Nhà máy Chernobyl vẫn tiếp tục hoạt động thêm 14 năm sau thảm họa hạt nhân và đây chính là lý do

    PV,  

    Ngày 26/4/1986 đã đi vào lịch sử nhân loại khi nhà máy điện nguyên tử Chernobyl ở Pripyat, Ukraine phát nổ. Đây được coi là tai nạn nghiêm trọng nhất trong lịch sử năng lượng hạt nhân.

    Theo số liệu chính thức thì đã có 31 người thiệt mạng tức thì ngay sau tiếng nổ. Nguy hiểm hơn, trong suốt 10 ngày kể từ khi phát nổ, lò phản ứng hạt nhân Chernobyl tiếp tục phun trào phóng xạ độc gây ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng tới các vùng lân cận. Điều đáng nói ở đây là phải chờ tới 36 giờ đồng hồ sau khi thảm họa xảy ra, giới chức địa phương mới bắt đầu sơ tán hơn 100.000 người ra khỏi khu vực nguy hiểm.

    Số người thiệt mạng do vụ nổ gây ra vẫn còn là chủ đề gây nhiều tranh cãi. Theo báo cáo năm 2005 của Liên Hợp Quốc: Đã có 47 công nhân trong nhà máy và 9 trẻ em chết do phơi nhiễm phóng xạ, ngoài ra, còn có khoảng 4.000 người (chủ yếu ở các nước Nga, Belarus và Ukraine) đã bỏ mạng do ảnh hưởng bởi phóng xạ từ sau thảm họa Chernobyl. Tuy nhiên, theo báo cáo của tổ chức Hòa bình Xanh thì số người chết do nhiễm phóng xạ có thể lên tới 93.000 người - một con số gây sốc hơn nhiều!

    Nhưng câu chuyện về thảm họa Chernobyl vẫn chưa dừng lại ở đó...

    Mặc dù đã thiết lập khu vực cấm 19 dặm và dựng một quan tài bê tông lớn để phủ kín rác phóng xạ bên trong Lò phản ứng số 4 nhưng chính phủ Ukraine vẫn tiếp tục cho ba lò phản ứng còn lại hoạt động sau thảm họa.

    Ở thời điểm xảy ra tai nạn, Lò phản ứng số 5 và số 6 (mỗi lò có khả năng sản xuất 1 gigawat) đang được xây dựng và bị dừng lại ngay sau đó nhưng Lò phản ứng số 1, 2 và 3 vẫn tiếp tục sản sinh năng lượng. Rắc rối vẫn bám đuổi Ukraine khi năm 1991, một đám cháy bùng phát tại Lò phản ứng số 2 gây hư hại nghiêm trọng và chính quyền Ukraine đã cho nó ngừng hoạt động.

    Lò phản ứng số 1 bị đóng cửa vào cuối năm 1996 do sự phản đối kịch liệt của dư luận, đây cũng là một phần của thỏa thuận giữa Ukraine và các tổ chức quốc tế như IAEA. Lò phản ứng số 3 tiếp tục hoạt động cho đến năm 2000 khi các cuộc đàm phán quốc tế về vấn đề hạt nhân đạt được kết quả nhất định.

    Như vậy là phải đến 14 năm kể từ sau khi thảm họa xảy ra, chính quyền Ukraine mới cho ngừng hoàn toàn hoạt động của nhà máy điện hạt nhân Chernobyl. Lý do ở đây là gì?

    Nguyên nhân đầu tiên là do tình trạng thiếu hụt năng lượng trong nước. Năm 1987, Thời báo Los Angeles (LA Times) báo cáo rằng Liên bang Xô Viết đã đạt được những thành tựu quan trọng dưới sự lãnh đạo của Mikhail Gorbachev và xét về công nghệ thì Liên Xô anh dũng đã bỏ xa Mỹ nhiều năm. Vì thế mà nhu cầu về năng lượng là rất cao.

    Trong khi đó, không có một biện pháp phi hạt nhân nào có thể tạo ra được lượng điện năng tương đương như Chernobyl và việc xây dựng một nhà máy điện hạt nhân mới sẽ tốn rất nhiều tiền bạc cũng như thời gian. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, nền kinh tế Xô Viết chưa đạt được kết quả như kỳ vọng, thậm chí là có dấu hiệu sa sút sau khi thảm họa Chernobyl xảy ra.

    Một nguyên nhân nữa phải kể đến đó là việc ngừng hoạt động một nhà máy điện hạt nhân không phải là chuyện dễ dàng. Trên thực tế, dù nhà máy điện nguyên tử Chernobyl đã bị đóng cửa nhưng các hoạt động của nhà máy vẫn chưa thể chấm dứt hoàn toàn bởi các lò phản ứng cần được tháo rời và khử nhiễm, các thanh uranium nghèo* có tính phóng xạ cao cũng cần được gỡ bỏ.

    Theo kế hoạch hiện tại của Cơ quan Năng lượng hạt nhân (Nuclear Energy Agency - NEA), để khắc phục hậu quả sau thảm họa Chernobyl thì có rất nhiều việc cần phải làm, không chỉ đơn giản là tháo gỡ các thanh uranium nghèo mà còn phải khử nhiễm và bảo quản từng thiết bị đã được sử dụng trong nhà máy Chernobyl. Hãy nhớ rằng, việc xử lý chất thải hạt nhân không đơn giản như xử lý chất thải công nghiệp hay rác thải thông thường. Hiện tại, NEA đang xây dựng kho chứa tại chỗ để lưu trữ chất thải hạt nhân.

    Chiếc quan tài bê tông được dựng lên bao phủ Lò phản ứng số 4 chỉ là giải pháp tình thế. Vì vậy, tại thời điểm này, Ukraine đang xây dựng một mái vòm bằng thép với kinh phí lên đến 2,3 tỷ USD bao quanh Lò phản ứng số 4 để thay thế cho chiếc quan tài bê tông nói trên. Mọi thứ đang được tiến hành rất gấp rút nhờ vào nhờ vào sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Đến nay, hầu hết công việc xây dựng mái vòm đã gần như hoàn tất.

    Công trình này được trang bị rất nhiều công nghệ hiện đại để đảm bảo rằng nếu có bất cứ chuyện gì xảy ra với nhà máy hạt nhân Chernobyl thì chất phóng xạ độc hại cũng không thể rò rỉ ra bên ngoài. Tuy nhiên, theo chính phủ Ukraine, khu vực nhà máy sẽ chỉ hoàn toàn được giải phóng sau năm 2065 và các hạt phóng xạ vẫn sẽ tồn tại tới hàng nghìn năm sau.

    *Uranium nghèo là sản phẩm phụ của quá trình làm giàu quặng phóng xạ để chế tạo các đầu đạn và thanh nhiên liệu hạt nhân

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày