Ngoài sushi và hoa anh đào, thứ màu xanh này cũng được xếp vào hàng báu vật của Nhật Bản
Nhắc tới Nhật Bản, chúng ta thường hay nghĩ tới hình ảnh hoa anh đào, sushi và những cây cầu sơn màu đỏ. Tuy nhiên, đất nước Nhật Bản còn rất nhiều báu vật quý giá mà ít người biết tới, một trong số đó là bóng rêu Marimo.
Marimo là gì?
Bóng rêu, hay còn gọi là Marimo trong tiếng Nhật là một loại tảo xanh thân mềm, dạng sợi, thường có dạng quả cầu tròn với bề mặt mịn mượt. Đường kính của marimo thường vào khoảng 12 - 30cm tùy vào điều kiện nơi chúng phát triển.
Marimo không mọc phủ quanh một vật thể nào mà chúng phát triển độc lập từ các sợi tảo mịn, liên tục tỏa ra và phân nhánh, tạo thành dạng hình cầu tròn như trái bóng tennis.
Điểm đặc biệt là ở phần lõi của Marimo có chứa chất diệp lục ở dạng không hoạt động. Khi quả cầu bị tách ra và ánh sáng chiếu vào, chất này sẽ "thức dậy" và tiến hành quá trình quang hợp.
Marimo là những quả bóng rêu
Bóng rêu sinh trưởng và phát triển sâu dưới lòng nước, thường là ở dưới đáy hồ - nơi có nhiệt độ dao động từ 13 - 35 độ C. Tại đây, những chuyển động đều đặn của dòng nước sẽ nhẹ nhàng xô đẩy giúp cho chúng giữ được dạng hình cầu đồng thời đảm bảo mọi mặt của quả cầu đều có thể tiếp xúc được với ánh sáng.
Tốc độ phát triển của Marimo rất chậm, kích thước chỉ tăng khoảng vài mm mỗi năm nhưng chúng là loài tảo có tuổi thọ rất cao, có thể lên đến hàng trăm năm. Bóng rêu phát triển nhiều nhất trong khu vực hồ Akan tại Hokkaido, Nhật Bản.
Bóng rêu marimo dưới đáy hồ Akan, Hokkaido (Nhật Bản)
Tại sao người Nhật coi Marimo là "báu vật"
Người Nhật rất bảo vệ và tôn sùng Marimo bởi họ coi đó là một vật mang lại may mắn, tình yêu và sự thịnh vượng.
Truyền thuyết kể rằng xưa kia có hai người yêu nhau sâu đậm nhưng vì không đến được với nhau nên họ cùng nhau trầm mình xuống dòng nước và trái tim họ hóa thành những quả cầu Marimo.
Marimo chính thức được coi là báu vật tự nhiên của Nhật Bản từ năm 1920. Cho đến nay, hàng năm tại khu vực hồ Akan vẫn diễn ra lễ hội kéo dài 3 ngày để tôn vinh loại tảo này, đồng thời nâng cao ý thức cho người dân về việc bảo tồn và giữ gìn chúng.
Thú cưng Marimo
Tại Nhật Bản và rất nhiều nơi trên thế giới, người ta nuôi Marimo như một loại thú cưng trong bể nước, bởi chúng có khả năng làm sạch bể và loại bỏ các loại rêu có hại. Ngoài ra, quá trình nuôi Marimo cũng rất đơn giản và không hề tốn nhiều công sức.
Một lưu ý nếu bạn muốn nuôi một vài chú Marimo cho riêng mình là cần tránh ánh nắng chiếu trực tiếp. Marimo phát triển tốt nhất trong điều kiện ánh sáng yếu. Bạn cũng cần chú ý xoay các mặt cầu thường xuyên để đảm bảo chúng được tiếp xúc với lượng ánh sáng bằng nhau, và giữ được hình dáng tròn.
Nước trong bể chứa Marimo cũng nên được thay một tuần một lần, trừ khi bạn giữ chúng trong bể có chứa máy lọc.
Điều thú vị khi "nuôi" một chú Marimo là bạn có cơ hội được ngắm màn trình diễn của chúng khi quá trình quang hợp diễn ra.
Khi oxy được sản sinh, nó gây ra tác động khiến bóng rêu di chuyển. Khi oxy thoát ra ngoài bể, bóng rêu sẽ dần dần nổi lên, lộn vòng một cách chậm rãi và cuối cùng lại chìm xuống dưới đáy bể.
Tham khảo: Moss ball
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng