đã quyết định đổ tiền xây dựng mạng lưới sạc điện lớn. Nhà Trắng đã công bố bản kế hoạch trị giá 5 tỷ USD nhằm xây dựng hơn 500.000 trạm sạc điện khắp cả nước từ nay đến năm 2030.
Số tiền này sẽ được phân bổ xuống từng bang và các nhà hoạch định kỳ vọng mỗi 80km đường cao tốc sẽ có 1 trạm sạc điện. Đó là chưa kể bản thân các bang cũng có ngân sách riêng để hỗ trợ xây dựng các trạm sạc của riêng hộ.
Không chịu nằm chờ chết, liên đoàn các trạm xăng cùng nhiều tổ chức vận động hành lang của ngành xăng dầu đã vào cuộc. Tại Georgia, liên đoàn các trạm xăng đã vận động hành lang để thông qua dự luật hạn chế mảng xe điện.
Trong khi đó, nhiều tổ chức đại diện cho các trạm xăng toàn liên bang đã vận động hành lang chống lại kế hoạch từ nghị viện khi xây mạng lưới trạm sạc điện trên khắp các khu nghỉ chân ven đường toàn quốc. Lý do mà họ đưa ra là chúng khiến các trạm xăng truyền thống khó cạnh tranh nổi.
Dẫu vậy, khó khăn vẫn còn rất nhiều với các trạm xăng. Dù những thiết bị sạc Level 1 tại gia khá chậm nhưng như vậy là vẫn đủ cho các gia đình cắm qua đêm. Họ giờ đây có thể sạc xe chẳng khác gì sạc laptop hay điện thoại.
Thêm nữa, một chiếc xe điện sạc đầy có thể di chuyển tới gần 420km nên phần lớn người dùng chỉ cần sạc 1 lần trong ngày là đủ.
Như vậy khách hàng của các trạm sạc lớn chủ yếu sẽ là những người thường xuyên chạy đường dài. Điều này thể hiện rõ với ví dụ ở Na Uy khi 90% số xe bán mới hiện nay là ô tô điện. Dù các trạm xăng tại Na Uy đang cố gắng thay đổi như di chuyển ra khu vực đường cao tốc chạy dài hay lắp đặt thiết bị Level 3 nhưng phần lớn người dân nước này thường chỉ ghé qua có 1 lần/tháng.
Tờ The Vox cho biết xe điện hiện không chỉ thay đổi cách mà mọi người đi lại mà còn cả văn hóa bơm xăng nữa. Nhiều công ty như Electrify America có kế hoạch xây dựng những trạm sạc siêu sang, kết hợp văn phòng du lịch, không gian tổ chức sự kiện... tại California và New York vào cuối năm nay.
Cũng tại California, Tesla đã xây dựng một trạm sạc kết hợp quầy bar, quán cà phê với wifi miễn phí. Các hãng xe như Porsche hay Audi cũng đang có kế hoạch tương tự.
*Nguồn: The Vox
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng