Nghiên cứu đăng trên Nature dự báo nước biển dâng sẽ nhấn chìm toàn bộ miền nam Việt Nam vào năm 2050
Gần như toàn bộ Thành Phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long sẽ ở dưới mức đỉnh triều cường.
Một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Nature Communications ngày hôm nay dự báo: Đến năm 2050, toàn bộ miền nam Việt Nam có thể bị nhấn chìm dưới mực nước biển vào những ngày triều cường đạt đỉnh.
Ngay vào lúc này, có khoảng 20 triệu người dân đang sống trong khu vực sẽ bị ảnh hưởng. Đến năm 2050, nghiên cứu dự báo một phần ba dân số Việt Nam có thể phải sống dưới mức đỉnh triều cường.
Đối với các đô thị ven biển, tỷ lệ này còn có thể cao hơn nữa. Các tác động là hệ quả của mực nước biển được dự đoán sẽ dâng thêm 2m từ giờ cho tới cuối thế kỷ, nếu chúng ta không kiểm soát được lượng phát thải khí nhà kính.
Nghiên cứu dự báo nước biển dâng sẽ nhấn chìm toàn bộ miền nam Việt Nam vào năm 2050
Nghiên cứu được thực hiện bởi Climate Central, một tổ chức khoa học có trụ sở tại New Jersey, Hoa Kỳ. Đó là một bản cập nhật đáng sợ so với những ước tính trước đây về diện tích đất và dân số bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Theo đó, đến năm 2050, khoảng 150 triệu người trên khắp thế giới sẽ phải sống trong các khu vực thấp hơn mức đỉnh triều cường. Một số thành phố ven biển sẽ bị nhấn chìm. Con số được dự đoán đã gấp ba lần các nghiên cứu trước đó, mặc dù không tính đến sự tăng trưởng dân số và ước lượng diện tích đất bị mất do xói mòn bờ biển.
Giải thích về sự chênh lệnh này, các nhà nghiên cứu tại Climate Central cho biết họ đã sử dụng một phương pháp tính toán độ cao đất chính xác hơn kỹ thuật trước đó. Theo Scott A. Kulp, một trong số đồng tác giả nghiên cứu mới, các phép đo độ cao tiêu chuẩn sử dụng ảnh vệ tinh trước đây thường bị nhầm lẫn khi phân biệt đâu là mặt đất thực sự với ngọn cây hoặc các nóc tòa nhà.
Bởi vậy, ông và Benjamin Strauss, giám đốc điều hành Climate Central, đã sử dụng trí tuệ nhân tạo để xác định tỷ lệ lỗi và cải thiện độ chính xác của phép đo. Kết quả cho ra một ước tính ảm đạm hơn rất nhiều về kịch bản nước biển dâng mà bạn có thể thấy dưới đây:
1. Toàn bộ miền nam Việt Nam có thể bị nhấn chìm
Những khu vực miền bắc và miền trung Việt Nam có nguy cơ ngập lụt vào năm 2050, theo dữ liệu của Climate Central
Tấm bản đồ bên trái phía trên thể hiện ước tính từ các nghiên cứu trước đây, được đánh giá là còn khá lạc quan. Nhưng tấm bản đồ bên phải sử dụng dữ liệu mới của Climate Central cho thấy tới năm 2050, gần như toàn bộ Thành Phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã bị nhấn chìm xuống dưới mức đỉnh triều cường.
Hơn 20 triệu người dân ở Việt Nam, tương đường gần một phần tư dân số hiện tại trong khu vực này sẽ phải sống trong các vùng đất có nguy cơ bị ngập lụt.
Dự báo của Climate Central cũng cho thấy nhiều tỉnh thành phía bắc như Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Bắc Ninh... cũng bị ảnh hưởng. Cùng với đó là các tỉnh thành miền trung bao gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Huế, Đồng Hới, Quảng Trị...
Đến năm 2050, một phần ba dân số Việt Nam có thể phải sống dưới mức đỉnh triều cường.
2. 10% dân số Thái Lan sẽ phải sống trong các khu vực ngập lụt
Tại Thái Lan, nghiên cứu với sai số trước đây ước tính khoảng 1% dân số có khả năng phải sống trong các khu vực bị ngập lụt vào năm 2050. Nhưng dữ liệu mới điều chỉnh cho biết con số có thể tăng gấp 10 lần, lên hơn 10%. Thủ đô Bangkok của Thái Lan nằm trong diện bị đe dọa đặc biệt nghiêm trọng.
Loretta Hieber Girardet, một cư dân sống ở Bangkok hiện đang là viên chức của Liên Hợp Quốc trong lĩnh vực giảm thiểu rủi ro thảm họa cho biết, biến đổi khí hậu đặt nhiều áp lực lên các thành phố theo những cách khác nhau.
Trong khi sự nóng lên toàn cầu làm gia tăng lũ lụt ở nhiều khu vực miền núi, nó sẽ đẩy những người nông dân ở đây xuống các thành phố tìm việc làm. Điều này khiến dân số thành thị tăng lên, trong khi chính các khu vực đồng bằng và thành phố ven biển sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi mực nước biển dâng.
"Đây quả là một công thức tồi tệ", Girardet nói.
3. Trái tim Thượng Hải sẽ bị nhấn chìm
Trung tâm thành phố Thượng Hải, một trong những đầu tàu kinh tế của Châu Á, có nguy cơ bị nhấn chìm. Nhiều thành phố khác xung quanh khu vực cũng phải chịu số phận tương tự.
4. Lõi phố cổ Mumbai rất dễ bị tổn thương
Nghiên cứu mới cũng cho thấy phần lớn diện tích Mumbai, trung tâm tài chính lớn của Ấn Độ đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ. Là một trong những thành phố lớn nhất thế giới, nhưng Mumbai lại được xây dựng trên nền những hòn đảo. Bởi vậy phần lõi trung tâm phố cổ của họ rất dễ bị tổn thương trước kịch bản mực nước biển dâng.
5. Di sản hàng ngàn năm của Ai Cập sẽ nằm dưới Địa Trung Hải
Tại Ai Cập, thành phố Alexandria có bề dày lịch sử hàng ngàn năm có thể bị biến mất khi nước biển dâng cao. Những di sản được để lại từ những năm 330 trước Công Nguyên bởi Alexander Đại Đế tới năm 2050 có nguy cơ nằm dưới mức triều cường của biển Địa Trung Hải.
6. Các thành phố ở Iraq bị nhấn chìm làm trầm trọng thêm xung đột ở Trung Đông
Hầu hết diện tích Basra, thành phố lớn thứ hai ở Iraq, có thể ở dưới nước vào năm 2050. Và làn sóng di cư có thể làm trầm trọng thêm các xung đột hiện nay ở khu vực Trung Đông.
Các tác động từ kịch bản này có thể vượt ra ngoài biên giới Iraq nếu kịch bản này xảy ra, theo John Castellaw, một trung tướng thủy quân lục chiến đã nghỉ hưu. Castellaw từng là tổng tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Trung ương trong Chiến tranh Iraq.
Càng mất nhiều đất do nước biển dâng, khu vực này sẽ càng rơi vào bất ổn chính trị và xã hội, có thể gây ra xung đột vũ trang và làm tăng nguy cơ khủng bố. "Vì vậy, đây không chỉ là vấn đề môi trường", cựu tướng Castellaw nói. "Đó còn là vấn đề nhân đạo, an ninh và thậm chí có thể là quân sự".
Một vạn lý trường thành có thể giúp những thành phố chống trọi với nước biển dâng?
Cũng phải nói rằng, những tấm bản đồ mới này không đánh đồng những vùng màu xanh sẽ trở thành khu vực hoàn toàn không thể sinh sống. Theo giám đốc điều hành Climate Central, Benjamin Strauss, hiện tại đã có khoảng 110 triệu người trên khắp thế giới phải sống trong những khu vực nằm dưới mức đỉnh triều.
Ở các khu vực này, nhiều biện pháp bảo vệ đã được triển khai, chẳng hạn như xây dựng đê biển. Strauss khuyến cáo các thành phố trong diện cảnh báo phải nhanh chóng đầu tư cho các biện pháp phòng thủ.
Nhưng các kịch bản ảm đạm vẫn có thể xảy ra, ngay cả khi những con đê biển được xây dựng. Strauss lấy ví dụ về New Orleans, một thành phố dưới mực nước biển ở tiểu bang Louisiana, Hoa Kỳ bị tàn phá nặng nề vào năm 2005. Đó là khi những con đê rộng lớn và các biện pháp bảo vệ khác của họ bị đánh bại bởi bão Katrina.
"Chúng ta muốn sống trong một cái chậu sâu cỡ nào?", Strauss hỏi.
Trên tất cả, nghiên cứu cho thấy các quốc gia nên bắt đầu chuẩn bị kế hoạch di dân ngay từ bây giờ, theo bình luận của Dina Ionesco từ Tổ chức Di trú Quốc tế. Bà cho biết thế giới chưa từng phải đối phó với một kịch bản di dân tương tự nào trên quy mô lớn đến vậy trong thời hiện đại.
"Chúng tôi đã cố gắng rung hồi chuông báo động", Ionesco nói. "Chúng tôi biết rằng điều đó sắp xảy ra".
Tham khảo Nytimes
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng