"Ngày tận thế" của Fanpage - Doanh nghiệp nhỏ làm sao sống sót?

    PAV,  

    Ngày mà lượng tương tác tự nhiên đến từ Facebook giảm xuống còn 0, các doanh nghiệp quá phụ thuộc vào Facebook có cửa nào để tồn tại?

    Như chúng tôi đã phân tích trước đây, rất nhiều dấu hiệu thu được tự cộng đồng cho thấy rõ ràng lượng Reach từ các Fanpage đang ngày càng giảm mạnh và ngày con số Reach miễn phí từ các Fanpage giảm về 0 không còn xa.

    Hàng loạt chủ Fanpage kêu khóc thậm chí là lăng mạ Facebook vì ngày càng bóp nghẹt tính cộng đồng của Facebook nhưng định mệnh vẫn không thay đổi và việc mà các chủ Fanpage cần làm là đối mặt với nó. Vậy đối mặt bằng cách nào?

    Thay đổi chiến lược mở rộng Fanpage

    Trước đây chúng ta chỉ cần tìm ra một keyword và lập 1 Fanpage thật tốt về Keyword đó, rồi liên tục làm nội dung mang tính chất câu kéo, kích thích tò mò dẫn dụ người dùng vào like Fanpage để nó đạt được một con số mong muốn và bắt đầu đưa những Post liên quan tới sản phẩm mà mình kinh doanh vào. Thì tương lai chúng ta sẽ phải tìm ra 1 hướng đi hoàn toàn khác.

    Thuật toán của Facebook thay đổi với mục tiêu chính là phát triển mạng xã hội theo nhiều chủ đề, và các Fanpage hình thành để gom những người cùng yêu thích 1 nội dung nào đó. Vì vậy làm nội dung "nhảm nhí" câu view để khiến người dùng "ném" vào đó 2-3 like sẽ không giúp ích gì nữa, thay vào đó hãy cắt một cộng đồng lớn tới vài trăm nghìn Like ra thành nhiều cộng đồng nhỏ với quy mô nhỏ hơn và đối tượng chắt lọc hơn.

    Ví dụ, thay vì bạn lôi kéo đủ loại đối tượng người dùng từ nam nữ, già trẻ, độc thân hay có gia đình vào hết 1 sân chơi, sau đó lan truyền cho họ những sản phẩm công nghệ mà bạn đang bán rõ ràng tỉ lệ chuyển đổi sẽ rất thấp do chỉ có 1 phần nhỏ người dùng là nam giới và trẻ là đặc biệt quan tâm tới sản phẩm này. Trong khi đó thuật toán ngày càng bóp chặt và chỉ còn dưới 2% người dùng tiếp cận được thông tin bạn đưa ra, thật không may thông tin đó lại tới tai toàn những người không hề yêu thích công nghệ thì bạn sẽ chẳng thu được gì.

    Đổi lại, nếu phân tách rõ nhóm lớn nói trên ra thành nhiều nhóm theo 1 vài tiêu chí bạn sẽ sở hữu những tập khách hàng rõ ràng và có tỉ lệ mua hàng của bạn cao hơn. Ví dụ 1 nhóm khoảng 10 nghìn thành viên toàn là nam giới và ở độ tuổi thanh thiếu niên sẽ đảm bảo cho bạn từ 2-6% tiếp cận nói trên hứng thú với thông tin mà bạn đưa ra.

    Không chỉ có lợi về mặt tiếp cận từng tập khách hàng, việc chia nhỏ những nhóm đối tượng có cùng 1 yếu tố nào đó sẽ tạo động lực cho cá nhân trong nhóm tự tương tác với nhau. Rõ ràng 1 nhóm những bạn trẻ yêu thích điện thoại sẽ bàn tán sôi nổi về công nghệ hơn là 1 nhóm "hổ lốn" có đến quá nửa là chẳng biết gì về điện thoại, việc nhóm tồn tại những thành viên không phù hợp sẽ kéo cả cộng đồng đi xuống. Hiện tượng này sẽ biểu hiện ở những comment đại loại như: "Trong này giờ toàn những member tạp nham ở đâu comment linh tinh, hoạt động vô tổ chức như cái chợ", hoặc là "dạo này page toàn người ngoại đạo vào nói vớ vẩn, xin phép out", v.v...

    Chiến lược thâu tóm tới từng thành viên "cộm cán"

    Trong một cộng đồng luôn luôn tồn tại những người có đóng góp rất lớn và tiếng nói của họ có sức nặng hơn nhiều lần chủ Fanpage, chính vì vậy ngoài việc tiếp cận người dùng dưới dạng Fanpage đơn thuần hãy tìm đến một kiểu tương tác mở hơn đó là Group, điểm khác biệt của Group đó chính là người dùng có thể tương tác chéo với nhau thay vì tương tác dạng admin với cộng đồng như Fanpage.

     

     

    Chính điểm này sẽ khiến nhóm cùng chung sở thích đó xuất hiện 1 số cá nhân kiệt xuất có những bài Post khiến cả nhóm ngả mũ thán phục. Những người này chính là những Power User mà các bạn cần săn đón và lôi kéo được họ làm theo ý mình.

    Lúc này sự thuyết phục của doanh nghiệp sẽ thành (vài người) vs (1 nhóm nhỏ) thay vì (1 người) vs (1 tập thể lớn) và lợi hại ở đâu thì ai cũng rõ. Đó là chưa kể khi chỉ việc chăm sóng 1 nhóm nhỏ các bạn sẽ dễ dàng cô lập và thuyết phục riêng những thành viên có thái độ cực đoan với doanh nghiệp, đồng thời sự ảnh hưởng của thành viên cực đoan này lên 1 nhóm nhỏ sẽ không làm tổn hại nhiều tới uy tín doanh nghiệp.

    Thay đổi ở cách làm nội dung

    Trong mỗi nhóm việc làm nội dung (content) vô cùng quan trọng, bởi nó ảnh hưởng tới độ tương tác giữa các thành viên trong nhóm, ví dụ một nhóm quanh năm chỉ thấy rao bán các sản phẩm quen thuộc thì thành viên sẽ nhanh chóng rời bỏ sau khi có được sản phẩm họ cần. Chính vì vậy người làm Marketing sẽ phải tạo ra những chủ đề khác nhau để "níu chân" người dùng không rời đi sau khi mua sản phẩm.

    Trước đây, cách để làm Fanpage rất đơn giản, mục tiêu của người chủ chỉ là làm sao có thật nhiều Like là được bất kể là ai, chính vì thế kiểu Post những hình ảnh gây shock, phản cảm, câu view rất được ưa chuộng và số lượng post là càng nhiều càng tốt.

    Còn hiện nay, khi đã cắt nhỏ cộng đồng thành các nhóm có chung sở thích thì việc các bạn cần làm là chắt lọc nội dung, chỉ đăng tải những post mang tính thời sự nóng hổi và có chút ít liên quan tới nhóm mà bạn quản lý để kích thích bàn luận, những chủ đề được chọn này thường nên là những chủ đề chưa có hồi kết.

    Một ví dụ đơn giản đó là 1 nhóm yêu thích công nghệ ở Việt Nam hãy post những thông tin liên quan tới Bphone và chắc chắn cộng đồng sẽ tự phát triển nó sôi nổi tới tận vài ngày sau đó. Nghĩa là bạn nên tập trung vào đối tượng chính mình muốn hướng tới cho page thay vì đăng tải những nội dung "câu views" tràn lan vô tội vạ.

    Còn khi Facebook zero xảy ra, thay vì đăng tải nội dung 1 ngày vài chục lần, càng câu view càng tốt, bạn phải thay đổi thành 1 vài lần 1 ngày hoặc ít hơn. Nội dung phải thật nóng và nhiều điểm có thể mổ xẻ bàn luận.

    Cuối cùng, trả phí cũng hiệu quả hơn

    Khi mà lượng tương tác tự nhiên (organic Reach) biến mất thì việc trả cho Facebook 1 khoản phí để thông tin tiếp cận tới nhiều người hơn cũng là điều bắt buộc phải làm, nhưng khi đã chọn lọc thành từng nhóm nói trên việc trả phí sẽ hiệu quả hơn rất nhiều. Lúc này chi phí bỏ ra sẽ là tối thiểu và lợi ích thu được sẽ đạt cực đại.

    Chính vì vậy khi đã phát triển đầy đủ nền tảng theo chiều hướng mới thì đừng ngần ngại chi ra 1 chút ngân sách làm marketing để thu lại được nhiều lượt tiếp cận hơn nữa.

    Kết luận

    Khi nhìn vào những thay đổi mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang thay đổi chúng ta có thể thấy mạng xã hội đang phát triển theo 1 chiều hướng tích cực hơn, gom góp những người có cùng sở thích vào những nhóm chuyên biệt, tăng cường tương tác giữa người với người, giảm thiểu lượng người dùng ảo gây sai lệch chỉ số khi tính toán của doanh nghiệp.

    Vậy phải chăng Facebook Zero là một ngày tươi sáng chứ không hẳn là mịt mờ mây đen như chúng ta vẫn nghĩ?

    Tương tác cộng đồng giảm dần về 0, giới kinh doanh Facebook "méo mặt"

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày