Nhiều phụ huynh tại thung lũng Silicon đang cấm con dùng đồ công nghệ
Nhiều bậc phụ huynh hiện nay không biết nên cho con sử dụng đồ công nghệ như thế nào cho hợp lý. Câu chuyện của nhiều gia đình tại thung lũng Silicon, trung tâm công nghệ của thế giới, sẽ cho bạn một số góc nhìn mới về vấn đề này.
9 giờ sáng tại thành phố Sunnyvale, bang California (Mỹ), cô Minni Shali đang trên đường tới trụ sở của Apple để làm việc như thường ngày. Trong khi đó, chồng cô là Vijay Koduri, một cựu nhân viên của Google, đang trò chuyện với đối tác tại một tiệm Starbuck để thảo luận về dự án khởi nghiệp HashCut, một ứng dụng cho phép người dùng tạo video trực tiếp từ Youtube.
Shali và Koduri có hai người con, một cậu con trai 10 tuổi tên là Saurav và một cô con gái 12 tuổi tên là Roshi. Nhìn chung, cuộc sống của gia đình Koduri khá giống với những gia đình trung lưu khác ở thung lũng Silicon, ngoại trừ một thứ. Đó là những công nghệ được phát triển bởi các tập đoàn tại thung lũng Silicon đều bị cấm hiện diện tại nhà của họ.
Gia đình ông Koduri.
Không hề có hệ thống chơi game tại nhà như PlayStation nào tại gia đình Koduri và hai đứa con cũng chưa được phép dùng điện thoại di động. Thực tế, Saurav và Roshi có thể chơi game trên điện thoại của mẹ, nhưng chỉ 10 phút mỗi tuần. Trong khi đó, mặc dù đã mua một chiếc iPad 2 được 5 năm, phần lớn thời gian cô Shali lại để chiếc máy tính bảng này trong tủ quần áo.
"Tôi biết là vào một thời điểm nào đó, các con sẽ cần phải có một chiếc điện thoại riêng", ông Koduri nói với phóng viên của trang tin Business Insider, "Tuy nhiên, thời gian chúng không dùng điện thoại cần phải càng kéo dài, càng tốt".
"Sự khác biệt là các công ty công nghệ không coi họ là một mối nguy hiểm"
Koduri và Shali là đại diện cho một kiểu phụ huynh mới tại thung lũng Silicon. Thay vì trang bị đầy đủ đồ công nghệ cho ngôi nhà của họ, những người làm việc trong giới công nghệ lại đang giới hạn, hoặc thậm chí là cấm, những đứa con của họ tiếp xúc với đồ công nghệ.
Cách quản lý con cái này có thể bắt nguồn từ công việc của các bậc phụ huynh hoặc chỉ đơn giản là vì họ sống tại thung lũng Silicon, một khu vực có những công ty công nghệ hàng đầu thế giới. Nhờ vậy, họ biết được sức cuốn hút của công nghệ có thể tiêu tốn nhiều thời gian và ảnh hưởng như thế nào đối với trẻ em.
Một cuộc khảo sát được thực hiện bởi tổ chức Cộng đồng Thung lũng Silicon trong năm 2017 với 907 bậc phụ huynh cho thấy nhiều người có niềm tin vào lợi ích của công nghệ. Trong khi đó, nhiều người khác lại lo lắng về tác động của công nghệ đối với tâm lý và hành vi xã hội của trẻ em.
"Bạn không thể cắm mặt vào màn hình điện thoại và mong đợi sự trưởng thành", giám đốc bộ phận AI Kim Taewoo của startup One Smart Lab cho biết. Là một phật tử, ông Kim đang dạy cháu trai và cháu gái cách ngồi thiền cũng như giải những câu đố trí tuệ. Mỗi năm một lần, ông Kim lại đưa những đứa cháu vào một ngôi chùa gần thung lũng Silicone để tìm sự tĩnh lặng cho tâm hồn.
Trong khi đó, nhiều cựu nhân viên và một số CEO của các tập đoàn công nghệ lớn đã công khai lên tiếng chỉ trích những công ty chỉ biết làm ra những sản phẩm công nghệ dễ gây nghiện. Những cuộc thảo luận về tác động của công nghệ với trẻ em đang ngày càng được đẩy mạnh. Từ đó, nhiều bậc phụ huynh cảm thấy việc để đồ công nghệ tránh xa tầm tay trẻ em là cần thiết.
"Các công ty công nghệ biết rằng khi bạn dùng sản phẩm của họ khi còn là một đứa trẻ, vị thành niên hoặc thanh niên, đó có thể trở thành thói quen suốt đời", ông Koduri cho biết, "Không phải ngẫu nhiên khi Google tìm cách đem tới tất cả trường học tại Mỹ công cụ Google Docs, Google Sheets và bộ quản lý học tập Google Classroom".
Google đang muốn mang công nghệ của hãng tới nhiều trường học tại Mỹ.
Biến trẻ em trở thành khách hàng trọng tâm của những sản phẩm không lành mạnh không phải là một chiến lược mới. Một số ước tính cho thấy các công ty thuốc lá trên thế giới đã chi 9 tỷ USD mỗi năm để tiếp thị sản phẩm với hi vọng trẻ em sẽ hút thuốc vào một ngày nào đó. Tương tự như vậy, nhiều cửa hàng thức ăn nhanh cũng cung cấp những thực đơn dành riêng cho trẻ em. Sự trung thành đối với thương hiệu từ khi còn nhỏ sẽ mang lại lợi nhuận khổng lồ.
"Sự khác biệt là các công ty công nghệ như Google không coi họ là một mối nguy hiểm", ông Koduri nói, "Google luôn miệng nói: "Chúng tôi là người tốt. Chúng tôi giúp trẻ em và những lớp học". Tôi nghĩ Apple và Microsoft cũng sẽ nói như vậy".
"Sự mệt mỏi khi lăn chuột" của các bậc phụ huynh tại San Francisco
Erika Boissiere là một người mẹ 37 tuổi tại thành phố San Francisco, nơi có thung lũng Silicon nổi danh. Cô hiện đang nghiên cứu về những tác động tiêu cực của công nghệ cùng chồng. Mặc dù thiếu những kết quả dài hạn, nghiên cứu của cô vẫn cho thấy những tác hại trong ngắn hạn của công nghệ đối với thanh, thiếu niên. Những tác hại này bao gồm nguy cơ trầm cảm, lo lắng, suy nghĩ cực đoan và tự tử.
Nhiều bậc phụ huynh khi được cô Boissiere hỏi đã cho biết họ đang có ác cảm đối với công nghệ. Mặc dù đang sống ở trung tâm công nghệ của thế giới, vợ chồng Boissiere đang cảm nhận được một thứ gọi là "sự mệt mỏi khi lăn chuột" của người dân nơi đây. Theo đó, ngày càng nhiều người muốn tránh nhìn thấy hoặc dùng đồ công nghệ khi ở nhà.
Nhiều phụ huynh tại thành phố San Francisco đang ngày càng ác cảm với công nghệ.
Vợ chồng Boissiere là một ví dụ điển hình. Họ đã tìm mọi cách để ngăn cho hai đứa con, Jack 2 tuổi và Elise 5 tuổi, có những tiếp xúc cơ bản với công nghệ. Không có TV trong gia đình Boissiere và hai vợ chồng tránh sử dụng điện thoại khi có sự hiện diện của các con. Mỗi khi về nhà, họ đều để điện thoại ở một hộp đựng ngoài cửa. Và mỗi đêm, họ chỉ kiểm tra tin nhắn điện thoại từ 1 cho tới 2 lần trước khi đi ngủ.
"Thỉnh thoảng, tôi phải trốn vào phòng tắm khi con gái bất ngờ vào phòng khi tôi đang nhắn tin", cô Boissiere cho biết.
Xu hướng hạn chế trẻ dùng đồ công nghệ đã có từ lâu tại thung lũng Silicon
Bạn có thể nói những phụ huynh đang hạn chế hoặc cấm con dùng đồ công nghệ đã quá cực đoan. Tuy nhiên, sự thật là họ chỉ học tập theo Bill Gates, Steve Jobs và Tim Cook. Đây đều là lãnh đạo của những tập đoàn công nghệ hàng đầu nhưng hạn chế các con tiếp xúc với công nghệ.
Trong năm 2007, Bill Gates đã quyết định hạn chế con gái dùng đồ công nghệ sau khi phát hiện cô đang quá mê trò chơi điện tử. Sau đó, Bill Gates cũng đã cấm các con dùng điện thoại cho tới khi được 14 tuổi. Đối với trẻ em Mỹ hiện nay, độ tuổi trung bình để bắt đầu dùng điện thoại chỉ là 10.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2011 với phóng viên của tờ New York Times, cựu CEO Steve Jobs của Apple tiết lộ ông đã cấm các con được dùng chiếc iPad mới ra mắt. "Tôi giới hạn số đồ công nghệ các con có thể được dùng ở nhà", Steve Jobs cho biết.
CEO hiện tại của Apple là Tim Cook cũng tương tự. Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 1 vừa qua, Tim Cook cho biết ông đã cấm cháu trai được dùng mạng xã hội. Câu trả lời này của ông Cook đã được những người trong phong trào phản đối mạng xã hội trích dẫn lại nhiều lần.
Tim Cook sau đó cũng cho biết là người dùng không nên dùng sản phẩm của Apple một cách liên tục. "Tôi không phải là người có thể nói Apple sẽ thành công khi bạn dùng sản phẩm của chúng tôi trong cả ngày dài", ông Cook cho biết.
Kiểm soát quá mức trẻ em không phải là điều cần thiết
Một nghiên cứu trong năm 2014 đã cho thấy những tác động tiêu cực của việc dùng đồ công nghệ quá nhiều không phải là vĩnh viễn đối với giới trẻ. Nói cách khác, tác động tiêu cực của công nghệ chỉ là ngắn hạn và có thể hạn chế bằng các hoạt động xã hội.
Cụ thể, các nhà nghiên cứu đã chia 100 trẻ vị thành niên vào hai nhóm có số lượng ngang nhau. Một nhóm sẽ từ bỏ đồ công nghệ và tham gia các hoạt động tập thể ngoài trời như bắn cung hoặc dã ngoại. Trong khi đó, nhóm còn lại sẽ phải ở nhà và chịu sự kiểm soát của cha mẹ.
Sau 5 ngày, các nhà nghiên cứu nhận thấy sự gia tăng đáng kể của tương tác xã hội trong những đứa trẻ tham gia hoạt động tập thể ngoài trời như nắm bắt cảm xúc người khác tốt hơn, biết cười khi cùng làm việc với các bạn và cảm thấy buồn khi gặp thời tiết tồi tệ.
"Kết quả cuộc nghiên cứu này cho thấy chúng ta cần phải có những cuộc trò chuyện xã hội nghiêm túc với những đứa trẻ dùng quá nhiều thời gian cho công nghệ, cả trong và ngoài lớp học", các nhà nghiên cứu cho biết.
Nhiều trường học đang hỗ trợ những phụ huynh muốn hạn chế con tiếp xúc công nghệ
Trẻ em tại trường tư thục Brightworks ở thành phố San Francisco đang tập tô màu bằng dụng cụ vẽ.
Trong thời đại hiện nay, thật khó để hạn chế hoàn toàn trẻ em tiếp xúc với đồ công nghệ. Các con của ông Koduri là một ví dụ. Mặc dù đã cố gắng nhưng ông vẫn phải cho các con dùng Macbook Air để làm bài tập về nhà và cho chúng dùng laptop Chromebook của Google tại trường học.
Tuy nhiên, ở gần thung lũng Silicon, vẫn có những trường học giúp phụ huynh hạn chế trẻ em tiếp xúc với đồ công nghệ. Trường tư thục Waldorf ở thành phố Los Altos, California là một ví dụ. Những đứa trẻ học ở đây chỉ dùng bảng và bút chì. Ngoài ra, trường cũng cam kết không dùng đồ công nghệ để giảng dạy cho đến khi học sinh lên lớp 8.
Trường tư thục Brightworks ở thành phố San Francisco là một ví dụ khác. Mặc dù nằm trong chương trình K-12 (phổ cập máy tính) của Google, học sinh ở đây vẫn được học cách sử dụng đồ điện, tháo dỡ radio và có những buổi học ngoài trời.
Nhiều trường học tại Mỹ đang coi máy tính là công cụ hỗ trợ học tập đắc lực.
Tại nhiều trường học của Mỹ, đồ công nghệ đang được coi là công cụ hỗ trợ học tập đắc lực. Điều này đã dẫn tới một số người phản đối như hai nhà giáo dục Joe Clement và Matt Miles. Trong cuốn sách "Screen Schooled" xuất bản năm 2017, họ cho rằng đồ công nghệ gây tác hại nhiều hơn lợi ích, kể cả khi chúng giúp học sinh có điểm cao hơn trong môn toán và tập đọc.
"Thật thú vị khi nghĩ về những trường công lập hiện nay, đó là nơi trẻ em được yêu cầu dùng những món đồ công nghệ như iPad. Tuy nhiên, những đứa con của Steve Jobs là những người duy nhất không tham gia", Joe Clement cho biết.
Trước đây, có một tin đồn cho rằng Steve Jobs đã cho các con nghỉ học tại trường để tự học tại nhà và hạn chế dùng đồ công nghệ. Tuy nhiên, độ xác thực của thông tin này hiện vẫn chưa rõ ràng. Joe Clement và Matt Miles cho rằng thật lố bịch khi những người tạo ra công nghệ lại tránh sử dụng chúng vì biết rõ tác hại. Trong khi đó, nhiều người khác lại đang dùng đồ công nghệ quá nhiều.
Sự khác biệt giữa hai thế hệ ngày càng rõ ràng
Ở phía Tây của vịnh San Francisco, Amy Pressman là một doanh nhân công nghệ sống cùng chồng và 2 đứa con, Mia 14 tuổi và Jacob 16 tuổi. Ngoài ra, cô còn một cậu con trai lớn là Brian, người đang không sống cùng gia đình vì là sinh viên năm 2.
Giống như những bậc phụ huynh kể trên, cô Pressman cũng hạn chế con dùng đồ công nghệ tại nhà. Không ai được phép dùng điện thoại khi đang ăn. Ngoài ra, sau 10 giờ đêm, các con của cô cũng không được mang điện thoại lên giường và phải đem vào trong bếp để sạc. Mỗi tuần, cô chỉ cho phép các con chơi game trên điện thoại từ 5 cho tới 6 giờ.
Trẻ em ngày nay không thích ra ngoài chơi như cha mẹ chúng.
Giống như Koduri, người cho biết đã từng thích ra ngoài chơi khi còn là đứa trẻ, cô Pressman cũng mong muốn quay trở về những ngày như vậy. Thế hệ 6x, 7x thích ra ngoài chơi và cảm thấy khó chịu khi bị bắt ở nhà. Trong khi đó, thế hệ 9x hoặc 10x lại thích dán mắt vào màn hình điện thoại hơn.
"Những đứa trẻ ngày nay chẳng thích đi ra ngoài và chỉ muốn quanh quẩn gần nhà", cô Pressman cho biết, "Cậu con trai lớn Brian của tôi đang có nhiều bạn bè hơn hai em vì nó chịu đi ra ngoài khi còn nhỏ".
Trong những năm gần đây, nhờ quy định hạn chế dùng đồ công nghệ, các thành viên trong gia đình cô Pressman đã dành nhiều thời gian cho nhau hơn. Thay vì mỗi người về nhà và nghịch điện thoại trong phòng, giờ đây gia đình Pressman hay đi xem phim cùng nhau và thường xuyên ghé thăm những cửa hiệu kem ngon nhất thành phố San Francisco.
Thậm chí, vào hai năm trước, cô Pressman còn muốn chuyển tới sống ở Thung lũng Chết, một địa điểm nằm giữa hai bang California và Nevada của Mỹ. Đây là khu vực khá hẻo lánh nên có rất ít nhà cung cấp kết nối WiFi và bán cáp sạc.
"Kết nối Internet ở đấy tệ lắm", cô Pressman nói, "Tuy nhiên, điều đó thật tuyệt vời".
Hạn chế con dùng đồ công nghệ là rất khó khăn nhưng đáng để làm
Cô Pressman và nhiều bậc phụ huynh khác cho biết rất khó để biết được nên hạn chế con cái dùng đồ công nghệ tới mức nào. Nguyên nhân là các đứa trẻ có thể sẽ cảm thấy lạc lõng giữa bạn bè. Ví dụ, khi thấy bạn bè đều được sử dụng iPad, đứa trẻ sẽ cảm thấy thế nào khi chỉ duy nhất mình là không biết dùng? Càng cấm con cái dùng đồ công nghệ, các bậc phụ huynh càng sợ chúng bị bỏ lại trong thế giới công nghệ hiện nay.
"Tôi không biết cách học làm cha mẹ ở thời buổi hiện nay ở đâu", cô Pressman cho biết, "Thế giới hiện nay không hề giống khi tôi còn nhỏ. Bố mẹ cấm tôi dùng TV quá nhiều vì tôi chỉ dùng nó để xem phim. Tuy nhiên, làm sao tôi có thể cấm các con dùng máy tính khi đó là công cụ để chúng làm bài tập cũng như giải trí".
Các bậc phụ huynh khác cho biết giải pháp của họ là giới thiệu cho con những hoạt động ngoài trời bổ ích hoặc giúp con sử dụng công nghệ một cách lành mạnh hơn. Ví dụ, sau đợt hạn hán kỷ lục tại California trong năm 2016 làm cây cối sau vườn của ông Koduri chết sạch, ông đã quyết định mua xi măng về và xây một sân bóng rổ tại đây. Nhờ đó, hai con của ông và các bạn của chúng đã tìm được một nơi vui chơi mới. Về phần cô Pressman, khi thấy cô con gái Mia bắt đầu quan tâm đến máy tính, cô đã quyết định đăng ký một lớp học lập trình cơ bản cho cả hai mẹ con.
Nhiều người đang hy vọng giúp các con hạn chế sử dụng hoặc thậm chí là tránh xa đồ công nghệ cho tới tuổi trưởng thành. Mặc dù khó khăn nhưng điều này thật sự rất đáng để làm.
Kể từ khi cô Pressman quyết định hạn chế dùng đồ công nghệ trong gia đình, cậu con trai lớn Brian của cô đã thấy được nhiều giá trị của việc này. Cậu sinh viên khoa Toán nói rằng những quyển sách bìa cứng mới thật sự là hữu ích và đồ công nghệ rất dễ gây xao lãng khi học tập.
Và như cô Pressman nhớ lại, khi gia đình đang đi trên đường vào dịp Giáng sinh năm ngoái, Brian đã làm mọi người ngạc nhiên khi thừa nhận mẹ đã đúng.
"Mẹ biết đấy, khi mẹ hạn chế cả nhà dùng đồ công nghệ, con nghĩ mẹ đã sai", Brian nói, "Tuy nhiên, giờ đây, con nghĩ mẹ đã đúng".
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng