Nhìn thấu bản chất: Android mã nguồn mở, vậy Huawei tự phát triển Android riêng có được không?
Thực ra là không: lý thuyết chỉ là màu xám, và cây đời cũng đang xám ngoét với Huawei.
- Nhìn thấu bản chất: Google, Apple, Samsung và cả Sony thừa sức tạo smartphone chụp tối tốt như Huawei P30 Pro nhưng vì sao không làm?
- Nhìn thấu bản chất: Vì sao đang lãi tỷ đô mà Xiaomi lại tăng giá bán điện thoại?
- Nhìn thấu bản chất: Vì sao Xiaomi (và các hãng Android khác) lại không thể copy được sự ổn định của AirPods?
Những chiếc Android của Huawei đang đối diện với một tương lai u ám. Theo nhiều nguồn tin, Google đã bị buộc phải dừng hợp tác với Huawei. Kể từ nay, smartphone Huawei sẽ không còn được sử dụng phiên bản Android do Google cung cấp nữa.
Những người hiểu biết chút ít về bản chất mã nguồn mở của Android chắc chắn đều đã đặt ra nhận định: "Như vậy đâu có sao, Huawei có thể tự phát triển một phiên bản Android dựa trên dự án mã nguồn mở Android Open-Source Project". Đáng tiếc thay, đó chỉ là trên lý thuyết, trong thực tế thì Google kiểm soát Android một cách không thể chặt chẽ hơn.
Mang tiếng là mã nguồn mở nhưng rõ ràng Android là công cụ để phổ biến các ứng dụng của Google: Tìm kiếm, Gmail, Drive, Docs, Search, Assistant, YouTube... Ở phía ngược lại, bộ ứng dụng Google đã tạo ra một trải nghiệm Android cực kỳ hoàn thiện. Chúng trở thành sợi dây trói buộc các nhà sản xuất phải dùng Android-của-Google: nếu dùng Android riêng thì sẽ không được sử dụng các app của Google. Đây từng là nội dung khiến Google phải đối mặt với các vụ kiện độc quyền, bao gồm cả án phạt 5 tỷ USD tại châu Âu.
Các nhà sản xuất Trung Quốc không bị trói buộc theo cách này, đơn giản bởi Google bị cấm hoàn toàn tại Trung Quốc. Trong "sân nhà", mỗi nhà sản xuất lại tạo ra một phiên bản Android riêng từ các mã nguồn mở được Google công bố qua dự án AOSP. Mỗi tên tuổi Android Trung Quốc lại có một chợ ứng dụng riêng, trong đó Xiaomi còn mang tham vọng sống bằng chợ ứng dụng của mình thay vì bằng phần cứng.
Nhưng dĩ nhiên chỉ một mình thị trường Trung Quốc không thể giúp cho Huawei (hay OPPO, Xiaomi...) lọt được vào top 5 thế giới. Năm vừa qua, tất cả các nguồn tin đều đưa ra số liệu cho thấy thị trường Trung Quốc đã suy giảm ở mức 2 chữ số, và để tăng trưởng thì các ông lớn từ Đại Lục đều đã tiến ra Ấn Độ, châu Âu, Đông Nam Á hay thậm chí là tại Mỹ. Tất cả các thị trường này đều đòi hỏi smartphone có ứng dụng Google.
Nếu bị Google cắt hợp tác, Huawei sẽ mất đi một lợi thế quan trọng khi cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Huawei sẽ không còn quyền cài đặt các dịch vụ Google lên thiết bị bán ra tại Ấn Độ hay Việt Nam: liệu bao nhiêu người dùng sẽ sẵn sàng đến với một trải nghiệm như vậy?
Lựa chọn duy nhất là xây dựng lại toàn bộ một trải nghiệm ngang tầm với Android-của Google, dựa trên mã nguồn đã được cung cấp "mở" qua AOSP. Song, hãy nhớ rằng trong suốt 11 năm lịch sử Android, vẫn chưa có một ông lớn nào có thể tạo ra một "hệ sinh thái Android" – bao gồm hệ điều hành và ứng dụng/dịch vụ – ở đẳng cấp của Google. Microsoft có năng lực phần mềm/dịch vụ gần với Google nhất, nhưng vẫn đã phải bỏ cuộc với X Platform và Cyanogen. Amazon có Fire OS vẫn đúng nghĩa là thiết bị dành riêng cho thiết bị giá... bán như cho. Ngay với chính Huawei, gần như các bài đánh giá đều coi trải nghiệm phần mềm là điểm yếu của smartphone Trung Quốc.
Vì Google đã tìm đủ mọi cách để AOSP trở nên lỗi thời. Những người gắn bó với Android từ những năm đầu chắc chắn sẽ đặt ra câu hỏi vì sao Google lại đưa hết ứng dụng căn bản (Lịch, Nhạc, Tìm kiếm...) lên Google Play: câu trả lời là bởi những gì có trên AOSP sẽ có trên tất cả các thiết bị Android, còn những gì có trên Google Play thì chỉ có trên thiết bị dùng Android-của-Google. Những kẻ tự phát triển lại Android từ AOSP sẽ phải bắt đầu từ các ứng dụng cũ kỹ, cực kỳ thiếu tính năng, còn kẻ nào phát triển từ Android-của-Google sẽ có sẵn những ứng dụng cực kỳ hữu ích được Google chăm chút qua từng năm.
Ví dụ, ứng dụng Search trên AOSP đã bị ngưng phát triển từ tận Android 2.2 Froyo. Đó sẽ là khởi điểm của Huawei khi phát triển ứng dụng tìm kiếm cho những chiếc P, Mate và Honor từ nay về sau.
Bị Google cắt hợp tác còn gây ra cho Huawei một khó khăn khủng khiếp nữa: không tìm được nhà cung ứng. Cũng như các thương hiệu smartphone khác, Huawei có sử dụng đối tác lắp ráp bên thứ 3, bao gồm những tên tuổi "nhẵn mặt" với từng thương hiệu smartphone là Foxconn.
Nhưng rất nhiều các công ty cung ứng lại tham gia vào liên minh "Open Handset Alliance" (OHA) của Google. Liên minh này có một điều khoản quan trọng: hãng nào tham gia sẽ không được phép sản xuất các thiết bị không được Google thông qua. Trước đây, Google từng ra lệnh cho Acer (một thành viên OHA) phải ngưng phát triển thiết bị dùng hệ điều hành Alyun OS (bản Android do Alibaba phát triển từ AOSP).
Trong tình huống xấu nhất, Huawei sẽ phải tự xây dựng nhà máy và chuỗi cung ứng tại các thị trường tham gia. Khi chuỗi cung ứng smartphone đã được phân tách từ lâu, việc "ôm" nhà máy về sản xuất sẽ khiến Huawei phải trả giá rất đắt. Lãi của Huawei mới chỉ là 8,8 tỷ USD – không bằng lãi một quý của Samsung! Con đường cạnh tranh toàn cầu sẽ trở nên khó khăn rất nhiều.
Thậm chí, Huawei cũng thuộc về OHA... Điều này không có nghĩa rằng Google chắc chắn sẽ ngăn chặn Foxconn hay Compal không được sản xuất thiết bị cho Huawei, cũng không có nghĩa rằng Google cấm Huawei bán điện thoại... Nhưng, nếu quả thật Huawei không được dùng Android-của-Google nữa, liệu Google có lý do gì để nhân nhượng với Huawei và gây hại cho Samsung, OnePlus hay các nhà sản xuất khác, vốn đã và sẽ luôn gắn bó với Android-của-Google?
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng