Người chơi công nghệ có thực sự cần quan tâm tới Temu không?
Shopee, Lazada, Tiki hay các hệ thống bán lẻ sản phẩm công nghệ có thực sự phải ‘run sợ’ trước sự đổ bộ của nền tảng TMĐT mới này?
- UNIQLO ra mắt bộ sưu tập Thu Đông mới: Áo PUFFTECH mỏng nhẹ mà siêu ấm, chống lạnh từ sương gió, dễ giặt sạch
- 6 Deal tai nghe và loa chính hãng giảm sâu: SoundPeats, Edifier, Hoco, Baseus...
- Cuối tháng săn sale chuột không dây giá rẻ mà chất lượng cực ngon: Giá chỉ từ hơn 300.000 đồng, nhiều chế độ ghép nối, pin dùng vài tháng tới vài năm
Trong mấy ngày qua, thị trường bỗng ‘dậy sóng’ khi sàn thương mại điện tử (TMĐT) Temu đã cập bến Việt Nam. Nhưng là một người yêu công nghệ, thứ duy nhất tôi quan tâm đó là: Temu có phải là điểm đến tốt để mua sắm các món đồ công nghệ như smartphone, tai nghe, smartwatch… hay không?
Nhiều ‘tai tiếng’ trước khi tới Việt Nam
Trước khi bước chân vào thị trường Việt Nam, Temu cũng đã có thời gian dài hoạt động tại các thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ và Canada. Nền tảng mua sắm này thu hút người dùng nhờ lời hứa về việc có giá bán các sản phẩm thấp nhất thị trường, thông qua việc chuyển hàng trực tiếp từ nhà sản xuất tới tay người dùng, loại bỏ các đại lý, nhà phân phối ở giữa.
Nhưng trong suốt thời gian này, Temu đã gặp nhiều ‘tai tiếng’ trong cách thức hoạt động của mình. Chỉ cần tìm từ khóa ‘Temu’ trên Google, không cần phải cuộn chuột xa ta cũng đã tìm thấy những bài viết, video đánh giá không mấy tích cực về nền tảng này. Một số những phàn nàn của người dùng về Temu có thể kể đến:
- Người dùng đặt nhưng không nhận được hàng, một số nhận được hàng nhưng lại không phải là sản phẩm họ đã đặt.
- Cách thức đóng gói tệ, thường chỉ bằng những lớp túi nilon và túi giấy mỏng nên hàng hóa có thể bị hỏng hóc trong quá trình vận chuyển.
- Có quá nhiều sản phẩm kém chất lượng, sản phẩm ‘nhái’ với mức giá rẻ đến không ngờ nhưng sau khi sử dụng trong một thời gian ngắn thì hỏng và không dùng được nữa.
- Việc bán ra hàng loạt sản phẩm kém chất lượng cũng liên đới tới vấn đề bảo vệ môi trường: Quần áo, thiết bị điện tử khi không dùng tới sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường sống, trở thành rác chỉ một thời gian ngắn sau khi đặt mua.
- Hệ thống tiếp nhận phản hồi phàn nàn từ khách hàng chậm hoặc thậm chí không phản hồi, dẫn tới nhiều khách hàng muốn đổi trả sản phẩm không được.
Tại Trustpilot, một trang để người dùng tại thị trường Mỹ đánh giá chất lượng sản phẩm, dịch vụ của các công ty lớn, Temu hiện chỉ đạt 2.6 / 5 sao - một mức rất thấp. Xuống đọc đánh giá chi tiết của người dùng, lượng đánh giá 1 sao còn nhiều hơn 5 sao với những từ khóa như “Tệ, thất vọng, không đáng tin” xuất hiện liên tục, cho thấy những khách hàng tại Mỹ đã không hài lòng với dịch vụ của Temu như thế nào.
Nền tảng mới, nhiều thông tin vẫn còn nhập nhằng
Mặc dù là nền tảng thương mại điện tử đã xuất hiện ở nhiều nước, và có tốc độ phát triển có lúc còn vượt mặt cả Amazon nhưng Temu khi tới Việt Nam vẫn là một nền tảng mới. Tại Việt Nam, khi nhắc tới việc mua sắm nói chung và đặt mua các món đồ điện tử nói riêng mọi người sẽ nghĩ tới các đại lý bán lẻ như CellphoneS, Thế Giới Di Động, Mai Nguyên, Điện Máy Xanh… hoặc các sàn thương mại điện tử đã xuất hiện trước là Shopee, Tiki và Lazada.
Cũng vì vậy mà vẫn còn nhiều những thứ ‘nhập nhằng’ khi đặt mua các sản phẩm từ Temu. Ví dụ như Temu chỉ chấp nhận thanh toán bằng Thẻ thanh toán quốc tế hoặc Apple Pay / Android Pay chứ không có thanh toán tại chỗ (COD). Quá trình thanh toán này thậm chí còn không nhắn mã OTP về smartphone, nên cũng có thể trở thành 1 lỗ hổng bảo mật gây mất tiền.
Bên cạnh đó, việc thiếu đi những gian hàng chính thức của các thương hiệu lớn cũng dẫn đến những lo ngại về việc đổi trả, bảo hành cho các sản phẩm được mua. Đặc biệt là với các sản phẩm công nghệ thường có giá bán lên tới hàng chục triệu Đồng, việc có một chính sách đổi trả minh bạch, hệ thống tiếp nhận phàn nàn của khách hàng luôn ‘túc trực’ vẫn sẽ làm người mua cảm thấy yên tâm hơn.
Tại Việt Nam, Shopee, Lazada và Tiki đều kết nối các cửa hàng tại các thành phố lớn như Hà Nội và Hồ Chí Minh với người mua hàng. Nên khi có vấn đề phải đổi trả, bảo hành thì quy trình cũng trở nên đơn giản hơn rất nhiều so với mô hình chuyển hàng trực tiếp từ nhà máy (thường là từ Trung Quốc) của Temu. Thậm chí không thông qua các sàn TMĐT này, thì người dùng còn có thể tìm được chính xác địa chỉ của các cửa hàng này để tới phàn nàn trực tiếp, Temu thì không làm được vậy!
Ngoài ra, Temu hiện nay chưa được đăng ký hoạt động một cách chính thức tại thị trường Việt Nam theo đại diện của Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số. Theo Thứ trưởng Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, bất cứ sàn thương mại điện tử nào muốn hoạt động tại nước ta đều phải được quản lý chặt về chống gian lận, ngăn chặn việc bán hàng giả, hàng nhái kém chất lượng.
Giá không phải lúc nào cũng rẻ, mà còn thiếu rất nhiều thương hiệu
Với dòng quảng cáo “Mua sắm như tỷ phú”, Temu tự hào về việc các sản phẩm được bán trên nền tảng này có giá bán rẻ hơn so với các đối thủ. Nhưng trên thực tế, chỉ có một số ít sản phẩm chúng tôi tìm hiểu là có giá bán rẻ hơn, còn lại đều có thể mua được với mức giá tốt tại Shopee, Lazada, Tiki và các đại lý bán lẻ.
Ví dụ như sợi dây sạc USB-C công suất 240W của Essager, Temu bán với giá 175.135 Đồng tức là cao hơn so với Shopee (142.000 Đồng) hay thậm chí Lazada còn đang giảm giá xuống chỉ 99.000 Đồng.
Mua thử một cặp tai nghe để nghe nhạc! Cặp Edifier X5 Pro tại gian hàng chính thức của Edifier tại Temu có giá hơn 1 triệu Đồng, trong khi đó Shopee đang có mức giá giảm hơn hơn 700 nghìn, thậm chí là còn dưới 700 nghìn khi mua tại CellphoneS.
Như đã đề cập ở trên, Temu đang thiếu rất nhiều gian hàng chính hãng của rất nhiều thương hiệu lớn nhỏ khác nhau. Khi tìm mua một củ sạc, tôi không tìm thấy các thương hiệu đang được người Việt ưa dùng như Anker, Baseus, Ugreen mà thay vào đó là khá nhiều những lựa chọn không có tên nhà sản xuất.
Thử đi tìm 2 thương hiệu smartphone lớn nhất hiện nay là Samsung và Apple, thứ ta nhận lại được là những món phụ kiện cho sản phẩm của các nhãn này. Tệ hơn, ta còn tìm thấy những món đồ ‘nhái’ của các thương hiệu trên, trong đó nhiều nhất là những chiếc ‘Smartwatch’ không tên tuổi với hình dáng rất giống với Apple Watch.
Không phải nền tảng đáng tin cậy cho tín đồ công nghệ, ít nhất là thời điểm này
Nếu bạn là người chơi công nghệ và hào hứng với việc một sàn thương mại điện tử mới như Temu cập bến Việt Nam, thì những gì bạn nhận lại được sẽ là sự thất vọng! Tại thời điểm hiện nay, Temu không đem lại lợi ích gì so với các sàn TMĐT đã có mặt tại nước ta, thậm chí còn vướng nhiều vấn đề gây mất uy tín trong mắt người tiêu dùng.
Vẫn còn thời gian để Temu cải thiện chất lượng dịch vụ, cũng như kết nối với các thương hiệu lớn để đem tới một trải nghiệm mua sắm trọn vẹn hơn. Nhưng với tình hình hiện nay, đây không phải là lựa chọn số 1 trong việc mua sắm nói chung và sắm đồ công nghệ nói riêng.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng