Nhiều đối tác cung ứng của Apple đang phải tính đến những giải pháp xa hơn khi Apple không may sảy chân
Trong bối cảnh Apple cắt giảm đơn hàng để giảm thiểu chi phí và chiến tranh thương mại Mỹ-Trung chưa có hồi kết, các đối tác sản xuất và gia công iPhone buộc phải tính đến giải pháp xa hơn, đó là mở nhà máy ở ngoài Trung Quốc.
Theo giới thạo tin gần đây cho biết, các nhà cung cấp lớn của Apple như Foxconn hay Pegatron đang tính đến việc sẽ xây dựng các nhà máy sản xuất mới tại Đông Nam Á và Ấn Độ. Mục đích nhằm đa dạng hóa dây chuyền ngoài Trung Quốc và tiết kiệm chi phí trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Tờ Financial Times đưa tin, Foxconn dự kiến sẽ đầu tư khoảng 213,5 triệu USD vào một công ty con tại Ấn Độ và mua quyền sử dụng đất tại Việt Nam nhằm phục vụ cho mục đích mở rộng dây chuyền.
Hồi tuần trước, Wall Street Journal cũng tiết lộ, Foxcoon đang xem xét xây dựng nhà máy sản xuất mới tại Ấn Độ. Nguồn tin nội bộ cho biết, nhiều giám đốc cao cấp của Foxconn, bao gồm chủ tịch Terry Gou dự định sẽ đến Ấn Độ sau Tết nguyên đán vào tháng tới để thảo luận về các kế hoạch xây dựng nhà máy.
Cũng theo Tạp chí đầu tư Việt Nam đưa tin, Foxconn cũng đang xem xét xây dựng một nhà máy ở Việt Nam sau khi làm việc với Ủy ban nhân dân Hà Nội vào đầu tháng 12/2018. Phía Foxconn hiện từ chối bình luận về các thông tin trên.
Foxconn đang tăng cường đa dạng hóa các lĩnh vực sản xuất như bán dẫn hay chip nhớ. Đây là nỗ lực nhằm hạn chế sự phụ thuộc vào gia công và sản xuất smartphone.
Để phần nào chuẩn bị cho những thách thức sắp tới, Foxconn thậm chí đã cắt giảm khoản chi phí hoạt động tới 2,9 tỷ USD trong bối cảnh nhu cầu iPhone sụt giảm. Vào đầu tháng 1 vừa qua, Foxconn cũng đã sa thải 50 ngàn lao động hợp đồng tại Trung Quốc sớm hơn dự kiến để tiết kiệm chi phí nhân sự.
Tờ Financial Times đưa tin, sau quyết định mở rộng của Foxconn, các nhà sản xuất hợp đồng khác của Apple là Pegatron cũng đang tính đến việc mở rộng năng lực sản xuất tại ba quốc gia khác gồm Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam.
SJ Liao, chủ tịch Pegatron khẳng định, công ty sẽ sớm công bố kế hoạch cụ thể để mở rộng dây chuyền tại Việt Nam. Tuy nhiên tốc độ mở rộng còn phụ thuộc và những diễn biến tiếp theo của cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Hiện Pegatron chiếm khoảng 30% đơn đặt hàng lắp ráp iPhone của Apple. Tuy nhiên hãng chỉ tập trung sản xuất tại Trung Quốc, nơi đặt trụ sở chính. Tuy nhiên nếu tác động của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung vẫn tiếp tục dai dẳng, hãng có thể phải tính đến giải pháp mở rộng sang các quốc gia lân cận.
James Yan, giám đốc nghiên cứu Counterpoint Research chia sẻ: "Lý giải cho sự mở rộng của các nhà cung cấp Apple sang Đông Nam Á và Ấn Độ nằm ở chi phí lao động và chính sách giảm thuế tương đối thấp. Công việc lắp ráp khá đơn giản nên giai đoạn đầu sẽ tập trung ở các nước này".
Yan cho biết, việc sản xuất các linh kiện điện tử cao cấp như màn hình, chip vẫn sẽ được thực hiện tại Trung Quốc. Yan nói thêm: "Các nhà cung cấp Apple đã có nhiều kinh nghiệm trong quá trình sản xuất và lắp ráp, nhờ đó giúp họ dễ dàng mở rộng sự hiện diện tại thị trường Nam Á".
Hồi đầu tháng 1/2019, Apple đã hạ dự báo doanh thu lần đầu tiên sau gần hai thập kỷ, từ 93 tỷ USD xuống 84 tỷ USD. Những lý đo được Apple đưa ra bao gồm nhu cầu iPhone suy yếu tại thị trường Trung Quốc do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, chương trình thay pin giá rẻ và sự tăng giá của đồng đô la.
Cũng chính bởi sự suy yếu của thị trường trọng điểm Trung Quốc nên Apple buộc phải hạ giá bán lên tới hơn 100 USD cho một số mẫu iPhone tại đây. Việc giảm giá bán được kỳ vọng sẽ thúc đẩy doanh số iPhone tăng trở lại. Trước đó, Apple cũng đã giảm giá bán iPhone xuống khoảng 100 USD tại thị trường Nhật Bản, áp dụng đối với các khách hàng đồng ý mua iPhone qua nhà mạng với bản hợp đồng 2 năm.
Jia Mo, một nhà phân tích thuộc hãng Canalys cho biết: "Cả nhà cung cấp nước ngoài và trong nước của Apple đang phải đối mặt với áp lực rất lớn vì doanh số iPhone XR thấp hơn dự kiến".
Những động thái này được đưa ra sau khi Apple thông báo cắt giảm sản lượng iPhone, đặc biệt là iPhone XR. Mặc dù vậy, CEO Tim Cook vẫn phủ nhận iPhone XR là một sự thất bại, thậm chí còn khẳng định rằng đây là chiếc iPhone thành công nhất kể từ khi được ra mắt.
Tham khảo Chinadaily
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng