Nhà bán lẻ hàng đầu hé lộ thương hiệu GPU nào có tỷ lệ hỏng cao nhất và thời gian trả bảo hành lâu nhất
Số liệu thống kê của nhà bán lẻ này cũng hé lộ về thương hiệu có thời gian trả bảo hành lâu nhất.
Digitec Galaxus - một trong những nhà cung cấp linh kiện, thiết bị điện tử hàng đầu Thụy Sĩ - mới đây đã chia sẻ công khai số liệu thống kê về thương hiệu cung cấp card đồ họa (GPU) nào có tỷ lệ lỗi cao nhất, cũng như thời gian để các thương hiệu này xử lý yêu cầu bảo hành.
Theo Digitec Galaxus AG, thông tin được công ty này tổng hợp từ các thương hiệu đã bán được ít nhất 300 chiếc card đồ họa trong hai năm qua. Tất nhiên, đây là những dữ liệu được thu thập dựa trên doanh số bán hàng của Digitec Galaxus AG tại thị trường Thụy Sỹ, và chắc chắn không thể coi là số liệu đại diện trên quy mô toàn cầu. Dữ liệu trên chưa rõ chỉ áp dụng trên card đồ họa chơi game hay bao gồm cả card đồ họa chuyên dụng.
Bên cạnh đó, do những hạn chế khác nhau, doanh số bán ra chính xác của từng thương hiệu card đồ họa không được Digitec Galaxus AG hé lộ. Như vậy, tỷ lệ hỏng hóc cao hay thấp không phản ánh được việc đâu là thương hiệu có chất lượng sản phẩm tốt nhất.
Đâu là thương hiệu GPU có tỷ lệ RMA cao nhất và thấp nhất?
Các biểu đồ cho thấy thương hiệu Gainward có số lượng card đồ họa bị lỗi thấp nhất, với tỷ lệ RMA (trả lại hàng ủy quyền) là 0,4%. Gainward, thuộc về Palit từ năm 2005, hầu như không được biết đến khá nhiều bên ngoài thị trường châu Âu. Trong khi đó, Palit đứng ở vị trí thứ 3 trên bảng xếp hạng. Trên tổng số 100% card đồ họa được Palit bán ra tới tay người dùng, 0,8% trong số này bị lỗi và phải bảo hành.
Các công ty như Lenovo và HP xếp ở vị trí thứ hai và thứ sáu, lần lượt đạt 0,7% và 1%. Mặc dù Lenovo và HP không bán lẻ card đồ họa, nhưng cả hai đều là các tên tuổi lớn trong lĩnh vực cung cấp các PC đồng bộ (được lắp đặt sẵn linh kiện). Đôi khi, cả hai thương hiệu này cũng tự sản xuất card đồ họa hoặc tận dụng các thiết bị từ các thương hiệu khác. Một số cửa hàng phân phối linh kiện PC tại Thụy Sĩ cũng bán một số card đồ họa mang nhãn hiệu Lenovo và HP, nhưng chúng chủ yếu là các các mẫu card đồ họa chuyên dụng.
Thống kê cho thấy card đồ họa AMD đứng ở vị trí thứ 8 với tỷ lệ hỏng hóc là 1,4%. Cần lưu ý, bản thân AMD thiết kế và sản xuất chip xử lý đồ họa, nhưng Đội đỏ lại thường ít tự lắp ráp card đồ họa. Thay vào đó, hãng này chủ yếu cung cấp chip và thiết kế cho các đối tác AIB như Asus, MSI, Gigabyte .v.v để các hãng này có thể lắp ráp card đồ họa hoàn chỉnh.
Do vậy, số liệu card đồ họa được Digitec Galaxus AG đề cập đến có thể là các mẫu card tham chiếu của AMD, vốn được AMD xuất xưởng với số lượng không nhiều để trình diễn công nghệ khi một card đồ họa nào đó mới được ra mắt. Chúng còn được gọi là MBA (Made by AMD – Tạm dịch: Làm ra bởi AMD). Ở đây, PC Partner, thương hiệu cũng sản xuất sản phẩm cho Sapphire, Dell hoặc Samsung, là nhà cung cấp và sản xuất card đồ họa tham chiếu AMD. Điều kỳ lạ là Zotac, một công ty con của PC Partner, có tỷ lệ lỗi là 1,8%, đúng ở vị trí thứ 12.
Trong số 3 đối tác AIB độc quyền của AMD, PowerColor là thương hiệu có tỷ lệ hỏng hóc thấp nhất, chỉ 1,2% - đứng ở vị trí thứ 7. Trong khi đó, Sapphire là thương hiệu có tỷ lệ hỏng hóc đáng kể nhất trong số các AIB của AMD, với tỷ lệ lỗi 2,5%. Đứng giữa PowerColor và Sapphire là XFX, với tỷ lệ card đồ họa bị hỏng chạm mốc 2%.
Trong số các đối tác AIB độc quyền của Nvidia, Inno3D (0,9%) dường như là đối tác tốt nhất, với tỷ lệ hỏng hóc chỉ 0,9% - đúng ở vị trí thứ 5. Thương hiệu này có sự hiện diện mạnh mẽ ở châu Âu nhưng ít được biết đến ở thị trường Mỹ. Trong khi đó, EVGA, vốn từng được coi là đối tác hàng đầu của Nvidia nhưng nay không còn sản xuất card đồ họa cho Đội Xanh, đứng ở vị trí thứ 12 với tỷ lệ RMA 1,8%.
Hai thương hiệu lớn nhất trong lĩnh vực card đồ họa là ASUS và MSI, đều có tên trong danh sách. Cả hai đều nằm ở vị trí ở giữa trên bảng xếp hạng, với tỷ lệ lỗi là 1,4%. Trong khi đó, Gigabyte (1,9%) và ASRock (2,1%) lần lượt ở vị trí thứ 14 và 16.
Digitec Galaxus AG cũng thống kê lại thời gian bảo hành của các thương hiệu phân phối card đồ họa, tính từ thời điểm card đồ họa bị lỗi được chuyển đến trung tâm bảo hành cho đến khi trả lại cho khách hàng. Ở khía cạnh này, Gigabyte là nhà cung cấp card đồ họa kém nhất về thời gian đổi trả bảo hành, khi khách hàng phải chờ tới 17 ngày làm việc để hoàn tất quy trình RMA. Trong khi đó, mặc dù card đồ họa do Inno3D cung cấp đạt tỷ lệ lỗi thấp, nhưng người dùng phải chờ tới tận 14 ngày để được hãng này xử lý các trường hợp cần đổi trả bảo hành.
Theo dữ liệu, ASRock và Palit là hai thương hiệu card đồ họa có thời gian nhận và trả bảo hành nhanh hàng đầu, khi người dùng chỉ mất hai ngày làm việc để nhận mẫu card đồ họa mới thay thế cho sản phẩm cũ bị hỏng.
Tham khảo Tomshardware
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng