Người Nga bỏ 1,3 triệu USD "thay trời điều khiển mưa rơi" như thế nào?

    Lê Tuấn Anh,  

    Công nghệ điều khiển thời tiết đang ngày càng tiên tiến

    Theo một số báo cáo, Chính phủ Nga đã dành số tiền tương đương khoảng 1,3 triệu USD để ngăn mưa rơi trong ngày Quốc tế lao động 1/5 vừa qua. Chính phủ Nga đã thuê một nhà thầu sử dụng kỹ thuật gọi là “cloud seeding”, đưa các hóa chất khác nhau vào những đám mây khiến mưa rơi sớm hơn dự kiến.

    Ý tưởng ở đây là có thể ép mưa xảy ra ở một địa điểm và thời điểm nhất định, do đó không thể bay tới gây mưa cho khu vực khác. Điều này giống như một kịch bản viễn tưởng vậy. Tuy nhiên công nghệ điều khiển thời tiết đang ngày càng tiên tiến và đáng tin cậy hơn qua mỗi năm.

    Vậy kỹ thuật "Cloud seeding" là gì?

    Hiện có ba phương pháp cloud seeding: phương pháp tĩnh, phương pháp động và phương pháp hút ẩm, trong đó phương pháp thứ ba đòi hỏi cần có nghiên cứu thêm. Cloud seeding tĩnh sử dụng các muối của i-ốt như AgI, KI, và carbon dioxide rắn (đá khô). Hỗn hợp các hóa chất có thể được vận chuyển đến mây bằng rocket hoặc máy bay. Các tinh thể muối AgI, KI… khiến các giọt nước li ti trong mây bám xung quanh chúng và phát triển đủ lớn để rơi xuống mặt đất.

     Các hóa chất được đưa vào đám mây để gây mưa

    Các hóa chất được đưa vào đám mây để gây mưa

    Cloud seeding động lại tăng cường dòng không khí theo chiều thẳng đứng làm các giọt nước li ti trong không khí tập trung vào mây nhiều hơn, đạt đủ lượng để chuyển thành mưa. Quá trình này phức tạp hơn cloud seeding tĩnh vì gồm nhiều bước cần tiến hành với độ chính xác cao. Chỉ một bước sai hỏng có thể ảnh hưởng rất lớn đến kết quả.

    Nga không phải quốc gia đầu tiên sử dụng cloud seeding. Năm 2008, Trung Quốc đã sử dụng cloud seeding để giữ thời tiết khô ráo tại lễ khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh với 1.110 quả rocket được bắn lên bầu trời giúp sân vận động Tổ Chim khô ráo. Trung Quốc cũng được cho là có nhiều người làm việc trong lĩnh vực điều khiển thời tiết hơn bất cứ quốc gia nào khác.

    Công nghệ cloud seeding cũng đang được dùng để chống hạn hán. Kỹ thuật này đã được sử dụng để tạo mưa ở Maharashtra, Ấn Độ. Trước bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu diễn ra ngày càng nghiêm trọng, mưa nhân tạo cũng là một giải pháp được thử nghiệm.

    Tuy nhiên, mặc dù cloud seeding nhận được nhiều sự chú ý, rất khó để chứng minh hiệu quả hoạt động của công nghệ này. Các chuyên gia khí tượng dường như không cùng quan điểm trong chủ đề về cloud seeding. Liệu công nghệ này có thực sự hoạt động và nếu hoạt động được thì liệu có tác dụng phụ không mong muốn mà ta chưa chú ý hay không? Không thể có hai đám mây giống nhau, vì vậy mỗi thí nghiệm lại được thực hiện với một loạt điều kiện và các biến số mới. Vì thế mà ngay cả các chuyên gia trong lĩnh vực này cũng không có cách để giải thích một cơn mưa là kết quả của cloud seeding hay chỉ đơn giản là do tự nhiên mà thôi.

    Tham khảo sciencealert.com

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày