Nghe kĩ sư Nikon giải thích về những ưu điểm của ngàm Z-mount trên hệ thống máy ảnh không gương lật

    M.Đức,  

    Flange Distance (khoảng cách buồng tối) và Mount Diameter (đường kính ngàm) là 2 yếu tố cực kì quan trọng, ảnh hưởng tới cách thiết kế ống kính và chất lượng hình ảnh cuối cùng.

    Nghe kĩ sư Nikon giải thích về những ưu điểm của ngàm Z-mount trên hệ thống máy ảnh không gương lật - Ảnh 1.

    Khi ra mắt bộ đôi máy ảnh không gương lật Z6 và Z7, Nikon dành một thời gian rất dài để giới thiệu về ngàm gắn ống kính Z-mount hoàn toàn mới. Ngàm F dành cho DSLR của Nikon đã được ra mắt từ 59 năm trước, và hãng đã 'cố thủ' sử dụng ngàm đó đến tận bây giờ. Nhưng công nghệ đã thay đổi rất nhiều trong thời gian đó, và các kĩ sư của hãng máy ảnh Nhật Bản đã phải thiết kế lại hệ thống ngàm Z mới để có thể đáp ứng được hệ thống ống kính trong tương lai.

    2 yếu tố làm nên sự khác biệt này đó là Flange Distance (khoảng cách buồng tối) ngắn hơn và Mount Diameter (đường kính ngàm) lớn hơn. Nhưng tại sao thay đổi 2 yếu tố này lại làm nên một hệ thống máy ảnh tốt hơn?

    Chuyên gia Ausushi Suzuki giải thích về những ưu điểm của ngàm Z-mount

    Theo lời giải thích của kĩ sư từ Nikon, thì Flange Distance (khoảng cách buồng tối) là khoảng cách giữa nơi gắn ngàm và cảm biến của máy ảnh. Trên các máy DSLR, khoảng cách này phải làm lớn vì phải chứa hệ thống gương lật, còn với các máy "không gương lật", do bỏ đi được một yếu tố chiếm diện tích nên khoảng cách này được rút gọn đi nhiều. Một ví dụ điển hình: ngàm F của máy DSLR Nikon có khoảng cách buồng tối tới 46.5mm, trong khi ngàm Z chỉ 16mm.

    Nghe kĩ sư Nikon giải thích về những ưu điểm của ngàm Z-mount trên hệ thống máy ảnh không gương lật - Ảnh 3.

    Việc rút ngắn khoảng cách buồng tối có 3 lợi ích chính:

    - Giúp cho ánh sáng từ ống kính tới cảm biến có đường đi ngắn hơn, từ đó giảm thiểu tiêu hao và cho chất lượng ảnh tốt hơn.

    - Khiến máy ảnh có thể được thiết kế mỏng và nhẹ hơn.

    - Người dùng có thể mua thêm ngàm chuyển, nhằm gia tăng khoảng cách buồng tối để sử dụng các ống kính của các ngàm khác. Ví dụ, để máy ảnh Z6 và Z7 sử dụng được ống kính của ngàm F, ta chỉ cần có một ngàm gia tăng khoảng cách 16mm lên 46.5mm, tức dài 30.5mm.

    Tuy vậy việc giảm thiểu khoảng cách buồng tối cũng có một vài khó khăn. Có một vài thành phần quan trọng của máy ảnh như màn trập, kính chắn cảm biến và các thành phần điện tử cần phải có không gian lắp đặt. Chính vì vậy nên các kĩ sư của Nikon đã tìm cách làm nhỏ các thành phần này nhất có thể, để đạt được khoảng cách 16mm trên ngàm Z.

    Nghe kĩ sư Nikon giải thích về những ưu điểm của ngàm Z-mount trên hệ thống máy ảnh không gương lật - Ảnh 4.

    Khoảng cách buồng tối của một số hệ thống máy ảnh thông dụng

    Vậy đường kính ngàm thì sao? Như cái tên gợi ý thì đường kính ngàm là độ lớn (hay độ mở) của ngàm gắn ống kính. Tuy bộ đôi Z6 và Z7 có thiết kế nhỏ gọn hơn các máy DSLR, nhưng lại có đường kính ngàm lớn hơn, cụ thể là 55mm so với 44mm của ngàm F. Một trong những yếu điểm của Nikon trong thời gian vừa qua là việc giữ ngàm F với độ mở quá nhỏ, gây cản trở việc thiết kế ống kính mới.

    Nghe kĩ sư Nikon giải thích về những ưu điểm của ngàm Z-mount trên hệ thống máy ảnh không gương lật - Ảnh 5.

    Sau khi thay đổi sang ngàm Z với độ mở lớn 55mm, Nikon có thể:

    - Chế tạo các ống kính có khẩu độ lớn hơn do có góc tới cảm biến lớn hơn. Từ đó, người dùng có thể tạo ra những bức ảnh sáng, có nhiều vùng mờ (bokeh) hơn. Nikon cũng đã công bố rằng sẽ ra mắt một ống kính 58mm với khẩu độ tới lớn tới f/0.95 để tận dụng đặc điểm này của ngàm.

    - Các ống kính siêu rộng (ultra-wide) sẽ dễ dàng đưa được ánh sáng tới cảm biến, từ đó không bị hiện tượng tối góc, mất ánh sáng

    Nói một cách đơn giản, ngàm có đường kính lớn sẽ giúp cho hãng thiết kế được những ống kính đặc biệt dễ dàng hơn. Nhưng không phải vì vậy mà càng-to-thì-càng-tốt: nếu như làm ngàm quá lớn, cả ống kính và máy ảnh cũng sẽ phải làm to hơn. Theo Nikon, 55mm là đường kính lí tưởng nhất, không quá nhỏ như ngàm F trước đây nhưng cũng không quá lớn để bị gặp những yếu điểm nói trên.

    Nghe kĩ sư Nikon giải thích về những ưu điểm của ngàm Z-mount trên hệ thống máy ảnh không gương lật - Ảnh 6.

    Đường kính ngàm của các hệ thống máy ảnh thông dụng

    Liệu rằng Nikon có thành công với ngàm Z mới? Người đồng hương của hãng là Sony trước đây cũng đã có một công cuộc chuyển đổi tương tự giữa ngàm A với ngàm E, và đã nhận được rất nhiều thành công. Yếu tố tiên quyết không phải là 'khoe' ngàm ai tốt hơn, mà là hãng nào ra mắt được những ống kính để tận dụng được ưu điểm của các loại ngàm mới đó.

    Phỏng vấn chuyên gia từ Nikon về ngàm Z-mount

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày