Nhân viên Amazon vây kín biểu tình trước dinh thự 165 triệu USD của Jeff Bezos

    Phương Linh, Theo Tổ Quốc 

    Nhân viên Amazon tới tận nhà Jeff Bezos biểu tình đòi tăng lương và phúc lợi.

    Một nhóm dẫn đầu bởi cựu Trợ lý giám đốc tại Amazon đã mang băng rôn tới cổng dinh thự nhà Jeff Bezos tại Beverly Hills vào cuối tuần vừa qua để biểu tình đòi tăng lương theo giờ và thêm phúc lợi cho nhân viên.

     Nhân viên Amazon vây kín biểu tình trước dinh thự 165 triệu USD của Jeff Bezos - Ảnh 1.

    Nhóm này đã tụ tập cùng nhau vào ngày chủ nhật tại công viên Will Rogers Memorial trước khi tới dinh thự nhà Bezos và biểu tình phản đối điều kiện làm việc, kêu gọi công ty này có gói chăm sóc sức khỏe miễn phí và tăng lương theo giờ. Bezos đã trả số tiền kỷ lục lên tới 165 triệu USD để mua dinh thự tại Beverly Hills. Sau đó nguồn tin tiết lộ ông bỏ tiếp 10 triệu USD để mua căn nhà kế bên.

    Nhóm người biểu tình yêu cầu được trang bị bảo hộ, dụng cụ vệ sinh đầy đủ, tăng lương theo giờ thêm 2 USD vì những rủi ro trong quá trình làm việc. Hơn nữa, những người tham dự còn mang theo biểu ngữ đề chữ "Tax bezos" (đánh thuế Bezos).

     Nhân viên Amazon vây kín biểu tình trước dinh thự 165 triệu USD của Jeff Bezos - Ảnh 2.

    Amazon từ trước tới nay đối mặt với nhiều vấn đề từ phía nhân viên về điều kiện làm việc trong đại dịch.

    Người biểu tình vào ngày chủ nhật được dẫn đầu bởi cựu nhân viên Amazon là Christian Smalls – người từng là một trợ lý giám đốc tại một trong những kho hàng của Amazon ở Staten Island, New York.

    Amazon đã sa thải Smalls sau khi anh này đã trợ giúp trong việc tổ chức những buổi biểu tình trước đó vào tháng 3 về các chính sách an toàn và sức khỏe của công ty tại các nhà kho sau khi một đồng nghiệp của họ nhiễm Covid-19. Smalls đã cáo buộc việc sa thải của Amazon là sự trả thù cho hành động kể trên còn Amazon thì tiếp tục phủ nhận điều đó.

    "Khi một công ty hàng nghìn tỷ USD khiến cho 20.000 nhân viên mắc Covid-19 do cẩu thả, buộc nhân viên của mình phải tuân theo các điều kiện làm việc không đạt tiêu chuẩn. Họ vượt xa các tập đoàn giàu có nhất hành tinh. Họ có đủ nguồn lực để đảm bảo sức khỏe và sự an toàn của nhân viên nhưng lại chọn không làm như vậy".

    "không gì quan trọng hơn sức khỏe và phúc lợi của nhân viên và chúng tôi đang làm mọi thứ có thể để giúp họ an toàn nhất có thể", người phát ngôn Amazon khẳng định. "Thực tế Amazon đã cung cấp những gì liên đoàn lao động yêu cầu cho nhân viên: Trả lương đầu ngành, những gói hỗ trợ phúc lợi khác, cơ hội tăng tiến nghề nghiệp, môi trường làm việc an toàn. Tại Amazon, có đủ cả những phúc lợi và cơ hội đi kèm với công việc cũng như khả năng kết nối trực tiếp với lãnh đạo của công ty", người phát ngôn của Amazon tiếp tục nhấn mạnh.

    Cuộc biểu tình lần này không phải là lần đầu tiên. Tháng 8, một nhóm người biểu tình được tổ chức bởi Congress of Essential Workers dẫn đầu bởi Smalls cũng đã biểu tình trước căn hộ của Bezos ở Manhattan.

    Người biểu tình vào tháng 8 đã tụ tập nhằm kêu gọi cung cấp "điều kiện làm việc an toàn và mức trả lương công bằng hơn cho các nhân viên ở nhà kho của Amazon". Ngoài ra nhóm này cũng viết ra một danh sách các yêu cầu gồm việc tăng lương, chăm sóc sức khỏe cho các nhân viên toàn thời gian. Thêm nữa, những người này cũng yêu cầu phải đánh thuế nhiều hơn vào những người giàu có nhất nước Mỹ.

    Bezos đã chứng kiến tài sản tăng cao kỷ lục trong suốt đại dịch, có thêm 13 tỷ USD chỉ trong 1 ngày tháng 6 khi Amazon báo doanh thu quý 2 đạt kỷ lục 88,9 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

    Trong bối cảnh những buổi biểu tình diễn ra liên tục cùng những lời chỉ trích nhắm vào công ty. Năm ngoái, gã khổng lồ bán lẻ đã khẳng định rằng họ đã tăng lương cơ bản, đưa ra những chính sách mới và chương trình phúc lợi mới cho nhân viên và cũng quan tâm hơn tới dịch vụ y tế cho nhân viên. Tuy nhiên, mới đây họ đã công bố con số gây sốc khi có tới 20.000 nhân viên nhiễm Covid-19.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày