Nhìn lại năm 2022 của Tesla: 'Nạn nhân' khổ nhất vì trò đùa của chính CEO, ngôi 'vua xe điện' bị lung lay
2022 được cho là một năm khá khó khăn với Tesla
Tesla đang trên đà trở thành cổ phiếu tệ nhất năm 2022 sau động thái bán tháo của loạt nhà đầu tư kỳ cựu. Bên cạnh đó, sự sụt giảm nhu cầu đối với xe điện trong bối cảnh nền kinh tế chung đứng trước rủi ro suy thoái cũng “giăng mây đen” lên triển vọng hãng xe điện vốn được cho là giá trị nhất nước Mỹ, theo WSJ.
Trước đây, vào đầu những năm 2020, Tesla được ca ngợi là một trong những thương hiệu đại thắng của ngành công nghiệp ô tô - thời điểm lĩnh vực này bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng thiếu chip và gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đầu năm 2022, Tesla công bố kết quả kinh doanh quý IV/2021 với mức doanh thu và lợi nhuận vượt xa mọi sự kỳ vọng giới phân tích. Cụ thể, trong quý, hãng này ghi nhận doanh thu 17,72 tỷ USD, cao hơn đáng kể so với mức dự báo bình quân 16,57 tỷ USD theo khảo sát của Refinitiv, tức tăng 65% so với cùng kỳ năm trước đó.
Như vậy, tính trên cả năm 2021, lợi nhuận ròng Tesla đạt 5,5 tỷ USD trên doanh thu gần 54 tỷ USD, tăng vượt trội so với 2020. Điều này giúp 2021 trở thành cột mốc đột phá của hãng xe điện.
Thời điểm đó, Elon Musk gần như thống trị truyền thông Mỹ, sau đó được tạp chí Time vinh danh là “Nhân vật của năm”. Nhất cử nhất động của vị tỷ phú này đều được giới báo chí săn đón, từ những dòng tweet rất đỗi bình thường đến cuộc thăm dò bán ra hàng chục tỷ USD cổ phiếu hãng xe điện Tesla. Từng động thái đều có thể gây những biến động lớn trên thị trường, cả chứng khoán lẫn tiền số.
“Nhân vật của năm là người có tầm ảnh hưởng lớn và ít cá nhân nào được như Elon Musk. Trong năm 2021, Musk không chỉ nổi lên với tư cách là người giàu nhất thế giới mà có lẽ còn là ví dụ về sự giàu có đang tạo ra những thay đổi lớn trong xã hội”, tờ CNN trích lời tổng biên tập Edward Felsenthal của tạp chí Time cho biết.
Bất chấp những cảnh báo về các vấn đề trong chuỗi cung ứng, Tesla hồi đầu năm vẫn tự tin dự báo doanh số toàn năm 2022 sẽ tăng trưởng 50%. Giới chuyên gia cũng kỳ vọng hãng này sẽ có một báo cáo tài chính lạc quan, bất chấp những “cơn gió ngược” của thị trường.
Tuy nhiên, viễn cảnh đó đã không xảy ra. Thực tế, Tesla mất khoảng 70% giá trị kể từ khi cổ phiếu đạt đỉnh hồi tháng 11/2021. Sự bất ổn của nền kinh tế ngày càng sâu sắc, trong khi người tiêu dùng có thêm nhiều sự lựa chọn khi mua mới một chiếc EV. Phố Wall lo ngại rằng Tesla có thể sẽ cần phải hy sinh lợi nhuận để duy trì tốc độ tăng trưởng, sau khi đà giảm của cổ phiếu này vượt xa mức lao dốc của thị trường rộng lớn cũng như nhiều đối thủ.
Mọi chuyện bắt đầu từ khi Musk tuyên bố muốn thâu tóm mạng xã hội Twitter. Trong bức thư gửi Hội đồng quản trị, ông khẳng định nền tảng này “sẽ không thể phát triển mạnh mẽ cũng như phục vụ quyền tự do ngôn luận nếu giữ nguyên mô hình hiện tại”. Bởi vậy, nó cần được chuyển đổi thành một công ty tư nhân, ngay dưới tay Elon Musk.
Chuyện sẽ chẳng có gì nếu Musk không lấy Tesla làm “vật thế” huy động vốn cho thương vụ trị giá 44 tỷ USD. Thông tin vị tỷ phú giàu nhất hành tinh chuẩn bị hoàn tất giao dịch, đồng thời dự định thế chấp số lượng lớn cổ phiếu Tesla đã khiến giới đầu tư khi đó hoảng loạn cực độ. Họ lo rằng một khi có Twitter trong tay, Musk sẽ xao nhãng công việc ở Tesla.
“Musk đang chấp nhận rủi ro bằng cách sử dụng cổ phiếu Tesla làm tài sản thế chấp. Việc cổ phiếu nhà sản xuất ô tô điện này đột ngột sụt giảm sẽ gây ra nhiều sự khó chịu cho thị trường”, Russ Mold, chuyên gia AJ Bell nhận định.
Tính đến tháng 5/2022, cổ phiếu Tesla đã giảm hơn 30% giá trị vốn hóa. Trong phiên giao dịch ngày 26/4, vốn hóa nhà sản xuất này cũng đã bốc hơi kỷ lục khoảng 126 tỷ USD sau đà lao dốc của cổ phiếu. Việc giành quyền kiểm soát mạng xã hội mới được cho là sẽ bòn rút thời gian, công sức và tiền bạc của Musk, trong bối cảnh ngành công nghiệp xe điện toàn cầu đang cần một sự bứt phá.
“Vụ thâu tóm Twitter đã trở thành một nhân tố ảnh hưởng tiêu cực đến cổ phiếu Tesla”, nhà phân tích Dan Ives của Wedbush nhận định.
Theo WSJ, tính đến thời điểm hiện tại, cổ phiếu Tesla đã mất 60% giá trị kể từ khi Musk công bố kế hoạch mua lại nền tảng truyền thông xã hội. Việc vị tỷ phú tiếp tục sử dụng cổ phần Tesla để huy động vốn càng khiến hãng xe điện lâm nguy bởi các nhà đầu tư vẫn duy trì xu hướng rút tiền mạnh mẽ.
Tính từ cuối năm ngoái cho đến nay, Musk đã bán tổng cộng hơn 39 tỷ USD cổ phiếu Tesla. Như vậy, số lượng cổ phiếu hiện tại Musk đang nắm giữ, không bao gồm các quyền chọn có thể thực hiện, là 424 triệu cổ.
Dĩ nhiên, cổ phiếu Tesla cũng chịu ảnh hưởng từ những vấn đề vĩ mô khác, chẳng hạn như xung đột Nga-Ukraine, động thái của FED, rủi ro suy thoái hay hỗn loạn chuỗi cung ứng; song thương vụ Elon Musk-Twitter vẫn là yếu tố tác động hàng đầu. Theo nhà phân tích Dan Ives tại hãng Wedbush, động thái của Musk chẳng khác nào đang coi “Tesla như cỗ máy ATM rút tiền” để nuôi mạng xã hội vừa mới sở hữu thành một “siêu ứng dụng”.
“Thị trường cho thấy thương hiệu Tesla đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi những ‘drama’ trên Twitter. Trước đây, người ta vẫn thường khoe nhau đầy tự hào về xe điện hãng này, song giờ đây đã khác. Các cuộc tranh cãi trên Twitter đang làm tổn hại đến giá trị thương hiệu”, Gary Black, đối tác quản lý của Future Fund, công ty sở hữu 50 triệu USD cổ phiếu Tesla, viết trên Twitter.
Trong khi đó, bản thân Elon Musk lại có chối bỏ trách nhiệm và đổ lỗi cho bối cảnh chung của nền kinh tế: “Nói một cách đơn giản, khi lãi suất tiết kiệm ngân hàng với vốn được đảm bảo bắt đầu tiệm cận với lợi nhuận của thị trường chứng khoán, mọi người sẽ chuyển cổ phiếu thành tiền mặt. Do đó, cổ phiếu giảm giá”.
Theo Bloomberg, trong một khoảnh khắc, Musk có thể đã mất vị thế tỷ phú giàu nhất thế giới dựa theo bảng xếp hạng Forbes, song bản thân Tesla vẫn sở hữu quyền lực đáng ghen tị. Đây vẫn được coi là hãng xe điện chiếm ưu thế toàn cầu và không một nhà sản xuất nào có vị thế tốt như Tesla để tận dụng các khoản tín dụng thuế ưu đãi cho sản xuất pin và lắp ráp xe điện.
Tuy nhiên, mục tiêu tăng số lượng xe giao nhanh lên 50%/năm - tham vọng mà Tesla đã tới hồi đầu năm – có vẻ sẽ phải thỏa hiệp. Nguyên nhân một phần đến từ việc Tesla đang phải giảm giá bán một số mẫu xe ngay cả khi chi phí đầu vào tăng cao, từ đó giảm tỷ suất lợi nhuận. Trước đó, Musk cũng ẩn ý rất nhiều đến những cơn gió ngược nằm ngoài tầm kiểm soát do thị trường bất động sản Trung Quốc và câu chuyện khủng hoảng năng lượng châu Âu.
Rắc rối đầu tiên trong quý xuất hiện khi công ty này thông báo số lượng xe sản xuất dư thừa đã lên tới 22.000 chiếc. Hãng này sau đó vội thay đổi chiến lược marketing tại Trung Quốc, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ trong nước khiến kế hoạch tăng trưởng của hãng xe điện này gặp rủi ro.
Theo các chuyên gia, vị thế dẫn đầu thị trường EV của Tesla trước đây không dễ để soán ngôi, đặc biệt là ở Mỹ, nơi nhà sản xuất ô tô này bán được nhiều xe hơn cả trong suốt năm 2022. Tuy nhiên, một vài dấu hiệu đang cho thấy vị trí này sắp tuột dốc, trong bối cảnh Tesla “bận” đối mặt với loạt rắc rối xoay quanh đà lao dốc của cổ phiếu, công nghệ Autopilot cùng triển vọng u ám về tăng trưởng. Theo ước tính từ Cox Automotive, đóng góp của Tesla trong tổng doanh số bán xe điện mới tại Mỹ chỉ còn 64% trong quý III thay vì 75% như cùng kỳ năm ngoái.
Nghiên cứu cho thấy mức độ trung thành của các chủ sở hữu Tesla cũng giảm xuống đáng kể. Cụ thể, tính đến tháng 5 năm nay, khoảng 70% chủ sở hữu Tesla cho biết họ sẽ có thể quay lại mua tiếp chiếc xe thứ hai. Tỷ lệ này hiện giảm xuống còn dưới 60%, trong khi phần còn lại của ngành dao động trung bình quanh mức 65%. Theo HundredX, cảm quan về chất lượng, độ tin cậy, dịch vụ và giá trị thương hiệu của Tesla đều trở nên tiêu cực hơn trong vài tháng.
“Dữ liệu về lòng trung thành trong tương lai thực sự rất đáng lo ngại. Điều này dự cảm trước về một cơn bão sắp đến với Tesla”, Rob Pace, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành HundredX nói, đồng thời cho biết các chủ sở hữu Tesla đang chuyển sang mua xe điện từ những startup nhiều triển vọng, chẳng hạn như Lucid hay Rivian. Việc Tesla thường xuyên vướng vào những vụ lùm xùm xoay quanh công nghệ tự lái Autopilot được cho là một trong những nguyên nhân chính.
Theo NHTSA, ít nhất 18 trường hợp tử vong có thể liên quan đến công nghệ hỗ trợ tự lái. Cơ quan này cho biết đã điều tra gần 200 vụ tai nạn, trong đó cả Tesla. Bộ Phương tiện xe cơ giới California sau đó đã cáo buộc công ty quảng cáo sai sự thật, khiến khách hàng tin rằng Autopilot có thể tự điều khiển phương tiện một cách an toàn nhất.
Đáp lại, Tesla một mực khẳng định phía công ty rất hiểu giới hạn của hệ thống, rằng tính năng Autopilot “yêu cầu sự giám sát tích cực của người lái xe và họ không được để phương tiện tự động hoàn toàn”. Musk tin rằng việc sử dụng Autopilot đúng cách sẽ giúp tài xế có những chuyến đi an toàn, thay vì trở thành nạn nhân của những vụ va chạm không mong muốn.
“Tesla đã luôn bảo vệ mình. Họ cho rằng chính con người mới là những tài xế tồi, không phải công nghệ”, Gene Munster, đối tác quản lý của Loup Ventures, một công ty đầu tư cho biết.
Trước đây, Musk từng dự cảm trước về sự sụt giảm trong nhu cầu đối với xe điện - hệ luỵ sau cuộc suy thoái bất động sản Trung Quốc và khủng hoảng năng lượng toàn châu Âu. Lùm xùm xoay quanh các bê bối đâm chết người cũng làm dấy lên câu hỏi lớn về tính an toàn của Tesla trong bối cảnh hãng này đang đối mặt với một loạt vụ kiện và bị các cơ quan quản lý siết chặt giám sát.
“Tesla chưa cung cấp cụ thể các dữ liệu chẩn đoán. Mọi biện pháp kiểm tra an toàn chỉ được thực hiện bằng mắt thường. Đây là phương pháp kiểm tra rất lạc hậu, đặc biệt khi ta biết về những sáng chế mà Tesla sở hữu”, ông Park Sang-hyuk, Nghị sĩ Hàn Quốc, nói.
Theo Bloomberg, Trung Quốc hiện là nơi thị trường EV cạnh tranh nhất, với một loạt các nhà sản xuất ô tô nội địa lớn mạnh như BYD. Theo Hiệp hội Xe Trung Quốc, thương hiệu nội địa chiếm gần 80% doanh số bán xe điện trong 7 tháng đầu năm. Động lực một phần đến từ việc các nhà sản xuất EV địa phương rất giỏi thu hút khách hàng. Trong đó, các công ty như BYD hay SAIC-GM-Wuling Automobile cho ra mắt nhiều loại phương tiện giá rẻ phục vụ phân khúc khách có ngân sách eo hẹp. Điều này khiến vị thế của Tesla bị đe dọa.
Để cải thiện, hãng này hồi tháng trước đã triển khai chương trình giảm giá tại Trung Quốc lần đầu tiên. Động thái này được cho là vô cùng hiếm hoi, nhất là đối với một công ty từng tự hào rằng không cần đến các chiến dịch quảng cáo truyền thống. Ngoài ra, Tesla cũng nâng cấp nhà máy tại Thượng Hải nhằm tăng gấp đôi công suất lên khoảng 1 triệu xe mỗi năm, đồng thời rút ngắn thời gian chờ mua xe từ 22 tuần hồi đầu năm xuống còn 1 tuần.
Không chỉ gặp vấn đề trong cuộc đua duy trì “ngôi vương”, bản thân Tesla cũng có những trúc trắc riêng trong mảng pin xe điện. Việc một loạt các hãng ô tô truyền thống đẩy mạnh sản xuất xe EV và lo lắng về độ khan hiếm của lithium đang khiến Tesla không còn là vị khách VIP của thị trường kim loại quý.
Trước đây, viễn cảnh một trữ mỏ mới có thể cung cấp đầy đủ năng lượng cho một thương hiệu ô tô điện hàng đầu nước Mỹ được cho là “đủ” để thuyết phục những nhà đầu tư khó tính nhất. Với tư cách là khách hàng tiềm năng trong một thị trường đầy rẫy những công ty khai thác mới thành lập, Tesla dễ dàng thương thảo các điều khoản có lợi, chẳng hạn như thỏa thuận cung ứng dài hạn với giá cố định.
Mọi thứ bị khuấy động kể từ khi Ford Motor và General Motors đạt được các thỏa thuận hào phóng với phía cung cấp tiềm năng, bao gồm cam kết trả trước hoặc các khoản vay giá rẻ. Theo Chris Berry, Chủ tịch của House Mountain Partners, chuyên gia tư vấn về pin kim loại, vị trí dẫn đầu thị trường lithium của Musk đang “bốc hơi” nhanh chóng khi các đối thủ “nhét tiền vào khẩu súng và cho nổ tung vào chuỗi cung ứng”.
Trong khi đó, Tesla vào tháng 10 lại kết thúc nhiều tháng đàm phán trong vô vọng với nhà phát triển mỏ Core Lithium. Trước đó, thương hiệu này đã đàm phán vào năm 2020 để mua lại Cypress Development - một nhà phát triển dự án của Mỹ nhưng không đạt được thỏa thuận.
“Sức mạnh ngôi sao của Elon đã đạt đến giới hạn,” Lowry nói. “Tesla có thể sẽ sớm giống như những người khác”
Dẫu vậy, xét trên quy mô, Tesla vẫn giữ vị thế thống trị. Năm ngoái, thương hiệu này sử dụng khoảng 42.000 tấn lithium cacbonat, nhiều gấp 5 lần mức tiêu thụ của cả Ford và GM, theo tính toán dựa trên dữ liệu BNEF.
Như vậy, tương lai trước mắt của Tesla có vẻ an toàn. Trong một hồ sơ hồi tháng 5, công ty tiết lộ đã ký thỏa thuận với 4 công ty lớn: Albemarle, Livent (được niêm yết tại Mỹ), Ganfeng Lithium (Trung Quốc) và Tập đoàn công nghiệp Tứ Xuyên Yahua.
Theo: Bloomberg, WSJ, CNBC
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng