Nghiên cứu: Thay thế thịt đỏ và gia cầm bằng 2 loại thịt này để phòng tránh tiểu đường
Người dân nên để ý điều chỉnh lượng và loại thịt mà họ lựa chọn cho bữa ăn của mình.
Một nghiên cứu quần thể trên dân số của Singapore mới đây đã xác nhận: Ăn nhiều thịt đỏ và thịt gia cầm làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, tiêu thụ thịt cá và động vật có vỏ (chẳng hạn như mực, tôm, cua...) không gây ra mối nguy hiểm tương tự.
Thời gian gần đây, ngày càng có nhiều nghiên cứu ủng hộ các chế độ ăn nhiều rau quả ít thịt, với lý do thuyết phục về những lợi ích sức khỏe. Ví dụ tháng trước, một nghiên cứu đã chứng minh rằng người ăn chay có mức cholesterol thấp hơn. Và chỉ cần cắt 10% lượng thịt ra khỏi chế độ ăn, sức khỏe của bạn sẽ cải thiện.
Tiêu thụ nhiều thịt gắn liền với nguy cơ mắc bệnh tiểu đường gia tăng, đó là điều mà nhiều nhà khoa học trước đây từng cảnh báo.
Nghiên cứu mới của Trường Y khoa Duke- Đại học Quốc gia Singapore đã khẳng định những phát hiện đó, đồng thời đưa ra một số lí do giải thích thêm cho vấn đề: Tại sao ăn quá nhiều thịt lại có thể đưa một người đến với bệnh tiểu đường?
Woon-Puay Koh, giáo sư khoa học lâm sàng tại Trường Y khoa Duke và các đồng nghiệp đã đánh giá mối liên hệ giữa thịt đỏ, thịt gia cầm, cá và động vật có vỏ với bệnh đái tháo đường type 2. Họ đã tính đến tác động của sắt heme (loại chất sắt có trong động vật để phân biệt với sắt non-heme có trong thực vật) đối với con người.
Các phát hiện đã được công bố trên Tạp chí Dịch tễ Hoa Kỳ.
Thịt đỏ và thịt gia cầm làm tăng nguy cơ tiểu đường
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu từ dự án Nghiên cứu Sức khoẻ Người Hoa ở Singapore. Trong đó, có sự tham gia của 63.257 người trưởng thành trong độ tuổi từ 45 đến 74. Những người này được tuyển chọn từ năm 1993 đến năm 1998, và sau đó được theo dõi bằng hai giai đoạn phỏng vấn: 1999-2004 và 2006-2010.
Họ đã phát hiện ra rằng những người ăn nhiều thịt đỏ và thịt gia cầm có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường gia tăng. Tuy nhiên, ăn cá và động vật giáp xác không làm tăng nguy cơ tương tự.
Các nhà nghiên cứu cho biết nhóm những người ăn thịt đỏ nhiều nhất có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn 23%, so với những người ăn ít thịt đỏ nhất. Ăn nhiều thịt gia cầm vẫn có liên quan đến sự gia tăng 15% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
May mắn thay, họ quan sát được một xu hướng tích cực. Những người thay thế thịt đỏ và thịt gia cầm bằng cá và động vật có vỏ sẽ giảm được nguy cơ mắc tiểu đường. Các động vật có vỏ gồm 3 nhóm chính bao gồm: động vật thâm mềm như mực, bạch tuộc; động vật giáp xác như tôm, cua; và động vật da dai như nhím biển.
Những người thay thế thịt đỏ và thịt gia cầm bằng cá và động vật có vỏ sẽ giảm được nguy cơ mắc tiểu đường
Với những phát hiện này, các nhà nghiên cứu đã tiến đến việc xem xét tác động của sắt heme lên mối quan hệ giữa tiêu thụ thịt và bệnh tiểu đường. Họ phát hiện ra lượng chất sắt heme cao hơn đúng là có mối liên hệ đến nguy cơ mắc bệnh. Nhưng đó chưa phải là kết luận duy nhất.
Sắt heme có phải là thủ phạm duy nhất?
Nếu sắt trong thịt có liên quan đến bệnh tiểu đường. Vậy thì điều chỉnh lượng sắt heme trong khẩu phần ăn có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh hay không? Các nhà nghiên cứu đã đi tìm câu trả lời cho điều này và những gì họ phát hiện thực sự hấp dẫn.
"Sau khi điều chỉnh lượng sắt heme, mối liên hệ giữa khẩu phần thịt đỏ và nguy cơ [bệnh tiểu đường] vẫn có ý nghĩa thống kê, trong khi mối liên hệ với khẩu phần thịt gia cầm biến mất", báo cáo nghiên cứu cho biết.
Bởi hiệu ứng này, các nhà nghiên cứu cho rằng còn có những chất khác trong thịt đỏ (ngoài sắt) phải chịu trách nhiệm cho nguy cơ mắc bệnh tiểu đường gia tăng. Nhưng chất này có thể không có mặt trong thịt gia cầm.
Mặc dù vậy, với riêng việc tiêu thụ thịt gia cầm, nghiên cứu cho thấy thịt ở một số bộ phận của gà ít gây nguy hiểm hơn so với những bộ phận khác. Ví dụ, ức gà có hàm lượng sắt heme thấp hơn đùi gà. Vì vậy, ăn ức gà có thể có lợi cho sức khoẻ hơn so với đùi gà, về lâu dài.
Ức gà có hàm lượng sắt heme thấp hơn đùi gà, và sẽ là lựa chọn tốt hơn
Mặc dù chỉ ra một khía cạnh tiêu cực của chế độ ăn nhiều thịt, giáo sư Koh giải thích rằng nghiên cứu này không khuyến khích mọi người kiêng ăn thịt. Thay vào đó, các nhà khoa học lưu ý người dân nên để ý điều chỉnh lượng và loại thịt mà họ lựa chọn cho bữa ăn của mình.
Giáo sư Woon-Puay Koh nói: “Chúng ta không cần loại bỏ thịt khỏi chế độ ăn. Người Singapore chỉ cần giảm lượng thịt ăn hàng ngày, đặc biệt là thịt đỏ, và chọn gà vịt và cá/tôm, hoặc thực phẩm giàu protein từ thực vật và các sản phẩm từ sữa, để giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường".
Trong khi nghiên cứu của giáo sư Koh và đồng nghiệp nhắm mục tiêu cụ thể đến thói quen ăn uống của người Singapore, những phát hiện của nhóm cũng có ý nghĩa toàn cầu. Theo đó, họ đã xác nhận kết quả từ những nghiên cứu trước nói lên nhiều tác động sức khỏe của chế độ ăn nhiều thịt.
Nghiên cứu cũng đưa ra một số bằng chứng mới. Chẳng hạn, sắt heme không phải là thủ phạm duy nhất trong thịt đỏ gây nguy cơ mắc tiểu đường gia tăng. Và việc thay thế một số loại thịt bằng cá hoặc động vật có vỏ sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh.
Tham khảo Medicalnewstoday
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng