Nhận dạng khuôn mặt tràn ngập khắp nơi tại CES 2020
Một công nghệ vô cùng tiện lợi, nhưng chúng ta phải đánh đổi những gì?
Konami Gaming, một hãng sản xuất game, và làm cả máy đánh bạc, muốn đưa công nghệ nhận dạng khuôn mặt vào bộ sưu tập của mình. Nếu có dịp đến trụ sở Konami tại Las Vegas, bạn sẽ nhanh chóng khám phá ra thế giới sẽ trông ra sao nếu công nghệ này hiện diện ở khắp nơi. Dưới đây là câu chuyện của phóng viên Alfred Ng của trang tin CNET sau khi được trải nghiệm điều đó.
"Xin chào, Alfred" - một giọng nói robot vang lên, khiến anh chàng phóng viên giật mình. Giọng nói đó phát ra từ một ki-ốt tên là "Biometrics Welcome Console", đặt ngay bên phải cánh cửa dẫn vào phòng hội nghị mà Alfred sắp tham dự. Ki-ốt này biết anh chàng là ai, bởi Konami đã lập ra một profile cho anh, sử dụng một bức ảnh mà anh dùng làm avatar trên trang CNET mà chưa hề thông báo cho anh biết trước. AI nhận dạng khuôn mặt nhận ra anh trước cả khi anh kịp nói xin chào đến các thành viên của Konami trong phòng họp!
Alfred nhìn vào màn hình, vốn đang hiện ra hình ảnh mà ki-ốt kia chụp được khi anh bước vào. Camera chỉ bắt được mắt và mũi anh, nhưng phần mềm nhận dạng khuôn mặt đã tính toán và nhận ra anh với độ chính xác lên đến 60,5%.
"Bất kỳ bức ảnh nào bạn dùng trên mạng cũng có thể được dùng để nhận dạng bạn" - Sina Miri, Phó chủ tịch bộ phận thiết kế và nghiên cứu cải tiến và chiến lược, cho biết. Konami cũng đã lập profile cho các đồng nghiệp của Alfred cho cuộc hội nghị này, tất nhiên cũng chẳng hề thông báo cho họ biết.
Trong suốt quá trình phỏng vấn, các camera nhận dạng khuôn mặt của Konami luôn theo sát cánh phóng viên. Chúng chụp ảnh họ nhiều đến mức ki-ốt của Konami cứ liên tục chào họ dù buổi hội nghị đã bắt đầu tư lâu. Thậm chí có lúc, một nhân viên của Konami phải lấy một miếng giấy che mặt cô lại để khiến chiếc camera không luyên thuyên nữa.
Hệ thống nhận dạng khuôn mặt nói trên, dù được Konami xem như một màn trình diễn tuyệt vời cho thấy những gì hãng có thể làm được, nhưng với những vị khách đến trụ sở, chúng chẳng khác gì một hình thức xâm phạm quyền riêng tư, một ví dụ về lằn ranh mà công nghệ nhận dạng khuôn mặt phải cân nhắc trước khi bước qua. Các công ty công nghệ đều hào hứng với việc tích hợp tính năng này, có thể dưới hình thức đơn giản như Face ID trên iPhone, vào ngày càng nhiều các sản phẩm và hệ thống. Nhưng nhiều người tiêu dùng lại lo ngại rằng điều đó sẽ gây nên những ảnh hưởng đáng kể đến đời sống riêng tư của họ.
Ki-ốt chào mừng anh phóng viên Alfred
Trong khi đó, công nghệ nhận dạng khuôn mặt ngày càng phổ biến. Trong thập kỷ qua, bất kỳ thứ gì bạn có thể nghĩ đến - từ bàn chải đánh răng, TV, xe hơi, tủ lạnh, và thậm chí là cả...giường ngủ - đều đã được kết nối với Internet. Trong 10 năm tới, các công ty chuyên về nhận dạng khuôn mặt hi vọng điều tương tự sẽ diễn ra với công nghệ của họ. CES 2020, nơi nhiều trong số các công ty đó trình diễn các sản phẩm do họ phát triển, đã cho chúng ta thấy một thoáng tương lai của công nghệ giám sát. Triển lãm công nghệ thường niên là một sự kiện lớn nổi bật nhằm quảng bá, đưa dịch vụ sinh trắc học này trở nên phổ biến hơn.
Giống như việc kết nối một chiếc TV vào mạng Internet từng được xem là một concept khá mới mẻ vào năm 2011, một thế giới với công nghệ nhận dạng khuôn mặt hiện diện khắp nơi về cơ bản là một vùng đất chưa được khai phá. Điều đó sẽ sớm thay đổi, một cách nhanh chóng. Ở thời điểm năm 2019, nhiều nhà phân tích đã chỉ ra rằng chẳng có ai mua một chiếc TV không có khả năng kết nối Internet nữa. Các công ty sở hữu công nghệ nhận dạng khuôn mặt cũng muốn công nghệ của họ được chấp nhận như vậy.
Có nghĩa là họ muốn đưa FR - viết tắt của công nghệ nhận dạng khuôn mặt - vào mọi phần của cuộc sống. Bạn sẽ trải nghiệm công nghệ này trong các trung tâm mua sắm, tại trường học, và ngay trong nhà mình.
"Một khi nó được ứng dụng trong các ngành công nghiệp khác, nó sẽ được đặt ở khắp nơi" - Tom Soukup, Phó chủ tịch cấp cao và là Giám đốc các sản phẩm hệ thống của Konami, cho biết. "Khách hàng sẽ chấp nhận rộng rãi công nghệ này trong 2 - 3 năm tới".
Nhưng công nghệ nhận dạng khuôn mặt hiện đã được sử dụng bởi các sở cảnh sát và các cơ quan chính phủ trong việc thực hiện các cuộc điều tra, mà không có bất kỳ quy định pháp lý nào để bảo vệ công dân khi công nghệ này được sử dụng nhằm vào họ cả. Các nhà làm luật đã bày tỏ nhiều quan ngại liên quan công nghệ này:
"Đây là một công nghệ sẽ 'cường hóa' camera của chúng ta và biến chúng thành những thiết bị theo dõi như chưa bao giờ có trước đây" - Jay Stanley, một chuyên viên phân tích chính sách tại American Civil Liberties Union cho biết.
Hướng về tương lai
Khi mọi thứ trở thành các thiết bị được kết nối mạng trong thập kỷ trước, người ta sớm nhận ra rằng đi kèm những tiện lợi là những ràng buộc. Với TV, kết nối mạng đồng nghĩa các công ty có thể theo dõi thói quen xem TV của người tiêu dùng và bán dữ liệu đó cho các nhà quảng cáo.
Với nhận dạng khuôn mặt, ảnh hưởng còn diễn ra trên quy mô rộng hơn. Bạn không thể thay đổi khuôn mặt mình như cách thay đổi một ID quảng cáo gắn với thiết bị đang dùng.
Tại CES, công nghệ nhận dạng khuôn mặt cho thấy nó đang tiến vào một lãnh địa trước đây chưa bao giờ đặt chân đến. Lần đầu tiên, người tiêu dùng đến CES phải quét khuôn mặt để nhận thẻ ra vào, còn LG thì mang đến một cánh cửa mở khóa bằng cách quét khuôn mặt chủ nhân. Chưa hết, một chiếc hộp chứa cần sa mở khóa bằng khuôn mặt chẳng hiểu sao lại nhận được giải thưởng sáng tạo của CES?!?
Hôm thứ 4 vừa qua, đến lượt Konami Gaming công bố những kế hoạch triển khai công nghệ nhận dạng khuôn mặt - lý do họ đưa ra là những người tham gia đánh bạc có thể sử dụng khuôn mặt của họ để tham gia vào các chương trình khách hàng thân thiết và nhận thưởng từ casino.
Chỉ chụp mắt và mũi nhưng khả năng nhận dạng của công nghệ này lên đến 60,5%
Dự án Miri của Konami hình dung ra một tương lai trong đó nhận dạng khuôn mặt có thể bị lợi dụng phục vụ việc theo dõi trực tuyến thời gian thực, từ đó hỗ trợ đắc lực cho chiến thuật quảng cáo hướng đối tượng trên Google và Facebook.
"Một khi đã nhận dạng khuôn mặt bạn, chúng tôi sẽ dựng một profile" - Miri nói. "Nếu chúng tôi biết đồ uống ưa thích của bạn là rượu rum và coke, chúng tôi có thể đặt một quảng cáo về một nhãn hiệu rum cụ thể ở nơi bạn sống - ví dụ vậy".
Soukup gọi khuôn mặt của mỗi người là một mã QR, gián tiếp xem một trong những đặc điểm cá nhân và riêng tư nhất của chúng ta chẳng khác gì một hình ảnh mà máy móc có thể quét được.
Soukup nói rằng Konami không có vị lãnh đạo nào quản lý về vấn đề quyền riêng tư đang làm việc trong nhóm phát triển công nghệ nhận dạng khuôn mặt tại trụ sở chính của hãng. Thay vào đó, công ty có các lãnh đạo kiểm tra, mà công việc của họ là đảm bảo công nghệ này đạt được những tiêu chuẩn tối thiểu, đáp ứng các bộ luật về quyền riêng tư như GDPR của EU, trong đó có các quy định về thông tin sinh trắc học.
Tại Mỹ, hầu như không có quy định nào liên quan nhận dạng khuôn mặt, trừ luật sinh trắc học của bang Illinois. Mọi thứ mà Konami đã làm - như lấy ảnh của Alfred mà không được sự cho phép của anh để tạo profile và sau đó liên tục theo dõi anh này tại trụ sở công ty dù cho anh này chưa bao giờ đồng ý điều đó - là hoàn toàn hợp pháp.
"Chúng ta đang sống ở một miền Tây hoang dã khi nói đến vấn đề bảo vệ quyền riêng tư" - Stanley nói. "Hầu hết những trường hợp triển khai công nghệ nhận dạng khuôn mặt đều không quan tâm đến người dùng cá nhân, mà phục vụ cho các công ty đứng sau các thiết bị đó".
Tiện lợi đến đâu?
Các lãnh đạo của Konami cho biết nhận dạng khuôn mặt sẽ giúp những "con bạc" nhanh chóng nhận được điểm thưởng dành cho khách hàng thân thiết hơn. Ở hệ thống hiện tại, quy trình nhận thưởng đó thường mất 1 phút rưỡi, còn với sinh trắc học, chỉ mất 30 giây mà thôi.
Bạn sẽ phải đánh đổi cả một đời bị theo dõi khuôn mặt chỉ để tiết kiệm một vài phút.
PopID, một công ty nhận dạng khuôn mặt trụ sở tại California, đảm trách dịch vụ nhận dạng khuôn mặt cho các công ty như Deli Time và Stoner's Pizza Joint. Hãng này còn đưa công nghệ của mình vào các trường học như Đại học Stanford và Đại học Nam California.
Họ cũng đưa ra một so sánh tương tự, rằng mất 90 giây để đặt thức ăn thông qua nhận dạng khuôn mặt, thay vì đến 3 phút theo cách thông thường.
Yale Goldberg, Phó chủ tịch Chiến lược và Phát triển kinh doanh của PopID, cho biết công nghệ nhận dạng khuôn mặt của công ty hiện có mặt tại hơn 100 địa điểm, thực hiện hơn 1.500 giao dịch mỗi tuần.
Ông cho biết nhận dạng khuôn mặt sẽ được sử dụng rộng rãi, với thành công bước đầu mà họ đã đạt được tại công ty mẹ của PopID là Cali Burger.
"Chúng tôi có số khách hàng thân thiết nhiều hơn đáng kể so với trước khi có những ki-ốt đó. Đó là bởi họ biết có họ có thể có những trải nghiệm tuyệt vời mỗi lần sử dụng" - Goldberg nói. "Họ không cần phải thêm hành, thêm tương ớt, và mọi thứ khác. Chúng tôi biết điều đó thay họ. Chúng tôi làm cuộc sống của họ dễ dàng hơn.
Các công ty nhận dạng khuôn mặt tin rằng công nghệ này sẽ hiện diện ở khắp mọi nơi trong 5 năm tới, lý do họ đưa ra là sự tiện lợi sẽ dành được thiện cảm từ công chúng.
Nhưng với những quan ngại ngày càng xuất hiện nhiều xoay quanh sự xâm phạm quyền riêng tư của các công ty công nghệ, thì nhiều người cũng ngày càng nhận ra những sợi dây ràng buộc đến sự tiện lợi đó - Stanley nói.
"Chúng ta đã và đang thấy những phong trào phản đối nhận dạng khuôn mặt ngày một gia tăng, và mọi người ngày càng hiểu hơn về những hệ quả của công nghệ này" - ông nói tiếp. "Chúng ta cần phải hết sức, hết sức thận trọng khi đánh đổi sự tiện lợi để lấy về một thế giới mà chúng ta không còn nhận ra nữa".
Trước khi rời khỏi trụ sở Konami, Alfred yêu cầu nhân viên công ty xóa profile họ đã lập cho anh, cùng với mọi dữ liệu sinh trắc học khác mà các camera đã thu thập trong quá trình anh làm việc ở đây.
Ngạc nhiên thay, nhân viên nói rằng họ đã xóa profile của anh, còn để xóa dữ liệu đã thu thập, họ cần liên hệ với nhà cung ứng sinh trắc học của Konami. Alfred không thể ở lại lâu hơn để xem liệu điều đó có được thực hiện hay không...
Tham khảo: CNET
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng