Nhà mạng phải chịu trách nhiệm về tin nhắn rác

    PV,  

    Sim rác được kích hoạt quá dễ dàng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tin nhắn rác tràn lan vào thời điểm cận Tết. Bộ TT&TT cho rằng nhà mạng phải chịu trách nhiệm về vấn đề này.

    Tình trạng sim rác được kích hoạt trước trôi nổi nhiều trên thị trường là một trong những vấn đề bức xúc được nêu tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước tháng 1/2016 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vào ngày 1/2.

     Tin nhắn rác tràn lan vào cuối năm. Ảnh: Thiên Minh.

    Tin nhắn rác tràn lan vào cuối năm. Ảnh: Thiên Minh.

    Vào quán nước cũng kích hoạt được sim

    Tại hội nghị này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã nhận định: "Không đâu như ở Việt Nam, đi vào quán nước cũng kích hoạt được sim".

    Trước đó, Bộ TT&TT đã yêu cầu các nhà mạng thực hiện các biện pháp phòng chống tin nhắn rác. Ở cấp vĩ mô, bộ cũng ban hành hàng loạt thông tư, văn bản  chỉ đạo thực hiện hạn chế tin nhắn rác.

    Các nhà mạng cũng đã vào cuộc, tự nhận có các biện pháp chặn tin rác nhưng tình hình vẫn như “muối bỏ bể”.

    Bản thân Thanh tra Bộ TT&TT đã xử phạt nhiều đầu số, số thuê bao phát tán tin nhắn rác nhưng tin nhắn rác vẫn bùng phát mạnh vào cuối năm, chưa thể giải quyết triệt để. Tin nhắn rác tràn lan khiến dư luận xã hội bức xúc trong thời gian qua.

    Thứ trưởng Trương Minh Tuấn đã đề nghị các nhà mạng phải xử lý mạnh đối với đại lý của mình, ngoài việc xử phạt theo quy định, Bộ cũng cần có những biện pháp mạnh tay, quyết liệt hơn. Ví dụ như việc công bố công khai các đơn vị bị thanh tra kiểm tra xử phạt lên Cổng thông tin của Bộ, các nhà mạng để lọt nhiều tin nhắn rác.

     Nhiều tin nhắn quảng cáo được gửi đến điện thoại của khách hàng. Ảnh minh họa: VNN.

    Nhiều tin nhắn quảng cáo được gửi đến điện thoại của khách hàng. Ảnh minh họa: VNN.

    Kết luận vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khẳng định nhà mạng phải chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý nhà nước đối với tình trạng tin nhắn rác, sim rác. “Đúng là quản lý của chúng ta còn bất cập, cơ quan quản lý chưa xử nghiêm, nhưng nhà mạng chưa thực hiện tốt các quy định, chưa kiểm soát tốt các đại lý”, ông Son nói.

    Ngoài ra, Bộ trưởng cũng nhận định tình trạng mua bán số điện thoại, thông tin cá nhân trên mạng vẫn còn phổ biến, gián tiếp tiếp tay cho tin nhắn rác dội bom điện thoại người dùng. Do đó, các doanh nghiệp vừa phải chặn tin nhắn rác hiệu quả, nhưng vẫn phải tăng cường lưu lượng, đảm bảo thông suốt, chống nghẽn mạng, đảm bảo nhu cầu liên lạc chính đáng của người dân.

    Nhiều doanh nghiệp khuyến mại vi phạm quy định

    Bên cạnh tình trạng tin nhắn rác tràn lan, Bộ TT&TT cũng nhận thấy nhiều chương trình khuyến mại của các doanh nghiệp viễn thông vi phạm quy định của cơ quan quản lý nhà nước.

    Theo Cục Viễn thông, vào dịp cận Tết, các doanh nghiệp viễn thông đang triển khai rất nhiều chương trình khuyến mại. Trong số đó có các chương trình không đăng ký, đăng ký thông tin không đầy đủ.

    Đáng chú ý, một số nhà mạng khuyến mại vượt mức cho phép, phát triển thuê bao mới bằng cách tặng tiền vào tài khoản hoặc cung cấp giá cước thấp hơn cả giá thành.

    Theo đánh giá của Cục Viễn thông, những hành vi này là cạnh tranh không lành mạnh, gây ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của thị trường. Do đó, Cục đã chỉ đạo các nhà mạng phải nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của Bộ về khuyến mại trong lĩnh vực này.

    Về kinh tế, các khuyến mại vượt mức sẽ bị xếp vào khoản chi bất hợp lý, phải xuất toán. Những kết quả xử phạt sẽ được đưa vào tiêu chí để đánh giá, xếp hạng doanh nghiệp trong năm. Theo thứ trưởng Phan Tâm, vào năm 2016 này, Bộ TT&TT sẽ tăng cường các biện pháp quản lý về mặt kinh tế để ngăn chặn hoạt động khuyến mãi tràn lan, vi phạm của các doanh nghiệp.

    Cần khuyến cáo về tình hình máy tính, điện thoại bị cài mã độc

    Liên quan đến thông tin nhiều máy tính, điện thoại di động trên thị trường bị cài sẵn phần mềm gián điệp, mã độc, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh cơ quan quản lý và truyền thông cần khuyến cáo hiện tượng này cho người dân nắm để phòng tránh, ngăn chặn.

    Trước đó, cơ quan chức năng đã phát hiện hàng loạt doanh nghiệp cài sẵn phần mềm “độc” vào điện thoại, điển hình là Vinamob đã cài các phần mềm gửi tin nhắn từ nhà sản xuất Trung Quốc. gần đây nhất là một dòng máy tính Lenovo có cài sẵn phần mềm LSE, có dấu hiệu của phần mềm theo dõi.

    Theo Zing

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày