Đây đã là trường hợp thứ ba được ghi nhận chỉ trong vài tháng trở lại đây.
Một cô gái người Anh có thể là trường hợp thứ ba được ghi nhận trong năm nay bị mù vì chứng nghiện ăn vặt. Đó là Jade Youngman, 25 tuổi sống tại thành phố Norwich. Kể từ khi có thể tự ăn uống, nghĩa là suốt 22 năm Youngman không hề động đến một loại trái cây hay rau quả nào.
Thay vào đó, một rối loạn ăn uống được gọi là ARFID đã khiến cô ấy chỉ chọn ăn pizza, mì ống, khoai tây chiên và gà chiên cốm. ARFID là chứng kén ăn, gây ra nỗi ám ảnh cực độ khiến người mắc nó chỉ chọn ăn một số loại thực phẩm nhất định.
"Tôi sẽ mô tả cho bạn cảm giác của tôi nếu có ai đó đặt một đĩa trái cây hoặc rau củ trước mặt mình", Youngman nói. "Nó giống như ai đó đặt trước mặt bạn một đĩa phân chó và hét lên "Ăn đi"".
Nghiện đồ ăn vặt suốt 22 năm, cô gái người Anh đối diện nguy cơ bị mù vĩnh viễn
ARFID ( avoidant restrictive food intake disorder ) tạm dịch là rối loạn tránh ăn một số loại thực phẩm hay chứng kén ăn. Đúng như cái tên của nó, những người mắc ARFID chỉ ăn một số loại thực phẩm đem lại cho họ cảm giác "an toàn", và tránh toàn bộ các loại thực phẩm khác.
Trong nhiều trường hợp, các loại thực phẩm được họ cho là "ăn toàn", đáng tiếc lại là thực phẩm chế biến, kém dinh dưỡng và ăn nhiều sẽ gây hại.
Các bác sĩ khi điều trị cho Youngman đã cố gắng nói với cô ấy điều đó. Rằng nếu cứ tiếp tục ăn các loại thực phẩm này, cô ấy có thể bị mù do thiếu hụt dinh dưỡng cần thiết để phục vụ hoạt động của dây thần kinh thị giác – một tình trạng gọi là bệnh thần kinh thị giác liên quan đến dinh dưỡng.
"Tôi biết nó đã đang ảnh hưởng đến sức khỏe của tôi", Youngman nói. Nhưng cô ấy vẫn bất chấp và không thể ăn thêm rau củ quả.
Ít nhất ba trường hợp đã được ghi nhận
Bệnh thần kinh thị giác liên quan đến dinh dưỡng xảy ra khi ai đó liên tục ăn một chế độ ăn uống thiên lệch, mất cân bằng suốt thời gian dài. Cụ thể, đó là chế độ ăn thiếu hụt các chất dinh dưỡng như axit folic và vitamin B, các chất hỗ trợ cho hoạt động của các dây thần kinh và sự khỏe mạnh của các tế bào ở đó.
Không những thế, chế độ ăn này thường còn làm tích tụ nhiều sản phẩm phụ của quá trình trao đổi chất, gây độc cho tế bào, cuối cùng giết chết các dây thần kinh gây suy giảm thị lực thậm chí mù lòa.
Tình trạng này lẽ ra có thể được điều trị khi bằng cách cung cấp cho bệnh nhân các chất dinh dưỡng phù hợp, nhưng đôi khi, các dây thần kinh bị tổn thương quá nhiều hoặc sự chống đối của bệnh nhân có thể khiến chứng mù lòa trở thành vĩnh viễn không thể đảo ngược.
Bởi tính chất của căn bệnh này, nó thường chỉ xảy ra ở các nước đang phát triển, những vùng sâu xa hẻo lánh, trên người nghiện rượu, thuốc lá khi chế độ dinh dưỡng của họ không được chăm sóc tốt. Hiếm khi căn bệnh xảy ra ở các nước phát triển. Nhưng chỉ trong vòng vài tháng trở lại đây ít nhất ba trường hợp như vậy đã được ghi nhận.
Bệnh thần kinh thị giác liên quan đến dinh dưỡng xảy ra khi ai đó liên tục ăn một chế độ ăn uống thiên lệch, mất cân bằng suốt thời gian dài.
Ngay tháng trước, tạp chí Annals of Internal Medicine đã công bố một trường hợp cậu bé 17 tuổi bị mù do bệnh lý thần kinh thị giác. Cậu bé này cũng bị mắc ARFID và chỉ ăn cá chiên, khoai tây chiên, bim bim, bánh mì trắng, giăm bông chế biến và xúc xích.
Tới bệnh viện với các triệu chứng mệt mỏi như thiếu máu và thiếu vitamin B, các bác sĩ đã tiêm vitamin B12 cho cậu. Nhưng chỉ một năm sau, cậu bé bắt đầu mất cả thị giác và thính giác. Thiếu vitamin B, vitamin D và các chất dinh dưỡng khác đã làm tổn hại vĩnh viễn thị lực của cậu bé, khiến cậu bị mù hoàn toàn ở tuổi 17.
Một báo cáo mới khác ghi nhận tình trạng tương tự xảy ra với một thanh niên 18 tuổi khác ở Anh. Chàng thanh niên sống tại thành phố Gloucester cũng bị mù sau khi không ăn gì khác ngoài khoai tây chiên và sô cô la kể từ khi hai tuổi.
Đồ ăn vặt có thể gây suy dinh dưỡng và dẫn đến nhiều vấn đề
Mặc dù những trường hợp bị mù do ảnh hưởng của ARFID hiếm khi xảy ra, nhưng nhìn chung, việc ăn quá nhiều thực phẩm chế biến và đồ ăn vặt vẫn có thể gây ra nhiều vấn đề khác.
Các loại thực phẩm kém lành mạnh này có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và tiểu đường ở mọi lứa tuổi. Chúng cũng chiếm chỗ các thực phẩm lành mạnh hơn như rau, trái cây và ngũ cốc trong chế độ ăn uống hàng ngày của bạn, gây thiếu hụt thậm chí suy dinh dưỡng.
Hạn chế đồ ăn vặt là đặc biệt cần thiết đối với trẻ em, vì việc lấp đầy bụng với đồ ăn vặt có thể khiến chúng bỏ lỡ các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của não bộ và cơ thể.
Bởi vậy, nếu con bạn là một đứa trẻ kén ăn, hãy tham khảo những lời khuyên hữu ích của Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ. Trong đó nói việc thúc ép hoặc tạo áp lực lên trẻ là không nên. Thay vào đó, nguyên tắc là bạn cung cấp cho trẻ thực phẩm còn quyết định ăn nó hay không là ở trẻ.
Đồ ăn vặt có thể gây suy dinh dưỡng và dẫn đến nhiều vấn đề
Để khuyến khích trẻ ăn đa dạng các loại thực phẩm, có một số mẹo có thể giúp, ví dụ: cho trẻ ăn khi thực sự đói; để trẻ tự ăn thay vì bón, xúc; cung cấp cho trẻ hai sự lựa chọn thức ăn lành mạnh để trẻ tự chọn; đưa vào bữa ăn của trẻ ít nhất 1 loại thực phẩm lành mạnh mà bạn biết trẻ thích ăn chúng...
Nếu các cách thông thường không thể giải quyết tình trạng kén ăn của trẻ và bạn lo lắng con mình bị rối loạn ăn uống, hãy nói chuyện với bác sĩ. ARFID có thể được điều trị bằng liệu pháp nhận thức hành vi nếu được phát hiện sớm, mục tiêu là đưa chế độ ăn của trẻ trở lại mức cân bằng dinh dưỡng và đảo ngược các thiệt hại trước khi quá muộn.
Tham khảo Insider
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng