“Nhà báo công dân” thách thức “quyền lực thứ 4”

    PV,  

    Ký hoạ về báo chí công dân như trên đã xuất hiện ở báo chí nước ngoài từ nhiều năm trước.

     Ký hoạ về báo chí công dân như trên đã xuất hiện ở báo chí nước ngoài từ nhiều năm trước. “Nhà báo công dân” thách thức “quyền lực thứ 4”

    Ký hoạ về báo chí công dân như trên đã xuất hiện ở báo chí nước ngoài từ nhiều năm trước. “Nhà báo công dân” thách thức “quyền lực thứ 4”

    Vụ giết hại một binh sĩ người Anh trên đường phố London hồi tháng 5 khiến toàn thế giới quan tâm, tuy nhiên, những thông tin đầu tiên được chuyển tải đến dư luận không phải bởi một nhà báo chuyên nghiệp.

    Đoạn băng quay nghi phạm với con dao đẫm máu trong tay lại được thực hiện bằng chiếc điện thoại Black Berry bởi một người đàn ông đang trên đường đi phỏng vấn xin việc làm.

    Người đàn ông này đã thực hiện công việc của một “nhà báo công dân – citizen journalist” bằng những phương tiện đơn giản có sẵn. Đây cũng không phải lần đầu tiên vai trò báo chí truyền thống bị thách thức, thậm chí là lép vế trước báo chí công dân.

    Trước đó, vụ đánh bom ở Boston (Mỹ) cũng đến với nhiều người quan tâm qua các trang mạng xã hội. Kể cả khi báo chí chính thống vào cuộc ráo riết trong cuộc săn lùng các thủ phạm đánh bom, người ta vẫn dễ dàng thấy chính những thông tin đến từ người dân làm cho các phóng sự tràn đầy chi tiết hơn là do các nhà báo chuyên nghiệp thực hiện.

    Việc thực hiện một tác phẩm báo chí hiện đại đôi khi không còn gắn liền với cây bút hoặc bàn phím máy tính hay chiếc máy ảnh, máy quay chuyên nghiệp. Những tác phẩm báo chí giờ đây đôi khi chỉ là một đoạn băng quay nhòe nhoẹt, không có lời bình, nó chỉ chuyển tải bằng hình ảnh những gì vừa xảy ra một cách nhanh nhất đến toàn xã hội, đáp ứng nhu cầu thông tin của đám đông đang ngồi trước chiếc máy tính hoặc các thiết bị kết nối không dây. Cũng chẳng cần một tòa soạn chuyên nghiệp để xử lý thông tin, đó có thể là một blog, trang facebook hoặc những website có dịch vụ chia sẻ các đoạn phim.

    Tại những phân khoa báo chí thuộc các đại học lớn tại Mỹ, bộ môn New Media (tạm dịch: Truyền thông kiểu mới) ngày càng được nhiều sinh viên, không chỉ thuộc chuyên ngành báo chí, ghi danh tham gia. Nội dung giảng dạy của bộ môn này ở phân khoa Báo chí thuộc Đại học California tại Los Angeles (UCLA) nhằm cung cấp cho người học khả năng thực hiện những tác phẩm báo chí hoàn chỉnh bằng chiếc điện thoại hoặc chiếc máy ảnh kỹ thuật số rẻ tiền.

    “Tương lai của báo chí sẽ do những người sử dụng mạng xã hội quyết định - nhà báo Mike Martinez của Hãng tin CNN nói - không một nhà báo nào có thể có mặt tại hiện trường nhanh bằng chính những người dân tại đó với chiếc điện thoại có khả năng quay phim và kết nối Internet trong tay”.

    CNN là một trong những hãng tin đầu tiên trên thế giới kêu gọi và sử dụng những thông tin từ các cộng tác viên trên thế giới gửi về. Dịch vụ iReport của CNN hiện có khoảng 1,3 triệu cộng tác viên, tăng gấp sáu lần kể từ khi bắt đầu vào năm 2008.

    Không chỉ với một hãng tin quốc tế danh tiếng như CNN, chính các tờ báo lớn trong nước cũng luôn kêu gọi bạn đọc gửi những đoạn băng quay được hoặc hình ảnh tại hiện trường. Và thực tế cũng cho thấy rất nhiều vụ việc được đến với công luận bằng chính những thước phim, tấm ảnh của bạn đọc chứ không phải bởi các nhà báo chuyên nghiệp. Lằn ranh giữa một nhà báo và bạn đọc dường như đang bị xóa nhòa, bởi giờ đây ai ai cũng có thể tác nghiệp như một nhà báo.

    Tuy vậy, không phải nhà cầm quyền nào cũng yêu thích hình thức báo chí công dân, bởi thông tin đôi khi được đưa quá nhanh đã vượt khỏi tầm kiểm soát và dẫn đến những biến động xã hội ngoài ý muốn của chính quyền. Diễn biến của những cuộc cách mạng dân chủ trong phong trào “Mùa xuân Ả Rập” hoặc phong trào “Chiếm phố Wall” được truyền trực tiếp trên các trang mạng xã hội là minh chứng cho việc báo chí công dân đã biến thông tin thành thứ thuốc kích thích đám đông như thế nào.

    Trên thực tế, loại hình báo chí công dân không phải là hoàn toàn tích cực. Thiếu các kỹ năng của một nhà báo chuyên nghiệp đôi khi làm việc đưa tin của một nhà báo công dân không có được sự chính xác hoặc tràn đầy thiên kiến. Tuy vậy, chính những nhà báo công dân này đã cung cấp rất nhiều đề tài cho các nhà báo tiếp tục đào sâu, khai thác.

    Có thể nhiều nhà báo sẽ buồn lòng, nhưng giờ đây báo chí chính thống đang phải vất vả trong cuộc đua với báo chí công dân và đôi khi tụt lại phía sau. Trong nhiều trường hợp báo chí chính thống dù đã đi sau báo chí công dân, nhưng vì nhiều lý do lại không tiếp tục vào cuộc để thẩm định những thông tin được đưa trên mạng. Đây chính là khe hở cho các tin đồn thất thiệt xuất hiện. Để xảy ra tình trạng này, lỗi không hoàn toàn thuộc về các nhà báo.

    Các nhà báo chuyên nghiệp hôm nay không chỉ đối diện với áp lực cạnh tranh thông tin từ những cơ quan báo chí, mà còn đối diện với sự cạnh tranh và giám sát của báo chí công dân. Mỗi thông tin, bài viết không chỉ cần đảm bảo độ chính xác, mà đạo đức của người làm nghề báo cũng bị quan sát rất kỹ lưỡng bởi những người tham gia mạng xã hội. Khái niệm “quyền lực thứ 4” giờ đây cũng đã bị thay đổi theo hướng tích cực hơn. Chuyển tải thông tin không còn là độc quyền trong tay một số cơ quan truyền thông nhằm “định hướng”. Báo chí đã không còn là “quyền lực thứ 4” đúng như định nghĩa về nó cách đây chừng một thập niên. Giờ đây, các trang mạng xã hội đã trao thứ quyền lực này vào tay người dân.

    Theo Lao động

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày