Các nhà khoa học đang gồng mình chứng minh lại một thực tế, nhưng liệu những người "anti-vax" có chịu tin vào số liệu?
Niềm tin lớn nhất của những người theo chủ nghĩa chống vắc-xin tiếp tục bị đẩy đổ, sau một nghiên cứu đăng trên tạp chí Annals of Internal Medicine tuần này. Trong đó, các nhà nghiên cứu Đan Mạch đã kết luận không có mối liên hệ nào giữa việc tiêm vắc-xin MMR phòng bệnh sởi, quai bị, rubella và sự phát triển bệnh tự kỷ.
Trong giới khoa học và y tế công cộng, vấn đề đó đã được xem xét suốt 20 năm nay, sau một nghiên cứu năm 1998 của bác sĩ người Anh Andrew Wakefield tuyên bố điều ngược lại. Chính nghiên cứu này đã làm dấy lên phong trào "anti-vax" ở nhiều quốc gia, đặc biệt là phương Tây.
Suốt nhiều năm, nghiên cứu của bác sĩ Wakefield đã bị bác bỏ bởi nhiều nghiên cứu khác. Nó đã bị gỡ xuống khỏi tạp chí y khoa, bác sĩ Wakefield cũng bị cấm hành nghề ở Anh.
Nhưng bởi thực tế vẫn có nhiều người tin vắc-xin MMR liên quan đến bệnh tự kỷ, các nhà khoa học Đan Mạch đã phải tiếp tục bác bỏ nó một lần nữa. Công việc được ví như chứng minh Trái Đất hình cầu cho hội những người Trái Đất phẳng.
Nghiên cứu trên 657.461 trẻ em không tìm thấy mối liên hệ giữa vắc-xin MMR và bệnh tự kỷ
Nghiên cứu mới được thực hiện bởi các nhà khoa học đến từ Viện Statens Serum ở Copenhagen. Trong đó, họ đã tập hợp được một quy mô mẫu lớn, bao gồm 657.461 trẻ em sinh từ năm 1999 đến 2010.
Có 6.517 trẻ mắc bệnh tự kỷ trong tập dữ liệu này. Con số cao hơn nhiều so với chỉ 12 trẻ trong nhóm nghiên cứu của bác sĩ người Anh Andrew Wakefield năm 1998.
Từ những số liệu thống kê được, các nhà nghiên cứu Đan Mạch cho biết chứng tự kỷ có liên quan nhiều nhất đến di truyền:
Những đứa trẻ nào có anh chị em mắc tự kỷ thì cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn gấp 7 lần so với trẻ sinh ra trong gia đình không có tiền sử bệnh. Bé trai có nguy cơ mắc tự kỷ cao hơn gấp 4 lần bé gái.
Dữ liệu tuyệt nhiên không phát hiện mối liên hệ nào giữa việc tiêm vắc-xin MMR với bệnh tự kỷ.
"Chúng tôi không tìm thấy sự ủng hộ nào cho giả thuyết về nguy cơ mắc bệnh tự kỷ sau khi tiêm vắc-xin MMR ở trẻ em Đan Mạch", Anders Hviid, một trong những nhà khoa học tham gia vào nghiên cứu cho biết.
Trên thực tế, các nhà nghiên cứu còn phát hiện 5% những trẻ không tiêm chủng còn có nguy cơ mắc bệnh tự kỷ cao hơn 17% so với nhóm đã tiêm chủng.
Bệnh sởi đang quay trở lại tấn công thế giới
Một số nhà khoa học đã xuất bản một bài báo trước đó về chủ đề này trên Tạp chí Y học New England năm 2002, dựa trên dữ liệu của 537.303 trẻ em Đan Mạch sinh từ năm 1991 đến 1998.
Nhưng tại sao họ lại phải bổ sung số liệu và lặp lại kết luận một lần nữa? Anders Hviid cho biết: Đó là bởi mối quan tâm của mọi người về chủ đề này vẫn chưa biến mất.
"Ý tưởng vắc-xin gây ra bệnh tự kỷ vẫn còn tồn tại trong công chúng. Và bất chấp mọi thứ, phong trào chống vắc-xin vẫn phát triển mạnh hơn trong 15 năm qua", Anders Hviid nói. "Xu hướng mà chúng ta đang phải chứng kiến rất đáng lo ngại".
Bệnh sởi đang quay trở lại, khi các bậc cha mẹ không tiêm chủng cho con cái
Năm 2016, Tổ chức Y tế thế giới cho biết bệnh sởi đã được xóa sổ hoàn toàn khỏi Châu Mỹ. Trước đó 16 năm, nước Mỹ cũng tuyên bố loại bỏ được bệnh sởi. Đó là thành tựu sau quá trình tiêm chủng kéo dài 40 năm, kể từ sau khi vắc-xin phòng sởi được phát triển thành công năm 1963.
Nhưng đến nay, bệnh sởi lại đang quay trở lại. Ngay lúc này tại Hoa Kỳ, có tới 6 vùng dịch sởi đang hoành hành với ít nhất 206 trường hợp được báo cáo vào tháng 1 và tháng 2. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), tổng số ca mắc sởi chỉ sau 2 tháng đầu năm 2019 đã cao hơn tổng số ca mắc của cả năm 2017.
Tổ chức Y tế thế giới cho biết tới 98 quốc gia đang báo cáo dịch sởi gia tăng. Chỉ tính riêng trong vòng 6 tuần đầu năm 2019, Nhật Bản đã có 167 người nhiễm sởi - tỷ lệ cao nhất trong hơn một thập kỷ trở lại đây.
Năm ngoái, Vương quốc Anh ghi nhận hơn 900 trường hợp mắc sởi, chủ yếu ở trẻ em và thanh thiếu niên chưa được tiêm phòng. Con số này ở Pháp còn cao hơn nhiều, 2.913 ca.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, số ca mắc bệnh sởi của cả Châu Âu năm 2018 đã tăng gấp 3 lần so với năm 2017 - lên 82.596 ca, con số cao nhất được ghi nhận trong thập kỷ này.
Gián đoạn tiêm chủng trong giai đoạn chiến tranh ở Ukraine khiến số ca mắc sởi ở nước này trong năm 2018 tăng gấp hơn 11 lần so với năm 2017.
Ở Châu Á, Philippines hiện cũng đang phải hứng chịu một dịch sởi bùng phát mạnh. Hơn 8.400 trường hợp đã nhiễm bệnh, 136 người tử vong. Tỷ lệ nhiễm sởi ở thủ đô Manila đã tăng hơn 1.000% so với cùng kỳ năm ngoái.
Phong trào chống vắc-xin càng được tổ chức tốt thì càng gây ra những hậu quả nghiêm trọng
Chịu một phần trách nhiệm cho những con số này là phong trào chống vắc-xin nổi lên trong những năm gần đây. John Wiesman, Giám đốc Sở y tế tiểu bang Washington của Mỹ nói rằng đó là những phong trào "được tổ chức tốt", sau khi tiểu bang này phải chi ra hơn 1,2 triệu USD để cố gắng ngăn chặn dịch sởi.
Các bậc phụ huynh Mỹ không chỉ còn lan truyền các thông tin chống vắc-xin trên mạng. Họ còn tổ chức các cuộc biểu tình trước các cơ quan y tế nhà nước.
Mới đây, phong trào còn lan cả vào lĩnh vực lập pháp, khi Matt Krause, một thành viên đảng Cộng hòa của Hạ viện Texas đệ trình một dự luật giúp những phụ huynh có thể đơn giản hóa thủ tục từ chối tiêm chủng.
Thực tế tại nhiều bang của Hoa Kỳ lúc này, luật vẫn cho phép cư dân từ chối tiêm chủng cho con mình vì lý do y tế, tôn giáo hoặc triết học của họ.
Chống vắc-xin là chối bỏ thực tế
Bình luận trong một bài xã luận được xuất bản cùng với nghiên cứu mới của Đan Mạch, Tiến sĩ Saad Omer đến từ Đại học Emory lưu ý rằng các nhà khoa học đang phải gồng mình chứng minh lại một thực tế. Điều này chẳng khác nào xuất bản một nghiên cứu nói Trái Đất hình cầu để khai sáng cho những người vẫn đang tin Trái Đất phẳng.
Việc làm đó làm lãng phí, không chỉ thời gian mà còn cả tiền tài trợ cho nghiên cứu. "Tiếp tục đánh giá giả thuyết vắc-xin MMR liên quan đến tự kỷ có thể khiến chúng ta phải trả giá khi không theo đuổi được những hướng nghiên cứu tiềm năng hứa hẹn hơn", tiến sĩ Omer cho biết.
Ông nói rằng bằng chứng rõ ràng đến đâu cũng không thể chiến thắng được những người hoài nghi, những người chống vắc-xin đã và vẫn cho rằng MMR liên quan đến bệnh tự kỷ.
"Người ta nói rằng chúng ta hiện đang sống trong một thế giới "nơi thực tế bị chối bỏ", nơi dữ liệu có giá trị lại chỉ mang tính thuyết phục hạn chế", tiến sĩ Omer nói.
Theo ông, tốt hơn là các nhà khoa học nên suy nghĩ về chi phí cơ hội, khi quyết định dành thời gian nghiên cứu và tiền bạc để khám phá lại một vấn đề được chỉ rõ từ trước đó.
Tham khảo Businessinsider, Iflscience
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng