Nhà máy Intel "nằm chơi" trong thời kỳ hậu PC

    MT,  

    Một nghiên cứu mới đây cho thấy các nhà máy sản xuất chip (fab) của Intel hiện chỉ được vận hành với 60% công suất, thấp nhất kể từ năm 2000 cho tới nay.

    Với một gã khổng lồ chip xử lý như Intel, sau đội ngũ kĩ sư, tài sản lớn nhất của họ chính là các nhà máy sản xuất (fab). Intel phải bỏ ra hàng tỷ USD để xây dựng, vận hành hoạt động, bảo trì chúng. Để làm ra sản phẩm, tạo ra lợi nhuận, các nhà máy này của Intel phải luôn ở trong trạng thái hoạt động với công suất cao nhất có thể. Tuy nhiên, có một thực tế không vui mà Intel đang phải đối mặt: rất nhiều nhà máy của họ hiện nay đang hoạt động với công suất cầm chừng.

    Nhà máy Intel "nằm chơi" trong thời kỳ hậu PC 1
    Bên ngoài một fab của Intel ở Arizona.

    Đây là thông tin được Jim McGregor, Chủ tịch hãng nghiên cứu Tirias Research kết luận sau các cuộc khảo sát của họ. McGregor là nhà phân tích về lĩnh vực chất bán dẫn tại Phoenix, Arizona (Mỹ), nơi mà Intel đặt một trong số các fab có quy mô lớn nhất của họ.

    Theo Tirias Research, công suất hoạt động của các nhà máy mà Intel sở hữu hiện đang ở mức thấp nhất từ trước tới nay. Một ví dụ điển hình là bốn nhà máy sản xuất chip ở Arizona (Mỹ) của Intel đang phải chịu tình cảnh này, bao gồm nhà máy sản xuất chip xử lý Fab 12; nhà máy Fab 22 và Fab 32 sản xuất chipset; Fab 42 - fab mới nhất của Intel phải chịu tình trạng tồi tệ nhất là "đóng băng".

    "Các nhà máy trên toàn cầu của Intel hiện chỉ hoạt động với 60% công suất, một con số báo động; bởi thông thường, chúng phải hoạt động ở mức 95% và con số này chỉ giảm đi khi Intel tiến hành nâng cấp nhà máy của họ" - Jim McGregor cho biết. Cũng theo nhà phân tích này, đây là công suất hoạt động kém cỏi nhất của nhà máy Intel kể từ năm 2000 đến nay. 

    Những gì mà Tirias Research đưa ra có vẻ hoàn toàn khớp với thông tin báo cáo doanh số máy tính trong quý đầu tiên của 2013 mà IDC mới đây vừa công bố. IDC cho biết doanh số PC trong quý I đã giảm ở mức kỷ lục, lên tới 13,9% so với cùng kỳ năm ngoái; khi mà trong toàn quý I, chỉ có 76 triệu 294 nghìn sản phẩm máy tính được tiêu thụ, trong khi con số này trong quý I năm ngoái là gần 12 triệu sản phẩm. Một công ty nghiên cứu thị trường khác là Gartner cũng dự đoán rằng doanh số máy tính sẽ tụt giảm 11,2% theo từng năm.

    Nhà máy Intel "nằm chơi" trong thời kỳ hậu PC 2
    Báo cáo doanh số PC trong quý I/2013 của IDC.

    "Nhiều vấn đề đã được chỉ ra kể từ tháng Chín năm ngoái, khi mà doanh số PC trong kỳ nghỉ lễ đã không cao như Intel kỳ vọng. Con số 60% của Intel có thể sẽ tăng trong thời gian tới nhờ việc họ xả hàng tồn kho, nhưng điều đó không có nghĩa là khó khăn sẽ qua đi" - McGregor cho biết. Nghiên cứu cũng cho rằng không chỉ Intel, mà các công ty trong ngành công nghiệp PC cũng đang chịu tình cảnh tương tự. McGregor nói rằng bắt đầu từ tháng Chín (2012), tất cả các công ty chip đã ngừng mua nguyên liệu; còn một công ty cung cấp hóa chất cho các nhà sản xuất chip thì cho biết doanh số của họ đã bị giảm tới 50%.

    Intel rất có thể đang tỏ ra vô cùng lo lắng cho tương lai của họ. Để hiểu vấn đề, chúng ta cần nhìn lại thời kì từ 2001, khi mà quả bong bóng công nghệ bị vỡ, ngành công nghệ đã để lãng phí hàng tỷ USD khi mà rất nhiều hàng tồn kho vô dụng phải bị bán rẻ hoặc bị ghi giảm như một cách công nhận sự thua lỗ. "Đây là lần đầu tiên chúng ta chứng kiến toàn bộ ngành công nghiệp đang phục hồi khá tốt, tuy nhiên, ngành công nghiệp PC không còn là kẻ dẫn đầu nữa. Nhu cầu hiện nay không đòi hỏi quá nhiều những con chip mạnh từ Intel. PC cũng không còn là trung tâm cho việc phát triển phần mềm. Ngày nay, smartphone và máy tính bảng mới là trung tâm, là kẻ đi đầu ngành công nghệ" - Jim McGregor nhận xét.

    Intel từng kỳ vọng cho một sự lột xác vào thời điểm cuối năm 2012, khi mà dòng laptop siêu mỏng ultrabook do họ tạo cảm hứng (inspire), khi "hợp xướng" cùng với HĐH Windows 8 của Microsoft, sẽ tạo nên một làn sóng nhu cầu ultrabook mạnh mẽ. Cộng thêm vào đó là việc họ tham gia vào thị trường chip di động, sẽ tạo nên sự hồi sinh cho công nghiệp PC cũng như đánh dấu bước cạnh tranh với ARM. Tuy nhiên, những viễn cảnh đó đã không xảy ra và cơn bão thiết bị di động vẫn đang tiếp tục lấn lướt PC. Ở thời điểm hiện tại, Intel vẫn đang tích cực sản xuất dòng vi xử lý Core i thế hệ thứ 4 tên mã Haswell cho laptop và tablet lai; trong khi đó, Bay Trail và Merrifield sẽ là 2 con chip giúp Intel "chinh chiến" trên chiến trường di động. 

    Nhà máy Intel "nằm chơi" trong thời kỳ hậu PC 3

    Ultrabook bước đầu đã thất bại trong sứ mệnh hồi sinh PC.


    Chưa rõ tương lai của ngành công nghiệp máy tính sẽ nằm ở đâu, nhưng có lẽ một phần nguyên nhân cho bức tranh ảm đạm của ngành đến từ sự "xám xịt" của kinh tế toàn cầu. "Các OEM nói rằng kinh tế chính là nguyên nhân. Kinh tế của một nước hàng đầu thế giới như Mỹ cũng chỉ phát triển nhẹ từ năm 2008. Châu Âu thì như đang ở trong một mớ hỗn độn, còn các thị trường mới nổi thì cũng phát triển cầm chừng" - McGregor dẫn lời đại diện của 1 OEM, cho biết. Hiện tại Intel chưa đưa ra bình luận gì và chúng ta có thể sẽ chỉ được nghe các phản ứng của gã khổng lồ này trong báo cáo tài chính mà hãng phát hành trong thời gian tới. 

    Tham khảo: ITWorld
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày