Nhập giày Nike "fake" từ Trung Quốc về bán online số lượng lớn tại Việt Nam, chỉ sở hữu 1 kho hàng nhưng mở la liệt 20 gian hàng trên sàn TMĐT để "đè bẹp" đối thủ!
Các nhãn hàng đang làm việc rất tích cực với các sàn TMĐT, thậm chí mua thử sản phẩm mang chính thương hiệu mình để thử nghiệm. Nike cho biết, trong 4 tháng bắt tay với các sàn TMĐT để xử lý vi phạm hàng giả, có 216 gian hàng và 136.000 link sản phẩm vi phạm đã bị xử lý…
"Sự bùng nổ của thương mại điện tử (TMĐT) trong những thập kỷ gần đây tạo điều kiện thuận lợi cho những đối tượng làm hàng giả mạo có thể tiếp cận người tiêu dùng và thu hút được lượng khách hàng toàn cầu rộng lớn", đại diện của thương hiệu Calvin Klein chia sẻ tại sự kiện khai trương Hệ thống quản lý và giải quyết phản ánh, tranh chấp trực tuyến trong TMĐT sáng 18/12.
Những mặt hàng bán trên các trang TMĐT có nguy cơ là hàng giả cao, theo Bộ Công thương, là các mặt hàng mỹ phẩm, thời trang, công nghệ, đồng hồ…
Chia sẻ tình cảnh của mình, đại diện Nike cho biết các sản phẩm mang thương hiệu Nike, Converse của họ đang được rao bán tràn lan trên mạng.
Nike đã tiến hành mua thử nghiệm ngẫu nhiên 30 sản phẩm dưới giá thành. Cụ thể: Giày Nike mua dưới 1.200.000 đồng, Converse dưới 900.000 đồng, quần áo Nike dưới 500.000 đồng. Việc mua thử nghiệm này nhằm tính toán tỷ lệ hàng giả bán dưới giá niêm yết của hãng.
Kết quả cho từ khóa "giày Nike" trên Shopee.
Kết quả: Với số lượng 10 sản phẩm giày Nike, 10 giày Converse, 10 sản phẩm quần áo Nike, chỉ có 1 sản phẩm giày Converse là hàng thật. Sản phẩm đó do khách hàng mua đợt sale, sau đó bán lại với giá cao hơn kiếm lời.
Nike đã tiến hành bắt tay với các sàn TMĐT để xử lý các vi phạm về hàng giả. Từ tháng 6 - 10/2019, kết quả xử lý từng tháng tăng dần. Tổng cộng trong vòng 4 tháng, hơn 216 gian hàng vi phạm bị xử lý, và hơn 136.000 link các sản phẩm hàng giả bị gỡ bỏ khỏi các trang TMĐT.
Chia sẻ chi tiết hơn, đại diện Nike cho biết các gian hàng giả đều có chung đặc điểm: Xuất hiện nhiều người bán hàng giả từ Trung Quốc, đăng bán hàng với số lượng lớn, tuyên bố bán Sale giá thấp hoặc đồng giá. Khi bị xử lý vì vi phạm từ khóa của hãng (Nike, Converse, Jordan), người bán sẽ không đề cập tên đầy đủ, mà chỉ nói tắt là "NK", "CV".
Một hình ảnh quảng cáo của Nike.
Thậm chí, có một người bán chỉ có 1 kho duy nhất nhưng tạo tới 20 gian hàng. Việc tạo nhiều gian hàng gây ra 2 vấn đề: Cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh online và Làm gia tăng đơn hàng giả.
Calvin Klein cũng là thương hiệu bị bán hàng giả nhiều trên các trang TMĐT. Gần đây nhất thì thương hiệu này phát hiện ra một shop trên Shopee bán hàng "fake" của hãng, tuy nhiên khi tìm tới địa chỉ thì đây chỉ là địa chỉ "ma".
Nhằm chủ động phát hiện, đấu tranh ngăn chặn kịp thời, hiệu quả vấn nạn hàng giả trong TMĐT, Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng đã chủ trì lễ khai trương Hệ thống quản lý và giải quyết phản ánh, tranh chấp trực tuyến trong TMĐT.
Đây là 1 trong 6 nhóm giải pháp quan trọng thực hiện nhiệm vụ và mục tiêu Bộ Công thương đề ra tại kế hoạch tăng cường công tác chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong TMĐT giai đoạn 2018 - 2020.
Hệ thống gồm 3 phân hệ chính:
- Hệ thống Quản lý và giám sát hoạt động TMĐT tại địa chỉ Online.gov.vn - Dịch vụ công mức độ 4 (*) được nâng cấp, hoàn thiện thay thế cho cổng Online.gov.vn (triển khai từ năm 2013).
- Hệ thống thông tin, cảnh báo, hỏi đáp trực tuyến và giải quyết phản ánh, tranh chấp trực tuyến trong TMĐT tại địa chỉ chonghanggia.online.gov.vn.
- Hệ thống báo cáo trực tuyến về tình hình hoạt động TMĐT của các DN tại địa chỉ baocao.online.gov.vn.
Tại sự kiện cũng diễn ra Lễ ký cam kết "Nói không với hàng giả trong TMĐT" đợt 2với 10 doanh nghiệp gồm các nhóm doanh nghiệp bán lẻ, nhóm cung cấp dịch vụ logistics và nhóm cung cấp hạ tầng như thegioididong, FPT Shop, VCCorp, Sapo… Trước đó, lễ ký cam kết đợt 1 được thực hiện hồi tháng 4/2019 với 5 sàn TMĐT lớn gồm Adayroi, Shopee, Lazada, Sendo và Tiki.
(*) 4 mức độ của dịch vụ công trực tuyến quy định tại Nghị định 43/2011/NĐ-CP:
- Dịch vụ công trực tuyến mức độ 1: là dịch vụ bảo đảm cung cấp đầy đủ các thông tin về thủ tục hành chính và các văn bản có liên quan quy định về thủ tục hành chính đó.
- Dịch vụ công trực tuyến mức độ 2: là dịch vụ công trực tuyến mức độ 1 và cho phép người sử dụng tải về các mẫu văn bản và khai báo để hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu. Hồ sơ sau khi hoàn thiện được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.
- Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3: là dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 và cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.
- Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4: là dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng