Nhân dân tệ phá giá, ai là kẻ được lợi?

    PV,  

    Việc đồng Nhân dân tệ sụt giá mạnh nhất trong vòng 2 thập kỷ gần đây là tin vui với các nhà cung cấp của Apple tại Trung Quốc.

    Trong bối cảnh đồng Nhân dân tệ phá giá mạnh, một số nhà cung cấp cho Apple như Hon Hai Precision Industry và Pegatron Corp là những công ty được hưởng lợi nhiều nhất. Lý do là bởi cả 2 đều trả lương cho công nhân của họ bằng đồng Nhân dân tệ và bán sản phẩm thu về bằng đồng đôla.

    Cụ thể, việc đồng Nhân dân tệ sụt giá mạnh nhất trong vòng 2 thập kỷ gần đây là tin vui với ít nhất 2 công ty kể trên, đặc biệt sau khi khách hàng lớn nhất của họ là Apple đã dự báo trước tiềm năng sụt giảm doanh số bán iPhone tại nền kinh tế lớn nhất châu Á.

    “Giả sử doanh thu không đổi và các nhà cung cấp không phải chuyển lợi nhuận cho Apple thì khi đồng Nhân dân tệ sụt giá sẽ đẩy biên lợi nhuận cho các nhà cung cấp”, ALberto Moel - một chuyên gia phân tích tại công ty có trụ sở ở Hong Kong là Sanford C. Bernstein nói.

    Tỷ suất lợi nhuận gộp của Hon Hai có thể tăng 0,5% bởi doanh số tính bằng đồng USD trong khi khoản thanh toán lương dành cho các công nhân Trung Quốc và nhà cung cấp địa phương được công ty này trả bằng Nhân dân tệ.

    Dẫu vậy, ảnh hưởng toàn diện của sự sụt giảm đồng Nhân dân tệ sẽ không chuyển hoàn toàn cho các nhà cung cấp bởi nhiều bộ phận cấu tạo vẫn được tính toán bằng đồng USD của Mỹ.

    Ngược lại, những công ty Trung Quốc hoạt động mạnh ở thị trường trong nước sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề do đồng nội tệ sụt giảm. Lý do là bởi phần lớn doanh thu của họ được tính toán bằng đồng Nhân dân tệ. Một số cái tên có thể kể đến là Lenovo Group và Coolpad Group.

    “Lenovo vốn hưởng lợi nhiều nhờ sự tăng giá của đồng Nhân dân tệ trong vài năm qua, điều này phần nào giải thích về sự cải thiện đáng kể trong biên lợi nhuận thị trường PC của Trung Quốc”, 2 chuyên gia phân tích Ken Hui và Cynthia Meng của Jefferies viết. “Nếu các nhà sản xuất PC cố gắng tăng giá bán sản phẩm niêm yết bằng đồng Nhân dân tệ để bảo đảm biên lợi nhuận thì tiêu dùng cuối cùng sẽ chịu ảnh hưởng mạnh nhất”.

    Là thành viên lớn nhất của Foxconn Technology, trong mùa cao điểm Hon Hai phải sử dụng tới hơn 1 triệu công nhân tại Trung Quốc để sản xuất iPhone, iPad cũng như máy chơi game, máy tính và ti vi. Hiện một nửa trong tổng số 139 tỷ USD doanh thu vào năm ngoái của công ty này phụ thuộc vào Apple. Trong khi đó, tháng trước Apple tuyên bố lượng iPhone được bán ra không đạt kỳ vọng và dự đoán doanh số cho giai đoạn này sẽ giảm nhẹ.

    “Ít nhất, việc đồng Nhân dân tệ sụt giá có thể làm dịu đi lo ngại về tác động của dự báo doanh số bán iPhone sụt giảm của Apple”. Cả Hon Hai và Pegatron từ chối đưa ra bình luận về ảnh hưởng của sự sụt giá đồng Nhân dân tệ.

    Sự sụt giá của đồng Nhân dân tệ cho thấy nỗ lực của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc nhằm hỗ trợ các nhà xuất khẩu trong nước và là biện pháp đối phó với tình trạng tốc độ phát triển kinh tế chậm chạm nhất kể từ năm 1990.

    Trung Quốc hiện là thị trường lớn nhất của Apple sau Mỹ. Trung Quốc đại lục bao gồm cả Hong Kong và Đài Loan chiếm 13,2 tỷ USD tức là 27% doanh thu trong quý tính đến tháng 7 của công ty này.

    Mặc dù trong cùng một giai đoạn, doanh số bán iPhone tăng 87% tại Trung Quốc nhưng doanh số bán toàn cầu lại gây thất vọng. Thêm nữa, tốc độ phát triển chậm chạp của Trung Quốc đã khiến thị phần của Apple giảm 4,4% kể từ báo cáo hàng quý vào tháng 7.

    Theo Cafebiz / Trí thức trẻ

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày