Nghe các Giáo sư giải thích về sóng hấp dẫn đơn giản đến mức trẻ con cũng hiểu được

    Dink,  

    Bạn thấy hàng tràng dài chữ về "sóng hấp dẫn" hoàn toàn không hấp dẫn tí nào? Vậy bạn nên đọc bài viết này!

    Bạn bị hấp dẫn với các thông tin về sóng hấp dẫn? Nhưng bạn lại không thấy hấp dẫn khi đọc cả trang chữ về sóng hấp dẫn nhưng lại không hiểu thêm gì về nó? Vì vậy tôi tìm kiếm một chút giúp đỡ từ các nhà khoa học, nhờ họ giải thích cụm từ chuyên môn này một cách đơn giản nhất, “đến trẻ con cũng hiểu”.

    Theo như lời của nhà vật lý học Daniel Holz tại Đại học Chicago

    Khi bạn thả một vật và nó rơi xuống sàn, đó là lực hấp dẫn của Trái Đất kéo nó xuống. Bạn không thể nhìn thấy nó, cũng không thể sờ thấy nó nhưng nó vẫn ở đó, từ cái ngày Trái Đất hình thành cơ.

    Trong vũ trụ, hố đen có lực hút mạnh hơn gấp nhiều lần Trái Đất. Mạnh đến mức ánh sáng lọt vào cũng không thể thoát ra được. Và khi những hố đen vũ trụ này chẳng may va chạm vào nhau, chúng sẽ tạo ra những đợt sóng cực lớn, thông báo với cả vũ trụ rằng chúng vừa làm gì.

    100 năm trước, có một thiên tài đã nói với chúng ta rằng có những loại sóng hấp dẫn này trong không gian đó, thậm chí là rất nhiều. Chúng ta không biết chắc rằng điều này có xảy ra không, cho tới khi chúng ta có thể tạo nên một chiếc tai đủ thính để nghe được những sóng này! Thiên tài đó, Albert Einstein, đã đi trước chúng ta cả trăm năm.

    Theo như lời giáo như vật lý và thiên văn học tại Đại học Northwestern, Vicky Kalogera

    Tưởng tượng bạn đang chơi trò xoay vòng tròn với bạn của mình. Bạn nắm tay cô ấy và xoay vòng vòng. Nếu bạn kéo cô ấy lại vào vòng tay của mình, thì cuối cùng hai người sẽ va vào nhau và ngã lăn ra đất

    Trong vũ trụ cũng tương tự, các ngôi sao bay vòng vòng và khi nào chúng trở nên già cỗi và héo úa, chúng trở thành màu đen, và dần dần biến thành hố đen vũ trụ. Nhưng đến khi già rồi, chúng vẫn thích chơi trò xoay vòng như hồi còn trẻ. Như bạn và cô bạn kia, chúng cũng kéo những thứ khác lại và va vào chúng.

    Tưởng tượng tiếp nhé, bạn và cô ấy nhảy xuống hồ, các bạn sẽ khiến nước bắn tung tóe, đồng thời tạo nên những gợn sóng trên mặt hồ. Và trên vũ trụ cũng vậy, những gợn sóng đó chính là sóng hấp dẫn khi mà có những va chạm trên đó vậy.

    Tiếp theo là lời giải thích của Fulvio Melia, giáo viên vật lý, toán học và thiên văn học tại Đại học Arizona

    Khi một con thuyền lớn nhấp nhô trên biển, những vật thể nổi trên mặt nước xung quanh nó hẳn cũng nhấp nhô phải không?

    Tưởng tượng vậy nhé, vũ trụ là biển rộng và các hành tinh, các ngôi sao và các thiên hà đều là thuyền và những vật nhỏ hơn nổi trên biển vậy. Biển thì có bao giờ ngừng sóng? Trên vũ trụ cũng vậy, cùng có nhiều đợt sóng (mà người ta gọi là sóng hấp dẫn), ảnh hưởng đến mọi “con thuyền” trên đó. Và những gợn sóng đó được tạo ra bởi lực hấp dẫn.

    Hãy nghĩ tới một cái nam châm, lực hấp dẫn tương tự như vậy đó. Và trên vũ trụ, cái gì cũng có một “nam châm” của riêng mình. Và bạn thấy không, Mặt Trời của chúng ta lớn đến mức có thể hút được Trái Đất, Trái Đất cũng có “nam châm” của riêng mình để hút Mặt Trăng. Nhờ có lực hấp dẫn, tất cả đều thu hút lẫn nhau, vì chúng thu hút lẫn nhau nên chúng muốn lao vào ôm nhau thật chặt. Nhưng điều đó là không thể, nên chúng gửi đi những sóng nhỏ tới nhau.

    Trước đây việc đo đạc những sóng này cực kì khó, cho đến khi có những ngôi sao phát ra những sóng cực lớn trước khi chúng “lìa đời”. Những sóng đó lớn đến mức, chúng ta đã có thể đo được chúng.

    Cuối cùng là lời giải thích của nhà nghiên cứu Brian Lantz tại Đại học Stanford

    Bạn đặt hai quả bowling lên một tấm chăn được căng ra, hai quả bowling đó sẽ tiến lại về phía nhau do sức nặng của chúng kéo khu vực chăn xung quanh mình trũng xuống. Và y như vậy, hố đen vũ trụ cũng kéo trũng toàn bộ khoảng không gian xung quanh nó (thậm chí là cả thời gian nữa).

    Và khi hai quả “bowling vũ trụ” kia va chạm, chúng sẽ tạo ra một vụ nổ cực lớn. Và khi đó, chúng ta có thể nghe thấy những vụ nổ ấy, bằng cách đo đạc những sóng hấp dẫn mà chúng phát ra.

    Sau những lời giải thích cực kì đơn giản về định nghĩa ấy ...

    Cụm từ “sóng hấp dẫn” dễ hiểu hơn với bạn rất nhiều rồi phải không? Tôi biết là thế mà! Rất hân hạnh được giúp đỡ các bạn có thêm chút kiến thức!

    Tham khảo The Guardian

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày