Nghề hướng dẫn viên và những cái Tết không trọn vẹn

    Quang Vũ,  

    "Bạn tưởng tượng sáng Mùng 1 Tết, đón giao thừa xong mọi người đi chơi rất là vui, mình phải lóc cóc 6h sáng ôm vali ra đường, đứng giữa sân bay..."

    Chuyện chẳng có gì, chỉ là cái nghề vốn thường gắn liền nhiều vọng tưởng đẹp tựa mắt biếc nhưng cuối cùng như nàng thơ Hà Lan, vẫn có những đắng cay, hụt hẫng mà chỉ người trong nghề mới hiểu. Tôi và các bạn sắp có cái nhìn sâu sắc hơn về ngành hướng dẫn viên thông qua chia sẻ của anh Huỳnh Nguyên Vũ, một người có thâm niên 8 năm trong nghề, chuyên về các chuyến du lịch nước ngoài (dân trong ngành hay gọi là tour outbound). Có cơ hội đặt chân đến nhiều vùng đất khác nhau có thể nói người hướng dẫn viên du lịch được cũng nhiều mà đánh đổi cũng chẳng ít.

    Nghề hướng dẫn viên và những cái Tết không trọn vẹn - Ảnh 1.

    Nhiều người chúng ta hẳn không còn xa lạ gì sự bận rộn "ngược đời" của ngành nghề du lịch nói chung, hướng dẫn viên nói riêng: mọi người nghỉ thì mình làm, mình nghỉ khi người ta làm. Dễ hiểu khi Tết đến, nhà nhà quần tụ bên nhau cũng đồng nghĩa bắt đầu một mùa làm việc cao điểm với các hướng dẫn viên du lịch.

    Nhắc tới Tết với anh Vũ là nhắc tới cột mốc đáng nhớ bởi tour đầu tiên anh nhận đúng vào ngay dịp Tết nguyên đán năm 2013 với nhiệm vụ dẫn 40 khách đi Campuchia. "Thời điểm đó, một hướng dẫn viên mới ra nghề mà được đi tour nước ngoài là một điều gì đó khá là to lớn. Mình có đi chơi Campuchia một lần trước đó, tức đã có trải nghiệm đủ hết mọi thứ bên họ nhưng mà lo vẫn lo tại vì tâm thế đi chơi và đi làm là hoàn toàn khác nhau. Bạn cứ tưởng tượng một thằng bé còn đi học 21 tuổi mà phải đảm nhận công việc tiếp xúc với hơn 40 con người, đủ mọi lứa tuổi, thành phần trong chuyến đi 4 ngày 3 đêm", anh kể lại.

    Nghề hướng dẫn viên và những cái Tết không trọn vẹn - Ảnh 2.

    "Còn nhớ lúc nhận thông tin mình sẽ đi tour trước đó cả hai tháng thì mình gần như mất ngủ nguyên thời gian đó, cứ trằn trọc tới 1, 2 giờ sáng mới ngủ được tại vì lo. Lo vì mình mới ra nghề, chưa có kinh nghiệm nhiều, tour đầu tiên lại rất đông, tầm 40 người. Nhiều người nói làm hướng dẫn viên sướng được đi đây đi đó nhưng tâm lý giữa việc đi chơi với đi làm hoàn toàn khác nhau. Làm hướng dẫn bạn chỉ cần lơ là ra một chút thôi là xảy ra chuyện, ảnh hưởng đủ thứ hết. Nên lúc nào bạn cũng phải căng mắt ra quan sát. Cũng sẽ có lúc mình được tận hưởng nhưng rõ ràng là tâm thế sẽ khác so với lúc mình đi chơi. Mình nhớ hoài cảm giác đó. Thực sự khi đi thi đại học mình còn không trăn trở bằng cái lần đầu tiên lên tour. Tới bây giờ lâu lâu lại nằm mơ thấy cảnh ngày xưa (cười)".

    Đó là tour đầu tiên của anh cũng là lần đầu tiên phải ăn Tết xa nhà nên anh thừa nhận cảm giác nhớ nhà là điều chắc chắn phải có: "Tết mà, lên trên tour gia đình người ta ai cũng đi chơi riêng mình phải đứng nhìn". Và từ đó cảnh phải xách hành trang ra khỏi nhà ngay những ngày đầu năm mới với anh luôn để lại khoảng trống hụt hẫng mà một khi "ôm cái nghiệp này vào thân" là phải chấp nhận.

    Anh chia sẻ: "Mình nhớ hoài năm 2014 nhận tour đi Singapore 4 ngày ngay từ Mùng 1 Tết. Bạn tưởng tượng sáng Mùng 1 Tết, đón giao thừa xong mọi người đi chơi rất là vui, mình phải lóc cóc 6h sáng ôm vali ra đường, đứng giữa sân bay. Tối đó mình nằm trong một khách sạn lớn 4 sao, view rất là đẹp nhưng ở trong phòng một mình buồn hiu, người khác thì họ đi chơi hết. Dù ở trong khách sạn xịn thật xịn, mọi thứ có hết lại ngay trung tâm của Singapore nhưng cảm giác cô đơn, trống trãi là thứ không gì khỏa lấp được. Sau tour đó, mình về nghỉ hai ngày rồi lại ôm ba lô đi tiếp. Nói chung là mình mất Tết năm đó luôn".

    Nghề hướng dẫn viên và những cái Tết không trọn vẹn - Ảnh 3.

    Đi tour nước ngoài nên tôi cũng tò mò hỏi khi nhớ nhà như vậy thì anh làm thế nào, câu trả lời anh đáp lại nghe có thể nói là dễ đoán nhưng ngẫm ra sẽ thấy "chịu chi phết" - gọi điện thoại. Anh kể: "Thời gian đầu đi tour mình hay gọi về gia đình lắm. Hồi đó mạng xã hội chưa phổ biến như Zalo, Viber bây giờ. Mình là người đầu tiên trong nhà xài smartphone, trong khi bố mẹ vẫn dùng điện thoại "cục gạch". Vì thế mình chỉ còn cách gọi thẳng về nhà nên cước phí không hề rẻ. Mình nhớ đi tour đầu tiên, cước phí mình gọi về đã tới 600, 700 ngàn, con số thời điểm cách đây hơn 7 năm trước là không hề nhỏ. Sau này công nghệ phát triển, mình tiết kiệm được phần đó khá nhiều tại vì mạng xã hội đã quá phổ biến. Không chỉ gọi về nhà không, mà mình còn phải gọi về công ty báo cáo, xin chỉ đạo này nọ nên nhiều khi tiền công tác phí không đủ bù cho tiền điện thoại nữa (cười)".

    Nghề hướng dẫn viên và những cái Tết không trọn vẹn - Ảnh 4.

    Thông thường mọi người nghĩ về nghề hướng dẫn được vi vu đây đó, ăn ngon, mặc đẹp, ở nhà hàng, khách sạn xịn nhưng nếu duy tâm một chút, theo luật nhân quả thì các hướng dẫn viên phải chấp nhận đánh đổi. Có những điều mang tính hiển nhiên, như cách anh Vũ nói: "Công việc này nó mở ra cho mình nhiều mối quan hệ khác nhưng đồng thời góp phần kết thúc các mối quan hệ cũ luôn".

    Anh chia sẻ vui rằng bản thân anh hay bị mang tiếng là "hứa lèo" bởi lên lịch hẹn hò các kiểu với đám bạn nhưng xui sao công ty giao tour trùng ngày là phải "bái bai, tao đi làm đây". "Nhưng nếu bạn bè thân biết mình làm nghề này thì họ sẽ hiểu và không có trách tại vì tính chất nó là như thế. Về khi nào rảnh thì hú nhau cafe, không rảnh thì cũng chịu".

    Thêm một điều nữa có thể sẽ khiến nhiều Gen Z phải lăn tăn khi chọn theo học nghề này đấy: "Có một thống kê vui rằng hướng dẫn viên là một trong mười nghề nghiệp dễ bị "ế" nhất. Nếu may mắn mình sẽ kiếm được một người yêu, bạn đời thật sự thông cảm cho nghề nghiệp của mình", câu nói của anh hóm hỉnh nhưng thực sự thì hẳn không ai muốn mình nằm trong danh sách kém may mắn cả.

    Nghề hướng dẫn viên và những cái Tết không trọn vẹn - Ảnh 5.

    Và có cả những rủi ro, xác suất người hướng dẫn viên phải sẵn sàng đánh đổi dù nó có thể buồn, thậm chí đắng cay mà anh Vũ thốt lên rằng "chỉ hy vọng sau này mình không gặp phải!". Anh nói về việc người hướng dẫn viên có thể bỏ lỡ những thời khắc linh thiêng bên gia đình của mình. "Mình đã chứng kiến cảnh lúc người vợ của những người anh làm chung lâm bồn thì họ không có ở bên cạnh để động viên, cổ vũ và đón chờ giây phút linh thiêng nhất là đứa con cất tiếng khóc đầu đời. Chuyện sanh nở thường không nói chính xác được, đứa bé có thể chui ra bất cứ lúc nào, chẳng may lại trúng ngay lúc họ phải lên đường đi tour. Có thể coi đó là mặt trái của nghề hướng dẫn viên".

    "Có những chuyện còn đau lòng hơn nữa. Mình từng chứng kiến cảnh rất là đau lòng khiến mình bị ám ảnh và chỉ hy vọng rằng sau này mình không gặp phải thôi. Một người anh lớn tuổi trong nghề, hôm đó anh bay đi Mỹ. Chẳng may bố anh ấy mất mà trong tối đó anh phải bay đi Mỹ. Cách đây chừng 5 năm, việc đi Mỹ khó lắm tại vì vấn đề VISA, vé máy bay. Xui cho anh ấy là không thể đổi được người đi bởi ở Sài Gòn lúc ấy kiếm được hướng dẫn viên đủ chuẩn đi Mỹ không phải dễ, không phải như bây giờ ai cũng có thể đi. Anh ấy không đổi được và phải xách vali đi tour ngay trong ngày đám tang của bố. Anh ấy chỉ có thể chào một câu từ biệt mà thôi. Bạn có thể nghĩ tới cảnh đang có đám tang người thân mình mà trên tour nụ cười luôn phải thường trực", giọng anh trầm xuống.

    Đó là mặt trái về nghề nổi tiếng xê dịch này mà ít ai nghĩ tới. Mà nghĩ tới để làm gì? Để định hướng một cách sâu sắc, đa chiều hơn đối với những ai còn phân vân theo nghề, để chúng ta trân quý hơn những gì các hướng dẫn viên đang làm.

    Nghề hướng dẫn viên và những cái Tết không trọn vẹn - Ảnh 6.

    Câu chuyện "mẹ chồng - nàng dâu" chưa bao giờ nguội lạnh thì cái nghề "làm dâu trăm họ" như hướng dẫn viên du lịch làm sao luôn đảm bảo được sự hài lòng đối với khách hàng hẳn lúc nào cũng nóng. Câu nói của anh Vũ "Bạn có thể nghĩ tới cảnh đang có đám tang người thân mình mà trên tour nụ cười luôn phải thường trực" thực sự khiến tôi ám ảnh nhưng nó cho thấy mức độ chuyên nghiệp cần phải có đối với người làm dịch vụ.

    Không chỉ chấp nhận đánh đổi nhiều thứ, bản thân người hướng dẫn viên còn nổi tiếng đa tài, liên tục trau dồi thêm nhiều kỹ năng, tựu chung lại cũng vì mục đích phục vụ khách hàng tốt hơn. "Công việc của mình cần phải cải tiến hằng ngày để làm hài lòng khách hàng. Như công việc hướng dẫn ngày xưa đi không cần phải chụp hình gì, sau này thì phải kiêm hết", chàng hướng dẫn viên 28 tuổi tiết lộ.

    Nghề hướng dẫn viên và những cái Tết không trọn vẹn - Ảnh 7.


    Anh kể về thời gian trước đây, yêu cầu công việc kiêm nhiệm thêm cả vai trò thợ chụp ảnh cho đoàn khiến hành trang mang theo gói gọn trong chữ "đuối": "Khoảng 6, 7 năm trước thôi, đi tour để chụp ra hình đẹp thì không thể nào cầm một chiếc điện thoại được, bắt buộc bạn phải vác theo một cái máy ảnh. Nguyên ngày chạy tới chạy lui mà bộ máy ảnh rất là nặng, khoảng 3 kg, chưa kể mình phải mang theo đồ đạc các thứ nữa. Khách hàng mà muốn có hình liền thì buộc phải mang theo cái laptop... Nhiều người nghĩ cân nặng nó không quan trọng nhưng với người theo nghề hướng dẫn như mình, giảm được nhiêu cân nặng là càng mừng bấy nhiêu".

    Khoảng hai năm đổ lại đây, anh cho biết chỉ còn mang máy ảnh lẫn laptop theo khi khách yêu cầu. Công việc chụp ảnh được anh tự tin dùng dùng chính chiếc Galaxy Note8 và gần đây là Galaxy Note10 thực hiện. "Khi chiếc điện thoại được nâng cấp nhiều về camera và mọi thứ, nó giúp cho công việc hướng dẫn của mình rất là nhiều. Mình chỉ cần rút cái điện thoại ra chụp cái kịch, dùng những cái app tải trên chợ ứng dụng, chỉnh chút xíu là có tấm ảnh đẹp. Và mình có thể gửi thẳng cho khách hàng ngay tại lúc đó thay vì phải đợi về tới nhà, rút cái thẻ nhớ cắm vô máy, mở Photoshop chỉnh chỉnh các kiểu, sau đó lại xin mail khách hàng. Trong nghề mình gọi đó là chăm sóc khách hàng trên tour", anh chia sẻ.

    Một số hình ảnh anh Vũ chụp và gửi ảnh ngay cho khách bằng chiếc Galaxy Note của mình

    Đặc biệt anh Vũ còn kể chính chiếc điện thoại giúp anh "dễ thở" mà vẫn chu đáo với khách trong mùa cao điểm: "Với hướng dẫn viên như tụi mình, đặc biệt vào dịp cao điểm, xong một tour tụi mình về tối này, 4, 5 giờ sáng hôm sau lại ôm balo lên tour đi tiếp. Nếu như vẫn chụp bằng máy ảnh thì rõ ràng không có thời gian đâu mà gửi cho khách hàng. Và tâm thế khách hàng ai cũng vậy, được chụp hình là rất mong chờ hình của mình trông như thế nào. Chưa nói việc nhiều khi về lại xảy ra chuyện này chuyện kia hay đôi lúc mình không nhớ gửi ảnh nên việc chụp xong và gửi cho khách hàng liền ngay lúc đó thì dễ dàng, tiện lợi hơn".

    Dù là người sành sỏi tiếng Anh, biết giao tiếp cơ bản tiếng Thái và một ít tiếng Nhật, anh cũng gặp không ít hoàn cảnh éo le trong giao tiếp nhưng qua đó sự đa năng của chiếc điện thoại giúp công việc của anh thêm trôi chảy: "Một số nước như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản có ngôn ngữ đặc thù của họ và ít tiếp nhận tiếng Anh. Có những trường hợp minh đi Trung Quốc, vô khách sạn 4, 5 sao lễ tân không nói được tiếng Anh. Lúc đó là mình xài động từ "tui quơ". Ngày xưa mình đi quơ tay quơ chân tới khi nào họ hiểu thì thôi. Bây giờ có những phần mềm dịch ra, mình chỉ cần nói hoặc gõ ra rồi đưa cho họ. Công nghệ giờ hỗ trợ rất là tiện. Mình để sẵn như Hàn Quốc, Nhật Bản, ... Đến quốc gia nào thì bật lên. Ngoài ra cây bút S Pen rất là hay, nhiều cụm từ mình lấy cây viết chọt vô là nó dịch ra luôn".

    Nghề hướng dẫn viên và những cái Tết không trọn vẹn - Ảnh 9.

    Điện thoại hiện nay là vật bất ly thân với nhiều người, mà với nghề hướng dẫn viên nó tác động tới một cách sâu sắc. Giờ đây anh Vũ có thể bỏ bộ máy ảnh, bỏ laptop ở nhà và thậm chí là cả sổ sách, bút viết, tất cả được anh tóm gọn một cách hóm hỉnh: "Mình họp ở công ty thấy ai cũng sổ sách này nọ. Sếp hỏi sổ sách đâu, mình đáp "dạ, điện thoại với cây viết này là em mần được rồi". Nhiều khi viết trên sổ sách giấy tờ phải mất công mang theo, đôi khi còn không nhớ, trong khi điện thoại thời đại 4.0 thì lúc nào cũng kè kè, sát bên, không thể thiếu nó được. Công việc của mình không có điện thoại, một thời gian sau mở điện thoại lên là sẽ thấy họa ập tới (cười). Chính vì thế không bất ngờ khi anh chia sẻ rằng trong hành trang đi tour bây giờ, thiết bị điện tử anh mang theo chỉ bao gồm chiếc điện thoại, pin dự phòng và cáp sạc mà thôi.

    Nghề hướng dẫn viên và những cái Tết không trọn vẹn - Ảnh 10.

    Đặc thù công việc làm xuyên lễ, tôi tò mò hỏi anh về cách gia đình đón Tết, dành tình cảm cho nhau ra sao? Anh đáp lại: "Ba mẹ biết công việc mình như thế, bản thân ba mẹ mình ngày xưa cũng là phóng viên dịp Tết vẫn hay đi săn tin, lấy tin các kiểu nên cũng hiểu được. Gia đình mình sẽ chuẩn bị Tết sớm, đồng thời mình hay xin công ty Mùng 2, Mùng 3 mới nhận tour để ngày 30, Mùng 1 ở nhà với gia đình. Tất nhiên mình xin vậy thôi, mọi chuyện còn do công ty sắp xếp bởi không chỉ lo cho mình không mà còn sắp xếp cho các bạn nhân viên khác. Rồi còn tính chất tour phù hợp với hướng dẫn viên nào nên nếu công ty chọn mình thì cũng phải đi thôi".

    "Ngày xưa lúc còn đi học, gần Tết thì khoái lắm. Mình xách đít đi chơi suốt vì biết lễ Tết bố mẹ chẳng la đâu. Một ngày có thể tới 10 tiếng đi chơi với bạn bè, đánh game, đi trung tâm thương mại, bowling các kiểu... Sau này gần Tết là mình cứ ở nhà, nó ngược lại (cười). Bố mẹ mình giờ cũng lớn tuổi nên mình tranh thủ ở nhà để phụ giúp. Nói chung là cố gắng ở nhà nhiều nhất có thể", tôi cảm nhận được trong giọng anh có chút bùi ngùi.

    Nghề hướng dẫn viên và những cái Tết không trọn vẹn - Ảnh 11.

    Nói về cảm xúc phải rời khỏi nhà ngay giữa những ngày đầu năm mới những năm gần đây, có sự hài hước trong câu nói của anh nhưng đồng thời không giấu đi ham muốn được ở bên gia đình trọn vẹn dịp Tết của bất kỳ hướng dẫn viên nào, âu cũng bởi chữ nghề đi liền chữ nghiệp. "Tới bây giờ đi tour dịp Tết thì mình hơi chai cảm xúc rồi (cười). Tất nhiên là vẫn có một chút gì đó bồi hồi, khó tả lắm bởi dịp này thì ai cũng mong muốn được ở bên gia đình. May mắn hơn các bạn đồng nghiệp khác là nhà mình ở Sài Gòn luôn nên thường được ở gần ba mẹ. Những bạn ở tỉnh khác lên đây mưu sinh lập nghiệp thì còn khao khát tình cảm gia đình dịp Tết hơn nữa kìa. Mình từng biết trường hợp các bạn tranh thủ chạy xe về để ở bên gia đình vài tiếng, đón giao thừa bên cạnh người thân rồi cầm xe chạy ngược lên lại Sài Gòn để đi tour. Có nhiều bạn hướng dẫn như thế, họ tận dụng từng giây phút để bên cạnh gia đình".

    8 năm làm nghề mang lại những gì cho anh? Câu hỏi được anh trả lời mạch lạc và sâu sắc rằng được đi nhiều nơi, tiếp xúc vùng văn hóa khác nhau giúp cái đầu mở ra rất là nhiều, rằng mối quan hệ rộng ra, hiểu hơn nhiều ngành nghề khác từ chính khách hàng, ... Nhưng tôi tin sự ngóng trông của người thân ở nhà, sự phát triển của công nghệ giúp công việc được chuyên nghiệp và gọn nhẹ với chỉ một chiếc điện thoại và cả trong mục tiêu phấn đấu mỗi người hướng dẫn đều có âm hưởng: đi để trở về.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày