Người đàn ông ngỡ đã chết bất ngờ tỉnh dậy trong phòng mổ, khi các bác sĩ đang tiến hành lấy nội tạng của anh ấy
Sau khi các cáo buộc về vụ việc tại Kentucky xuất hiện trong phiên điều trần của Quốc hội Hoa Kỳ vào tháng trước, số lượng người đăng ký hiến tạng tại Mỹ đã lập tức giảm sút.
- Hé lộ mới về hài cốt và thân thế bí ẩn của Christopher Columbus, người đầu tiên tìm ra Châu Mỹ
- Cuộc hội ngộ của những trái tim hiến tặng: “Ở một mức độ nào đó, con trai tôi vẫn đang còn sống”
- Nếu ký ức tồn tại trong trái tim: Liệu một phần người hiến tim vẫn còn sống, bên trong cơ thể người nhận tạng ghép?
- Khoa học hay tâm linh: Lời giải thích nào cho những ký ức song song của người hiến tặng và người nhận tạng ghép?
- Bí ẩn y học: Trái tim được hiến tặng mách bảo chủ nhân mới tìm về nhà chủ nhân cũ, dù danh tính hai bên đã bị giấu kín
Một sự việc cực kỳ hi hữu vừa được báo cáo tại phiên điều trần của Ủy ban Năng lượng và Thương mại Hoa Kỳ về hệ thống điều phối tạng ghép ở nước này. Theo đó, một cựu kỹ thuật viên từng làm việc cho Chi nhánh Hiến tạng ở tiểu bang Kentucky (KODA) đã tố cáo một số bác sĩ tắc trách dẫn tới hậu quả rất nghiêm trọng.
Sự việc liên quan đến một người đàn ông 33 tuổi được chẩn đoán chết não, nhưng sau đó lại bất ngờ tỉnh dậy trong phòng phẫu thuật, khi các bác sĩ chuẩn bị mổ cơ thể anh ấy để lấy nội tạng, vì nghĩ người đàn ông thực sự đã chết.
"Thế nhưng, anh ấy đã tỉnh dậy, cử động trên bàn mổ rồi giãy giụa", Natasha Miller, cựu kỹ thuật viên làm nhiệm vụ bảo quản nội tạng ở KODA, và cũng là người đệ đơn lên Ủy ban Năng lượng và Thương mại Hoa Kỳ cho biết.
"Và khi tiến lại gần, bạn có thể thấy một dòng nước mắt chảy xuống. Anh ấy rõ ràng đã khóc".
Còn gì khủng khiếp hơn?
Sự việc chấn động này đã xảy ra tại Bệnh viện Baptist Health ở thành phố Richmond, tiểu bang Kentucky, Hoa Kỳ vào tháng 10/2021, nhưng phải đến tận bây giờ mới gây được sự chú ý của công chúng. Đó là bởi các quan chức của KODA đã tìm cách xử lý truyền thông và làm nhẹ nó, theo Nyckoletta Martin, một nhân chứng khác cho biết.
Giống như Miller, Martin cũng là một kỹ thuật viên bảo quản tạng ghép từng làm việc ở Chi nhánh Hiến tạng Kentucky. Ngày hôm đó, Martin vốn không được phân công vào phòng mổ, nhưng linh cảm đã mách bảo cô đọc về hồ sơ của bệnh nhân phía bên trong.
Danh tính của bệnh nhân được giấu kín, Martin chỉ thấy hồ sơ ghi rằng người đàn ông 33 tuổi đã chết não. Nhưng vào buổi sáng, trong khi anh ấy được thông tim – một thủ thuật liên quan đến việc đánh giá trái tim còn khỏe không để mang đi hiến tặng – bệnh nhân đã tỉnh dậy.
Thông tim đòi hỏi các bác sĩ luồn một ống thông (Catheter) rỗng ruột vào động mạch hoặc tĩnh mạch ở bẹn, cổ hoặc cánh tay; luồn qua các mạch máu và đến tận tim của người bệnh.
"Người hiến tạng đã tỉnh dậy trong lúc đang thực hiện quy trình thông tim vào buổi sáng hôm đó. Và anh ấy đã quẫy đạp trên bàn mổ", Martin nói. Nhưng các bác sĩ đã gây mê lại cho anh ấy và tiếp tục quy trình cho đến cuối cùng.
Vào buổi chiều, khi ca mổ hiến tạng chính thức được tiến hành, thuốc mê hết tác dụng đã khiến người đàn ông tỉnh lại một lần nữa. Miller, nhân chứng đầu tiên của vụ việc có mặt trong phòng mổ, kể lại:
"Mọi thứ lúc đó thực sự hỗn loạn. Bệnh nhân cử động rồi quẫy đạp. Các bác sĩ đã rất hoảng sợ. Họ đều muốn dừng quy trình lại: "Tôi không tham gia vào việc này nữa. Tôi không muốn dính dáng đến chuyện này", vị bác sĩ phẫu thuật đã nói".
Nhưng Miller cho biết thêm cô đã nghe thấy một người điều phối tạng ghép tại KODA gọi điện thoại cho cấp trên của mình. Sau đó, vị cấp trên đã yêu cầu cô ấy tìm một bác sĩ khác để tiếp tục lấy tạng của người đàn ông. Vị cấp trên này đã quát trong điện thoại khiến người điều phối tạng ghép phải bật khóc.
Danh tính bệnh nhân được hé lộ
Trong một bài phỏng vấn vào tuần trước với Đài Phát thanh Công cộng Quốc gia Hoa Kỳ (NPR), một người phụ nữ tên là Donna Rhorer, sống tại thành phố Richmond, tiểu bang Kentucky, đã thừa nhận em trai cô, Anthony Thomas "TJ" Hoover II, chính là nạn nhân của vụ việc này.
Cô cho biết TJ đã được đưa đến bệnh viện Baptist Health cấp cứu sau khi sử dụng thuốc quá liều. Các bác sĩ thông báo cho Rhorer và gia đình rằng em trai cô đã bị ngừng tim dẫn tới chết não, không có sóng não.
Các chức năng cơ thể của TJ chỉ đang được duy trì bằng máy tim phổi nhân tạo. Gia đình nên quyết định thời điểm rút ống thở cho TJ, và họ nói rằng cơ sở dữ liệu y tế cho thấy TJ đã đăng ký hiến tạng sau khi chết.
Gia đình sau đó đã quyết định để anh ra đi thanh thản. Bệnh viện Baptist Health còn tổ thức một buổi lễ vinh danh dành cho TJ, trước khi họ đem anh từ phòng chăm sóc đặc biệt sang phòng phổ kiểm tra xem nội tạng nào của anh còn có thể hiến tặng được.
Trong giây phút đó, Rhorer nói rằng cô dường như thấy em trai mình đã mở mắt, nhìn một lượt mọi người xung quanh. "Nó giống như cách cậu ấy nói với chúng tôi rằng "Chị ơi, em vẫn còn ở đây'", Rhorer cho biết.
Mặc dù vậy, các bác sĩ sau đó lại nói rằng những gì mà Rhorer và gia đình thấy chỉ là phản xạ thông thường của bệnh nhân chết não. Chỉ khi TJ thực sự tỉnh dậy trên bàn mổ, khóc và giãy giụa thì các bác sĩ mới bắt đầu tỏ ra hoảng loạn và dừng cuộc phẫu thuật lại.
Khoảnh khắc bệnh nhân TJ được đưa từ phòng chăm sóc đặc biệt vào phòng mổ lấy tạng
Rất may là cơ thể của TJ chưa bị rạch để lấy bất kỳ nội tạng nào. Nhưng sự viện cũng làm chấn động không chỉ gia đình mà cả các nhân viên y tế tại bệnh viện Baptist Health và Chi nhánh Hiến tạng Kentucky trong đó có Martin, người sau đó đã phải xin nghỉ việc.
"Tôi đã dành cả đời mình cho việc hiến tạng và cấy ghép. Thật đáng sợ với tôi khi những điều này lại được phép xảy ra mà không có biện pháp nào để bảo vệ những người hiến tạng", Martin nói.
"Đó là cơn ác mộng tồi tệ nhất của mọi người, phải không? Bị tỉnh dậy trên bàn mổ và biết rằng ai đó sẽ rạch cơ thể bạn và lấy đi các bộ phận bên trong? Thật kinh khủng".
"Sau sự việc đó, tôi cùng một số nhân viên y tế đã phải đi trị liệu tâm lý. Nó đã gây ảnh hưởng lớn đến nhiều người, đặc biệt là với tôi", Martin nói với NPR.
Làm suy yếu niềm tin vào nghĩa cử hiến tạng cao đẹp
Trả lời yêu cầu bình luận của NPR, Văn phòng Tổng chưởng lý bang Kentucky cho biết các nhà điều tra của họ đang "xem xét" các cáo buộc. Cơ quan Quản lý Tài nguyên và Dịch vụ Y tế liên bang (HRSA), cơ quan giám sát việc thu nhận nội tạng, cũng cho biết họ đang "điều tra các cáo buộc" liên quan đến vụ việc xảy ra tại Kentucky.
Bệnh viện Baptist Health Richmond, nơi được cho là đã xảy ra sự cố, đã nói trong một tuyên bố rằng: "Sự an toàn của bệnh nhân luôn là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Chúng tôi làm việc chặt chẽ với bệnh nhân và gia đình của họ để đảm bảo nguyện vọng hiến tạng của bệnh nhân được tuân thủ".
Về phần mình, Chi nhánh Hiến tạng Kentucky (KODA) thừa nhận sự có mặt của nhân chứng Miller trong phòng phẫu thuật ngày xảy ra sự việc. Tuy nhiên, họ nói "vụ việc này chưa được trình bày chính xác".
"Không ai tại KODA từng bị ép buộc phải thu nhận nội tạng từ bất kỳ bệnh nhân nào còn sống", Julie Bergin, người đại diện cho tổ chức này cho biết. "KODA không thu nhận nội tạng từ bệnh nhân còn sống. KODA chưa bao giờ gây áp lực lên các thành viên trong nhóm để làm như vậy".
Các quan chức của hệ thống thu nhận nội tạng, bác sĩ phẫu thuật cấy ghép và những người khác nói rằng có các quy trình nghiêm ngặt để ngăn chặn những vụ việc như thế này xảy ra.
"Những sự cố như thế này thật đáng lo ngại. Và chúng tôi muốn chúng được báo cáo và đánh giá một cách kỹ lưỡng", Dorrie Dils, chủ tịch của Hiệp hội Các tổ chức Thu nhận Nội tạng, nói với NPR trong một cuộc phỏng vấn. "Và rõ ràng chúng tôi muốn đảm bảo rằng bệnh nhân thực sự đã chết khi việc hiến tạng được tiến hành. Chúng tôi muốn công chúng tin tưởng rằng điều đó thực sự đã diễn ra. Quy trình này là cực kỳ thiêng liêng".
Mặc dù vậy, Dils cho biết ngay sau khi các cáo buộc về vụ việc tại Kentucky xuất hiện trong phiên điều trần của Quốc hội Mỹ vào tháng trước, số lượng người đăng ký hiến tạng tại Hoa Kỳ đã lập tức giảm sút.
Nhiều người lo ngại những báo cáo này có thể làm suy yếu hệ thống cấy ghép nội tạng quốc gia tại Hoa Kỳ. "Đây là một câu chuyện kinh hoàng. Tôi nghĩ rằng chúng cần được theo dõi cẩn thận", tiến sĩ Robert Truog, giáo sư đạo đức y tế, gây mê và nhi khoa tại Trường Y Harvard cho biết.
"Nhưng tôi thực sự không muốn công chúng tin rằng đây là một vấn đề nghiêm trọng. Tôi tin rằng đó chỉ là những trường hợp đơn lẻ, mà hy vọng chúng ta sẽ có thể làm rõ và ngăn chặn để chúng không bao giờ xảy ra nữa", tiến sĩ Truog nói.
Thế nhưng, có sự việc tương tự đã xảy ra
Một số người chỉ trích hệ thống thu nhận nội tạng tại Mỹ cho biết họ không ngạc nhiên trước những cáo buộc này. Với hơn 103.000 người trong danh sách chờ ghép tạng, các tổ chức thu nhận nội tạng đang chịu áp lực lớn để tăng số lượng nội tạng thu nhận được để cứu nhiều người hơn.
Ngoài ra, vẫn đang có một cuộc tranh luận trong cộng đồng y tế về thời điểm và cách thức tuyên bố một bệnh nhân là đã chết.
"Tôi chỉ hy vọng trường hợp như thế này là cực kỳ hiếm gặp, nhưng nó thực sự đã tiết lộ một số vấn đề tiềm ẩn có thể nảy sinh khi có sự bất đồng về cách xác định cái chết", tiến sĩ Matthew DeCamp, phó giáo sư y khoa và nhà đạo đức sinh học tại Đại học Colorado nói.
Nhưng một số người tự hỏi liệu chuyện này có quá hiếm gặp hay không?
"Đây dường như không phải là một trường hợp đơn lẻ, không phải một con sâu duy nhất làm rầu nồi canh", Greg Segal, người điều hành tổ chức giám sát hệ thống cấy ghép nội tạng Organize, nói. "Tôi nhận được những cáo buộc như thế với tần suất đáng lo ngại".
Tương tự, Thaddeus Pope, một luật sư đồng thời là nhà đạo đức sinh học tại Trường Luật Mitchell Hamline ở Saint Paul, cho biết: "Đây không phải là một trường hợp đơn lẻ. Trước đây cũng đã từng có sự viên tương tự bị cáo buộc".
Một trong những trường hợp đó được mô tả bởi tiến sĩ Robert Cannon, một bác sĩ phẫu thuật cấy ghép tại Đại học Alabama ở Birmingham. Trong phiên điều trần tháng trước, tiến sĩ Cannon đã mô tả một sự cố tương tự xảy ra tại một bệnh viện ngoài Alabama.
"Chúng tôi thực sự đã ở trong phòng mổ. Chúng tôi đã mở bệnh nhân ra và đang trong quá trình chuẩn bị lấy các bộ phận nội tạng của người đó, vào lúc đó máy thở đã kích hoạt và bác sĩ gây mê đứng ở đầu bàn mổ đã lên tiếng và nói, 'Này, tôi nghĩ bệnh nhân này vừa thở'", Cannon nói với NPR trong một cuộc phỏng vấn sau đó.
"Nếu bệnh nhân thở, điều đó có nghĩa là họ không chết não". Một đại diện của OPO, tổ chức thu giữ nội tạng ở Mỹ nói rằng họ vẫn muốn tiếp tục ca mổ lấy tạng này. Nhưng tiến sĩ Cannon nói ông đã từ chối:
"Chúng tôi thực sự bị sốc khi một người từ OPO lại có quá ít kiến thức về ý nghĩa của việc chết não mà họ nói, 'Ồ, các ông cứ tiếp tục đi.' Và chúng tôi nghĩ, 'Không. Chúng tôi sẽ không mạo hiểm giết một bệnh nhân.' Bởi vì đó chính là điều sẽ xảy ra nếu bệnh nhân còn sống".
Về phần mình, gia đình TJ cho biết kể từ sau khi tỉnh dậy sức khỏe của anh ấy đã không thể trở lại bình thường. Donna Rhorer, chị gái ruột đồng thời là người giám hộ của TJ cho biết em trai mình thường xuyên gặp phải các sang chấn tâm lý sau ca hiến tạng hụt đó.
"Cậu ấy luôn nói "Tại sao lại là tôi? Tại sao họ lại muốn lấy nội tạng của tôi?", Rhorer cho biết. Có những lúc khác, TJ lại cảm thấy tội lỗi vì anh ấy đã không chết để mọi người có thể lấy được nội tạng của anh ấy và sống.
"Chứng kiến em trai mình như vậy thực sự khiến tôi rất tức giận", Rhorer cho biết thêm. Cô muốn công khai câu chuyện này với báo chí với hi vọng nó có thể thể "giúp một gia đình khác có thêm can đảm để lên tiếng hoặc cứu được một mạng người khác".
"Tôi cảm thấy bị phản bội bởi những người đã nói với chúng tôi rằng cậu ấy đã chết não, nhưng rồi cậu ấy lại tỉnh dậy. Họ đang cố đóng vai Chúa. Bạn biết đấy, họ gần như đang chọn lựa – họ sẽ lấy người này để cứu những người kia. Và sau đó thì bạn sẽ mất đi một chút niềm tin vào nhân loại".
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng
Bên cạnh những nâng cấp về phần cứng, Galaxy S25 Ultra được Samsung chú trọng vào các tính năng Galaxy AI mới.
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra