Người tạo ra "Tha Thu" bị YouTube cảnh cáo bản quyền

    PV,  

    Bùi Sơn - người tạo nên trào lưu Tha Thu với bản beat độc đáo cho biết anh nhận được thông báo vi phạm bản quyền trên video do chính mình tạo ra.

    Trao đổi với Zing.vn, Bùi Sơn cho biết một người dùng tên Ladykilla đã tải đoạn video không đầy đủ bài beat (thuật ngữ chỉ nhịp, phách trong nhạc) của mình lên YouTube. Trước đó, Bùi Sơn đưa đoạn nhạc này lên Facebook, sau đó mới upload bản chính thức lên YouTube. Theo đó, Ladykilla là người tải đoạn beat đó lên YouTube trước Sơn.

    Tác giả Tha Thu bị YouTube cảnh báo bản quyền.
    Tác giả Tha Thu bị YouTube cảnh báo bản quyền.

    Theo Bùi Sơn, Ladykilla đã "nhận vơ" bản quyền video không phải do mình làm ra. Việc này khiến tác giả bị YouTube cảnh báo vì vi phạm bản quyền. Bùi Sơn ngay lập tức đã kháng cáo lên YouTube. Một ngày sau, video trên kênh của Ladykilla bị gỡ bỏ.

    Không phải chuyện cá biệt

    Bùi Sơn cho biết, từ trước nay anh không đăng ký bản quyền bất kỳ bài nhạc nào, dù chúng bị đăng lại nhiều lần. Tuy vậy, đây là lần đầu tiên anh bị dính bản quyền chính bài nhạc của mình.

    Không riêng Bùi Sơn, nhiều kênh YouTube khác tại Việt Nam cũng gặp tình trạng tương tự.

    Nói với Zing.vn, đại diện của FapTV, một trong những kênh chuyên sản xuất video hài khá được yêu thích hiện nay, cho biết họ thường xuyên bị tình trạng xâm phạm bản quyền thông qua thao tác reuploaded (tải video gốc về rồi đăng lại trên kênh khác, thường được gọi tắt là reup).

    "Số lượng video của FapTV hiện tại khá lớn, tầm 150 sản phẩm. Mỗi ngày khoảng 100 video được reup", đại diện kênh này cho biết. Với số lượng vi phạm quá lớn như vậy, nhóm này gần như thả nổi và chỉ có thể chú ý các video có trên 10.000 lượt xem.

    Chuyện reup video đã trở thành vấn nạn, thậm chí có nhiều bài chia sẻ cách lách luật để tránh bản quyền. Ảnh chụp màn hình.
    Chuyện reup video đã trở thành vấn nạn, thậm chí có nhiều bài chia sẻ cách lách luật để tránh bản quyền. Ảnh chụp màn hình.

    Cách đây 1 năm, việc reup các video từ YouTube đưa lên Facebook diễn ra phổ biến. Lợi dụng các thuật toán nhằm tăng lượt xem video của mạng xã hội lớn nhất hành tinh, nhiều fanpage đã tải tràn lan video "ăn cắp" mà không thông qua chủ nhân. Chiến lược này khiến họ thu được lượng thích, chia sẻ và đăng ký trang lớn.

    Đa phần các kênh "tải lậu" YouTube là tài khoản cá nhân, hầu hết không mang tính trục lợi hay tranh chấp lợi ích đáng kể. Tuy vậy, các kênh này ít nhiều khiến tỷ suất xem video từ kênh gốc giảm đi.

    Một số trường hợp khác, các kênh giả mạo dùng tên tương tự kênh gốc, gây hiểu lầm nghiêm trọng.

    Lúng túng trong xử lý

    Hiện tại, người dùng cá nhân hầu như không có cách nào để bảo vệ bản quyền của mình trên YouTube. Thay vào đó, họ đăng ký tham gia các "đơn vị đại diện phân phối và xác nhận bản quyền" (thường gọi là "network") và sử dụng các công cụ tự động để rà soát, báo cáo và xóa các video vi phạm.

    Tuy vậy, đây không phải giải pháp triệt để, trường hợp của Bùi Sơn, anh đã tham gia một network như trên, nhưng vẫn bị mất bản quyền video của mình.

    Các chiêu trò lách luật ngày càng tinh vi hơn, những người ăn cắp bản quyền có thể dùng nhiều kỹ thuật thay đổi khung video, trang trí viền, thay đổi tốc độ âm thanh để đánh lừa hệ thống tự phát hiện trùng lặp của YouTube.

    Bóp khung hình, một trong những thủ thuật đánh lừa thuật toán của YouTube.
    Bóp khung hình, một trong những thủ thuật đánh lừa thuật toán của YouTube.

    Một số kênh hầu như đồng ý cho phép reup video với điều kiện người tải lại phải dẫn tên tác giả và link đến video gốc. Tuy nhiên, trường hợp này ít xảy ra, do đó họ phải chèn link trang chủ vào video.

    Việc giảm lượng xem, tương tác sẽ ảnh hưởng lớn đến những người bỏ ra tâm huyết làm video. Theo đại diện một kênh chuyên đăng tải các video trò chơi trên YouTube, do cơ chế bản quyền và đặc thù người dùng, số tiền từ quảng cáo Google tại Việt Nam trên YouTube là không đáng kể.

    Do vậy, các kênh thường sống bằng hợp đồng quảng cáo các thương hiệu, xuất hiện hình ảnh sản phẩm trong video để "nuôi" đội ngũ làm phim. Việc bị reup tràn lan có thể phương hại uy tín, ảnh hưởng lớn đến các hợp đồng này.

    Trào lưu Tha Thu bắt nguồn từ đoạn phỏng vấn Sơn Tùng bên lề chung kết The Face. Khi được MC hỏi về sự thay đổi trên gương mặt, giọng ca Chắc ai đó sẽ về chỉ lên dòng chữ "This is art" ở cuối chân mày trái, nói "đây là một điểm nhấn của Sơn Tùng và chị make up" và đơn giản là "thích thì vẽ lên thôi".

    Nhưng điều khiến dân mạng chú ý là cách nam ca sĩ trẻ phát âm từ "tattoo" thành "tha thu". Đoạn video này được lan truyền kết hợp với bài beat của Sơn Trần làm dậy sóng cộng đồng online.

    Theo Zing

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày