Cha đẻ Flappy Bird đã có cuộc chia sẻ ngắn gọn tại Diễn đàn nhà lãnh đạo trẻ Việt Nam 2014.
Ngày hôm qua, cha đẻ của tựa game đình đám Flappy Bird - Nguyễn Hà Đông lần đầu tiên xuất hiện với vị trí khách mời tại một sự kiện kể từ khi gỡ bỏ ứng dụng kiếm bộn tiền của mình. Sự kiện có sự tham gia của rất nhiều người trẻ với tham vọng, đam mê phát triển start-up tại Việt Nam.
Xuất hiện ở cuối chương trình với chiếc quần jeans và áo phông đen đơn giản, Hà Đông khiến tôi liên tưởng tới hình ảnh của nhiều CEO nổi tiếng trên thế giới. Với việc được xếp vào top những nhân vật kiếm được tiền nhanh nhất nhờ internet, đồng thời Flappy Bird còn nằm trong video thống kê sự kiện nổi bật của năm của YouTube đã khiến anh trở thành tâm điểm của toàn bộ chương trình. Một cuộc trao đổi rất an toàn và nhanh gọn với người tham dự đã diễn ra trong thời gian ngắn.
Toàn bộ khách mời và người tham dự được ban tổ chức yêu cầu không quay phim và chụp hình khi Hà Đông xuất hiện.
Người tới dự liên tục đặt câu hỏi cho Hà Đông
Chúng tôi đã chủ động đặt ra hai câu hỏi cho anh. Theo đó, Hà Đông chia sẻ trong năm tới anh chưa đặt ra dự định cho mình, công việc vẫn sẽ tiếp tục là phát triển công ty và sản xuất game.
Khi được hỏi về những chia sẻ, kinh nghiệm và cảm nhận của anh về cộng đồng người phát triển game tại Việt Nam, anh nói:
"Tôi không hiểu gì về thị trường game Việt. Đó là điều chắc chắn. Nhưng với tư cách là lập trình viên, tôi thấy nhân vật trong game của các bạn khiến người chơikhông thấy tính cách nhân vật. Khi chơi game của các bạn đôi khi tôi thấy vô nghĩa.
Các bạn nên làm tốt game nhỏ thì mới làm game lớn được, nếu không nhiều khả năng sẽ thất bại."
Câu trả lời trên cũng nói tới một trong 3 yếu tố mà Hà Đông cho là cần thiết khi phát triển game, đó là: nhân vật, bối cảnh và cách chơi.
Một số câu hỏi khác được Hà Đông trả lời trong sự kiện:
- Anh có bao giờ thấy mình thất bại?
Tôi chưa nghĩ mình đã thành công hay đã thất bại, tôi vẫn đi trên con đường của mình.
- Trong quá trình làm game, khó khăn lớn nhất của anh là gì?
Khó khăn nhất là tạo được nhân vật có cá tính, cá tính đó không diễn tả được bằng lời. Nó được diễn tả thông qua hành động hoặc cách chơi, Flappy Bird đã làm được điều đó.
- Nhiều người cho rằng Swing Copters không thành công, anh có hài lòng với những gì Swing Copters đạt được không?
Mọi người đánh giá tôi hơi cao, hy vọng vào một game mới tạo nên hiện tượng như Flappy Bird. Tôi thấy nó ổn, đạt được 20 triệu lượt tải.
- Anh có cho rằng Swing Copters đạt 20 triệu lượt tải là ăn theo?
Khi làm game tôi đề cao tính kế thừa và phát huy. Tất nhiên nhờ thành công của Flappy Bird, nhiều người sẽ biết đến nó và biết tới những game khác của tôi.
- Anh nói rằng anh làm rất ít game và chỉ đưa ra sản phẩm anh cảm thấy hoàn hảo. Làm sao để biết một sản phẩm hoàn hảo nếu không nhận phản hồi của người chơi?
Tùy thuộc vào cá tính của người thiết kế, tôi không tin vào người dùng, tôi tin bản thân mình.
- Nếu sau này anh làm ra một game thành công như Flappy Bird, anh có tiếp tục xóa nó?
Tất nhiên
- Tôi thấy game nào của anh cũng một phong cách, như vậy chán lắm. Sắp tới anh sẽ làm gì để thay đổi?
Tương lai sẽ trả lời
Phần trả lời của Hà Đông thu hút sự chú ý của toàn bộ người tới dự, tuy nhiên nó chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhiều người
Sự xuất hiện cùng phần giao lưu của Hà Đông khiến không ít người tham dự cảm thấy tiếc nuối vì anh chọn cách trả lời quá "an toàn". Một người tham dự chia sẻ:
"Mình không biết là câu hỏi không sâu hay do diễn giả quá thận trọng. Chứ câu trả lời thì rất là an toàn/trống rỗng. Cả hai không có những ví dụ cụ thể, đem những trải nghiệp thật của mình ra chia sẻ, cứ nói chung chung."
Dù sao tính tới thời điểm hiện tại, điều Nguyễn Hà Đông và Flappy Bird làm được chính là mang tới niềm hi vọng mới cho cộng đồng lập trình viên trẻ đầy tiềm năng của Việt Nam.
>> Những Startup cực tiềm năng nhưng "ngã ngựa" ngay trong năm 2014
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng