Cứu trợ cho người dân vùng lũ trong lúc nguy cấp là điều rất cần thiết. Tuy nhiên việc cân nhắc nên cứu trợ, ủng hộ gì cũng là điều quan trọng.
Theo thông tin từ VTV cùng với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, còn có rất nhiều cá nhân, các nhóm tình nguyện, thiện nguyện cũng đang tích cực tìm kiếm thông tin, kết nối để tổ chức cứu trợ cho người dân ở vùng thiên tai.
Tuy nhiên, cần lưu ý là các đơn vị và cá nhân đều cần liên hệ trước với chính quyền địa phương để đảm bảo hoạt động cứu trợ đáp ứng đúng nhu cầu thực tế của người dân tại vùng thiên tai cũng như đảm bảo an toàn của các đoàn. Trước khi đoàn cứu trợ lên đường cần cập nhật tình hình mưa lũ, ngập úng, đường giao thông... nhằm đảm bảo đi lại an toàn và thuận lợi. Bản thân những người đi cứu trợ cũng phải tự trang bị an toàn cho chính bản thân mình.
Vào thời điểm này, người dân cả nước đang hứng chịu thiệt hại bão lũ đang rất cần sự chung tay và những sự hỗ trợ thiết thực.
1. Phương tiện bảo hộ cá nhân bao gồm áo phao, đèn pin, sạc dự phòng, loa tay, khăn mặt khô, ni lông tấm dày thể có quấn quanh người tránh mưa lạnh hoặc có thể che, trải …
2. Về vận chuyển, cần thuyền, cano, xuồng, xe chuyên chở (nên là xe gầm cao, xe bán tải, xe tải, xe tải có chấu hoặc thùng dài để chở được nhiều, chở cano, xuồng máy)
3. Về thực phẩm, cần lương khô, sữa nước đóng hộp hoặc túi, bánh mỳ hoặc bánh khô loại có túi nylon, một số loại bánh để được vài ngày (bánh chưng, bánh gai, bánh nếp…)
4. Lực lượng trực tiếp đi cứu trợ: cần những người có sức khỏe tốt, bơi tốt, có khả năng lái xe, lái thuyền/xuồng/cano, có chuyên môn y tế càng tốt.
5. Người có kỹ năng điều phối, có mạng lưới hỗ trợ, có thể kết nối nguồn lực.
Cùng với đó, chia sẻ với báo VietNamNet , Đại tá Nguyễn Xuân Toàn - Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban kiểm tra Đảng ủy Bộ đội biên phòng - cho biết, điều người dân cần ghi nhớ nhất khi tham gia ứng cứu vùng lũ là nên tìm đầu mối liên hệ ở địa phương.
“Các đoàn cứu trợ nên liên lạc với một đầu mối ở địa phương như công an, bộ đội hoặc chính quyền để cập nhật tình hình nước lũ và tiếp cận vùng lụt theo hướng dẫn của các đơn vị đó.
Việc liên hệ với đầu mối ở địa phương cũng giúp địa phương nắm bắt được số lượng người, nhu yếu phẩm, trang thiết bị mà đoàn cứu trợ mang theo để sắp xếp phương tiện, cách thức tiếp cận vùng lũ sao cho hợp lý.
Ngược lại, đầu mối tại địa phương cũng có trách nhiệm cập nhật tình hình nước lũ hiện tại cho đoàn, thông báo phương án tiếp cận an toàn”.
Đại tá Toàn cho biết, ông rất hiểu tâm lý các đoàn cứu trợ thường muốn tận tay trao hàng cứu trợ cho bà con.
Nhưng nếu như phương tiện, cơ sở vật chất và nhân lực tại địa phương không đủ điều kiện để đưa đoàn vào tận nơi, hoặc chỉ đưa được một số thành viên vào vùng bị cô lập thì các đoàn cứu trợ nên nghe theo hướng dẫn của cơ quan sở tại, ông Toàn nói.
Ngoài ra, khi công tác cứu hộ đang hết sức gấp rút, bận rộn thì việc đoàn cứu trợ đông người muốn tiếp cận vùng bị cô lập cũng khiến cho địa phương hao tổn nhân lực.
Hiện tại, có những đoàn có sẵn thuyền, cano mang vào vùng lũ. Tuy nhiên, theo Đại tá Toàn, các đoàn vẫn nên liên hệ với địa phương để vào trong, thay vì tự di chuyển bởi sẽ có những mối nguy hiểm tiềm ẩn do nước lũ vẫn còn đang chảy xiết.
“Cũng có những đoàn cứu trợ cung cấp các loại thực phẩm và trang thiết bị mà người dân vùng lũ chưa cần dùng ngay. Trường hợp đó, các đoàn nên gửi lại địa phương để địa phương phân bổ sau khi nước rút”.
Đại tá Toàn chia sẻ, theo kinh nghiệm của ông, khi nước còn chảy xiết thì địa phương sẽ không đưa đoàn cứu trợ vào mà sẽ đợi đến khi nước đã tĩnh. “Khi nước vẫn chảy, thường chỉ có lực lượng cứu hộ chở hàng vào cho những vùng bị cô lập. Thường việc cứu trợ sẽ diễn ra sau vài ngày”.
“Khi địa phương đã đồng ý đưa đoàn vào rồi, mọi người nên mặc áo phao và mặc trang phục gọn gàng để dễ xử lý trong các trường hợp khẩn cấp. Về trang phục và trang thiết bị đảm bảo an toàn, địa phương sẽ cung cấp và hướng dẫn đoàn cứu trợ”.
Về nhu yếu phẩm, Đại tá Toàn cho rằng, các loại thực phẩm mà dân vùng lũ cần nhất là mì tôm, nước uống đóng chai và các loại bánh trái có thể ăn được ngay.
“Thường thì gạo chưa thể sử dụng được ngay, khi nước đang còn dâng. Tôi từng thấy có đoàn mang được bếp gas mini vào cho bà con. Theo tôi, đây là vật dụng rất hữu ích khi điện, nước chưa có. Có bếp gas mini thì bà con có thể nấu mì thuận tiện hơn”, Đại tá Toàn cho hay.
Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết tính đến 14h30 ngày 10/9, bão và hoàn lưu bão số 3 (Yagi) gây mưa lũ, sạt lở đất tại các tỉnh, thành phố miền Bắc, trong đó có Hà Nội, làm 87 người chết, 70 người mất tích.
Ngoài thiệt hại về người, lũ lụt còn gây tổn thất lớn về kinh tế. Hàng trăm hecta lúa và hoa màu bị ngập úng, mất trắng. Nhiều công trình xây dựng, nhà cửa bị lũ cuốn trôi, khiến người dân mất nơi cư trú. Các tỉnh như Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái,... cũng đang đối mặt với những thiệt hại nghiêm trọng về tài sản và nông nghiệp.
Dự báo thời tiết cho thấy tình hình mưa lũ sẽ còn tiếp diễn trong những ngày tới, làm tăng nguy cơ xảy ra thêm các trận lũ quét và sạt lở đất.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng