Người phụ nữ phát minh ra phương pháp điều trị ung thư bằng laser, một ngày nào đó có thể thay thế hóa trị
"Một nhà khoa học mạnh mẽ, được đào tạo tốt và có lòng nhiệt tâm."
Giữa thập niên 80 của thế kỷ trước, cuộc chiến chống ma túy của chính phủ Mỹ đang lên đến đỉnh điểm. Đâu đâu khắp vùng phụ cận St. Louis, người ta cũng có thể bắt gặp những đứa trẻ vướng mình vào tệ nạn.
Thế nhưng dì của Hadiyah-Nicole Green, Ora Lee Smith, là một con người đầy nghị lực. Bà cùng chồng mình đã nhận nuôi Green từ lúc cô còn là một đứa trẻ 4 tuổi, mồ côi, cho đến khi cô tốt nghiệp Đại học Alabama A&M University với điểm số 3,84/4.
Riêng môn Vật Lý, Green đạt điểm tuyệt đối 4/4. Suốt quá trình học tập cho đến khi chính thức cầm tấm bằng kỹ sư y sinh, Green được tài trợ bởi một học bổng toàn phần. Mặc dù vậy, niềm vui của cô gái da màu không kéo dài quá lâu...
Dì Ora Lee Smith đã nhận nuôi dạy Hadiyah-Nicole Green, từ khi cô còn là một đứa bé 4 tuổi
Chỉ một ngày sau lễ tốt nghiệp, dì Ora gọi Green lại để nói với cô rằng mình đang mắc một căn bệnh. Bà gọi đó là một loại “ung thư của phụ nữ”, và đã từ chối điều trị vì không muốn chịu đựng tác dụng phụ của thuốc. Chẳng ai, kể cả những người trong gia đình, biết chính xác căn bệnh của dì Ora, nhưng đó có thể là ung thư buồng trứng hoặc ung thư cổ tử cung.
Mùa hè năm đó, Green chỉ có thể chứng kiến căn bệnh tàn phá sức khỏe của bà. Cô hết sức ngạc nhiên khi nhận thấy các bác sĩ phải bó tay trước căn bệnh của dì mình. Điều duy nhất họ có thể làm đề nghị bà sử dụng những phương pháp hóa trị độc hại, thứ mà sẽ gây đau đớn cho bệnh nhân hơn cả những gì họ đang phải chịu đựng.
Ba tháng sau, dì Ora qua đời.
Tưởng chừng trong những tháng ngày sau đó, nỗi đau sẽ trôi qua dần. Nhưng chỉ ba tháng sau, Green tiếp tục phải đón nhận thêm một tin sét đánh nữa: Chú cô, chồng của dì Ora cũng nhận chẩn đoán ung thư. Không giống như vợ mình, ông Lee đã chấp nhận sử dụng hóa trị. Green rời Đại học California Davis, chuyển về St. Louis để chăm sóc cho ông.
Một lần nữa, Green phải chứng kiến ung thư tàn phá cơ thể chú mình. Hóa trị đã khiến ông giảm hơn 90 kg, rụng hết óc, lông my và cả lông mày. Móng tay của chú Lee chuyển sang màu đen, và da ông “trông giống như bị đặt lên bếp nướng, thật khủng khiếp”, Green nhớ lại.
Chứng kiến sự thay đổi của chú Lee là một trong những khoảnh khắc hiếm hoi trong cuộc đời làm phai nhạt được niềm nhiệt huyết vốn cháy bỏng trong Green.
“Khi tôi chăm sóc dì tôi, tôi đã nghĩ rằng phải có thứ gì đó tốt hơn dành cho bà chứ, tốt hơn việc chết dần như thế này”, Green nói. “Rồi tới lúc phải nhìn chú trải qua hóa xạ trị, tôi lại nhận thấy rằng điều trị kiểu này chẳng tốt hơn là mấy, thậm chí còn tệ hơn là đằng khác”.
***
Green không được đào tạo bài bản về ung thư, nhưng cô đã đặt mối quan tâm đặc biệt đến laser và quang học trong kỳ thực tập ở NASA.
“Tôi nghĩ rằng chúng ta có khả năng nhìn thấy một đồng xu trên mặt đất, từ ngoài không gian vẫn biết nó sấp hay ngửa. Chúng ta có thể gọi đến một nơi bất kỳ trên thế giới, mà chỉ làm đổ chuông duy nhất một chiếc điện thoại chúng ta muốn. Nhưng rồi chúng ta phải bơm thuốc cho cả cơ thể chỉ để điều trị một khối u. Đối với tôi điều này quá lạc hậu”, cô nói.
Không chấp nhận thực tế đó, Green đã phác thảo ngay một ý tưởng vào trong sổ của mình: Một dung dịch lỏng chứa các hạt tí hon được tiêm trực tiếp vào khối u. Sau đó, cô dùng tia laser để chiếu vào đó, làm nóng khối u lên và giết chết tất cả các tế bào ung thư.
Không giống như hóa hay xạ trị, phương pháp này chỉ có tác dụng cục bộ với riêng khối u. Nó không ảnh hưởng đến tế bào khỏe mạnh trong cơ thể, do đó, giảm đáng kể các tác dụng phụ cho bệnh nhân.
Bây giờ đã 15 năm trôi qua, phương pháp điều trị của Green đã từ trên giấy đi ra ngoài đời thực. Cô đã phát triển liệu pháp điều trị ung thư bằng laser của mình đến phiên bản 2.0, điều trị được cả ung thư di căn.
“Có một cách đốt hơn để điều trị ung thư”, Green nhận định khi nói về ngành ung thư học hiện đại.
Đây là một tuyên bố táo bạo, của một cô gái mới 36 tuổi vừa hoàn thành nghiên cứu tiến sĩ cách đây 5 năm. Green vẫn còn trẻ trong lĩnh vực của mình. Đôi mắt nai và phong cách vui tươi khiến cô trông còn trẻ hơn nữa.
Tiến sĩ Green phía sau một thiết bị laser quang học, lĩnh vực nghiên cứu cô đã quan tâm từ khi thực tập tại NASA
Phiên bản 1.0 của phương pháp điều trị mà Green phát triển được gọi là Liệu pháp nano hoạt hóa bằng laser (LANT- laser-activated nanotherapy). Nó đúng là phương pháp điều trị cục bộ như phác thảo ban đầu của cô. Ánh sáng laser làm nóng các hạt nano đã được tiêm trực tiếp vào khối u, giết chết tế bào ung thư.
Một đợt điều trị bằng LANT kéo dài 10 phút có thể khiến khối u ở chuột co lại gần như hoàn toàn. Kết quả được Green công bố trên tạp chí International Journal of Nanomedicine.
“Bạn có thể nhìn thấy khối u biến mất, sau một lộ trình điều trị kéo dài 15 ngày”, Green nói. LANT đã sẵn sàng cho thử nghiệm trên người, nhưng Green cần phải gây quỹ tài trợ ít nhất 9 triệu USD trước khi có thể tuyển mộ các tình nguyện viên.
Còn FLALANT (fluorescently-labeled bodies and laser-activated nanotherapy), phiên bản 2.0 của liệu pháp điều trị, được Green phát triển cho các loại ung thư di căn. Nó có nghĩa là “Đánh dấu huỳnh quang cơ thể và điều trị nano hoạt hóa bằng laser”, phương pháp kết hợp liệu pháp laser với các loại thuốc gọi là kháng thể.
Các kháng thể này đã được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận. Chúng rất đa dạng và có thể tùy phối với nhau, nhằm điều trị các loại ung thư khác nhau.
Các kháng thể lưu thông trong cơ thể như một hệ thống vệ tinh GPS, tìm đến tế bào ung thư, gắn mình vào chúng và tiêu diệt. Kháng thể được cho là một cách hiệu quả để nhắm mục tiêu những khối u và tổn thương gây ra bởi ung thư mà các bác sĩ thậm chí còn chưa tìm ra chúng.
Cũng không xa lạ là mấy, các kháng thể này đã và đang được sử dụng trong liệu pháp miễn dịch, một xu hướng điều trị ung thư mới đầy hứa hẹn bằng cách kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể chống lại ung thư.
Thế nhưng, có một điểm khác có thể được coi là vượt trội trong phương pháp FLALANT của Green. Thay vì chỉ chờ đợi các kháng thể tiêu diệt tế bào ung thư, cô sử dụng các kháng thể để vận chuyển các hạt nano tới khối u.
Về mặt kỹ thuật, Green đã tích hợp thêm cho các kháng thể một tính năng độc đáo. Cô nhuộm chúng bằng một loại màu huỳnh quang, sao cho khi các bác sĩ sử dụng kỹ thuật chụp ảnh y tế, họ có thể nhìn thấy các kháng thể gắn vào tế bào ung thư sáng lên bên trong cơ thể bệnh nhân.
Nhờ vậy mà các bác sĩ có thể biết được khối u và các tế bào ung thư đang ở đâu. Giống như trong phiên bản LANT 1.0, họ sẽ lại sử dụng laser để làm nóng các hạt nano bên trong các kháng thể, qua đó giết chết tế bào ung thư.
LANT khiến khối u trên chuột biến mất gần như hoàn toàn, sau một lộ trình điều trị kéo dài 15 ngày
Với việc chứng minh tính hiệu quả của phương pháp FLALANT, Green đã nhận được 1,1 triệu USD tài trợ từ Bộ Cựu chiến binh Hoa Kỳ để phát triển nó đến một thử nghiệm trên người.
Green chưa công bố kết quả nghiên cứu trong giai đoạn mới, nhưng trước đây với thử nghiệm trên chuột, nó đã làm giảm 40% kích thước khối u chỉ trong 2 ngày. So sánh với liệu pháp miễn dịch nói riêng, kết quả tương tự chỉ có được sau vài tháng.
Phương pháp điều trị này có vẻ như rất hứa hẹn, Mario Curti, một chuyên gia ung thư học tại Trung tâm y tế Los Alamitos, California cho biết. Điều trị ung thư chỉ nhắm tới tế bào ung thư mà không gây tác dụng phụ từng được coi là “Chiếc Chén Thánh” trong ung thư học.
Nhưng Curti cũng chỉ ra trong suốt nhiều thập kỷ qua, đã có nhiều nỗ lực để làm điều tương tự, và hầu như mọi người đều gặp khó khăn trong việc có được nguồn tiền tài trợ và đưa nó ra ngoài thị trường. “Tôi rất khen ngợi Green”, Curti nói. “Nhưng có một thực tế là cô ấy đang phải rất cố gắng”.
Dĩ nhiên là Green biết rõ những điều này, có điều cô không hề nản lòng. Green đã quá quen với những thử thách. Cô là người đầu tiên trong gia đình học đại học, 1 trong 66 phụ nữ da màu đầu tiên ở Mỹ nhận được bằng tiến sĩ vật lý, tính từ năm 1973 đến năm 2012.
Sau tốt nghiệp, cô được nhận ngay vào làm phó giáo sư tại Đại học Tuskegee, và điều hành một phòng thí nghiệm riêng. Đó là một vinh dự mà nhiều người đã phải mất nhiều năm mới làm được, sau khi miệt mài làm nghiên cứu sau tiến sĩ, phục vụ cho các giáo sư khác.
Năm ngoái, Green đã có một sáng kiến chưa từng có tiền lệ, cô thành lập một tổ chức phi lợi nhuận mang tên chính mình để gây quỹ cho quá trình thử nghiệm nghiên cứu. Mục đích của cô là làm sao mang phương pháp điều trị ung thư có giả cả phải chăng, tiếp cận được những người Mỹ gốc Phi, những người vẫn đang chết vì ung thư nhiều hơn người Mỹ da trắng.
Green đã có một sáng kiến chưa từng có tiền lệ, cô thành lập một tổ chức phi lợi nhuận mang tên chính mình để gây quỹ cho quá trình thử nghiệm nghiên cứu
Thế nhưng, công việc trước mắt khá khó khăn. Green phải gây được một quỹ lên tới 130 triệu USD, nếu cô muốn đưa cả hai phương pháp trị liệu của mình vượt qua được những yêu cầu của FDA và có mặt ngoài trị trường.
Green nói rằng cô đã lớn lên với nhận thức sâu sắc về người giàu và người nghèo. Chú Lee, người nuôi nấng cô là một tài xế lái xe tải cho Coca Cola. Dì Ora làm công việc dọn dẹp. Bà từng dẫn Green theo khi tới dọn nhà cho một giáo hội trưởng địa phương.
Cô nhớ như in lần đó dì đã hướng dẫn mình làm việc dọn vệ sinh, với ý định dạy cô một công việc để kiếm thêm tiền trong tương lai. Khi đó, cô gái trẻ Green đã cười chế giễu bà.
Nhưng bây giờ, Green chỉ ước rằng dì Ora và chú Lee đã có khả năng tiếp cận với điều kiện chăm sóc y tế tốt hơn. Dì Ora đã không được chẩn đoán, cho đến khi ung thư của bà đã ở vào giai đoạn nặng. Đó cũng là điều khiến bà e ngại khi phải nói chuyện với mọi người về những gì mình đang phải trải qua.
Một vấn đề phổ biến trong cộng đồng người Mỹ gốc Phi, Marvella Ford, phó giám đốc phụ trách những bất bình đẳng trong điều trị ung thư tại Trung tâm Ung thư Hollings, Đại học Y Nam Carolina nói.
Cũng có một vấn đề đơn giản hơn tồn tại ở đây: chi phí. Chú Lee của Green đã nhận được chẩn đoán sớm hơn dì Ora, nhưng ông không cũng không tiếp cận được các biện pháp điều trị tốt nhất.
Chú Lee của Green, cũng là một điển hình cho những bệnh nhân ung thư người Mỹ gốc Phi, không nhận được chăm sóc y tế tốt nhất
FLALANT, phương pháp điều trị thứ hai mà Green đang phát triển có một mục đích chính là rút ngắn thời gian của liệu pháp miễn dịch, qua đó giảm được cả chi phí và các tác dụng phụ cho bệnh nhân.
Trong khi liệu pháp miễn dịch ít gây xâm lấn hơn so với phương pháp hóa trị và xạ trị, nó có thể kích thích hệ thống miễn dịch làm việc quá mức, dẫn đến viêm khớp, viêm đại tràng, ruột và nhiều tình trạng nghiêm trọng khác.
Thêm vào đó, theo một phác đồ điển hình của liệu pháp miễn dịch, mỗi một mũi tiêm sẽ có giá từ 5.000-10.000 USD. Cứ mỗi 2-3 tuần, bệnh nhân sẽ phải tiêm một mũi cho đến hết phần đời còn lại của mình. Mặc dù có những chương trình hỗ trợ bệnh nhân tiếp cận với liệu pháp miễn dịch, nhưng để thương mại hóa nó vẫn là một thách thức lớn.
Green nói cô “cực kỳ” tin tưởng phương pháp điều trị của mình sẽ đạt được hiệu quả trên người. Nhưng cô cũng biết rằng mình sẽ không thu hút được nhiều sự chú ý trong lĩnh vực này, trừ khi cô xuất bản thêm nhiều bài báo nghiên cứu hơn nữa.
Warren Chow, một giáo sư lâm sàng có nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại bộ phận Ung thư học thuộc Hệ thống y tế City of Hope, Hoa Kỳ khẳng định lại điều này. “Một ý tưởng [được nói ra] nghe có vẻ tuyệt. Nhưng vấn đề là mọi thứ sẽ chỉ là vớ vẩn, cho đến khi nó được xem xét [kỹ lưỡng và công nhận] bởi các nhà nghiên cứu khác”, ông nói.
Green cũng đã từng phải đối mặt với những sự nghi ngờ này trước đây, đặc biệt là từ phía các nhà nghiên cứu ung thư khác và các bác sĩ từng tham gia vào lĩnh vực này nhiều thập kỷ.
Nhưng James Lillard, phó trưởng khoa nghiên cứu và là đồng nghiệp của Green tại Trường Y Morehouse, dự đoán cô sẽ chống lại được những thành kiến trong lĩnh vực ung thư học. Thường thì những thành kiến ấy sẽ tấn công những nhà khoa học quá trẻ với những ý tưởng quá đột phá như Green.
Ông nói rằng cuối cùng, những dữ liệu từ nghiên cứu của cô sẽ tự nó nói lên tất cả.
Lillard đã theo dõi con đường nghiên cứu của Green từ khi cô còn là một sinh viên. Ông gọi cô là “một nhà khoa học mạnh mẽ, được đào tạo tốt và có lòng nhiệt tâm”. Bất kể một chướng ngại nào Green phải đối mặt cũng sẽ chỉ tiếp thêm động lực cho cô ấy mà thôi, Lillard nói.
Tham khảo Tonic
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng