Có những biểu hiện nộp thuế chưa phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam, một số Đại biểu Quốc hội đề nghị Bộ Tài chính cần phải rà soát lại các quy định về việc quản lý thuế đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tại Việt Nam như Facebook, Google…
Trở thành những doanh nghiệp công nghệ cung cấp dịch vụ xuyên biên giới “đình đám”, những ông lớn trong làng công nghệ như Google, Facebook, Uber hay Apple… đang chiếm thị phần lớn trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyến và một số dịch vụ khác tại Việt Nam.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam đã bày tỏ sự bất bình trước tình trạng “ăn cơm Việt Nam, đóng thuế nước ngoài” đang diễn ra với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trên. Hiện những ông lớn công nghệ này đều có nhân viên tại Việt Nam, nhưng lại không đặt trụ sở, hay mở chi nhánh tại Việt Nam, mà chỉ đặt văn phòng đại diện hoặc nhân viên tại Việt Nam.
Có kẽ hở để “lách thuế”?
Trên thực tế việc kiểm soát thuế đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới này như thế nào, các doanh nghiệp có trốn thuế, lách thuế hay không, phải chờ câu trả lời từ cơ quan chức năng. Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định 72 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng có hiệu lực từ ngày 1/9/2013 thì các công ty cung cấp dịch vụ xuyên biên giới mà có lượt truy cập từ Việt Nam như Facebook, Google, Uber… đều phải tuân thủ quy định pháp luật của Việt Nam.
Điều đó có nghĩa, Facebook, Google hay Uber… khi cung cấp dịch vụ tại Việt Nam, phát sinh doanh thu, lợi nhuận thì cũng phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế tại Việt Nam. Nếu theo quy định hiện hành, hoạt động cung cấp dịch vụ của những doanh nghiệp này sẽ chịu sự kiểm soát của Thông tư 134 của Bộ Tài chính quy định về thuế nhà thầu.
Cụ thể, thông tư quy định trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài có thu nhập từ dịch vụ được cung cấp và “tiêu dùng ngoài Việt Nam” và trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện cung cấp dịch vụ quảng cáo, tiếp thị cho tổ chức, cá nhân Việt Nam “mà các dịch vụ được thực hiện ở nước ngoài” thì phải chịu thuế nhà thầu.
Tuy nhiên, theo quy định để kê khai, nộp thuế nhà thầu thì doanh nghiệp phải có cơ sở thường trú (ví dụ như văn phòng đại diện hoặc chi nhánh) tại Việt Nam và phải áp dụng chế độ kế toán tại Việt Nam. Song đến nay, cả Facebook và Google đều chưa có chi nhánh chính thức tại Việt Nam nên có thể hiểu, những đơn vị này cũng không áp dụng chuẩn mực kế toán tại Việt Nam.
Được biết, Facebook hiện chỉ lựa chọn một đơn vị để trở thành đại diện truyền thông chính thức tại Việt Nam mà không có văn phòng đại diện. Trong khi đó, Google chưa có cơ quan pháp nhân hay chi nhánh, đại diện nào mà chỉ có hệ thống nhân viên đang hoạt động, làm việc cho Google tại Việt Nam.
Như vậy, không chỉ kiểm soát thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các công ty này còn nhiều bất cập, mà ngay cả thuế thu nhập cá nhân đối với hệ thống nhân viên làm việc cho Facebook, Google… cũng đang là “lỗ hổng”. Một số lượng không nhỏ nhân viên làm việc cho các công nghệ này, với mức thu nhập được trả cao cấp 2 – 3 lần so với công ty tại Việt Nam, song những nhân viên của các công ty này có đóng thuế thu nhập cá nhân hay không, cũng là chuyện cần phải bàn?
Cũng theo quy định tại Nghị định 72, thì những công ty cung cấp dịch vụ xuyên biên giới này không phải thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam. Theo các doanh nghiệp công nghệ trong nước, đây tiếp tục là quy định khá thông thoáng để cho các công ty cung cấp dịch vụ qua biên giới này có thêm điều kiện để “lách thuế”, trốn thuế.
Thêm một điểm đáng chú ý, hiện cũng chưa có định nghĩa rõ ràng trong các quy định, thế nào là “tiêu dùng ngoài Việt Nam” hay “dịch vụ quảng cáo được thực hiện ở nước ngoài”. Dẫn đến, rất khó để áp thuế nhà thầu cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới này, gây thất thu một khoản thuế khổng lồ, khi mà doanh thu quảng cáo của những ông lớn này tại Việt Nam lên tới hàng trăm triệu USD.
Sớm rà soát lại quy định luật
Trao đổi với chúng tôi, Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu - ông Bùi Đức Thụ - Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho rằng bất cứ công ty nước ngoài nào hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam cũng phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, trong đó có quy định về thuế.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu - ông Bùi Đức Thụ - Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội.
“Mọi hoạt động kinh tế diễn ra, ở đâu phát sinh doanh thu, lợi nhuận thì phải làm nghĩa vụ theo quy định của luật. Còn với thông tin về các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới có dấu hiệu trốn thuế, lách thuế, là đại biểu Quốc hội hiện tại chúng tôi chưa nhận được báo cáo nào về tình trạng này. Tuy nhiên, qua thông tin phản ánh tôi thấy rằng có biểu hiện nộp thuế chưa phù hợp với quy định pháp luật Việt Nam” – Đại biểu Bùi Đức Thụ nhận định.
Cũng theo Đại biểu Thụ, theo quy định tổ chức cá nhân nước ngoài muốn hoạt động tại Việt Nam phải thành lập doanh nghiệp hoặc chi nhánh. Còn việc mở văn phòng đại diện thì không được phép sản xuất kinh doanh. Trong khi nếu có phát sinh hoạt động tại Việt Nam thì cần phải hoàn thành nghĩa vụ thuế và tài chính.
Còn theo Đại biểu đoàn TPHCM Trần Du Lịch (Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội), về nguyên tắc mọi hoạt động phát sinh thuế trên lãnh thổ Việt Nam là phải đóng thuế, kể cả là cung cấp dịch qua mạng cũng phải tính toán. Tuy nhiên, những quy định trong luật hiện nay còn lỗ hổng chỗ nào thì cần phải rà soát lại, trình ra Quốc hội để sửa đổi.
Theo đó, Đại biểu Bùi Đức Thụ đề nghị: “Các cơ quan, trước hết là Bộ Tài chính cần rà soát quy định pháp luật, xem xem quy định pháp luật hiện hành đã đủ cơ sở để điều chỉnh hoạt động dịch vụ này chưa. Cơ quan thanh kiểm tra của ngành tài chính mà trực tiếp thuế, hải quan phải làm rõ để trả lời câu hỏi trước Quốc hội và đề xuất giải pháp trốn lậu thuế đó. Còn nếu quy định pháp luật hiện hành đã có thì phải thực hiện nghiêm”.
Cũng theo Đại biểu Trần Du Lịch, trong việc rà soát quy định thuế liên quan đến các công ty cung cấp dịch vụ xuyên biên giới này, cần phải tính đến yếu tố về tránh đánh thuế hai lần để đảm bảo những quy định quản lý thuế với các công ty cung cấp dịch vụ xuyên biên giới này phù hợp với quy định của quốc tế.
Việc quản lý thuế với các công ty cung cấp dịch vụ xuyên biên giới là vấn đề khó và phức tạp đặt ra với nhà quản lý. Với các công cụ tiện ích, Facebook, Google hay Uber đang thu lợi gián tiếp tại thị trường Việt Nam… với doanh số lên tới hàng trăm triệu USD. Đơn cử với Google, đơn vị đang chiếm lĩnh toàn bộ thị trường quảng cáo từ khóa tìm kiếm tại Việt Nam, ước tính doanh thu năm 2014 lên tới 40 triệu USD.
Bất cập trong quản lý thuế với những ông lớn công nghệ này không những gây thất thu thuế cho Nhà nước, mà còn tạo ra sự cạnh tranh thiếu bình đẳng với các doanh nghiệp trong nước. Việc không phải đóng thuế cũng khiến cho những doanh nghiệp này dễ dàng thu hút nhân tài và trả lương cao, trong khi các doanh nghiệp công nghệ nội địa vẫn phải đang chật vật với bài toán đào tạo nguồn lực, cạnh tranh nhưng vẫn phải đóng thuế đầy đủ cho Nhà nước.
Trí thức trẻ/CafeF
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng