Nghiên cứu này đã chỉ ra rằng, ngủ ngày sẽ dễ làm bộ não bạn ghi nhớ các ký ức sai lệch

    TNS,  

    Đừng vội đổ lỗi cho bộ não của mình, vì đây chỉ là cách mà bộ não của bạn có thể hoạt động hiệu quả hơn...

    Trí nhớ của con người là không hoàn hảo - có những ký ức chúng ta có thể lưu giữ, nhưng cũng có những ký ức khác đã mãi mãi rơi vào quên lãng. Và đôi khi, chúng ta thậm chí có thể nhớ được cả những điều chưa từng xảy ra - một hiện tượng mà các nhà khoa học đặt tên là "trí nhớ sai lệch". Nhưng đâu là nguồn gốc của những ký ức sai lệch này?

    Các nghiên cứu trước đây cho rằng giấc ngủ của một vai trò khá quan trọng trong việc hình thành các kí ức sai lệch, và trong một nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học đã xác định rõ hơn vai trò của giấc ngủ mà cụ thể là vai trò của các đợt sóng nhanh có tên gọi là các sóng sleep spindle.

    Các đợt sóng nhanh này là những đợt bùng phát của hoạt động não bộ trong khi ngủ. Chúng xuất hiện trong giai đoạn 2 của giấc ngủ, giai đoạn được đặc trưng bởi biểu hiện nhịp tim hạ xuống và không có chuyển động nhãn cầu.

    Nghiên cứu này mới được công bố vào tháng 12/2017 trên tờ tạp chí Neuropsychologia. Để làm rõ vai trò của các đợt sóng nhanh sleep spindle, các nhà khoa đã tiến hành nghiên cứu trên 32 đối tượng với giấc ngủ sâu và không sử dụng các loại thực phẩm có chứa caffeine vào trước khi ngủ.

    Trước tiên, các đối tượng tham gia nghiên cứu sẽ được cho đọc một loạt các từ khóa cùng liên quan tới một chủ đề nhất định. Sau đó họ sẽ được đeo thiết bị đa ký giấc ngủ, một loại thiết bị theo dõi hoạt động của sóng não trong giấc ngủ, tiếp theo, họ sẽ được phân chia ngẫu nhiên vào một trong hai nhóm: một nhóm sẽ tiến hành giấc ngủ ngắn trong ngày, còn một nhóm được giữ tỉnh táo trong suốt khoảng thời gian này. Thiết bị đa ký giấc ngủ ghi lại hoạt động của sóng não sẽ đảm bảo chắc chắn rằng nhóm này thực sự ngủ chứ không phải chỉ nằm nghỉ trên giường.

    Sau khi đã hoàn thành xong giấc ngủ, cả hai nhóm sẽ một lần nữa được nhìn vào các từ khóa ban đầu và cho biết họ đã nhìn thấy những từ này chưa. Một số từ được lặp lại giống như lần đầu tiên, nhưng có một số từ mới được thêm vào. Thậm chí các nhà nghiên cứu còn thêm vào một số từ "nhiễu", cũng có liên quan tới chủ đề của loạt từ khóa này nhưng chưa hề được đưa ra xem vào lần đầu tiên.

    Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng nhóm được cho ngủ vào ban ngày sẽ dễ dàng bị mắc lừa bởi các từ khóa nhiễu, và cho rằng họ đã nhìn thấy từ này trước đây, từ đó tạo ra các kí ức sai lệch. Kết quả này hoàn toàn trùng khớp với kết luận của những nghiên cứu trước đây

    Đồng thời các nhà nghiên cứu cũng muốn tiến hành xác định xem, trong hai bán cầu não trái và phải, đâu là bán cầu chịu trách nhiệm chính trong việc tạo ra các kí ức ảo này. Họ đã tiến hành thiết kế một thực nghiệm cho phép hiển thị các từ khóa trên màn hình lệch hẳn về phía trái hoặc về phía phải - do đó nó chỉ được nhìn thấy bởi một bán cầu não. Các từ khóa này hiện ra và biến mất nhanh tới mức, nếu chỉ chớp mắt là bạn có thể bỏ lỡ từ khóa đó. Sở dĩ các nhà nghiên cứu phải thiết kế như vậy bởi nếu để các từ khóa hiển thị lâu hơn, bộ não sẽ lập tức có sự điều chỉnh để cả hai bán cầu não đều có thể đọc được từ này.

    Từ nghiên cứu này, các nhà khoa học nhận thấy bán cầu não phải là bán cầu dễ tạo ra kí ức ảo hơn bán cầu não trái. Kết quả này cũng phù hợp với nghiên cứu trước đó, khi bán cầu não phải là bán cầu tạo ra nhiều sóng não sleep spindle hơn

    Đừng vội đổ lỗi cho bộ não của mình, vì đây chỉ là cách mà bộ não của bạn có thể hoạt động hiệu quả hơn, khi chúng cố dành ra thời gian và công sức để nhận định xem đâu là vấn đề quan trọng nhất mà cơ thể đã tiếp thu được vào thời điểm trước khi ngủ. Do đó, bộ não đã làm sản sinh ra các sóng não sleep spindle, và vô tình chúng đã tạo ra các kí ức sai lệch.

    Tham khảo: Livescience

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày