Nhà mạng tạm dừng thanh toán thẻ cào: Doanh thu doanh nghiệp nội dung số và game online giảm đến 90%
Sau khi nhà mạng thông báo tạm dừng thanh toán thẻ cào trong những ngày qua, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nội dung số và game online cho biết, doanh thu của họ đã giảm từ 50-60%, thậm chí có doanh nghiệp giảm đến 90%
Doanh thu giảm trung bình từ 60-80%
Như ICTnews đã đưa tin, trong những ngày qua các nhà mạng như VinaPhone, Viettel và MobiFone đã bất ngờ thông báo đến các doanh nghiệp đang kinh doanh trong lĩnh vực nội dung số và game online về việc tạm dừng hình thức thanh toán bằng thẻ cào khiến các doanh nghiệp trở nên lao đao.
Với việc nhà mạng bất ngờ tạm dừng không theo một lộ trình nào làm cho các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nội dung số và game online không kịp trở tay, khiến cho doanh thu các doanh nghiệp giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp phải tính đến việc cắt giảm nhân sự, thậm chí dừng cả nhiều dự án đang triển khai trong tương lai.
Theo ông Phạm Quốc Thắng, CEO của CMN Online, với việc dừng hình thức thanh toán thẻ cào từ nhà mạng, doanh thu của công ty đã giảm đến 80% trong những ngày qua. Đồng thời ông cho biết, tuỳ từng doanh nghiệp mà doanh thu sẽ giảm trung bình từ 60-80%.
Ông Nguyễn Đức Kiên, CEO của nhà phát hành game Deco cũng cho biết, doanh thu của công ty giảm đến 90%, bởi với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ như Deco, phương thức thanh toán chính là thẻ cào do không đủ nguồn lực để phát triển một kênh thanh toán riêng. Khi phương thức thanh toán chính bị cắt đột ngột như trên việc doanh thu giảm mạnh là điều tất yếu, khiến doanh nghiệp lao đao. Ông Kiên cũng thắc mắc, chính phủ kiến tạo sao lại đẩy doanh nghiệp vào thế bí như trên, bên cạnh đó với cách làm này tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lớn có hệ thống thanh toán riêng ép doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nội dung số khác cũng cho biết, với việc nhà mạng tạm dừng thanh toán như trên, doanh thu đã giảm từ 50-65% và tất cả đều hoang mang. Bởi với việc dừng thanh toán đột ngột từ nhà mạng này, lại không có hướng dẫn hay quy định về phương thức thanh toán mới khiến doanh nghiệp cũng không biết làm sao mà hoạt động kinh doanh, tạm thời các doanh nghiệp này tự loay hoay để kết nối với các doanh nghiệp cung cấp ví điện tử hoặc có kênh thanh toán riêng. Tuy nhiên, việc này rất nhiêu khê và tốn nhiều thời gian, đặc biệt là các doanh nghiệp cung cấp thanh toán cũng nhân cơ hội này chèn ép, đòi tỉ lệ ăn chia cao đối với doanh nghiệp cần kết nối.
Cần một phương thức thanh toán mới hợp pháp
Trước việc doanh thu giảm khiến doanh nghiệp gặp khó khăn như trên, theo ông Phạm Quốc Thắng, CEO của CMN Online , việc cấp bách bây giờ các doanh nghiệp đang kinh doanh trong lĩnh vực nội dung số và game online là cần ngay một phương tức kết nối thanh toán nào đó do Nhà nước bảo hộ và phù hợp với thị trường, có như vậy mới khiến các doanh nghiệp an tâm.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Kiên, CEO của Deco cũng cho biết, cái các doanh nghiệp cần bây giờ là có ngay một phương thức thanh toán mới để hỗ trợ các doanh nghiệp, bởi những sản phẩm đã được cơ quan chức năng cấp phép thì cần được hỗ trợ để phát triển. Theo ông, nếu không cho dùng thẻ viễn thông thanh toán nữa thì cơ quan quản lý cần có hướng dẫn để các doanh nghiệp biết được dùng những dịch vụ thanh toán nào, thẻ của doanh nghiệp nào hay ví điện tử…. Còn nếu chưa có quy định hay phương thức mới thì cần có lộ trình ngưng thanh toán thẻ viễn thông, chứ bây giờ cắt bất ngờ thế này khiến doanh nghiệp không kịp trở tay.
Đại diện một doanh nghiệp (xin giấu tên) cũng cho rằng, cơ quan quản lý cần làm rõ việc sử dụng và quản lý các phương thức thanh toán thế nào, cần có hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp. Cần mở lại thanh toán thẻ viễn thông nhưng cơ quan chức năng phải có quy định, hình thức quản lý rõ ràng và tỉ lệ ăn chia phải giảm xuống.
Bên cạnh đó, theo đại diện doanh nghiệp này, Bộ Thông tin và Truyền thông cần có chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp nội dung số và game online trong tình cảnh hiện nay. Bởi các doanh nghiệp đang kinh doanh game có phép do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp. Bên cạnh đó các công ty nên có kiến nghị lên Thủ tướng để được hỗ trợ, bởi Chính phủ đang hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo mà mới sáng tạo được thì lại khiến cho doanh nghiệp lao đao thế này làm sao phát triển được. Đồng thời về phía ngân hàng cũng cần mở dịch vụ hỗ trợ thanh toán lĩnh vực nội dung số và phải có quy định cụ thể.
Nhiều doanh nghiệp khác trước tình trạng khó khăn như trên cũng mong muốn rằng cơ quan quản lý cần đưa ra một hệ thống thanh toán mới linh hoạt hơn. Bên cạnh đó cuộc chơi cần công bằng hơn giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Đồng thời họ lo ngại rằng nếu không nhanh chóng đưa ra phương thức thanh toán mới nguy cơ tiền chảy ra nước ngoài là rất lớn khi các doanh nghiệp bắt buộc phải dùng hệ thống thanh toán của nước ngoài từ các kho ứng dụng.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng