Nhật Bản tăng cường đầu tư đổi mới nhằm tìm lại quá khứ huy hoàng

    Neo,  

    Đất nước mặt trời mọc đang cố khởi động lại.

    Tăng tốc độ đổi mới trước thềm Olympics 2020 là một phần trong kế hoạch phục hồi nền kinh tế lớn thé ba thế giới của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe. Các khoản hỗ trợ đang được triển khai cho các dự án công cộng và tư nhân, chẳng hạn như phát triển nhiều xe tự lái hơn cũng như cải tiến các công nghệ robot.

    Abe muốn thúc đẩy tỷ lệ đầu tư vào nghiên cứu và phát triển lên 4% so với quy mô nền kinh tế trong năm tài chính 2015 kết thúc vào ngày 31/3 tới. Năm ngoái, tỷ lệ này chỉ đạt 3,75%. Chính phủ Nhật muốn đầu năm 2018 lọt tốp đầu những quốc gia đổi mới.

    Trong những tháng gần đây, ngành công nghiệp hàng không Nhật Bản đã có những tiến bộ khiến báo chí thế giới phải khen ngợi. Chiếc máy bay chở khách đầu tiên được phát triển tại Nhật Bản trong hơn nửa thế kỷ qua đã thực hiện thành công chuyến bay đầu tiên và chính phủ đất nước mặt trời mọc chuẩn bị trở thành nước thứ tư thử nghiệm thành công máy bay phản lực tàng hình do chính họ phát triển. Hơn nữa, Honda Motor Co. vừa được Hoa Kỳ cấp phép máy bay phản lực trị giá 4,5 triệu USD nhanh nhất, ít ồn nhất và tiết kiệm nhiên liệu nhất so với các máy bay đồng hạng.

    Ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe cũng đang trên đà phát triển. Trong năm 2014, chính phủ đã nới lỏng các quy tắc cho y học tái tạo, mở đồng cho các công ty Nhật Bản bắt đầu thử nghiệm sản phẩm của họ trong lĩnh vực này trên thị trường. Fujifilm Holdings Corp. đang thử nghiệm một chương trình tế bào gốc đầy tham vọng có khả năng tái sinh các mô trong cơ thể con người. Ngoài ra, cảm biến ánh sáng độ chính xác cao được phát minh bởi Hamamatsu Photonics KK đã dành giải Nobel vật lý vào năm ngoái.

    Quá khứ huy hoàng

    Ở thời đỉnh cao về sức mạnh công nghiệp, Nhật Bản đã mang tới thế giới máy nghe nhạc Walkman và tàu siêu tốc hình viên đạn khơi mào quá trình tăng tốc đổi mới trên toàn cầu. Trong nhiều năm gần đây, Nhật Bản rơi vào trạng thái trì trệ. Tăng trưởng kinh tế chậm lại và lạm phát tăng sau khi bong bóng bất động sản và chứng khoán đổ vỡ vào đầu những năm 1990 tạo áp lực lên sự tự tin và những kế hoạch đầy tham vọng của các gã khổng lồ công nghiệp Nhật.

     Máy bay thương mại Mitsubishi

    Máy bay thương mại Mitsubishi

    Đồng thời, các đối thủ mới đã xuất hiện cùng sự phát triển nhanh chóng của các nước láng giềng như Trung Quốc và Hàn Quốc buộc Nhật Bản phải dành nhiều tiền hơn nữa cho đổi mới. Các thương hiệu không thuộc về người Nhật như Apple, Google và Samsung đang chiếm ưu thế trong các lĩnh vực mà trước đây Nhật Bản dẫn đầu như giải trí gia đình, smartphone và Internet.

    Dẫu vậy, Nhật Bản vẫn là quốc gia dẫn đầu trong ngành công nghiệp ô tô. Tháng 11/2015, Nissan đã giới thiệu một nguyên mẫu xe có tay lái có thể thu vào và các thông điệp hiển thị trên kính chắn gió. Cũng trong khuôn khổ triển lãm xe vào tháng 11 năm ngoái, Honda và Toyota đã trình làng những mẫu xe tự lái có thể tự thay đổi làn đường và tránh va chạm.

    Tiếng nói trong ngành công nghiệp ô tô

    "Toyota và các hãng ô tô khác hiện vẫn chiếm ưu thế rất lớn trong ngành công nghiệp ô tô về mặt thị phần, công nghệ và dữ liệu", Tak Miyata, sáng lập Scrum Ventures, một hãng đầu tư chuyên góp vốn cho các công ty khởi nghiệp ở San Francisco, cho biết. "Không giống thất bại trong ngành công nghiệp smartphone, nếu họ có thể phát triển đủ nhanh, Nhật Bản có thể giành chiến thắng và dẫn đầu quá trình đổi mới trong ngành công nghiệp ô tô".

     Mẫu xe mang tính cách mạng của Nissan

    Mẫu xe mang tính cách mạng của Nissan

    Tuy nhiên, khi chính phủ Abe đầu tư nhiều hơn vào đổi mới công nghệ thì các đối thủ cạnh tranh của họ cũng vậy. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, trong những năm gần đây, cả Trung Quốc và Hàn Quốc đều đang dành nhiều khoản đầu tư cho nghiên cứu và phát triển với tốc độ nhanh hơn so với Nhật Bản.

    Trong năm 2013, chi tiêu cho R&D của Trung Quốc chiếm tới 2,08% tổng sản phẩm quốc nội, tăng từ 0,9% trong năm 2000. Trong cùng năm 2013, Hàn Quốc dành 4,15% tổng sản phẩm quốc nội cho R&D, tăng từ 2,18% trong năm 2000. Tại Nhật, con số này là 3,47% trong năm 2013, tăng từ 3% trong năm 2000.

    Một trong những mối lo lớn của người Nhật tới từ Trung Quốc. Các công ty Trung Quốc đang mua lại các công ty Hàn Quốc với tốc độ kỷ lục nhằm lợi dụng nguồn nhân lực tại một trong những quốc gia tiên tiến nhất thế giới để đẩy mạnh nền kinh tế dẫn đầu bởi công nghệ và dịch vụ tiêu dùng, theo kế hoạch của Chủ tịch Tập Cận Bình.

    "Người Trung Quốc cũng giống như người Mỹ khi Kennendy nói: Tôi muốn đưa người lên mặt trăng", Bob Gogel, CEO của Integreon, người có kinh nghiệm hơn 30 năm gia công phần mềm, công nghệ và tư vấn dịch vụ toàn cầu kể cả tại Trung Quốc, cho biết.

    Đầu tư vốn

    Trong khi số liệu gần đây cho thấy rằng các công ty Nhật đã tăng đầu tư vốn nhưng nhiều công ty vẫn do dự đầu tư mạnh tay vào thị trường trong nước và mức vốn chi ra vẫn thấp hơn mức đỉnh vào năm 2007.

     Mức đầu tư cho R&D của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc từ năm 2000 tới năm 2013 theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế

    Mức đầu tư cho R&D của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc từ năm 2000 tới năm 2013 theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế

    Theo Hidenobu Tokuda, nhà kinh tế cao cấp tại Viện nghiên cứu Mizuho, Tokyo, thách thức lớn nhất của người Nhật đó là phải đầu tư vốn vào đúng các dự án giúp tăng năng suất và cải thiện nền kinh tế.

    "Nhật Bản không cần thiết phải đầu tư nhiều hơn vào R&D", Tokuda nói. "Thay vào đó, Nhật Bản phải nâng cao chất lượng đầu tư R&D".

    Erik Roth, đối tác cao cấp của McKinsey & Co tại Thượng Hải, người chuyên theo dõi quá trình đổi mới lại nhìn vấn đề theo một cách khác.

    Với sự cạnh tranh ngày càng tăng, Nhật Bản cần đầu tư nhiều hơn đáng kể để giữ được vị trí hiện tại trong cuộc đua đổi mới, Roth nói. "Họ như đang sa lầy, họ cần phải tiến nhanh hơn nữa. Họ cần làm nhiều hơn để tăng tốc"

    Tham khảo Bloomberg

     

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày