Người trong cuộc nghĩ gì về phần chơi Taliban trong Medal of Honor?

    PV, Bcat 

    Trong loạt bài viết gần đây, chúng ta đã có dịp lắng nghe suy nghĩ của một game thủ Afghanistan cũng như của ngài bộ trưởng quốc phòng Anh về nội dung của phiên bản Medal of Honor mới sắp ra mắt công chúng. Bây giờ, hãy cùng tìm hiểu suy nghĩ của một số lính Mỹ - những người đang đóng quân tại Afganishtan.

    Để giúp người đọc nhận thức một cách toàn diện và khách quan hơn về vấn đề này, hãy cùng lắng nghe những nhận xét thẳng thắn từ phía các quân nhân Mỹ, những người đang trực tiếp tham chiến tại Afganishtan, nơi được coi là điểm nóng ác liệt nhất trên thế giới vào thời điểm này.
     
    Những quân nhân tham gia trong cuộc phỏng vấn gồm có:
     
    Justin Polaski, SPC (Specialist – đặc nhiệm), Army
    Jame, SPC, Army
    Zachary Roberts, SPC (Ret. – cựu binh), Army National Guard
    Caitlin Stier, E-2 (cấp bậc trong quân đội Mỹ), Army
    Reserves Jason Clark, MN2, Navy
     
     
    Q1: Trong phiên bản sắp tới của tựa game Medal of Honor, nhà sản xuất sẽ cho phép người chơi vào vai Taliban trong phần chơi multiplayer. Là một người lính, đồng thời cũng đang trực tiếp có mặt tại đây, anh nghĩ gì về điều này?
     
    Polaski, Army: Mọi người gần đây thường hay bàn tàn quá nhiều về việc một tựa game cho phép người chơi vào vai Taliban ở phần chơi mạng, điều này thật nực cười. Trong bất cứ tựa game FPS thuần túy nào, luôn cần có sự góp mặt của một vài gã xấu, và nếu cân nhắc đến mức độ nổi tiếng của cuộc xung đột thì cũng dễ hiểu khi các nhà thiết kế muốn tập trung vào đó để thu hút thêm các khách hàng trẻ tuổi. Chiến đấu với vài gã Trung Đông trên sa mạc, cầm trên tay khẩu M4A1 và gọi yểm trợ của chiếc AC-130 (máy bay quân sự), tất cả điều này đều mang đến trải nghiệm ấn tượng cho người chơi .
     
    Tuy nhiên đó là cách nhìn của một người chơi thông thường, còn đối với tôi, một người lính đang trực tiếp tham chiến, thì đây chẳng qua cũng là hành động nhằm trục lợi từ chiến tranh mà thôi. Cũng giống như những nhà thầu buôn bán vũ khí, hay một vài hãng sản xuất nào đó chuyên sản xuất ba lô kiểu quân đội để bán cho mấy cậu nhóc đang ở tuổi đến trường.
     
     
    Roberts, Army: Tôi chẳng quan tâm đến vấn đề này. Có khi đây lại là ý tưởng hay, lũ trẻ cần biết điều gì đang thực sự xảy ra trên chiến trường, chúng cũng cần hiểu rằng chiến tranh không phải trò chơi như người ta vẫn thường thấy trên phim ảnh.
     
    James, Army: Cũng chẳng có gì mới. Hãy thử nhìn lại Chiến tranh thế giới thứ I, thứ II rồi Nhật Bản, Triều Tiên và cả Việt Nam nữa. Phần lớn các cuộc xung đột lớn trong lịch sử đều đã xuất hiện trên game, có chăng chỉ là lần này họ đề cập đến nó hơi sớm, khi mà cuộc xung đột ngoài đời còn chưa kết thúc.
     
    Q2: Như chúng ta đã thấy, các nhà phát triển game nhiều khi vẫn muốn lấy đề tài chiến tranh với những cuộc chiến có thật như: Chiến tranh thế giới thứ II hay Iraq/ Afghanistan để đưa vào trong game, anh có lý giải gì về điều này?
     
     
    Polaski, Army: Người Mỹ vẫn luôn nghĩ về quân đội của mình với niềm tự hào bởi những chiến công mà chúng ta đã dành được. Các nhà sản xuất hay nhắc đến WWII chỉ bởi đó là một trong những cuộc chiến hiếm hoi mà cộng đồng quốc tế hoan nghênh sự có mặt của chúng ta tại đó. Dành chiến thắng từ tay phát xít, điều này có ý nghĩa với cả thế giới, và nó mang lại một cảm giác tuyệt vời. Trong khi ấy, những cuộc chiến “nhạy cảm” như ở Việt Nam thì thường có ít tựa game nhắc đến hơn, bởi không có nhiều hãng sản xuất muốn mạo hiểm nhắc đến nó.
     
    Roberts, Army: Tôi cho rằng những nhà phát triển game đang cố tô điểm cho chiến tranh, khiến lũ trẻ tin rằng chiến tranh cũng chỉ như một trò chơi, một quãng thời gian “vui vẻ” với vô khối điều “thú vị”. Và khi lũ trẻ đã lớn, chúng sẽ sớm nhận ra sự thật khi phải cân nhắc xem liệu mình có thực sự sẵn sàng để nhập ngũ trở thành một người lính, tham gia vào những trận chiến tàn bạo và vô nghĩa, nơi mà các nhà chính trị vẫn hay cử những “cậu bé” của mình đến đó để tìm kiếm “niềm vui”???
     
     
    Stier, Army: Các tựa game thường hay gắn với đề tài này, điều đó chỉ phản ánh sự thực rằng rất nhiều người cảm thấy thú vị với chúng. Giả sử một tựa game về cuộc phưu lưu trên một hành tinh đầy kẹo mà bán được hàng triệu bản, tin tôi đi, lúc đó những tựa game lấy đề tài tương tự sẽ thi nhau ra đời. Đơn giản là những nhà sản xuất luôn tìm kiếm lợi nhuận, và theo quy luật cung cầu, cái gì bạn muốn, người ta sẽ đem chúng đến tận cửa nhà bạn.
     
    Q3: Theo anh, việc cho phép người chơi vào vai Taliban phải chăng thể hiện sự thiếu tôn trọng với những người lính Mỹ đang tham chiến ở Afghanistan?
     
     
    Polaski, Army: Hoàn toàn không. Bạn đang chơi một tựa game FPS, và nếu lúc nào cũng phải đứng về một phe duy nhất thì thật nhàm chán. Còn việc nhà sản xuất lựa chọn Taliban, điều đó cũng hoàn toàn logic. Bạn đang ở chiến trường Afghanistan, nếu không phải là Taliban thì liệu có thể là ai. Một gã người Nga? Hay một anh chàng Trung Quốc?
     
    Roberts, Army: Chắc chắn là không. Hôm này là kẻ thù, mai rất có thể là bạn. Nếu không phải là Taliban thì rồi cũng sẽ là một tổ chức khủng bố khác.
     
    James, Army: Dĩ nhiên là không. Hồi trước ở nhà, tôi vẫn thường thích vào vai khủng bố trong Counter Strike, bạn có cho rằng tôi đã xúc phạm đến lực lượng cảnh sát chống khủng bố trên toàn cầu?
     
     
    Clark, Navy: Đối với tôi, đó sẽ là sự thiếu tôn trọng nếu một người lính Mỹ thực thụ lại tham gia trò chơi trong vai Taliban để xả súng vào đồng đội. Nhưng trong trường hợp này, đây chẳng qua chỉ là một trò chơi, và những cậu nhóc chơi nó thường cũng chẳng biết gì nhiều về cuộc chiến. Những cậu bé chẳng qua chỉ muốn giải trí nên cũng chẳng có gì đáng để trách móc.