Bộ Tài chính có Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý sử dụng lệ phí phân bổ và phí sử dụng kho số viễn thông (hiệu lực từ 6/2). Quy định mới có thể khiến giá thành viễn thông của mỗi đơn vị tăng hàng trăm tỷ đồng. Các nhà mạng đã tính toán việc tăng 3-4 lần mức phí sử dụng kho số.
Theo quy định mới, có thể khiến giá thành viễn thông của mỗi đơn vị tăng hàng trăm tỷ đồng.
Sẽ tác động đến giá thành
Với phí tăng từ 1.000 đồng lên 3.000-4.000 đồng theo quy định mới, tổng số tiền các doanh nghiệp phải nộp hàng năm để sử dụng đầu số có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Trao đổi trên VnExpress, VinaPhone cho biết hiện doanh nghiệp có 56 triệu số phải trả phí sử dụng hàng năm, tương đương 56 tỷ đồng nộp cho Cục Viễn thông. Số tiền này chưa kể đến phí sử dụng mã mạng, mã dịch vụ..., là những thành phần quan trọng trong giá thành dịch vụ viễn thông. Theo lý giải của doanh nghiệp, việc tăng phí sử dụng kho số lên 3.000-4.000 đồng sẽ tác động đến giá thành, lợi nhuận của họ.
"Thay đổi này có thể ảnh hưởng đến cước phí dịch vụ dành cho khách hàng, kể cả giá bán sim hòa mạng", đại diện này cho biết.
Hiện giá cước hòa mạng đối với thuê bao trả sau là 35.000 đồng mỗi lần, trả trước là 25.000 đồng.
Một doanh nghiệp viễn thông khác là MobiFone cũng thừa nhận chi phí đầu số là một phần quan trọng trong các hạng mục chi phí để tính toán vào giá thành dịch vụ thông tin di động.
"Sau khi tính toán giá thành năm 2014 và trên cơ sở so sánh với giá bán dịch vụ, MobiFone sẽ quyết định có hay không thực hiện điều chỉnh cước". Hiện nhà mạng có 55 triệu số phải trả phí mỗi năm.
Trong khi đó, nhà mạng lớn còn lại là Viettel vẫn chưa lên tiếng về vấn đề này.
Theo các chuyên gia, người tiêu dùng hiện vẫn chưa bị tác động bởi quyết định mới từ Bộ Tài chính. Tuy nhiên, về lâu về dài, khi nhà mạng tính toán và cân đối lại doanh thu, chi phí hoặc cần tăng giá bán để bù đắp giá thành thì đối tượng chịu thiệt không ai khác chính là các thuê bao.
Lãnh đạo một doanh nghiệp viễn thông chia sẻ, việc tăng phí lên gấp 4 lần sẽ là gánh nặng cho đơn vị, đẩy chi phí lên cao và ảnh hưởng đến lợi nhuận hàng năm. Do đó, nhà mạng đề nghị Bộ Tài chính có lộ trình tăng phí dài hơn để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị.
Bên cạnh đó, vị này cũng mong Bộ Thông tin và Truyền thông cho phép trả lại số thuê bao không sử dụng để giảm chi phí thuê kho số, tính phí với các số thực hoạt động...
Một đơn vị khác lại có đề xuất thu phí sử dụng đầu số theo nguyên tắc giá giảm dần theo số lượng nhằm khuyến khích hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà mạng. "Càng nhiều thuê bao hoạt động thì phí sử dụng đầu số càng giảm", ông gợi ý.
Ba nhà mạng độc quyền?
Ngày 12/1 vừa qua, các doanh nghiệp viễn thông cũng đã đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông cho tăng cước gọi di động và cố định quốc tế chiều về từ 6,1 cent lên 8,1 cent một phút, nhằm thu về khoảng 12 triệu USD mỗi năm.
"Mức cước này sẽ đảm bảo lợi nhuận của nhà mạng và thu về ngoại tệ cho ngân sách Nhà nước", đề xuất nêu rõ.
Theo đại diện VNPT, 8,1 cent là mức cước hợp lý so với mặt bằng chung của quốc tế và khu vực. Một đơn vị khác cũng xin Bộ cho áp dụng chung và ổn định giá trong khoảng 5 năm tới.
Viettel cho hay đang gửi đề xuất lên Cục Viễn thông đề nghị nâng giá lên cùng mức trên kể từ ngày 1/2/2014. Các đơn vị kinh doanh đều nhận định với giá 8,1 cent và trừ thêm 15-20% lưu lượng giảm do bị trộm cước và dịch vụ thoại, nhắn tin miễn phí (OTT) thì Việt Nam vẫn có được khoản lợi nhuận không nhỏ trong bối cảnh dịch vụ viễn thông đang có mức tăng trưởng chậm.
Trước đó, tháng 10/2013, 3 nhà mạng là VinaPhone, MobiFone và Viettel đã đồng loạt tăng cước 3G lên 40%, thậm chí 300% đối với một số gói dịch vụ.
Để giải thích cho việc tăng giá cước, các nhà mạng cho rằng, mức giá cước của dịch vụ 3G tại Việt Nam vẫn thấp hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á và nhiều nước trên thế giới khoảng 35 đến 70%, do vậy dù điều chỉnh tăng giá cước tuy nhiên tính trung bình hiện giá cước dịch vụ 3G tại Việt Nam vẫn thấp hơn so với mặt bằng chung giá cước 3G tại các nước trên thế giới.
Dư luận cho rằng có dấu hiệu 3 nhà mạng bắt tay nhau tăng cước 3G, tuy nhiên, kết quả xác minh của Cục Cạnh tranh chỉ ghi nhận trong quá trình thực hiện điều chỉnh giá, từng doanh nghiệp đã nộp hồ sơ đăng ký giá cước riêng. Thời điểm nộp hồ sơ và thời điểm đề nghị áp dụng giá cước mới của từng doanh nghiệp trong hồ sơ đăng ký giá cước là có sự khác biệt. Kết luận của Cục cạnh tranh (Bộ Công thương) về việc không có dấu hiệu bắt tay nhau của 3 nhà mạng vẫn khiến dư luận băn khoăn.
Như vậy, chỉ trong 1 thời gian ngắn các nhà mạng lớn đã đồng loạt tăng từ giá cước 3G, đề xuất tăng giá cước quốc tế, và lên kế hoạch tính toán lệ phí phân bổ và phí sử dụng kho số viễn thông nhằm tăng doanh thu lợi nhuận cho mình.
Theo Phương Mai
Baodatviet.vn
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng