"Sát thủ" của các sếp công nghệ Carl Icahn xuất hiện.
Michael Dell - một trong những huyền thoại của thời kỳ đầu kỷ nguyên máy tính cá nhân, người sáng lập Dell Computer - đang bị đặt vào một tình huống hết sức khó khăn. Nếu không vượt qua, một kịch bản “hất cẳng” tương tự như đã từng xảy ra với Jerry Yang tại Yahoo! năm 2008 có thể sẽ tái diễn.
Năm 1984, chỉ với 1.000USD, chàng trai 19 tuổi Michael Dell đã gây dựng một công ty sản xuất máy tính cá nhân mang tên mình - Dell Computer. Gần 30 năm thăng trầm, Dell ngày nay đã trở thành nhà sản xuất máy tính lớn thứ 3 thế giới. Thế nhưng, người khai sinh ra nó lại đang phải vật lộn để tìm cách giữ lại “đứa con” của mình.
Mọi chuyện có lẽ bắt đầu từ kế hoạch muốn “ôm con” chạy khỏi thị trường chứng khoán của Michael Dell. Theo kế hoạch, ông sẽ đóng góp 16% cổ phần chủ sở hữu tại Dell cùng một khoản tiền mặt từ vốn đầu tư của mình tại MSD Capital thành lập một liên minh với một quỹ đầu tư tư nhân Silver Lake để mua lại công ty của chính mình. Nếu đề nghị này được thông qua, mỗi cổ đông của Dell sẽ được nhận 13,65USD/cổ phiếu và Dell Computer sẽ trở thành công ty tư nhân đặt dưới sự điều hành của Michael Dell. Tổng giá trị của đề nghị này lên đến 24,4 tỉ USD.
Tuy nhiên, kế hoạch này đã vấp phải phản ứng từ các cổ đông lớn của Dell như Southeastern Asset Management và T. Rowe Price. Theo đó, mức giá 13,65USD/cổ phiếu bị các nhà đầu tư này cho rằng “quá bèo” và không đúng với giá trị thực của Dell. Ngay lập tức, một “ủy ban đặc biệt” của hội đồng quản trị công ty được thành lập để xem xét đề nghị này.
Mọi chuyện trở nên rắc rối hơn khi gần đến thời điểm “hạ màn” thì ủy ban này nhận thêm 2 đề nghị mua lại Dell mà nhìn bề ngoài có vẻ như mang lại một “món hời” cho các cổ công: Một đến từ Blackstone Group LP và một đề nghị của nhà đầu tư rất quen thuộc Carl Icahn.
Với sự xuất hiện của tỉ phú Carl Icahn - người từng gây sóng gió cho Jerry Yang và Yahoo! năm 2008 - rõ ràng là một tín hiệu không mấy tốt đẹp cho Michael Dell. Theo đề xuất của Icahn, mỗi cổ đông của Dell sẽ được lựa chọn nhận tiền mặt hoặc cổ phiếu. Nếu nhận tiền mặt, mỗi cổ phiếu của Dell sẽ được trả với giá 15USD. Tuy nhiên, họ chỉ có thể bán tối đa 58% số cổ phiếu của mình, phần còn lại vẫn sẽ tiếp tục giao dịch công khai trên sàn chứng khoán.
Đề xuất của Blackstone có vẻ dễ chịu hơn. Theo đó, Blackstone chấp nhận mua lại toàn bộ số cổ phiếu của bất kỳ cổ đông nào muốn rút khỏi Dell với giá 14,25USD/cổ phiếu.
Điểm mấu chốt của 2 phương án “thay thế” này nằm ở chỗ, dù rơi vào tay của Blackstone hay Icahn thì cổ phiếu của Dell vẫn sẽ tiếp tục giao dịch trên sàn chứng khoán. Và đây cũng là lý do để các cổ đông chiến lược ủng hộ thay vì “bán đứt” cho nhà sáng lập mang nó ra khỏi sàn giao dịch.
Đến đây thì một kịch bản tương tự như đã từng xảy ra với Jerry Yang tại Yahoo! năm 2008 có dấu hiệu tái hiện: Dù rơi vào tay ai thì Michael Dell sẽ không còn tiếp tục giữ vai trò điều hành - hay nói nôm na là bị “hất cẳng” ra khỏi công ty do mình sáng lập. Nếu điều này xảy ra, không chắc có là tin vui với các cổ đông của Dell hay không, nhưng sẽ là một tin buồn của làng công nghệ.
Hiện tại, liên minh của Michael Dell/Silver Lake còn một cơ hội cuối cùng để nâng mức đề xuất của mình để vượt qua 2 đối thủ. Muốn vậy, liên minh này phải kêu gọi thêm nguồn “trợ lực” lên đến hàng tỉ USD. Nhân tố then chốt giúp Michael Dell lật ngược thế cờ đang được các nhà phân tích theo dõi “nhất cử nhất động” chính là người khổng lồ phần mềm Microsoft.
Thực tế thì trong gói đề xuất trị giá 24,4 tỉ USD mà Michael Dell đưa ra đã có 2 tỉ USD là khoản tiền được bơm từ Microsoft. Điều gì sẽ xảy ra nếu Microsoft bơm thêm một khoản để Dell trở thành công ty tư nhân đặt hoàn toàn vào sự điều hành và quyết định của 1 người mà không lệ thuộc vào sự “mưa nắng” của các cổ đông trên sàn chứng khoán? Nhất là trong thời điểm ông trùm phần mềm này đang muốn đặt chân vào lĩnh vực kinh doanh phần cứng, một liên minh (hoặc thậm chí là thôn tính) với nhà sản xuất máy tính hàng đầu như Dell rõ ràng là một kế hoạch không tồi.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng