Các AI như công nghệ nhận diện khuôn mặt là thứ mà chúng ta vẫn gọi là "công nghệ hai lưỡi", có nghĩa việc ứng dụng nó có thể có tác động tích cực hoặc tiêu cực tùy thuộc vào cách người ta sử dụng nó.
Trong vài năm qua, các công ty công nghệ lớn nhất thế giới đã tìm cách đưa các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) đến tay từng nhà phát triển. Lợi ích của việc này khá rõ ràng: những nhà phát triển quen thuộc với các framework AI miễn phí từ Google, Amazon, Microsoft, hay Facebook khả năng cao sẽ làm việc cho những công ty đang rất khao khát các tài năng này. Ngay cả khi họ không làm, thì việc bán các công cụ AI "mì ăn liền" cho các công ty khác cũng đã trở thành một lĩnh vực kinh doanh hái ra tiền đối với Google, Amazon và Microsoft.
Ngày nay, những công ty đó lại đang chịu sự chỉ trích mạnh mẽ từ chính các nhân viên của mình, xoay quanh những khách hàng đặt mua các công cụ AI này: các nhánh của chính phủ Mỹ, như Bộ Quốc Phòng và Lực lượng Hải quan và Xuất nhập cảnh (ICE). Các nhân viên của Google, Microsoft và mới nhất là Amazon đều đã ký các thỉnh thư, đồng thời bãi công đối với các dự án thực hiện cho chính phủ. Những vụ việc này đã dẫn đến một số tác động: Google phải đưa ra các quy chuẩn đạo đức AI mới và xoa dịu nhân viên của mình rằng sẽ không tái ký kết hợp đồng với Bộ Quốc Phòng vào năm 2019. Trong khi đó, Microsoft nói với nhân viên trong một email rằng hãng không hề cung cấp các dịch vụ AI cho ICE, dù tuyên bố này trái ngược hoàn toàn với miêu tả trước đó trong hợp đồng đăng tải trên website của công ty.
Những tranh cãi này - vốn diễn ra một cách rất công khai - đánh dấu một bước chuyển lớn trong mối quan hệ giữa các công ty công nghệ và nhân viên của họ khi nói về AI. Cho đến nay, mọi người đều ca tụng những điều tốt lành về AI: CEO Microsoft Satya Nadella gọi nó là công nghệ mang tính biến đổi nhất của cả một thế hệ, và CEO Google Sundar Pichai còn đi xa hơn khi nói rằng tác động của AI sẽ chẳng khác gì sự phát minh ra lửa và điện.
Tác động đó vượt xa hơn cả quảng cáo hướng đối tượng và đánh dấu ảnh trên Facebook, dù các nhà nghiên cứu có thích hay không - Gregory C. Allen, đồng tác giả bản báo cáo "Trí tuệ nhân tạo và An ninh quốc gia" cho biết. Trong khi chúng ta ổn với việc sử dụng AI để phát hiện ra những người nổi tiếng tại một đám cưới hoàng gia mới đây, liệu chúng ta có suy nghĩ khác không khi mà AI được sử dụng để phát hiện một đối tượng cần quan tâm đặc biệt giữa một đám đông?
"Bạn không có lựa chọn đứng ngoài tác động của nó..." - Allen nói - "...Đó là một đặc tính vốn có của các công nghệ hữu ích, rằng chúng thường sẽ hữu ích khi ứng dụng vào quân sự".
Các AI như công nghệ nhận diện khuôn mặt là thứ mà chúng ta vẫn gọi là "công nghệ hai lưỡi", có nghĩa việc ứng dụng nó có thể có tác động tích cực hoặc tiêu cực tùy thuộc vào cách người ta sử dụng nó. Các nhà nghiên cứu từ OpenAI và Viện Tương lai Nhân loại, cũng như Allen, đã và đang đau đầu với những mối nguy tiềm tàng của AI.
"Các công cụ giám sát có thể được dùng để bắt bọn khủng bố, hay bắt bớ những công dân rất bình thường. Các bộ lọc nội dung thông tin có thể được sử dụng để loại bỏ tin giả, hay thao túng ý kiến công chúng. Các chính phủ và các công ty tư nhân hùng mạnh sẽ có quyền truy xuất đến rất nhiều các công cụ AI như vậy và có thể sử dụng chúng vì lợi ích cộng đồng, hoặc làm tổn hại chính cộng đồng đó" - trích một báo cáo về AI vào tháng 2/2018.
Các nhà nghiên cứu đã cố gắng dạy máy móc nhận biết khuôn mặt người qua hàng thập kỷ. Dự án đầu tiên liên quan công nghệ này diễn ra từ những năm 1960, nhưng công nghệ nhận diện khuôn mặt hiện đại chỉ bùng nổ từ sau vụ tấn công 11/9 tại Mỹ, khi mà Chính phủ chi mạnh cho an ninh quốc gia.
Để thúc đẩy cải tiến xa hơn nữa, các công ty công nghệ đã phát hành các công trình nghiên cứu của mình và lan rộng mã nguồn lên Internet, nhằm thu hút các nhà phát triển trên khắp thế giới. Nhưng việc này đồng nghĩa với việc các nhà thầu quốc phòng cũng được quyền truy xuất đến các công trình đó. Các nhà thầu chính phủ như Palantir có đủ khả năng để phân tích dữ liệu với các thuật toán học máy, và các công ty như NEC thì bán bản quyền công nghệ nhận diện khuôn mặt cho đủ loại đối tượng, từ giới học thuật cho đến lực lượng hành pháp.
Dù Google, Microsoft, và Amazon là những công ty có khả năng nhất trong việc cung cấp điện toán quy mô lớn cho các cơ quan chính phủ, họ không phải là những công ty duy nhất có thể làm việc đó. Nhưng không quan trọng ai là người ứng dụng công nghệ này, người dân vẫn nắm trong tay khả năng buộc họ phải tuân thủ những quy chuẩn đạo đức và minh bạch trong sử dụng công nghệ đầy tiềm năng này.
Tham khảo: Quartz
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng