Nhà sản xuất game Fortnite vừa đặt một cái bẫy chống độc quyền cho Apple và Tim Cook đã vội bước ngay vào đó
Hôm qua 13/8, Apple đã xóa trò chơi nổi tiếng Fortnite khỏi App Store của mình và ngay khi làm như vậy, họ đã rơi vào cái bẫy do nhà sản xuất trò chơi Epic Games đặt ra.
Tim Sweeney - người sáng lập và CEO của Epic Games - vừa khiến Apple rơi vào một cái bẫy hoành tráng, một cái bẫy có thể gây ra vô số tổn hại nghiêm trọng cho nhà sản xuất iPhone.
Epic Games, công ty của Sweeney là nhà sản xuất trò chơi Fortnite nổi tiếng, đang cáo buộc Apple về hành vi phản cạnh tranh. Và vào hôm qua 13/8, ông đã cho cả thế giới thấy cách làm của mình. Bằng cách cố tình phá vỡ một trong các quy tắc của App Store, Epic Games đã kích động Apple sử dụng quyền lực chưa được kiểm soát của mình, cung cấp cơ hội cho công ty tung ra đơn kiện đã được chuẩn bị sẵn sàng của mình.
Giờ đây, Tim Cook - CEO của Apple - có thể đang phải lắc đầu tự hỏi về việc tại sao công ty của mình lại dễ dàng rơi vào bẫy của Epic như thế.
Tranh chấp giữa hai công ty xoay quanh quyền kiểm soát của Apple đối với việc phân phối ứng dụng trên iPhone và iPad. Lâu nay, chủ sở hữu thiết bị của Apple chỉ có thể tải xuống ứng dụng từ App Store. Nếu các nhà phát triển game tính phí người tiêu dùng cho ứng dụng của họ, Apple sẽ cắt lấy 30% hoa hồng. Các công ty cũng bị cắt giảm 30% doanh thu của hầu hết các mặt hàng kỹ thuật số - như phí đăng ký, doanh thu phim kỹ thuật số hoặc sách, quần áo ảo cho các nhân vật trong trò chơi điện tử - mà các nhà phát triển bán thông qua ứng dụng của họ.
Và Apple cài trước App Store trên tất cả iPhone và iPad của mình, đồng thời cấm mọi phương pháp tải xuống các ứng dụng thay thế. Nó cũng yêu cầu các nhà phát triển bán hàng trong ứng dụng phải sử dụng một cơ chế thanh toán của riêng mình, cấm họ không được sử dụng các lựa chọn thay thế, thậm chí không cho đề cập trong ứng dụng của họ rằng người dùng có thể mua cùng sản phẩm ở nơi khác với số tiền ít hơn.
Các nhà phát triển không hài lòng nhưng họ không có sự lựa chọn
Đại diện hình ảnh của các nhà phát triển trong video của Epic Games - bất lực và cam chịu.
Các nhà phát triển game và ứng dụng đã nghiên cứu về các quy tắc của Apple trong nhiều năm. Họ lập luận rằng mức thuế 30% của Apple là "cắt cổ". Một số nhà phát triển đã sử dụng dịch vụ xử lý thanh toán qua trang web của hoặc qua các kênh khác vì họ không muốn trả tiền cho Apple.
Nhưng phần đông các nhà phát triển cho biết họ không có sự lựa chọn. Mặc dù nhiều người sử dụng thiết bị Android hơn thiết bị iOS, vẫn còn khoảng 1,5 tỷ thiết bị Apple đang được sử dụng trên khắp thế giới - một thị trường khổng lồ mà các nhà phát triển sẽ mất nếu họ từ bỏ App Store. Và người dùng thiết bị Apple nói chung chi tiêu cho các ứng dụng nhiều hơn gần gấp đôi so với những người sở hữu các thiết bị Android.
Từ lâu, Apple đã lập luận rằng họ cấm các dịch vụ thanh toán khác như "một biện pháp bảo mật" và áp dụng các quy tắc đó một cách đồng đều cho tất cả các nhà phát triển. Không giống như những gã khổng lồ công nghệ khác đang thống trị các thị trường chính của họ - Google trong lĩnh vực tìm kiếm, Facebook với mạng xã hội và Amazon trong thương mại điện tử - Apple phần lớn đã không bị đưa vào tầm ngắm vì hãng không thống trị thị trường chính của mình là điện thoại thông minh.
Nhưng sự cố chấp của công ty đối với App Store đã bắt đầu thu hút sự chú ý ngày càng tăng. Năm ngoái, Spotify đã đệ đơn kiện Apple lên Ủy ban châu Âu buộc tội nhà sản xuất iPhone có hành vi phản cạnh tranh, liên quan đến khoản hoa hồng mà họ tính khi mua hàng qua App Store. Tháng trước, các thành viên của Quốc hội Mỹ đã bày tỏ sự không đồng tình về hành vi như vậy trong một phiên điều trần với đại diện các tập đoàn công nghệ khổng lồ. Ngoài ra, Bộ Tư pháp Mỹ và một tập hợp các tổng chưởng lý các bang được cho là đang chuẩn bị mở cuộc điều tra về công ty này.
Epic Games có thể gây nguy hiểm cho Apple như thế nào?
Kẻ độc tài được Epic Games minh họa đầu là quả táo bị cắn dở, ám chỉ Apple.
Epic Games đã lựa chọn để trở thành nhân chứng nguy hiểm nhất từ trước đến nay của Apple. Nó là một công ty hùng mạnh và là một trong số ít công ty có thể phát triển mạnh mẽ mà không dựa vào Apple. Và công ty với 40% cổ phần thuộc Tencent (Trung Quốc) này đã cho thấy nó là một kẻ thù nguy hiểm đối với nhà sản xuất iPhone như thế nào, qua một loạt các động thái được đánh giá là vô cùng xảo quyệt được thực hiện hôm qua 13/8.
Đầu tiên, Epic Games đã dụ Apple rơi vào bẫy bằng cách cố tình vi phạm các quy tắc trên App Store của hãng. Công ty đã cung cấp cho người dùng iPhone một cách để mua V-bucks - tiền ảo trong game Fortnite - trực tiếp từ Epic Games thay vì thông qua App Store của Apple. Động thái này đã vi phạm trực tiếp các quy tắc của Apple về việc cung cấp các phương thức thay thế để người dùng thanh toán cho các giao dịch mua hàng trong ứng dụng.
Và chỉ vài giờ sau khi Epic Games đưa vào tùy chọn này, Apple đã xóa ứng dụng game Fortnite khỏi App Store, cho rằng công ty này đang vi phạm các quy tắc của mình và tìm kiếm sự đối xử đặc biệt. Bản thân động thái đó có thể gây tổn hại cho Apple khi khiến hàng triệu người chơi Fortnite tức giận, những người sẽ không thể tải xuống hoặc cập nhật game trên các thiết bị Apple của mình. Và khả năng lớn là họ sẽ phản đối Apple, thay vì Epic, trong quá trình đi tìm ra lý do tại sao họ lại không thể tải trò chơi được nữa.
Chiến lược giảm giá V-bucks chỉ là cái bẫy của Epic Games.
Nhưng vấn đề lớn hơn đối với Apple là điều gì xảy ra tiếp theo. Epic Games rõ ràng đã mong đợi quyết định loại bỏ Fortnite của Apple, bởi vì ngay sau đó, công ty đã tung ra lá bài cuối của mình. Hãng đã ngay lập tức đệ đơn kiện, cáo buộc Apple cố gắng ngăn chặn, thực hiện hành vi cạnh tranh bất hợp pháp trên thị trường phân phối ứng dụng và mua hàng trong ứng dụng, trên iPhone và iPad. Công ty lấy mình ra làm bằng chứng, trích dẫn phản ứng của Apple đối với ưu đãi giảm giá V-buck của họ như một trường hợp điển hình.
"Thay vì chấp nhận sự cạnh tranh lành mạnh này và cạnh tranh dựa trên thành quả của sản phẩm của mình, Apple đã đáp trả bằng cách loại bỏ Fortnite trên App Store", Epic Games cho biết trong đơn khiếu nại pháp lý của mình. "Việc Apple loại bỏ Fortnite," hãng tiếp tục, "là một ví dụ khác về việc Apple sử dụng sức mạnh to lớn của mình để áp đặt các biện pháp hạn chế vô lý và duy trì độc quyền 100% một cách bất hợp pháp đối với Thị trường xử lý thanh toán trong ứng dụng iOS."
Epic Games đã đoán trước phản ứng của Apple
Trong vụ kiện của mình, Epic Games cũng đã đoán trước lập luận của Apple rằng công ty đang tìm kiếm sự đối xử đặc biệt. Mặc dù đơn kiện đã nhắc lại nhiều lần rằng công ty bị tổn hại về mặt tài chính bởi các quy tắc của Apple, nhưng Epic Games đã quyết định không yêu cầu Apple bồi thường. Họ cũng không muốn Apple bị cấm thi hành các quy tắc chống lại hãng.
Thay vào đó, Epic Games đang yêu cầu Tòa án quận Bắc California của Mỹ tuyên bố các quy tắc của Apple nói chung là "bất hợp pháp và không thể thi hành" đồng thời đưa ra lệnh cấm nhằm ngăn chặn hành vi bị cáo buộc là "phản cạnh tranh" nhằm vào bất kỳ nhà phát triển nào. Nói cách khác, Epic đang tự cho mình là người đại diện đứng ra đấu tranh thay mặt cho tất cả các nhà sản xuất ứng dụng.
Video quảng cáo năm 1984 của Apple.
Hãng game này thậm chí đã làm điều đó theo đúng nghĩa đen thông qua một video nhại lại quảng cáo nổi tiếng năm 1984 của Apple - một bằng chứng khác cho thấy sự chuẩn bị kỹ càng và tỉ mỉ cho cái bẫy hoành tráng. Thay vì hình ảnh nữ anh hùng ném búa vào màn hình, Epic Games cho một nhân vật nữ trong game Fortnite ném một chiếc rìu đầu kỳ lân - món vũ khí đặc trưng của trò chơi - vào một màn hình hiển thị kẻ thống trị độc tài với chiếc đầu hình quả táo.
Clip nhái lại quảng cáo Apple của Fortnite
Trên trang web của game, nhà sản xuất cũng cùng lúc đưa ra lời kêu gọi hành động hướng game thủ trích mũi dùi về phía Apple, thay mặt cho Fortnite. Thậm chí còn có một thẻ hashtag bắt đầu bằng #freeFortnite.
Nhưng vụ kiện của Epic không chỉ là một động thái truyền thông hay quảng cáo. Đơn khiếu nại đưa ra một lập luận có lý do chính đáng về sức mạnh của Apple, về việc các nhà phát triển hoặc người tiêu dùng có ít khả năng thách thức sức mạnh đó như thế nào và những quy tắc không thể thay đổi đang khiến các nhà phát triển cũng như người tiêu dùng phải trả giá.
"Bằng cách áp thuế 30%, Apple nhất thiết buộc các nhà phát triển phải chịu lợi nhuận thấp hơn, giảm số lượng hoặc chất lượng ứng dụng của họ, tăng giá bán cho người tiêu dùng hoặc một số kết hợp của cả ba", Epic Games cho biết.
Hãng bảo vệ lập luận đó một cách thông minh bằng cách đối chiếu chi phí xử lý thanh toán thông qua các nhà cung cấp khác - ít nhất là 2,6% trong một số trường hợp - với tỷ lệ của Apple. Và hãng củng cố trường hợp của bản thân bằng các tài liệu gần đây được Hạ viện Mỹ phát hành, liên quan đến cuộc điều tra về hành vi chống cạnh tranh bị cáo buộc của gã khổng lồ công nghệ Apple - chẳng hạn như email từ Steve Jobs thẳng thắn thừa nhận rằng hoa hồng 30% của họ sẽ là "cấm đoán đối với nhiều thứ".
Tự do cho bản thân và các nhà phát triển game khác, là điều mà Epic Games hướng tới.
Có thể nói, vụ kiện của Epic Games khiến Apple phải lo lắng không chỉ vì một trường hợp cá biệt liên quan tới công ty game này, mà còn vì những rủi ro đi kèm. Phần lớn sự tăng trưởng của Apple trong những năm gần đây - cũng là nền tảng cho giá cổ phiếu tăng vọt - là nhờ hoạt động kinh doanh dịch vụ của hãng. Mặc dù mảng kinh doanh này bao gồm rất nhiều dịch vụ khác nhau, nhưng một phần lớn doanh thu của công ty đến từ App Store. Nếu hoạt động kinh doanh trên App Store của Apple không khởi sắc, công ty có thể đã chẳng có câu chuyện tuyệt vời nào như vậy để kể trên Phố Wall.
Nhưng Apple - đúng như Sweeney mong đợi - đã rơi vào cái bẫy mà Epic Games đã đào. Và giờ công ty phải tự xoay xở để tìm kiếm lối thoát cho chính mình.
Tham khảo Business Insider
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng