Nghịch lý AirPods và số phận buồn thảm của AKG
Tôi đã được tận mắt chứng kiến một chiếc Q701 bị bỏ xó trong khi AirPods được yêu chiều hàng ngày... Nhìn từ góc độ âm thanh, đây là một nghịch lý.
Năm ngoái, sinh nhật em trai mình, tôi có tặng cho cậu một chiếc tai nghe AKG Q701. Nếu bạn là người chơi tai nghe, bạn có lẽ đã từng nghe tới chiếc tai nghe này.
Lý do tôi tặng cũng khá đơn giản, thấy em tôi hay bật bộ dàn mini, năm trước đó tôi đã tặng một bộ DAC/amp xịn để nối ra dàn. Có sẵn amp/DAC rồi, tặng tai nghe "xịn" là điều hợp lý.
Nhưng sau gần nửa tháng, chiếc Q701 tôi tặng vẫn nằm yên vị trên tủ sách. Đợi thêm một tuần nữa, tôi hỏi: "Thế có dùng không, không để anh return mua cái khác cho?".
Em tôi gật đầu rất nhanh...
"Mà thích gì, đổi sang AirPod nhé?"
Cũng gật nhanh không kém.
Kết quả của món quà mới có lẽ sẽ khiến nhiều audiophile lắc đầu. Số phận của AirPods trái ngược hoàn toàn với AKG Q701 khi tôi thấy em tôi sử dụng cặp tai nghe Apple gần như mọi lúc, mọi nơi. Ở công ty cũng đeo, làm việc ở nhà cũng đeo, ngồi tàu xe cũng đeo, đi bộ cũng đeo nốt...
Nhưng điều hơi đáng ngạc nhiên là em tôi vẫn... chê chất lượng âm thanh của AirPods. Dù sao thì, là em út trong nhà, nó cũng đã từng được "dùng ké" rất nhiều những mẫu tai nghe, loa, dac/amp chất lượng của tôi.
Vậy lý do em tôi đặt AirPods lên trên AKG là gì?
Hóa ra, phần lớn thời gian trong ngày của chúng ta không dành cho những trải nghiệm nghe nhạc "tử tế".
Sau khi tự sắm AirPods cho chính mình, tôi nghĩ tôi đã có câu trả lời: nhiều khi, âm nhạc không phải là tất cả.
Bởi cả tôi và em tôi đều không dùng AirPods để thực sự tận hưởng âm nhạc. Nếu có thời gian để nghỉ ngơi, chúng tôi sẽ cả máy tính, amp/DAC và loa/tai nghe để nghe nhạc ở nhà. Riêng em tôi thì chỉ thích nghe nhạc trên loa.
Nhưng sẽ có những lúc bạn không được phép bật loa, ví dụ như ở trong văn phòng chẳng hạn. Dùng tai nghe xịn trong các tình huống này cũng không phải là một ý tưởng hay, bởi mỗi lần bạn đến/rời công ty hay thậm chí là đứng dậy, bạn đều mất thêm thời gian vì tai nghe. Đến cả đứng dậy đi uống nước hay đi... vệ sinh cũng phiền toái hơn.
Nói cách khác, trong những tình huống mà bạn chỉ cần nghe nhạc theo kiểu "cho nó có", những chiếc tai nghe như Q701 thực sự bất tiện. Chưa kể, đeo trong thời gian dài còn gây nóng tai, khó chịu.
Lần đầu tiên và có lẽ là duy nhất một sản phẩm mang thương hiệu audiophile có thể đạt lượng hàng xuất xưởng hàng chục triệu...
Những điểm yếu của tai nghe "xịn" lại là điểm mạnh của AirPods: tháo tai nghe ra khỏi vỏ là tự động bật, nghe/gọi kích hoạt nhanh chóng, không bị disconnect dễ dàng như Google/Sony, không thi thoảng lại yêu cầu kết nối lại như Bluetooth thông thường...
Nghịch lý nằm ở chỗ phần đông thị trường lại đặt tiện lợi lên trên hết. AirPods theo dự đoán bán được 20 triệu đơn vị trong năm 2017 dù rằng nghe vẫn dở. Các thương hiệu audiophile cũng đang chạy theo hai chữ "tiện lợi". Audio Technica, Sennheiser hay Audeze vốn là những tên tuổi dành riêng cho giới audiophile nay cũng có danh mục tai nghe hướng-smartphone nhiều hơn trước.
AKG cũng là một trong những tên tuổi phải chạy theo trào lưu này. Đáng tiếc rằng cái cách chạy theo trào lưu của "AKG" sẽ để lại một nỗi buồn trong lòng các fan hâm mộ: tháng 6/2017, trụ sở AKG tại Áo bị đóng cửa. Giờ đây, thương hiệu âm thanh huyền thoại này chủ yếu chỉ còn tồn tại trên các mẫu tai nghe của chủ sở hữu Harman/Samsung.
Tạm biệt huyền thoại.
Các kỹ sư người Áo của AKG đã bao giờ động tay vào các sản phẩm in-ear hay closed-back mà Harman/Samsung sẽ bán ra? Có vẻ là không. Di sản của những chiếc tai nghe huyền thoại đã đóng lại, đơn giản là bởi các tập đoàn còn mải chạy theo "tiện lợi" chứ không phải là chất lượng âm thanh.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng