Nhìn lại xu hướng camera phone trong năm 2013
Những xu hướng camera di động nổi bật trong năm 2013.
Năm 2013 là một năm ghi nhận nhiều phát triển của các nhà sản xuất smartphone. Nâng cao chất lượng camera không ngừng quan tâm bằng việc cải thiện cảm biến, tính năng để các thiết bị di động chụp hình tốt hơn. Bước sang năm 2014, chúng ta cùng nhìn lại sự phát triển trong năm qua trên các mẫu camera phone và dự đoán xu hướng trong năm tới.
Cảm biến lớn
Thực tế việc chụp hình trên thiết bị di động đã vượt xa số ảnh chụp bằng máy ảnh nhưng so với hầu hết các máy ảnh người dùng đang bị gò bó trong một thiết bị có cảm biến ảnh nhỏ. Hiện tại kích thước cảm biến thông dụng trên các smartphone là 1/3 inch hay thậm chí là 1/3,2 inch. Kích thước này nhỏ hơn rất nhiều so với máy ảnh du lịch và đương nhiên vấn đề này kéo theo chất lượng ảnh.
Ra mắt tháng 2/2012, Nokia 808 PureView là chiếc smartphone đầu tiên bứt phá khỏi mặt bằng chung nhờ cảm biến lớn. Với kích thước 1/1,2 inch tức là khá gần với cảm biến 1 inch trên chiếc Sony RX100 II hay dòng máy compact Nikon 1. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất trên 808 chính là hệ điều hành Symbian đã thất thế trên thị trường (hiện tại đã khai tử), mặc dù chất lượng ảnh vẫn là điều Nokia hay bất cứ người dùng nào sở hữu đều tự hào.
Trong năm 2013, Nokia đã có bước đi đúng đắn khi kết hợp máy ảnh tuyệt với trên 808 vào thiết bị chạy Windows Phone 8. Chiếc Nokia Lumia 1020 ra đời. Mặc dù cảm biến 1/1,5 inch không lớn bằng Nokia 808 nhưng công nghệ PureView đã được Nokia hoàn thiện hơn. Với cảm biến kích thước 41 megapixel sử dụng thuật toán nén ảnh để tạo ra bức hình có dung lượng tương đương cảm biến 5 megapixel. Với tính năng này, hình chụp bởi 1020 cho phép zoom kỹ thuật số mà không bị giảm chất lượng (trong khoảng nhất định). Nếu cần ảnh chất lượng đầy đủ, người dùng cũng có thể tùy chọn trong thiết lập.
Với các nhà sản xuất Android, Sony là tên tuổi đi đầu khi ra mắt chiếc camera phone Xperia Z1 với cảm biến lớn hơn các smartphone Android khác. Mặc dù kích thước 1/2,3 inch trên Xperia Z1 không lớn như Nokia nhưng kích thước này cũng tương đương hầu hết các máy ảnh compact phổ thông. Chất lượng mà Xperia Z1 mang lại không tạo nên khác biệt rõ rệt như Lumia 1020 nhưng Sony lại cho thấy hãng có khả năng tích hợp cảm biến kích thước lớn trên một sản phẩm mỏng và thời trang.
Cuối năm 2013, Nokia tiếp tục chiếm thế thượng phong trong cuộc đua camera phone khi tung mẫu phablet đầu tiên của mình. Gạt yếu tố màn hình 6 inch độ phân giải Full HD lần đầu tiên xuất hiện trên Windows Phone 8, Lumia 1520 sơ hữu cảm biến 20 megapixel với kích 1/2,5 inch và không thể thiếu công nghệ PureView. Cảm biến lớn nhưng không làm tăng kích thước máy, đây chắc chắn sẽ là xu hướng công nghệ tỏng năm 2014. Người dùng sẽ sớm được sở hữu những chiếc điện thoại thời trang nhưng cho chất lượng chụp hình tốt.
Ổn định quang học
Hệ thống ổn định quang học đã xuất hiện trên nhiều mẫu điện thoại giúp chụp khi ở tốc độ màn trập thấp hay video quay được sẽ mịn màng hơn. Lý thuyết của công nghệ này là di chuyển cảm biến hoặc một phần tử quang học trong ống kính để chống lại các rung động của thân máy (ví dụ: máy di chuyển từ phải qua trái thì cảm biến sẽ di chuyển từ trái qua phải để triệt tiêu rung động).
Với phân khúc smartphone, Nokia Lumia 920 là một trong những thiết bị đầu tiên tích hợp O.I.S (Optical Image Stabilizer) ra mắt vào cuối năm 2012. Kể từ đó, OIS được mang lên hầu hết các smartphone cao cấp của Nokia trong đó có cả Lumia 1020.
Android cũng nhanh chóng mang công nghệ này lên các thiết bị của mình. Một vài ví dụ điển hình như HTC, LG G2 hay Google Nexus 5. Hiện tại Apple vẫn chưa tích hợp OIS trên các sản phẩm của mình nhưng với những gì mà OIS mang lại, không riêng Apple mà các nhà sản xuất khác sẽ trang bị tính năng này trong các mẫu smartphone tiếp theo.
Đèn flash
Nếu nói về đèn flash, dù có công nghệ nào đi nữa thì flash Xenon vẫn là cái tên đáng giá nhất. Khi feature phone chưa bị smartphone lấn át, không quá khó để chọn một chiếc điện thoại có đèn flash Xenon như Sony Ericssion K790, K800, K850, C905, C901… hay Nokia N86, N8…
Tại sao lại là Xenon? Trong khi phần lớn các điện thoại dùng đèn flash LED (đơn hoặc kép) có phạm vi đánh dưới 1 met thì flash Xenon có tầm đánh rộng hơn, mạnh hơn. Nokia rất chịu khó trang bị đèn flash này trên các mẫu smartphone cao cấp của mình như Nokia 808, Lumia 928 (phiên bản Verizon của chiếc Lumia 920) hay mới nhất là chiếc Lumia 1020. Với việc phóng sáng gấp ngàn lần, nhanh hơn trăm lần đèn flash LED, Xenon mạnh mẽ hơn hẳn nhưng cũng tiêu tốn điện năng khá nhiều. Dĩ nhiên cấu trúc của flash Xenon cũng khá lớn (nhiều thành phần trong đó tụ điện lớn và rất mạnh) và giá tiền không hề rẻ. Ngoài việc đánh sáng tốt hơn, flash Xenon còn hỗ trợ làm đèn phụ hay đánh để lấy nét.
Nói về Xenon quá nhiều nhưng flash LED cũng có những bước phát triển. Điển hình là đèn flash LED kép. Cái tên giải thích luôn tức là gồm hai đèn flash LED đơn, khả năng đánh sáng gấp đôi nhưng tầm đánh thì cũng không khá hơn nhiều. Dù sao flash LED kép vẫn hơn và chúng ta bắt gặp tính năng này trên các mẫu smartphone như Nokia Lumia 1520, Lumia 925… Khác biệt hơn cả là đèn flash LED trên iPhone 5S. Theo công bố của Apple, đèn flash LED trên iPhone 5S gồm hai đèn trong đó 1 đèn cho tông màu ấm (nóng) và 1 đèn cho tông màu lạnh. Thiết bị sẽ đo sáng và điều chỉnh cường độ đánh để cho ra bức ảnh có màu sắc trung thực nhất. Theo lý thuyết thì iPhone 5S sẽ rất sáng giá bởi nhiệt độ (độ màu, Kelvin) ảnh hưởng rất lớn đến tông màu của bức hình. Tuy nhiên chưa có nhiều đánh giá sâu sắc về tính năng này.
Trong năm 2014? Chúng ta có thể sẽ thấy nhiều thiết bị sử dụng đèn flash Xenon, đèn flash LED kép hay công nghệ tối ưu hơn. Sony đang bỏ quên yếu tố đèn flash trong các smartphone của mình và năm tới là lúc hãng điện tử Nhật Bản cần “thức giấc”.
Ứng dụng camera
Camera được đặc biệt quan tâm trong năm 2013. Một số nhà sản xuất quan tâm đến bên trong (chất lượng hình) trong khi đó số khác lại quan tâm đến bên ngoài bằng việc tạo ra nhiều hiệu ứng. Samsung được nhắc đến ở đây khi ra mắt mẫu smartphone cao cấp nhất của mình cùng nhiều tính năng chụp hình như chụp cả hai camera cùng lúc, chụp ảnh liên tiếp, chụp ảnh động (GIF), loại bỏ đối tượng không muốn khỏi khung hình. Sau Samsung cũng có nhiều nhà sản xuất khác nâng cấp trình chụp ảnh với các tính năng tương tự.
Tính năng chụp ảnh đáng được quan tâm nhất phải kể đến chế độ chụp HDR (High Dynamic Range) giúp chụp hình ngược sáng tốt hơn (hoặc cho hiệu ứng rất hay). Còn các tính năng khác kể trên chủ yếu mang tính chất marketing và móc túi người dùng.
Nokia Camera thì khác. Trình chụp ảnh độc quyền của Nokia mang đến giao diện trực quan, thông minh giúp tận dụng phần cứng mạnh mẽ trên máy. Với Nokia Camera, người dùng dễ dàng điều chỉnh khẩu độ, tốc độ màn trập, ISO hay thậm chí lấy nét bằng tay…
Hấp dẫn hơn cả trong các trình chụp hình phải kể đến chụp ảnh RAW. Thiếu đi ảnh RAW là lý do khiến các nhà nhiếp ảnh không ngó nàng đến camera trên điện thoại. Tuy nhiên Nokia đã thay đổi hoàn toán vấn đề này với Lumia 1520. Phablet của hãng co phép chụp ảnh RAW DNG từ cảm biến CMOS 20 megapixel. Thiết bị mới nhất trang bị tính năng này là Lumia 1020 thông qua bản cập nhật Black.
Google mới đây cũng tuyên bố hỗ trợ chụp ảnh RAW cho các smartphone chạy Android trong tương lai. Có thể thấy trình chụp ảnh quyết định không nhỏ tới chất lượng bức hình đặc biệt là trải nghiệm. Trong tương lai gần sẽ có nhiều thiết bị chụp hình tốt hơn, thông minh hơn và dễ sử dụng hơn.
Video 4K
Máy ảnh không ngừng tăng độ phân giải nhưng chuẩn video Full HD đã tồn tại khá lâu. Mới đây các nhà sản xuất mới tập trung nâng cao chất lượng video bằng cách hỗ trợ quay độ phân giải 4K trên di động.
Thứ nhất là do các thiết bị phát chuẩn 4K hiện nay rất ít. Nếu có 1 video 4K nhưng xem trên màn hình Full HD hay kể cả màn 2K thì cũng không tận dụng được hết chất lượng hình (mặc dù có nét hơn đôi chút). Thứ hai là phần cứng phải đủ mạnh mẽ mới xử lý được video 4K để phát lên. Và thứ 3 là bộ nhớ, tốc độ nhanh để ghi video vì video 4K rất tốn dung lượng.
Samsung Galaxy Note III và Acer Liquid S2 là hai mẫu smartphone trong năm 2013 hỗ trợ quay video 4K. Trong năm 2014, cuộc đua màn hình 4K chắc chắn sẽ bùng nổ kéo theo tính năng quay video 4K được phát triển.
Tạm kết
Camera phone là khái niệm được đưa ra từ lâu. Con người phát triển đòi hỏi những nhu cầu cao hơn do đó công nghệ cũng phát triển không ngừng. Cùng với sự phát triển của mạng xã hội, nhu cầu chia sẻ ảnh đã vượt xa mục đích ghi lại khoảng khắc mà còn là thể hiện bản thân do đó camera trên điện thoại càng được chú trọng.
Nhìn vào năm qua (2013), smartphone là thiết bị chụp hình nhiều nhất những không có nghĩa nó sẽ thay thế DSLR. Máy ảnh compact đang biến mất một phần cũng là do camera trên điện thoại ngày càng được nâng cao. Trong năm 2014, chúng ta sẽ còn chứng kiến nhiều công nghệ giúp nâng cao chất lượng hình ảnh và gần nhất là tại CES hay MWC tới đây.
Còn nhiều công nghệ ảnh trên điện thoại trong năm 2013 như Ultrapixel trên HTC, ống kính Carl Zeizz… Trong phạm vi bài viết tham khảo tại DPreview và hiểu biết của bản thân chưa thể đề cập hết và tổng hợp. Xin nhận đóng góp trong mục bình luận bên dưới.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng