Người đàn ông gốc Do Thái khiến Samsung điêu đứng, Argentina vỡ nợ và rất nhiều CEO khác trên thế giới kinh hãi
Là một luật sư, nhà đầu tư gốc Do Thái Paul Singer đã dùng luật pháp như một công cụ để thu hồi vốn và kiếm lời.
Cực kỳ lì lợm, hung hãn và không ngán bất kỳ vụ kiện tụng nào, Paul Singer có lẽ là nhà đầu tư đáng sợ nhất trên thế giới – đặc biệt là với những quỹ đầu tư đối thủ, các công ty và thậm chí nhiều quốc gia.
Nói như vậy là bởi quỹ đầu tư Elliott Management Corp của Singer – đơn vị đang quản lý khối tài sản khoảng 34 tỷ USD từ trước tới nay vốn nổi tiếng là “quỹ kền kền” chuyên đi ăn xác sống của những doanh nghiệp thậm chí quốc gia lâm vào tình cảnh vỡ nợ.
Tỷ phú “kền kền”
Paul Singer là người gốc Do Thái. Ông tốt nghiệp từ khoa tâm lý của Đại học Rochester và khoa luật tại Harvard. Năm 1974, Singer hành nghề luật sư tại Ngân hàng đầu tư Donaldson, Lufkin & Jenrette. Năm 1997, ông bắt đầu thành lập Quỹ đầu tư Elliott Associates LP từ 1,3 triệu USD tiền huy động được từ gia đình và bạn bè. Cho đến nay Elliott Management đang giám sát và quản lý khối tài sản khoảng gần 34 tỷ USD.
Cũng giống như chim kền kền chực chờ ăn xác chết, chiến lược đầu tư chính của Elliott là chuyên săn lùng những chủ nợ đang có trong tay những khoản nợ khó đòi của những con nợ không có khả năng thanh toán. Elliott mua lại những khoản nợ xấu đó với giá rẻ mạt, rồi lợi dụng những kẽ hở pháp lý để lấy lại vốn mà không quên nhân lên gấp bội số tiền đã chi ra ban đầu.
Là một luật sư, Paul Singer đã dùng luật pháp như một công cụ để thu hồi vốn và kiếm lời. NML Capital là một chi nhánh của quỹ Elliott Management Corporation, đăng ký kinh doanh tại thiên đường thuế quần đảo Cayman. Công ty này nằm trong đế chế của Paul Singer.
Nạn nhân nổi tiếng nhất của Singer chính là Argentina. Năm 2014, quốc gia này đứng trên bờ vực phá sản giống như năm 2011 và đứng sau vụ việc này không ai khác chính là Paul Singer.
Theo luật Mỹ, nếu như Argentina không thể hoàn trả số trái phiếu trị giá 1,3 tỷ USD cho một nhóm các nhà quản lý quỹ đầu cơ trước ngày 30/7, nước này sẽ lâm vào cảnh vỡ nợ. Nếu Argentina vỡ nợ, vì nhà đầu tư sẽ mất hết niềm tin vào khả năng trả nợ của Argentina, lãi suất mà chính phủ nước này phải trả sẽ tăng lên. Argentina buộc phải in tiền để trả cho các chủ nợ và cuối cùng nền kinh tế lại có thể lâm vào khủng hoảng.
Số trái phiếu được nhắc đến ở trên là trái phiếu do chính phủ Argentina phát hành năm 2001, khi đất nước này đang trên bờ sụp đổ. Đối với ông trùm quỹ đầu cơ Paul Singer, đây chính là cơ hội để triển khai một chiến lược đã trở nên quá quen thuộc.
Đây là cách thức hoạt động của chiến lược này:
Nhà đầu tư mua “rác” – những chứng khoán gần như không còn giá trị. Họ đặt cược rằng cuối cùng thì bên phát hành nợ sẽ có thể đưa mọi thứ trở lại quỹ đạo. Khi đó, giá trị của chứng khoán sẽ tăng lên và nhà đầu tư hưởng lợi.
Hơn nữa, bên phát hành nợ cũng sẽ tiến hành tái cơ cấu nợ, có nghĩa là đàm phán với các chủ nợ để giảm mức phải trả. Vì nhận được một chút tiền còn hơn là không nhận được gì, các chủ nợ thường sẵn sàng đàm phán.
Nhưng chiến thuật của Paul Singer phức tạp hơn.
Ông là người dẫn đầu một nhóm các quỹ đầu cơ (được biết đến tên gọi NML) cố gắng thu về 100 cent trên mỗi USD nợ của Argentina trong khi các nhà đầu tư khác chấp nhận mất 70%. Đối với Argentina, Paul Singer giống như “một chú kền kền”.
Trên thực tế, Singer có thể được coi là “ông vua” của chiến thuật này. Năm 1995, ông mua nợ của ngân hàng Peruvian với giá 20 triệu USD và sau đó theo kiện đến cùng, cho tới khi nhận được khoản bồi thường 58 triệu USD. Năm 2002 và 2003, Singer nhận được hơn 100 triệu USD tiền lãi sau khi mua 30 triệu USD nợ của Congo-Brazzaville.
Tuy nhiên, trường hợp Argentina không dễ dàng như vậy. Tổng thống Cristina Fernandez de Kirchner từng phát biểu rằng Argentina sẽ không chịu đầu hàng.
Thế nhưng, Argentina kháng cáo lên tòa án Mỹ và cuối cùng đã thua cuộc. Như vậy, Singer đã cho cả thế giới thấy ông có thể làm những gì. Thực tế là ông đã từng bắt giữ một chiếc tàu của hải quân Argentina năm 2012 ở Ghana.
Trước Argentina, Peru, Zambia hay Cộng hòa Dân chủ Congo đã từng là những “nạn nhân” của vị tỷ phú “kền kền” Singer. Năm 1999, Singer đã tung ra 11 triệu USD để mua các khoản nợ khó đòi của Peru và sau đó cương quyết không tham gia vào chương trình tái cơ cấu nợ của nước này. Kiên nhẫn một chút, nhờ một phán quyết của tòa án Mỹ, vài năm sau, ông trùm Singer đã thu về 58 triệu USD.
Những nạn nhân
Sẽ là thiếu sót nếu như không nhắc tới Samsung trong câu chuyện của vị tỷ phú "kền kền" Paul Singer. Là nhà đầu tư tại Samsung Electronics Co., tháng 10/2016, Elliott đã công khai bức thư dài 10 trang và một bài thuyết trình gồm 31 slide thúc giục Samsung chia tách làm 2 công ty. Nhà đầu tư này cũng nói rằng công ty nên bổ sung thêm 3 nhà đầu tư độc lập nữa và bắt đầu trả cổ tức. Tới tháng 4 năm sau, Samsung từ chối tiến hành hầu hết các yêu cầu này, ngoại trừ việc trả cổ tức theo quý.
Ngoài ra, Elliott cũng trở thành cổ đông lớn tại Samsung C&T - chi nhánh xây dựng của tập đoàn này vào năm 2015. Khi Cheil Industries - cũng là một chi nhánh của tập đoàn Samsung ngỏ ý muốn thâu tóm C&T, Singer đã kịch liệt phản đối nhưng sau đó, đề nghị của Singer không được chấp thuận và thương vụ vẫn diễn ra.
Tuy nhiên, đến năm 2016, phía công tố viên bắt đầu điều tra một loạt bê bối liên quan tới cựu Tổng thống bị phế truất Park Geun-hye và cáo buộc có gian lận trong thương vụ thâu tóm kể trên. Hiện tại bà Park đã bị phế truất còn Phó chủ tịch Samsung Jay Y. Lee đang phải ngồi tù để điều tra. Như vậy một phần nào đó, Paul Singer có liên quan tới những sóng gió cực kỳ lớn mà Samsung cũng như chính trường Hàn Quốc vừa phải trải qua.
Theo thống kê của Forbes, Paul Singer hiện nắm trong tay khối tài sản trị giá 2,6 tỷ USD. Hiện tại, mục tiêu của Singer đang nhắm tới là công ty khai thác mỏ lớn nhất thế giới. Ông cũng vừa chiến thắng Warren Buffett trong trận chiến giành nhà phân phối điện lớn nhất Texas.
Ai sẽ là nạn nhân tiếp theo của Paul Singer vẫn là một ẩn số. Tuy nhiên với danh mục đầu tư hiện tại cùng những sự kiện đã diễn ra, người ta không thể không nể sợ người đàn ông gốc Do Thái này.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng