Nguyễn Hà Đông - Nhân tài bị hủy hoại bởi thành công của Flappy Bird đến màn tái xuất đáng kỳ vọng: "Bẩm sinh tôi không chịu được áp lực"
Vào thời điểm hoàng kim, hiện tượng Flappy Bird được ví von giống như Gangnam Style của Hàn Quốc, giúp Nguyễn Hà Đông thu về khoản tiền khủng và trở nên nổi tiếng khắp toàn cầu. Song điều này không đem lại cho anh niềm vui trọn vẹn.
Năm 2013, một trò chơi trên smartphone do người Việt viết có tên Flappy Bird ra đời và nhanh chóng trở thành một cơn sốt "càn quét" trên toàn cầu. Đến năm 2014, Flappy Bird cũng là một trong 10 từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên Google. Trước sự thành công đáng ngạc nhiên này, danh tính của người tạo ra nó thực sự khiến cả thế giới tò mò.
Nguyễn Hà Đông sinh năm 1985 tại làng lụa Vạn Phúc, Hà Nội. Có ba sở hữu một cửa hàng chuyên bán thiết bị, mẹ làm trong cơ quan nhà nước, gia đình anh không quá giàu có nên anh chưa bao giờ mơ về ngày trở thành nhà phát triển game nổi tiếng thế giới.
Dù vậy, từ nhỏ, Nguyễn Hà Đông đã tỏ rõ sự hứng thú với công nghệ khi 15 tuổi đã bắt đầu học lập trình; 17 tuổi tự lập trình game. Đến năm thứ 2 đại học, anh vừa học vừa đi làm cho công ty game. Anh tốt nghiệp kỹ sư Công nghệ thông tin chuyên ngành Hệ thống thông tin của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và sau đó tự mình làm từ năm 2011.
Là một lập trình viên, Nguyễn Hà Đông đặt ra cho mình 3 chuẩn mực khi viết game đó là nhân vật đại diện, bối cảnh, cách chơi rồi xây dựng nội dung cho game. Sau một thời gian hoạt động khá yên ắng, tên tuổi của anh chàng này bỗng nổi lên như một hiện tượng vào khoảng cuối năm 2013, khi tựa game miễn phí Flappy Bird mà anh phát hành trước đó vào tháng 5-2013 nhận được sự quan tâm rất lớn từ cộng đồng người dùng di động trên toàn cầu.
Theo đó, ''chú chim vỗ cánh'' mang theo mong muốn "làm cái gì đó vui vui" của Nguyễn Hà Đông trở thành cơn sốt toàn cầu khi một Streamer nổi tiếng trong lần tình cờ chơi đã nhắc về nó với sự bực dọc vì "phát điên với trò này".
Tình đến tháng 2-2014, tựa game này trở thành ứng dụng được tải nhiều nhất tại hơn 100 quốc gia và đạt trên 50 triệu lượt tải về. Đặc biệt, trong tháng 1-2014, Flappy Bird là game có số lượng tải về lớn nhất trên toàn hệ thống App Store và vị trí này kéo dài suốt 20 ngày. Theo trang công nghệ The Verge, tác giả của Flappy Bird có thể kiếm khoảng 50.000 USD (hơn 1 tỉ đồng) mỗi ngày từ quảng cáo trong game, dù đây là một game hoàn toàn miễn phí. Ngay cả Mark Zuckerberg - CEO Facebook, mới đầu cũng không giàu lên nhanh như thế.
Nhiều người ví von hiện tượng Flappy Bird giống như Gangnam Style của Hàn Quốc vì sự bùng nổ và lan tỏa của nó. Có khoảng 200.000 video nói về trò chơi này trên YouTube và hàng triệu lượt tìm kiếm. Mạng Twitter đã có tới 16 triệu tin nhắn được gửi đi liên quan tới trò chơi này. Nhiều người mê game cho rằng những lý do khiến Flappy Bird hút khách là sự kích thích và hấp dẫn nếu người chơi ghi được điểm cao.
Mang phong cách của những game từ thập niên 90, Flappy Bird buộc người dùng phải liên tục nhấn vào màn hình để điều khiển chú chim vượt qua các chướng ngại vật là những ống cống màu xanh. Cứ mỗi lần vượt qua một ống cống, người dùng sẽ được tính 1 điểm. Trò chơi chỉ kết thúc khi chú chim chạm vào chướng ngại vật. Nghe thì đơn giản song Flappy Bird khiến người dùng đập phá điện thoại, nổi khùng vì khó chinh phục. Tuy nhiên, điều này lại chính là ''chất gây nghiện'' khiến nhiều người thích tựa game này.
Ít người biết rằng trước khi "náo loạn thế giới", bản Flappy Bird dành cho thiết bị chạy Android cũng được đưa lên Google Play chỉ một tháng sau khi được phát hành trên App Store. Trong hơn nửa năm, Flappy Bird là cái tên vô danh trộn lẫn trong hàng trăm nghìn phần mềm trên App Store lẫn Google Play.
Trước thành công vâng dội đó, Nguyễn Hà Đông cũng phải thừa nhận “phần nhiều là do may mắn” khi anh không có bất cứ nỗ lực marketing nào khác cho Flappy Bird ngoài vài dòng tweet giới thiệu về "trò chơi mới đơn giản".
Báo chí đồn từng thổi rằng Nguyễn Hà Đông chỉ mất khoảng 2 đến 3 ngày để viết game Flappy Bird nhưng trên thực tế, "cha đẻ" của tựa game này đã đính chính rằng nhân vật Flappy Bird ra đời vào năm 2011, còn bối cảnh và phương thức chơi đúng là anh chỉ hoàn thành trong vài ngày. Anh đã ấp ủ ý tưởng này khoảng 2 năm trước khi giới thiệu ra công chúng vào năm 2013.
Sự thành công bất ngờ này khiến chính Nguyễn Hà Đông cũng không ngờ được rằng game lại có nhiều người chơi đến vậy. Khi được đặt câu hỏi mục đích việc phát triển Flappy Bird để kiếm tiền, hay chỉ đơn giản là tạo ra một giá trị nào đó, anh thoáng ngập ngừng: "Trong trường hợp của tôi ạ? Tôi… ờ… tôi thực ra thì… Tôi không rõ mục đích của mình là gì nữa".
Giữa thời điểm hoàng kim về tên tuổi cũng như tiền bạc mà tựa game mang lại, Nguyễn Hà Đông bất ngờ gỡ Flappy Bird vào tháng 2-2014. Tuy nhiên, độ nổi tiếng của tựa game này chưa dừng lại ở đó. Đến năm 2016, Flappy Bird xuất hiện trong cuốn sách Guinness với tư cách là trò chơi đầu tiên bị hạ xuống sau khi đã dẫn đầu bảng xếp hạng AppleStore.
Dù vậy, hành động đi ngược lại số đông của chàng trai 28 tuổi Nguyễn Hà Đông khiến thế giới như "phát điên" thêm một lần nữa. Về phía cha đẻ của Flappy Bird, lý do anh gỡ trò chơi này là bởi thấy mọi người mất quá nhiều thời gian để chơi Flappy Bird và là quyết định do cá tính bẩm sinh.
Theo đó, sự thành công quá lớn và dồn dập đã khiến cuộc sống của Hà Đông bị xáo trộn. Sau khi Flappy Bird tạo nên cơn sốt, danh tính của Nguyễn Hà Đông vẫn là một điều bí ẩn khiến. Anh được giới truyền thông đặc biệt săn đón, thậm chí, những tờ báo hàng đầu thế giới như Forbes, Huffington Post, Times ...cũng đều muốn được liên hệ phỏng vấn chàng trai 28 tuổi này.
Ngoài sự nổi tiếng, thành công của Flappy Bird còn mang lại không ít rắc rối cho Nguyễn Hà Đông. Ban đầu là tin đồn liên quan đến vi phạm bản quyền hình ảnh các ống cống màu xanh, hay Tổng cục Thuế đã bắt đầu để ý đến khoản thu nhập của anh. Một số khác đặt nghi vấn cho rằng Hà Đông đã gian lận để đạt thứ hạng cao trên App Store.
Chưa hết, trong bài phỏng vấn trên Rolling Stone, anh cho biết bản thân thường xuyên nhận được email của những người bị mất công việc hay bà mẹ không còn trò chuyện với con cái chỉ vì Flappy Bird. Sự bám đuổi, những lời chỉ trích và cáo buộc khiến Đông cảm thấy mệt mỏi, mất ngủ và không muốn đi ra ngoài.
Hà Đông cũng đã hơn một lần khẳng định trên tài khoản Twitter của mình rằng, mọi người đang đánh giá quá mức thành công của game Flappy Bird và bản thân anh đang quá tải về sự nổi tiếng bất ngờ này. Anh từng viết trên Twitter: “Đó là điều tôi không bao giờ muốn. Xin hãy để tôi yên.”
“Cái giá” phải trả cho sự nổi tiếng và số tiền lớn kiếm được khiến Nguyễn Hà Đông cảm thấy ngạt thở. Đến đầu tháng 2-2014, toàn bộ sức nặng của sự bám đuổi, những lời chỉ trích và cáo buộc khiến khiến chàng trai 28 tuổi vốn có phần lặng lẽ, rụt rè, kín đáo và thích sống trong một thế giới riêng của mình cảm thấy không còn chịu đựng nổi nữa và quyết định nhấn nút xóa chú chim Flappy.
Một dòng tweet của "cha đẻ Flappy Bird" thừa nhận: “Tôi có thể gọi Flappy Bird là một thành công của tôi. Nhưng nó cũng hủy hoại cuộc sống đơn giản của tôi. Vì thế giờ tôi ghét nó”.
Bản thân Nguyễn Hà Đông cũng khẳng định, việc anh gỡ bỏ Flappy Bird không liên quan gì đến các vấn đề về pháp lý. Anh cũng sẽ không bán đứa con tinh thần của mình và sẽ tiếp tục làm game. Nhìn lại toàn bộ vòng đời tuy ngắn ngủi nhưng rất kịch tính của “chú chim vỗ cánh” đến từ Việt Nam, người ta thấy tiếc nuối cho những thành công mà nó mang lại, nhưng cũng vui mừng cho "cha đẻ" của nó bởi anh đã "làm chủ số phận của mình - một người suy nghĩ độc lập".
Sau khi quay trở lại cuộc sống giản đơn từng một thời khiến cho Nguyễn Hà Đông cảm thấy "bị hủy hoại bởi thành công của Flappy Bird", anh không từ bỏ game mà tiếp tục cho ra nhiều game di động khác nhưng chưa có gì lặp lại thành công từng có. Điều này khiến không ít người tỏ ra tiếc nuối cho thành công vang dội mà anh đã từng có!
Trong lần tái xuất gần đây nhất tại sự kiện do Đại học Bách Khoa tổ chức tối ngày 18-11-2019, triệu phú sinh năm 1985 ăn vận đơn giản, ít nói, tỏ ra khiêm tốn và đôi lúc có phần ngại ngùng khi chia sẻ trước đám đông. Trong lời giới thiệu của vị phó giáo sư trường Bách Khoa, Nguyễn Hà Đông là một anh chàng rất khiêm tốn, rụt rè và chân thành. Khi tìm hiểu về Đông, ông thừa nhận bao trùm xung quanh chàng trai 34 tuổi này là một tấm màn bí ẩn, “vì Đông không thích lên truyền thông, và cái ấy càng khiến cho Đông trở nên lung linh”.
Cũng trong buổi giao lưu này, Nguyễn Hà Đông lý giải rõ việc anh gỡ bỏ Flappy Bird năm ấy, đơn giản vì "bẩm sinh tôi không chịu được áp lực, nên tốt nhất là ...gỡ". Thời điểm diễn ra sự kiện này chính là 5 năm sau khi khai tử Flappy Bird. Lúc này, Nguyễn Hà Đông đang vận hành một công ty chuyên về game chỉ với 2 nhân sự là anh và "Flappy Guy" - một bạn học cùng khoá K49 Đại học Bách Khoa của anh.
Hà Đông cũng tiết lộ đang phát triển một sản phẩm game mới. Chia sẻ sâu hơn về sản phẩm mới này, triệu phú sinh năm 1985 thẳng thắn cho rằng, xác suất để tạo ra một thứ tương tự như Flappy Bird là 0,1%, anh không muốn nói trước vì nói trước khó mà vượt qua. Dù vậy anh cũng chia sẻ rằng: "Game đó trông rất đơn giản nhưng trình độ công nghệ trong game này chưa từng có bao giờ, nếu không show hình ảnh ra thì chẳng ai biết được"...
Bên cạnh việc làm game, Nguyễn Hà Đông còn tài trợ cho một số sinh viên cần nguồn tiền để nghiên cứu. Họ cần chứng minh cho anh thấy họ đã làm được gì, khả thi ra sao, số tiền cần là bao nhiêu và tiêu vào việc gì. Nếu thấy hợp lý, Hà Đông sẽ tài trợ cho dự án.
Nói về tiêu chí tài trợ vốn của mình, anh cho biết: "Tôi không rót vốn startup. Có một số bạn sinh viên cần tiền để làm nghiên cứu thì tôi cho tiền. Quan trọng là bạn làm đến mức nào rồi, bạn cần bao nhiêu và tiêu vào việc gì, nếu mà thấy hợp lý thì tôi sẽ cho."
Sau thành công của Flappy Bird, người ta vẫn mong ngóng và chờ đợi một điều tương tự từ Nguyễn Hà Đông dù xác xuất để điều đó xảy ra là rất thấp. Nhiều năm về trước sau khi gỡ bỏ Flappy Bird khỏi app store, Hà Đông nói với những người vây quanh tư gia của mình: “Xin hãy để tôi yên!”. Thì đến lần tái xuất này, anh nói với nhóm phóng viên đang vây quanh mình: “Xin đừng làm phiền không gian riêng tư của tôi”.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng