Người Việt từng hack iPhone đời đầu: "Android đang thay đổi để thoát cái mác là "rác", còn với iOS là phải thay đổi hoặc sẽ chết!"
Anh H. (xin phép được giấu tên) là một người đam mê công nghệ, có cơ hội tiếp xúc các sản phẩm từ thời “nồi đồng cối đá” cho đến nay, nhận định rằng iOS nếu vẫn mãi dậm chân thì chắc chắn trong vòng 2 năm tới sẽ tụt hậu so với tất cả và chuyện sụp đổ chỉ là thời gian.
Biết đến anh nhờ mạng xã hội, nhưng sự nổi tiếng của anh không đến từ cái xứ Facebook này, mà là khởi nguồn từ thời GSMVietnam, khi mà các forum về công nghệ vẫn đang còn hưng thịnh.
Người anh sinh năm 83 chia sẻ mình từng tiếp xúc với điện thoại từ thời rất sớm, khi mà thế giới vẫn đang cuồng say với những huyền thoại nắp gập, như chiếc TacX của Motorola là một ví dụ.
Ở những năm tháng tuổi trẻ của anh, các sản phẩm điện thoại ở thị trường nước ngoài rất nhiều, nhưng không có nghĩa Việt Nam có đủ cơ hội tiếp xúc, chưa kể là việc bị khoá mạng. Với cái "máu" thích vọc vạch, anh đã tìm đến các sản phẩm ấy để mở khoá, sử dụng và trải nghiệm. "Về sau, tôi còn cùng nhóm bạn viết phần mềm để mở khoá các dòng điện thoại Samsung từ các thị trường nước khác để người Việt có thể dùng được. Cũng có lẽ vì vậy, cơ duyên của tôi dần dần lại được gặp một số ‘nhân tố’ trong Samsung Việt Nam, được giới thiệu để làm việc cùng đội ngũ thiết kế UX của hãng này", anh chia sẻ.
Từ việc trở thành iFan, làm việc ngày đêm cùng huyền thoại GeoHot để unlock iPhone dùng
"Với những bạn trẻ thời nay, chắc có lẽ sẽ khó hiểu được hết cảm giác sử dụng điện thoại của bọn tôi ngày trước thế nào. Cái thời mà mọi người vẫn còn gắn liền với điện thoại nắp gập,điện thoại dạng thanh hay cao cấp lắm thì mấy chiếc Pocket PC dùng bút để cảm ứng", anh H. kể lại.
"Thế nên khi thấy iPhone vừa ra mắt, quảng cáo có thể cảm ứng được bằng tay thì tôi quyết phải có cho bằng được để dùng xem thế nào. Hồi đó iPhone 2G chỉ bán theo nhà mạng ở Mỹ, tôi lại đang sống bên Úc nên đành phải tìm ông bạn hay gom hàng ở Dubai, bay thẳng sang Dubai chỉ để lấy iPhone về dùng", anh cười.
Ngày xưa làm gì có được mấy chiếc điện thoại như bây giờ, cảm ứng được thì toàn phải dùng bút để chọt chọt mệt lắm!
Anh cho biết cảm giác lần đầu khi cầm chiếc iPhone 2G trên tay là choáng ngợp, "Magic!" - đó là câu mà anh thốt lên khi chạm từng ngón tay mình trên màn hình smartphone này. "Hồi đó, những máy Pocket PC, O2 cầm cây bút chọt chọt mệt lắm luôn. Dùng cảm ứng iPhone thích lắm, dùng bàn phím cảm giác mình bấm gì nó ra đó, rất là nhạy! Và mãi nhiều năm sau này tôi vẫn tiếp tục chọn iPhone làm máy chính để sử dụng."
Vì là bản khoá mạng, anh H. đã mày mò cùng với một vài bạn bè trong nhóm lập trình trên internet để tìm cách. "Kỉ niệm tôi nhớ nhất là thức 4-5 đêm liền để cùng tìm cách mở khoá con iPhone với GeoHot và cuối cùng cũng đã thành công."
GeoHot - chàng thanh niên từng unlock thành công chiếc iPhone đầu tiên, và cũng là người 4-5 đêm liền thức cùng anh H. để tìm cách giải mã nó.
"Bốn, năm đêm liền tôi với GeoHot không ai ngủ. Thời đó chưa có Facetime gì đâu, chỉ dùng Skype mở webcam chat liên tục để làm. Lúc đó tụi tôi làm chơi, không tung ra gì hết. Mãi tới bản 1.1.1 làm được, khoe với mọi người nên dần dần mới lộ ra hết.
… cho đến lúc phải thốt lên: "Apple bây giờ đã không còn là Apple của ngày trước mà tôi biết!"
"Cá nhân tôi thì iOS lúc nào cũng ổn định hơn do nó là sản phẩm được test kỹ càng rồi mới đưa ra. Về độ hoàn thiện iOS hơn rất xa. Tuy nhiên vài năm gần đây càng ngày càng lỗi nhiều, đa phần là lỗi vặt."
Anh H. cho biết anh đồng ý với quan điểm của Steve Wozniak, đồng sáng lập của Apple, khi từng tuyên bố: "Apple bây giờ không còn là Apple lúc trước!". Anh cho biết mình không phủ nhận chuyện đã từng rất thích dùng đồ Apple, nhưng "từ đời iPhone 6 trở đi là tôi thấy nó có những vòng lặp không đáng có, không còn một chút sáng tạo nào - điều mà trước đây Apple làm rất tốt".
Theo anh H, Apple bây giờ đang chống đỡ thay vì dẫn đầu. "Qua nhiều đời máy, họ không còn là công ty mang tính sáng tạo nữa. Thậm chí như con iPhone 11 Pro Max tôi vừa mua đây, camera cũng phải đi theo cái mà Android đã có từ trước, cốt là để phục vụ nhu cầu đại trà. Nó không có cái gì mới trong khi các hãng khác quá nhanh.
"Đây là cái thứ xấu tệ hại nhất mà tôi từng thấy, vậy mà Apple vẫn cương quyết đưa vào"
"iPhone càng xài càng không thấy gì hết. Đại đa số người dùng chỉ nghe, gọi, nhắn tin. Ngoài ra cầm iPhone dễ cua gái hơn. Những cô gái thông minh, đi làm có thể xài iPhone, có thể xài Samsung. Nhưng cô gái đẹp không làm gì hết thì 100% dùng iPhone. Cầm nó có tiếng hơn." Anh H nhận định.
Cuộc đào tẩu sang Android và bị thuyết phục hoàn toàn
Anh H. cho biết anh vẫn theo dõi cả hai thái cực này từ trước đến nay để nắm bắt được xu hướng công nghệ. "Mặc dù sau này tôi không có unlock, không dev gì nữa hết nhưng mà nếu cảm giác không cập nhật trong vòng 1-2 năm thì chắc chắn bản thân sẽ bị tụt hậu".
"Thời kỳ đầu dùng Android tôi phải nói là thảm hoạ. Hồi đó con Android đầu tiên do Google giới thiệu, thấy thì hay đó, xong tôi mua về dùng thì mới biết là tệ quá tệ. Tôi và một số anh em xem các bản build, thậm chí can thiệp vào sâu bên trong thì thấy rất nhiều lỗ hổng, rất nhiều vấn đề phát sinh trong cái hệ điều hành này. Bọn tôi đoán là Google đã quá gấp rút để dựng trong vòng 6-9 tháng, mục đích càng nhanh càng tốt để cạnh tranh với Apple. Chưa hoàn chỉnh nhưng Google vẫn tung ra. Năm đó thị trường ở Mỹ Apple ôm hết, trong khi Symbian ngắt nghẻo nên Google nắm thời cơ mới tung ra sớm."
Chính vì sự gấp rút và cẩu thả này, anh H. cho biết đã không màng đến sử dụng hay vọc vạch gì các sản phẩm Android, "thậm chí thời gian đầu tụi tôi còn gọi nó là "garbage" (rác rưởi). Mãi đến Galaxy Nexus, anh bắt đầu nhận thấy sự tiến bộ trong Android, khi cố gắng sửa dần các lỗi và giao diện cũng đẹp hơn.
Anh cho biết đã từng dùng nhiều chiếc smartphone Android nhưng chưa bao giờ thật sự xem nó là máy chính, cho đến khi iPhone 11 ra mắt và anh đã quá chán chường với sự chậm thay đổi của iPhone, buộc anh phải "đào tẩu".
"Với tôi Android trước đây dạng Google đưa ra sản phẩm rồi mọi người test cho nó. Khác với Apple hoàn thiện sản phẩm rồi mới đưa cho người dùng trong khi cái này nó đưa cho người dùng test, tất cả đều rất vội vã, tới Android 9 tôi vẫn nhận được điều như vậy".
Nhưng rồi, cũng chính vì quá chán sự bảo thủ iPhone, anh H. quyết định thử chuyển sang Android làm máy chính. "Ngày trước tôi thâm nhập sâu vào iPhone, rõ ràng các hàm API trong framework như ghi âm cuộc gọi, báo có người gọi tới (nhưng chỉ hiện ở thanh bar chứ không chiếm hết cả màn hình đang chơi game/xem phim) đều có cả. Chẳng qua Apple không chịu làm. Tôi có quen người làm trong Apple luôn, nó nói thẳng bản thân nó làm rất là ghét nhưng chỉ làm công ăn lương nên kêu sao làm vậy, nó không có quyền quyết định. Tới iOS 11, 12 bây giờ Apple cũng không bao giờ cho phép điều đó, thực sự tôi không hiểu được".
"Một thời tôi rất chán Samsung. Tới Galaxy S8 là sự thay đổi rất lớn, S9 lại chán vì không khác nhiều. Note8 lên Note9 cũng không khác gì hết. Nhưng với năm nay tôi thấy đúng là dũng cảm thay đổi. Mọi năm đầu năm là Galaxy S, cuối năm là Galaxy Note thường không khác nhiều. Năm nay giữa S và Note khoảng cách rất là xa. Thiết kế cũng thông minh khi ai không thích camera ngang thì chọn camera dọc."
Cái cảm giác thích thú, đầy ma thuật huyền diệu toát ra từ chiếc điện thoại iPhone đầu tiên đã không còn nữa. "Mãi đến sau này iPhone cứ là vòng lặp giống nhau và không có sự sáng tạo", anh H. cho biết.
"Từ khi chuyển qua Galaxy Note10, tiện hơn nhiều. Đúng như những cái Apple không có, tôi muốn nó có thì tôi lại tìm thấy bên Note10, tìm không thấy thì tôi cài thêm app. Tôi cần note nhanh, vừa rút bút ra là có thể ghi được rồi."
Anh H. cho biết, ngày trước dùng iPhone đều bị bó hẹp trong chuyện gọi điện, nhắn tin, lướt web. Khả năng xử lý công việc của nó hoàn toàn không có. "Chẳng hạn như nhân viên hay gửi mail các bản hợp đồng nhờ ký gấp, trước đây tôi phải về nhà để xử lý vì iPhone không làm được. Nhưng ở chiếc Note này, tôi vô tình thấy được sự tiện dụng của nó là thế nào. Chỉ cần rút bút SPen ra ký và gửi lại, thế là xong!"
Theo anh H., Andriod sẵn sàng thay đổi, thậm chí là sáng tạo để người dùng có thể có được trải nghiệm tốt hơn từng ngày, trong khi đó iOS vẫn dậm chân tại chỗ với một "mớ bòng bong" chưa giải ra hết.
"Ở Úc tôi đi ô tô thì đem iPad được nhưng Việt Nam thì tôi không thể. Thế nên với iPhone, tôi về nhà in ra, ký tên rồi gửi lại cho họ. Nếu tôi ký lên màn hình iPhone, chữ ký không đúng nên họ không chấp nhận. Nói thật tôi nhìn cũng không ra chữ ký của mình luôn (cười). Phải trên iPad có cây viết (Apple Pencil) thì ký mới đúng. Trong khi đó với Galaxy Note, họ gửi file PDF, tôi rút cây viết ra ký xong gửi lại luôn. Đỡ tốn rất nhiều thời gian!"
Từng là một người "vì dùng quen nên không muốn đổi", anh H. đã mạnh dạn chuyển sang dùng Android chỉ vì cuối cùng nhận ra chính nó mới có thể hỗ trợ cho anh mọi thứ tốt hơn. "Càng dùng tôi mới càng thấy Android có những thứ mà trước nay mình cần mà iOS chờ mãi vẫn không có."
Anh H. tự nhận ngày trước cũng hay chê Android update không đồng bộ, "có hãng update rồi, nhưng có hãng lại chưa, nhưng Google giờ build sẵn FrameWork để tập trung về server của nó để kiểm soát. Nó sẽ đẩy update phần lõi hệ thống cùng một lúc, chỉ không đụng tới phần giao diện các máy. Các phiên bản Android bây giờ phải được Google thông qua để đảm bảo những phần cơ bản nhất của Android. Anh chưa rõ Google chuyển sang kiểm soát như vậy liệu có sẽ tạo thành một iOS khác hay không? Rồi iOS bây giờ sẽ ra sao? Như trong Binary chỉ có 0 và 1, hệ điều hành điện thoại cũng chỉ có Android và iOS thôi."
"Thiết kế các sản phẩm đến từ Android đã tốt lên rất nhiều, họ sẵn sàng thay đổi, sáng tạo mọi thứ. Như Samsung chẳng hạn, dám loại bỏ bớt phím bấm, chỉ còn một bên thôi."
"Giờ đưa ra ví dụ thực tiễn, giữa một bên không có gì thay đổi có nghĩa là đang đi xuống dù tôi rất thích Apple, giữa một cái đang đi lên nên là người làm công nghệ tôi lập tức chuyển đổi để bắt kịp trend. Bây giờ nếu tôi không theo kịp Android, hai năm nữa ra phiên bản 12 là tôi đứt gánh luôn. Chưa rõ Apple năm sau sẽ như thế nào chứ hiện tại Android ở team chiếm ưu thế, đang dần dần đi đi đúng hướng."
Và để kết thúc buổi nói chuyện, anh H. đã nhấn mạnh, iOS đi đến nước này rồi thì bắt buộc phải thay đổi. "Thử nghĩ năm sau mà con điện thoại iPhone vẫn chưa có 5G, thì bạn sẽ thấy Apple quay lại tình trạng của iPhone đời đầu khi không có 3G. Lúc đó rất nhiều người sẽ không mua. Bây giờ Android đang thay đổi để bớt mang tiếng là rác, trở nên hoàn thiện hơn. Còn với iOS là phải thay đổi hoặc không là chết."
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng