Nhìn lại cơn ác mộng di động của Microsoft từ khi iPhone ra mắt cho tới khi Lumia đến bên bờ vực
Với doanh số chỉ vỏn vẹn 2,3 triệu máy trong quý 1/2016, rất có thể mảng di động hiện tại của Microsoft (và cũng là di sản từ Nokia) sẽ sớm chìm vào quên lãng. Rõ ràng, Microsoft đã thua toàn cục trước Apple và Google trong cuộc chiến smartphone.
Trong 2 quý gần đây nhất, Microsoft đã chủ động thu nhỏ quy mô sản xuất Lumia. Gã khổng lồ phần mềm có lẽ đã từ bỏ giấc mộng bá chủ di động, ít nhất là cho tới khi cuộc đấu giành quyền kiểm soát Android giữa Google và Oracle (đồng minh của Microsoft) ngã ngũ, hoặc là cho tới khi chiếc Surface Phone chạy Windows 10 đầy đủ ra mắt.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng ôn lại những bước ngoặt quan trọng từ khi Microsoft bắt đầu ôm mộng smartphone cho tới ngày… mộng tàn cùng Lumia.
Tháng 6/2004: Khởi điểm Mobile
Microsoft bắt đầu nghiêm túc chinh phục smartphone khi Windows Mobile có mặt trên các thiết bị do bên thứ 3 sản xuất. Phần lớn trong số này có thể coi là những chiếc PDA có thêm tính năng gọi điện, ví dụ như MDA II của T-Mobile hay "iPaq" h6315 của HP. Tên gọi của phiên bản Windows đầu tiên trên di động là… Windows Mobile 2003 PocketPC Phone Edition.
Tháng 11/2006: Windows Mobile 5
Hệ điều hành Windows Mobile 5 đã đưa thế giới smartphone lên một tầm cao mới. Một trong những thiết bị nổi bật nhất của WM5 là Samsung BlackJack, một bản sao của BlackBerry đã từng bị RIM khởi kiện. BlackJack có bàn phím QWERTY và màn hình 320 x 240.
Tháng 3/2007: Đỉnh cao N95
Năm 2007, Nokia là vị vua không ngai của smartphone nói riêng và di động nói chung. Chiếc N95 ra mắt vào cuối năm 2006 và phát hành vào tháng 3/2007 được coi là đỉnh cao thành công của Nokia cả về công nghệ lẫn sự mến mộ của người tiêu dùng. Khi N95 ra đời, không ai nghĩ sẽ có ngày Nokia phải bán mình cho Microsoft.
Tháng 6/2007: iPhone ra mắt
2007 cũng là năm chứng kiến Windows Mobile trở thành hệ điều hành smartphone phổ biến nhất tại nước Mỹ. Nhưng tại Macworld 2007, một cuộc cách mạng mới đã bắt đầu: Steve Jobs ra mắt chiếc iPhone để khởi đầu cho một triết lý smartphone màn hình cảm ứng điện dung cỡ lớn. Đứng cạnh iPhone, cả N95 lẫn những chiếc Windows Mobile đều tỏ ra hoàn toàn lạc hậu.
Tháng 10/2008: Chiếc smartphone Android đầu tiên
Google theo chân Apple ra mắt hệ điều hành cho smartphone cảm ứng điện dung. Chiếc smartphone đầu tiên chạy hệ điều hành này, HTC Dream ra mắt muộn hơn iPhone 16 tháng. Ít ai nhớ rằng những phiên bản Android đầu tiên thiếu tính năng trầm trọng so với iPhone, nhưng điều đó cũng chẳng mấy ý nghĩa bởi mấy chốc mà Google sẽ đưa chiếc smartphone ra phổ cập toàn cầu.
Tháng 6/2010: Thảm họa Microsoft Kin
Sau khi mua lại công ty Danger Inc. với giá 500 triệu USD nhằm ra mắt một nền tảng smartphone giá rẻ cho người dùng trẻ tuổi, Microsoft rục rịch ra mắt một nền tảng mới có tên gọi "Kin". Những quyết định sai lầm về khâu chiến lược đã khiến Microsoft Kin thực sự trở thành một thảm họa cả về tính năng lẫn trải nghiệm người dùng.
Chỉ hơn 1 tháng sau khi lên kệ, Microsoft quyết định dừng kinh doanh Kin. Hai năm nuôi dưỡng và khoản đầu tư 1 tỷ USD của Microsoft chìm xuống đáy biển.
Tháng 10/2010: Windows Mobile "chết", Windows Phone ra đời
Sau thảm họa Kin cùng nhiều trục trặc trong khâu tổ chức, đến năm 2010 Microsoft mới ra mắt một hệ điều hành di động để thay thế cho Windows Mobile có tên Windows Phone, chậm 2 năm so với dự định ban đầu. HTC, Dell, Samsung và LG là những đối tác phần cứng đầu tiên của Windows Phone.
Phiên bản Windows Phone đầu tiên được đánh số 7 để kế tục Windows Mobile 6.5, nhưng 2 hệ điều hành này không hề tương thích với nhau. Và khi Windows Phone 7 ra mắt vào tháng 10/2010, Apple đã kịp khiến cả thế giới phát cuồng với iPhone 4 – chiếc smartphone đánh dấu khoảnh khắc trưởng thành của iPhone.
Tháng 2/2011: Con thuyền cháy Nokia
6 tháng sau khi lên nắm quyền, CEO Stephen Elop khiến cả Nokia lẫn thế giới di động sững sờ khi tuyên bố ông vua Phần Lan là "một con thuyền đang bốc cháy". Ít nhất thì "tội đồ" Elop đã đúng khi khẳng định Nokia đã quá tụt hậu và cần phải thay đổi.
Tháng 2/2011: Mối duyên Microsoft-Nokia
Đúng một ngày sau khi đưa ra tuyên bố gây sốc trên, Stephen Elop bắt tay cùng Steve Ballmer để lựa chọn Windows Phone làm nền tảng chính cho smartphone Nokia. Trong khi 2 gã khổng lồ này sẽ còn nhiều năm hoạt động độc lập, số phận của Nokia và mảng di động Microsoft chính thức hòa vào làm 1 từ thời điểm này. Nokia bắt đầu khai tử Symbian.
Tháng 9/2011: Giấc mơ N9
Dù đã ký thỏa thuận hợp tác với Microsoft nhưng Nokia vẫn tạo ra một nền tảng di động tuyệt vời có tên MeeGo. Chiếc smartphone đầu tiên và duy nhất chạy MeeGo, N9, nhanh chóng nhận được sự tán dương từ cộng đồng công nghệ toàn cầu- đây có lẽ là chiếc smartphone Nokia duy nhất có thể cạnh tranh với iPhone.
Nhưng ý chí của Elop (một cựu nhân viên của Microsoft) đã định và MeeGo bị khai tử để mở rộng đường cho Windows Phone. Sau này, MeeGo được tái sinh dưới tên gọi Sailfish OS.
Tháng 10/2011: Đứa con đầu tiên của Nokia và Microsoft
Thân hình của Nokia N9 bị tận dụng để ra mắt chiếc Lumia 800, "trái ngọt" đầu tiên của mối tình giữa Nokia và Microsoft. Đáng tiếc, dù được đánh giá khá tốt nhưng gia đình Lumia nhanh chóng tụt hậu trước iPhone và smartphone Android, đặc biệt là về mặt ứng dụng.
Tháng 1/2012: Cái chết của Nokia trở nên rõ ràng
Tháng đầu năm 2012 đánh dấu lần cuối cùng Nokia chạm mốc doanh số 100 triệu smartphone trong một quý tài chính.
Tháng 10/2012: Gáo nước lạnh Windows Phone 8
Cùng mang một thương hiệu với Windows Phone 7 nhưng Windows Phone 8 được xây dựng trên kiến trúc Windows NT thay vì Windows CE. Kết quả là là người dùng Windows Phone 7 không được cập nhật lên Windows Phone 8.
Bù lại, Windows Phone 8 nhanh chóng thu hút sự chú ý đông đảo với những thiết bị chất lượng cao như Lumia 920, Lumia 1020 hay đặc biệt là Lumia 520. Có giá rẻ và chất lượng không hề tệ, Lumia 520 có lẽ là chiếc Lumia được yêu quý nhất trong lịch sử.
Tháng 9/2013: Microsoft mua Nokia
Đáng tiếc, Lumia đã không thể hồi sinh Nokia. Đứng trước nguy cơ phá sản, Nokia may mắn bán được mảng thiết bị di động cho Microsoft với giá hơn 7 tỷ USD. Có lẽ công ty Phần Lan đã dùng chiếc smartphone Android đầu tiên của mình (Nokia X) để ép buộc Microsoft phải thực hiện thương vụ này.
Tháng 3/2014: Office iPad ra mắt, Office trên iOS và Android được miễn phí
Trong một năm mờ nhạt của Lumia 930, Microsoft bất ngờ ra mắt phiên bản Office đầu tiên được tối ưu cho tablet, và đó lại không phải là tablet chạy Windows. Phiên bản Office trên iOS và Android vốn đòi hỏi trả phí Office 365 nay bỗng dưng được miễn phí. Đây là dấu hiệu cho thấy Microsoft đã bắt đầu nhận phần thua trên di động và sẵn sàng đưa các phần mềm cốt lõi của mình lên các hệ điều hành đối thủ.
Tháng 1/2015: Kỷ lục Lumia
Lumia dưới tay Microsoft kém ấn tượng hơn hẳn thời kỳ thuộc Nokia, nhưng doanh số Lumia vẫn bất ngờ đạt kỷ lục 10,5 triệu chiếc vào quý cuối năm 2014. Phần lớn trong số này đến từ các dòng 5xx và 6xx cấp thấp, và Microsoft cũng khẳng định chiến lược lâu dài là "tăng mức tăng trưởng trong số lượng Lumia bán ra bằng các dòng smartphone giá dễ chịu".
Tháng 7/2015: Đắng ngắt Nokia
Chiến lược đó nhanh chóng đi vào bế tắc khi chỉ nửa năm sau Microsoft công bố gạch bỏ 7,6 tỷ USD trên giá trị của mảng di động mua lại từ Nokia. Khoản thâm hụt này thậm chí còn lớn hơn mức giá 7,2 tỷ USD mà Microsoft đã phải chi cho Nokia để mua lại mảng sản xuất thiết bị di động của ông hoàng Phần Lan.
Tháng 7/2015: Windows 10 ra đời, lại một gáo nước lạnh nữa cho fan Lumia
Trong cùng một tháng, Microsoft phát hành hệ điều hành mới nhất của mình. Khác với các phiên bản trước đó, Windows 10 mang tầm nhìn là hệ điều hành dành cho tất cả các thiết bị điện toán. Với sự kiện này, Windows Phone coi như đã bị khai tử. Tên hệ điều hành di động mới của Microsoft là "Windows 10 Mobile".
Nhưng đáng tiếc rằng lời hứa cập nhật đã không được thực hiện khi phần lớn các mẫu Windows Phone 8 đời đầu đều không được cập nhật lên Windows 10 Mobile, bao gồm cả những thiết bị phổ biến như Lumia 920 và HTC 8X.
Tháng 9/2015: 2 chiếc Windows 10 Mobile đầu tiên ra mắt
Lumia 950 và 950 XL ra mắt trong sự thờ ơ của người hâm mộ. Những chiếc Windows Phone cao cấp tiếp đó như Acer Jade Primo và HP Elite x3 cũng chẳng thu hút được mấy sự chú ý, ngoại trừ tính năng Continuum cho phép biến smartphone thành PC để bàn hay laptop.
Tháng 9/2015: Microsoft tham gia quảng bá iPad Pro
Cũng trong tháng này, Apple phát hành mẫu tablet cỡ bự đầu tiên của hãng. Đại diện của Microsoft xuất hiện trên sân khấu để phô diễn khả năng làm việc của iPad Pro cùng Office. Từ thời điểm này, Microsoft chính thức không còn là một công ty chuyên cạnh tranh nền tảng mà trở thành một công ty cạnh tranh dịch vụ.
Tháng 1/2016: Sản lượng và doanh thu Lumia lao dốc lần đầu
Báo cáo tài chính đầu năm 2016 cho thấy doanh số Lumia vào quý cuối năm 2015 chỉ đạt 4,5 triệu máy, tương đương với mức giảm 50% so với cùng kỳ 2014. Doanh thu giảm 53%. Microsoft thẳng thừng tuyên bố đây là "bước chuyển trong chiến lược kinh doanh smartphone" của hãng.
Tháng 2/2016: Microsoft bắt tay cùng Cyanogen
Microsoft bắt tay cùng Cyanogen trên phiên bản hệ điều hành Cyanogen OS được phát hành tới các nhà sản xuất phần cứng. Động thái này cho thấy Microsoft đã sẵn sàng lựa chọn các hệ điều hành khác làm vũ khí di động của mình.
Tháng 4/2016: Sản lượng Lumia chạm đáy
Báo cáo tài chính quý đầu năm 2016 cho thấy doanh số Lumia đã tiếp tục giảm 46%, số máy bán ra chỉ đạt vỏn vẹn 2,3 triệu máy. Rõ ràng là Microsoft đã chủ động thu nhỏ và từ bỏ Lumia trong 2 quý tài chính gần đây nhất.
Tương lai: Surface Phone hay Android?
Trong tương lai, Microsoft vẫn còn 2 hướng đi có thể theo đuổi. Gã khổng lồ phần mềm có thể ra mắt chiếc Surface Phone để hiện thực hóa tầm nhìn điện toán "tất cả trong một", tạo ra khuôn mẫu cho các đối tác học tập nhằm giúp Windows 10 trở thành hệ điều hành di động đại diện cho tương lai. Hoặc, Microsoft có thể tận dụng mối quan hệ tốt cùng Oracle để chiếm phần quan trọng hơn trên chiếc bánh Android.
Nhưng bất kể Microsoft đi theo hướng nào thì câu chuyện về Lumia cũng đã đến hồi kết. Dù cho gã khổng lồ phần mềm có trở lại thị trường di động theo một cách mạnh mẽ nào đó, hành trình thất bại kể từ thời điểm iPhone ra mắt cho tới khi Lumia "xuống lỗ" cũng sẽ là một chương đáng quên trong lịch sử Microsoft. Liệu Surface Phone có giúp được Microsoft trở lại đỉnh cao? Hãy cùng chờ đợi.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng