Người Việt chẳng có lý do gì để hào hứng với các dịch vụ Apple vừa ra mắt
Những dịch vụ như Apple TV+, Apple TV Channels, Apple Card, Apple News+ và Apple Arcade... đều không có mặt tại Việt Nam hoặc không phù hợp với tâm lý người Việt.
Sự kiện "It's show time" diễn ra tại nhà hát Steve Jobs vào ngày 25/3 vừa qua là một sự kiện rất khác biệt của Apple. Nếu như trước đây cứ mỗi khi sự kiện Apple diễn ra người ta lại kỳ vọng vào những thiết bị phần cứng mới, thì tại sự kiện lần này Apple không công bố bất kỳ sản phẩm nào như vậy mà chỉ tập trung vào mảng dịch vụ.
Đối với người dùng Việt Nam, riêng việc không có sản phẩm phần cứng mới đã khiến cho sự kiện này của Apple trở nên nhạt nhẽo đi gấp nhiều lần. Thế nhưng, đối với những người Việt sẵn sàng bỏ giấc ngủ của mình để thức đêm xem toàn bộ sự kiện của Apple, tất cả những gì họ nhận được chỉ là những dịch vụ mà có lẽ họ sẽ chẳng bao giờ có cơ hội (hoặc chẳng muốn) sử dụng tại Việt Nam.
Apple TV & Apple TV Channels: Nội dung không đủ hấp dẫn người dùng Việt Nam
Dịch vụ nổi bật nhất được giới thiệu đêm qua là dịch vụ stream video Apple TV . Điểm "ăn tiền" của Apple TV là những chương trình đặc sắc do Apple tự sản xuất với sự tham gia của nhiều ngôi sao như Oprah, Steven Spielberg, Jennifer Aniston, Reese Witherspoon...
Nhiều ngôi sao nổi tiếng sẽ tham gia vào những chương trình trên Apple TV
Apple cho biết dịch vụ này sẽ có mặt trên 100 quốc gia trên thế giới. Do Apple chưa công bố danh sách cụ thể, vậy nên chúng ta chưa thể biết được Apple TV liệu có đặt chân đến Việt Nam hay không.
Hãy cứ cho rằng Apple TV sẽ có ở Việt Nam đi - nhưng liệu người dùng Việt có muốn bỏ tiền ra cho một dịch vụ như vậy hay không? Qua những gì Apple "nhá hàng" đêm qua, những chương trình trên Apple TV sẽ liên quan đến vấn đề mang tính nhân văn và thời sự như "góc nhìn của những con người đang tạo dựng nước Mỹ" (The Morning Show), "cuộc sống của người nhập cư" (Little America), "lạm dụng tình dục nơi công sở" (Toxic Labor), "con đường của một nghệ sĩ trẻ đến New York" (Little Voice). Mặc dù đây là những nội dung rất ý nghĩa, nhưng tôi tin rằng sẽ chẳng mấy người Việt cảm thấy hào hứng với chúng.
Chương trình "The Morning Show" với sự tham gia của Jennifer Aniston, Reese Witherspoon và Steve Carell
Ngoài ra, cần lưu ý rằng mô hình của Apple TV là khác biệt hoàn toàn so với Netflix. Apple TV sẽ chỉ bao gồm chương trình do Apple tự sản xuất, không có phim chiếu rạp, không có phim cũ kinh điển. Càng thêm một lý do để người dùng Việt không muốn trả tiền cho nó.
Apple TV Channels là một cách để người dùng nhanh chóng truy cập nội dung từ nhiều kênh truyền hình khác nhau thông qua ứng dụng TV trên iOS. Tuy nhiên, tất cả những kênh truyền hình này đều đến từ Mỹ và đa số là những cái tên lạ lẫm với người Việt. Cũng như Apple TV , không có gì hấp dẫn ở Apple TV Channels có thể khiến người Việt sẵn sàng bỏ tiền ra cho nó.
Apple Card: Không hỗ trợ Việt Nam
Apple Card là dịch vụ thẻ tín dụng mới của Apple, hợp tác với ngân hàng Goldman Sachs và Mastercard. Tuy nhiên, phải đến mùa hè này thì Apple Card mới được chính thức khởi động tại Mỹ... và không biết bao giờ mới tới lượt Việt Nam (có thể là không bao giờ?).
Apple Card
Apple News : Không hỗ trợ Việt Nam
Apple News là dịch vụ đọc tin của Apple với những bài viết với chất lượng cao và trình bày đẹp mắt. Tuy nhiên, nó chỉ hỗ trợ hai quốc gia là Mỹ và Canada.
Apple News
Apple Arcade: Mô hình không phù hợp với đa số gamer Việt
Trong số các dịch vụ được Apple ra mắt đêm qua, dịch vụ chơi game Apple Arcade có vẻ như là dịch vụ "khá khẩm" nhất mà người dùng Việt Nam có thể sử dụng. Apple cho biết Apple Arcade sẽ có mặt tại hơn 150 quốc gia vào mùa thu này, và một lần nữa, danh sách cụ thể chưa được công bố nên chúng ta chưa thể chắc chắn rằng người Việt Nam có được trải nghiệm hay không.
Apple Arcade
Tuy nhiên, mô hình của Apple Arcade khá khác biệt so với các game khác hiện nay: người dùng sẽ trả phí hàng tháng cho Apple Arcade để chơi những tựa game dành riêng cho nền tảng này. Những tựa game trên Apple Arcade được chính Apple hợp tác cùng các game studio lớn và nhỏ (indie). Sau khi trả tiền để chơi game, người dùng sẽ không phải trả bất kỳ chi phí nào khác (ví dụ như mua vật phẩm). Tất cả những trò chơi trên Apple Arcade sẽ có thể chơi offline.
Mọi thứ đều đối lập tại thị trường Việt Nam:
- Người Việt thích chơi game online hơn offline.
- Game multiplayer cũng được chuộng tại Việt Nam. Do Apple Arcade yêu cầu chi phí hàng tháng và không phải ai cũng có khả năng chi trả, vậy nên việc bạn phải chơi một mình mà không có bạn bè chơi cùng là rất cao.
- Mặc dù không phải người Việt nào cũng sẵn sàng bỏ tiền ra để chơi game, nhưng họ lại sẵn sàng dốc túi mua vật phẩm nhằm tăng sức mạnh cho nhân vật của mình. Điều này là rất trái ngược với Apple Arcade.
Apple Arcade có thể sẽ phù hợp với một đối tượng người dùng Việt rất nhỏ, nhưng từng đó là chưa đủ để tạo nên một xu thế mới và thay thế mô hình "free to play" hiện nay.
Tổng kết: Chẳng có gì đáng để chúng ta hào hứng
Apple TV , Apple TV Channels, Apple Card, Apple News và Apple Arcade đều là những dịch vụ cho thấy mức độ đầu tư cao của Apple vào chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, người dùng Việt không có gì để hào hứng, không chỉ bởi vì chúng không chắc đã vào Việt Nam, mà còn là mô hình kinh doanh không phù hợp với tâm lý người dùng nước ta.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng