Nhà cung cấp công cụ thiết kế chip lớn nhất thế giới vừa "nghỉ chơi" với Huawei, cản trở tham vọng bá chủ mạng 5G toàn cầu của gã khổng lồ Trung Quốc
Động thái của Synopsys có thể khiến Huawei rơi vào thời kỳ đen tối.
Mới đây, Synopsys, nhà cung cấp các công cụ thiết kế chip lớn nhất thế giới đã quyết định ngừng cung cấp các bản cập nhật phần mềm cho Huawei. Theo các nhà phân tích, động thái này là một cú đánh mạnh vào tham vọng toàn cầu của gã khổng lồ Trung Quốc.
Synopsys, đặt trụ sở tại California, đã yêu cầu các nhân viên của mình ngừng cung cấp các bản cập nhật phần mềm sau khi Bộ Thương mại Hoa Kỳ đưa Huawei vào danh sách các công ty bị hạn chế truy cập vào công nghệ Mỹ. Thậm chí, Synopsys còn ngừng cung cấp một số tài sản trí tuệ cho đối tác Trung Quốc.
Quyết định của Synopsys sẽ gây tổn thương cho HiSilicon, công ty con của Huawei chuyên sản xuất chip và hiện đang là hãng sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc. Hơn nữa, mặc dù vẫn có thể dựa vào các thiết kế chip hiện tại, việc không được cập nhật phần mềm cho các công cụ thiết kế chip sẽ ảnh hưởng xấu tới một loạt chương trình phát triển chip nội bộ của Huawei và cản trở tham vọng bá chủ mạng 5G trên toàn cầu của gã khổng lồ viễn thông này.
Nhờ khả năng tự sản xuất chip, những năm gần đây Huawei đã có những phát triển vượt bậc. Hãng này vừa vượt qua Apple để trở thành hãng smartphone lớn thứ 2 thế giới.
Nếu không có sự hỗ trợ của các công cụ thiết kế chip, Huawei có thể tụt hậu về công nghệ trong khi các đối thủ như Apple và Samsung băng băng tiến về phía trước. Hiện tại, chỉ Synopsys và Cadence Design System (một công ty khác của Mỹ) có khả năng cung cấp những gì Huawei cần cho việc phát triển các con chip tiên tiến.
Cadence cũng là một nhà cung cấp công cụ thiết kế chip cho Huawei nhưng cho tới nay vẫn chưa có bất cứ động thái hay tuyên bố nào. Dẫu vậy, với tư cách là một công ty Mỹ, Cadence sẽ phải chịu hình phạt nặng nề nếu tiếp tục cung cấp công nghệ cho Huawei mà không được sự cho phép từ chính phủ Mỹ.
"Thật khó cho Huawe khi thiết kế các con chip mới mà không có những bản cập nhật phần mềm bởi toàn bộ quá trình sản xuất chip là cực kỳ phức tạp", một giám đốc trong ngành công nghiệp chip chia sẻ với Nikkei. "Những bản cập nhật mới được tung ra mỗi tuần sẽ giúp các nhà phát triển chip đồng bộ công việc và giải quyết các lỗi với các nhà sản xuất chip".
Không có những bản cập nhật mới, quy trình thiết kế có thể phải đối mặt với rất nhiều vấn đề và không bao giờ giải quyết được dứt điểm. Trong khi đó, các nhà sản xuất chip sẽ phải miễn cưỡng đưa những thiết kế ấy vào sản xuất, để lại nguy cơ tiềm ẩn cho người dùng.
"Huawei sẽ phải thiết kế chip trong đêm đen bao trùm", một giám đốc khác nói. "Điều này khiến họ mất nhiều thời gian hơn và thậm chí có thể dẫn đến thất bại".
Hiện tại, Huawei đang phát triển thế hệ chip Kirin tiếp theo cho smartphone cao cấp cùng với bộ vi xử lý mạng mới cho các trạm phát sóng không dây thế hệ thứ 5 và chip modem 5G. Ngoài ra, gã khổng lồ Trung Quốc còn đang phát triển chip máy chủ Kunpeng 820 dành cho trung tâm dữ liệu nhằm giảm sự phụ thuộc vào Intel của Mỹ và một loạt chip AI cho các thiết bị đeo thông minh và ô tô có kết nối internet.
Một nguồn tin khác trong ngành cho biết Huawei đã hoàn thành thiết kế cho chip Kirin 985 và Kirin 990 cho các smartphone cao cấp cũng như chip modem Balong 5000 5G. "Nhưng chúng tôi không chắc chắn về các con chip trong năm tới và xa hơn bởi cần từ 12 tới 18 tháng để thiết kế một con chip tiên tiến", nguồn tin chia sẻ.
Đầu tháng này, Synopsys thừa nhận rằng lệnh cấm của chính phủ buộc họ phải hạn chế giao dịch với một trong những khách hàng và liên doanh. Họ sẽ không được phép ký hợp đồng mới với khách hàng đó. Synopsys không nêu rõ tên Huawei trong các tuyên bố đưa ra tại cuộc họp báo cáo kinh doanh ngày 22/5 vừa rồi.
Mặc dù không nổi tiếng bên ngoài ngành công nghiệp bán dẫn nhưng Synopsys là một trong số ít nhà cung cấp các công cụ tự động hóa thiết kế điện tử (EDA) với khả năng giúp các nhà phát triển chip hình thành thiết kế của họ. Các công cụ EDA là phần mềm cơ bản, nơi khởi đầu tất cả các thiết kế chip và các quy trình sản xuất tinh vi. Vì thế, không thể thiếu được EDA trong quy trình sản xuất một con chip.
Nhân viên của Cadence không nhận được thông báo ngừng quan hệ kinh doanh với Huawei từ ban quản lý nhưng họ cũng tự động tránh trao đổi email với đối tác bên phía Huawei, một nguồn tin nội bộ chia sẻ.
Năm ngoái, Cadence cũng đã yêu cầu nhân viên ngừng giao dịch với ZTE sau khi "đồng hương" của Huawei bị chính chính phủ Mỹ trừng phạt vì vi phạm các lệnh cấm mà Mỹ áp đặt cho Iran.
Nếu cả Synopsys và Cadence ngừng hợp tác, Huawei sẽ rất khó tìm ra giải pháp thay thế.
Mentor Graphics, nhà cung cấp công cụ EDA được Siemens của Đức mua lại vào năm 2017, và Empyrean Software của Trung Quốc không đủ khả năng thay thế hoàn toàn cho những công cụ của Synopsys và Cadence.
"Chắc chắn là chúng tôi muốn giúp Huawei nếu có thể, nhưng thực sự thì chúng tôi không đủ khả năng", Empyrean Software chia sẻ. "Nó giống như chúng tôi đang bán xe hơi nhưng Huawei đến và yêu cầu chúng tôi chế tạo máy bay hoặc thậm chí là tên lửa cho họ".
Huawei từ chối bình luận trong khi Mentor cũng không trả lời Nikkei.
Các nguồn tin trong ngành chia sẻ rằng trên mạng có những công cụ EDA lậu. Tuy nên, những công cụ này có thể gây ra vấn đề liên quan tới quá trình sản xuất. Các hãng sản xuất chip hợp đồng như TSMC và TUM sẽ không muốn sản xuất các con chip được thiết kế bởi các phần mềm ấy.
TSMC cho biết họ luôn đảm bảo mỗi lô hàng chip mà họ xuất xưởng tuân thủ tất cả các quy định thương mại.
Hầu hết các công ty Mỹ cung cấp công nghệ cho Huawei, bao gồm Qualcomm, Micron Technology, Qorvo, Lumentum cũng như Google, đều đã tuyên bố rằng họ không thể hợp tác với Huawei sau khi hãng này bị đưa vào danh sách đen của chính phủ Mỹ.
Trong một bức thư gửi cho nhân viên, nữ chủ tịch Teresa He Tingbo của HiSilicon cho biết rằng công ty của bà đã đoán trước được rằng sẽ có ngày họ bị cấm tiếp cận các công nghệ của Mỹ. Chính vì thế, HiSilicon đã có giải pháp dự phòng để thay thế cho mọi thứ liên quan tới các công ty Mỹ. Dẫu vậy, có vẻ như việc bị đình chỉ cập nhật các công cụ thiết kế chip sẽ thêm một trở ngại cực kỳ lớn cho "Kế hoạch B" của công ty Trung Quốc.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng