Ngày xưa Steve Jobs trước khi qua đời vẫn còn cứng rắn với Amazon và Facebook, ngày nay làm sao có chuyện Tim Cook không quyết đấu với Epic tới cùng?
Chiến lược ứng xử của Apple đối với Epic (hay Amazon, Facebook, Spotify, Netflix, Google...) ngày nay là do Steve Jobs định nghĩa ra ngay trước khi qua đời. Và trong chiến lược ấy hoàn toàn không có cụm từ "nhân nhượng".
Mở đầu phiên giao dịch ngày 19/8 tại Phố Wall, Apple đã làm được kỳ tích: trở thành công ty Mỹ đầu tiên và cũng là công ty công nghệ đầu tiên trên thế giới cán mốc 2 nghìn tỷ USD trị giá. Với kỳ tích này, Apple hiện tại đang có định giá cao gần 2 lần Google, 6 lần Samsung và 10 lần Qualcomm.
Cột mốc 2 nghìn tỷ cũng đến vào một thời điểm không thể đặc biệt hơn: hiện tại, Apple vừa trở thành bị đơn của Epic Games trong một vụ kiện có thể thay đổi tương lai của thế giới công nghệ. Sau khi Fortnite bị gỡ khỏi App Store, Epic đã đệ đơn kiện Apple (và Google) với 2 yêu cầu: được quyền sử dụng phương thức thanh toán riêng (không chia doanh thu) và được quyền mở chợ ứng dụng ngay trên sân nhà của Táo.
Nhưng nếu như lịch sử của Apple là minh chứng, chắc chắn Epic sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến tàn khốc phía trước. Từ các ông lớn như Amazon hay Facebook cho đến các nhà phát triển ứng dụng độc lập, chưa bao giờ công ty của Tim Cook biết "nhân nhượng" ai cả.
Ngay cả Amazon cũng chỉ biết ngậm ngùi hủy bỏ khả năng thanh toán trên ứng dụng iOS chứ không dám "hục hặc" với Apple.
Thực tế, tư tưởng thẳng tay này đã có từ thời đại của Steve Jobs. Tháng 11/2010, khi bệnh tình đã trở nặng, nhà sáng lập Apple vẫn thể hiện sự cứng rắn tuyệt đối trong mối quan hệ với Amazon. Lúc này, iPad cũng chưa tròn 1 năm tuổi đời, chiến lược nội dung của Apple vẫn chưa được định hình rõ ràng như ngày nay. Khi được các "phó tướng" hỏi về việc Amazon đang quảng bá Kindle là dịch vụ đọc sách cho cả iPhone lẫn Android, Steve Jobs đã thẳng thừng trả lời:
"Đã đến lúc Amazon phải quyết định có dùng dịch vụ thanh toán của chúng ta, hay là cuốn xéo đi. Và tôi nghĩ đây cũng là lúc chúng ta phải áp dụng điều này với tất cả các gói dịch vụ thường xuyên (sub), trừ những gói đang có sẵn".
Bắt đầu từ thời điểm này, chính sách chia sẻ doanh thu bắt đầu được thắt chặt trên toàn bộ App Store. Dù là một trong số ít những ông lớn công nghệ có quy mô ngang ngửa Apple, Amazon vẫn phải tuân theo yêu cầu của Steve Jobs khi đặt chân lên iOS. Ứng dụng Kindle trên iPhone/iPad nhanh chóng bị gỡ bỏ tính năng thanh toán trực tiếp và chỉ còn một công dụng duy nhất: đọc những cuốn sách đã được mua từ Amazon.com trước đó.
Nhà phát triển chỉ có 2 lựa chọn: hoặc bỏ hoàn toàn tính năng thanh toán trên app iOS và gây khó cho người dùng...
Bên trong Kindle, Amazon cũng buộc lòng phải tuân theo quy định ngặt nghèo của Táo: nếu không dùng dịch vụ thanh toán của Apple thì cũng không được quyền đề cập tới bất cứ phương thức mua sách nào khác cả. Gã khổng lồ thương mại điện tử số 1 thế giới buộc phải… hy vọng rằng người dùng sẽ biết phải mua sách ở bên ngoài từ trước rồi mới có thể đọc trên ứng dụng iOS.
Nhiều ông lớn khác cũng chịu chung tình cảnh với Amazon Kindle. Netflix là ví dụ điển hình. Phiên bản iOS của dịch vụ này chỉ có thể sử dụng nếu người dùng đã MUA gói nội dung trên netflix.com TRƯỚC KHI đăng nhập vào ứng dụng iOS. Đây rõ ràng là một trải nghiệm gây bất tiện cho người dùng, và hoàn toàn đúng với dụng ý của Steve Jobs. Chỉ vài tháng trước khi qua đời, ông mail cho cấp dưới:
"Người dùng có thể [dùng thiết bị iOS] để đọc những quyển sách mua từ nơi khác, nhưng họ sẽ không thể mua, thuê hay mua gói nội dung trên iOS nếu không trả tiền cho Apple. Chúng ta sẽ công khai rằng điều này gây khó cho người dùng".
Lựa chọn thứ hai: đặt mức giá đắt hơn hẳn trên iOS để có thể trả 30% cho Apple, nhưng cùng lúc phải tuyệt đối im lặng về các phương thức thanh toán rẻ hơn (qua web chẳng hạn).
Một số nhà phát triển khác không dám đặt cược như Amazon hay Netflix. Họ không dám tạo ra một trải nghiệm không đầy đủ trên iOS, không dám hy vọng rằng người dùng sẽ luôn mua nội dung từ web TRƯỚC KHI mở ứng dụng iOS. Vì thế, họ đưa dịch vụ thanh toán của Apple vào trong ứng dụng, nhưng lại buộc người dùng phải trả phí 30% thay cho mình. Ví dụ, YouTube Music trên iOS có giá đắt hơn 30% so với giá Android hay web. Dịch vụ nghe nhạc chất lượng cao Tidal cũng đắt hơn 30% so với giá Android và web. Riêng ứng dụng hẹn hò Tinder trên iOS thậm chí còn tăng giá gấp đôi.
Facebook cũng đã phải lên tiếng phàn nàn về chính sách này. Trong thời gian vừa qua, Facebook đã bắt đầu cung cấp dịch vụ tổ chức sự kiện online tới các doanh nghiệp nhằm "giảm ảnh hưởng của Covid-19". Mạng xã hội số 1 hành tinh đã trực tiếp thỉnh cầu Apple miễn trừ mức 30% chi phí khỏi nguồn thu nói trên, xong bị từ chối.
Nhưng Facebook cũng chỉ phàn nàn chứ chẳng trực tiếp tham gia kiện tụng với Epic. 10 năm trước, khi chính sách chia sẻ này lần đầu tiên được công bố rộng rãi, nhóm phát triển ứng dụng Facebook iOS là những người đầu tiên lên tiếng phàn nàn. Phản hồi từ Steve Jobs chỉ là một email ngắn ngủi:
"Có lẽ đã đến lúc chúng ta cắt liên lạc với [trưởng nhóm phát triển Facebook]".
Trước khi qua đời, Steve Jobs không cho phép Apple được nhân nhượng trước bất kỳ công ty nào về vấn đề chia sẻ doanh thu.
Có vẻ như, trừ Epic và Spotify, tất cả các công ty công nghệ đều hiểu rằng "nhân nhượng" không có trong gen của Apple. Mới đây, ngay trước thềm sự kiện WWDC - nơi tương lai của Mac ARM được công bố, một dịch vụ email có tên "Hey" đã lên tiếng công kích chính sách kiểm soát ứng dụng "rỗng" của Apple. Những tưởng đòn đau truyền thông này sẽ khiến Apple phải nhân nhượng, nhưng không, cuối cùng Hey vẫn phải sửa đổi theo yêu cầu của Apple để có thể trở lại với App Store.
Trước Epic, kẻ đầu tiên dám kiện Apple là Spotify cũng chưa làm được gì cả. Năm ngoái, Spotify vừa mở lời than phiền lên Ủy ban Châu Âu EC đã bị Apple đáp trả một cách đanh thép. Vụ kiện tại châu Âu đến nay vẫn chưa có kết luận, nhưng từ đó đến nay Spotify đã buộc phải xuống nước, đặt chân lên Siri, Apple TV và Siri của Apple Watch.
Sự thật là, nếu Spotify dám quyết chiến tới cùng, có lẽ công ty nhỏ bé này đã bị Apple bóp chết. Apple trị giá 2 tỷ USD, nắm trong tay 200 tỷ USD tiền mặt - thừa đủ để mua Spotify tới... 4 lần.
Đế chế 2 tỷ đô của Tim Cook sẽ quyết chiến với Epic tới cùng.
Epic cũng vậy - khoản doanh thu 1,8 tỷ USD của Fortnite chỉ là "mắt muỗi" so với bất kỳ mảng kinh doanh nào của Táo. Sắp tới đây, Epic sẽ tận mắt rơi vào thảm cảnh vì dám thách thức Tim Cook: Apple sẽ ngăn cập nhật bộ phát triển Unreal Engine và tất cả các game/ứng dụng được phát triển từ Unreal nữa. Với một kẻ dám hỗn láo đưa mình ra tòa, phản hồi của Apple cũng thủng thẳng như những email của Steve Jobs năm xưa
"Vấn đề mà Epic đã tự tạo ra là một thứ có thể dễ dàng được khắc phục nếu họ gửi [cho Apple] một bản cập nhật ứng dụng để tuân thủ các nguyên tắc mà họ đã đồng ý trước đó, cũng là các nguyên tắc áp dụng cho tất cả các nhà phát triển. Chúng tôi sẽ không tạo ngoại lệ cho Epic...".
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng