Nhìn từ sự trỗi dậy của Ant Financial: Fintech đã thay đổi cả thế giới như thế nào và đằng sau đó ẩn chứa những mối nguy gì?

    Lục Lam, Theo Tổ Quốc 

    Sự phát triển của Ant là điều gây lo lắng cho phe diều hâu trong Nhà Trắng và thu hút nhiều nhà đầu tư trên toàn cầu. Ngoài ra, công ty này còn cho thấy sự chuyển đổi lớn hơn đối với cách thức hoạt động của hệ thống tài chính, không chỉ ở Trung Quốc mà là toàn thế giới.

    (Tổ Quốc) - Sự phát triển của Ant là điều gây lo lắng cho phe diều hâu trong Nhà Trắng và thu hút nhiều nhà đầu tư trên toàn cầu. Ngoài ra, công ty này còn cho thấy sự chuyển đổi lớn hơn đối với cách thức hoạt động của hệ thống tài chính, không chỉ ở Trung Quốc mà là toàn thế giới.

    Vào khoảng năm 1300, Marco Polo – một thương gia đến từ Venice đã giới thiệu cho châu Âu một thành tích về tiền tệ từng được Trung Quốc sử dụng. Ông viết rằng, vị hoàng đế đã "biến vỏ cây trở thành một thứ giống như giấy, để sử dụng làm đồng tiền luân chuyển khắp quốc gia."

    Cuối cùng, khoảng 6 thế kỷ sau khi Trung Quốc phát minh, phương Tây cũng sử dụng tiền giấy. Gần đây, nhiều du khách nước ngoài đến Trung Quốc đã quay trở lại với bước tiến lớn tiếp theo đối với tiền tệ: tiền giấy biến mất hoàn toàn, được thay thế bằng những "điểm ảnh" hiển thị trên màn hình điện thoại.

    Nhìn từ sự trỗi dậy của Ant Financial: Fintech đã thay đổi cả thế giới như thế nào và đằng sau đó ẩn chứa những mối nguy gì? - Ảnh 1.

    Sự nổi trội về mảng tiền số của Trung Quốc có thể sẽ trở nên rõ rệt hơn trong vài tuần tới, với thương vụ niêm yết đình đám của Ant Group – công ty fintech lớn nhất nước này, tại Hồng Kông và Thượng Hải. Tính theo số tiền sẽ huy động được, đây có thể sẽ là thương vụ IPO lớn nhất từ trước đến nay, vượt mặt cả Saudi Aramco của năm ngoái. Sau khi niêm yết, Ant có thể sẽ có vốn hóa tương tự ngân hàng lớn nhất thế giới – JPMorgan Chase, được thành lập từ năm 1799.

    Sự trỗi dậy của Ant là điều gây lo lắng cho phe diều hâu trong Nhà Trắng và thu hút nhiều nhà đầu tư trên toàn cầu. Ngoài ra, công ty này còn cho thấy sự chuyển đổi lớn hơn đối với cách thức hoạt động của hệ thống tài chính, không chỉ ở Trung Quốc mà là toàn thế giới.

    Jamie Dimon – CEO của JPMorgan, và một số chuyên gia khác đã để mắt đến Ant trong nhiều năm nay. Là một nhánh của Alibaba, ứng dụng thanh toán điện tử của Ant có hơn 1 tỷ người dùng, chủ yếu là ở Trung Quốc và mạng lưới thanh toán đã thực hiện khối lượng giao dịch trị giá 16 nghìn tỷ USD vào năm ngoái, kết nối 80 nhà bán khác nhau.

    Tuy nhiên, thanh toán chỉ là một phần nhỏ trong đó. Ant còn cho phép người dùng vay tiền, lựa chọn trong số 6.000 sản phẩm đầu tư và thậm chí là mua bảo hiểm sức khỏe. Nhìn vào Ant, bạn hãy tưởng tượng về các ngân hàng trên Phố Chính, các công ty môi giới ở Phố Wall, các nhà quản lý tài sản tại Boston và công ty bảo hiểm ở Connecticut bị thu hẹp lại để phù hợp với 1 ứng dụng duy nhất của Thung lũng Silicon và được hầu hết người dân sử dụng. Trong khi đó, Tencent cũng vận hành công ty fintech với quy mô không kém cạnh.

    Tuy nhiên, sự bùng nổ của hoạt động thanh toán điện tử không chỉ diễn ra ở Trung Quốc. Do đại dịch bùng phát, hoạt động này còn được thúc đẩy ở những nơi khác. Cùng với sự phát triển của thương mại điện tử trên toàn cầu, thanh toán kỹ thuật số cũng được ưa chuộng hơn. Ví dụ, khối lượng sử dụng của Venmo – mạng thanh toán của Mỹ, tăng 52% so với năm ngoái và ứng dụng fintech của Mỹ Latinh – Mercado Pago, cũng tăng 142%.

    Thậm chí, các chợ nông sản tại Paris, công ty pizza và những gánh hàng rong của Singapore cũng nâng cấp hệ thống để khách hàng có thể thanh toán ngay lập tức mà không sử dụng tiền mặt, không cần tiếp xúc trực tiếp. Theo đó, nhà đầu tư có thể cảm nhận được sự thay đổi về mặt kiến tạo, giống như sự thay đổi đã khiến ngành bán lẻ rung chuyển. Các ngân hàng thông thường hiện chỉ chiếm 72% vốn hóa trên thị trường chứng khoán của ngành ngân hàng và thanh toán trên toàn cầu, trong khi năm 2010 là 96%.

    Nếu sự bùng nổ của lĩnh vực tài chính số xuất hiện khắp mọi nơi , thì các mô hình kinh doanh đằng sau đó lại không hề như vậy. Tại châu Mỹ Latinh, hãy chú ý đến ngân hàng số và thương mại điện tử được coi là "người đi tiên phong" như Nubank và MercadoLibre – sở hữu Mercado Pago. Tại Đông Nam Á, 2 ứng dụng gọi xe Grab và Gojek đang trở thành những "siêu ứng dụng" cùng với mảng tài chính cũng rất phát triển.

    Ngoài ra, tại Thụy Điển, các công ty fintech hiện cung cấp phần lớn các khoản vay tiêu dùng. Ở Mỹ, các công ty thẻ tín dụng như Visa (công ty fintech có vốn hóa lớn nhất thế giới), những "gã khổng lồ" ngành tài chính kỹ thuật số như PayPal và các ngân hàng lớn đều hợp tác, cạnh tranh. Những công ty công nghệ như Appe và Alphabet cũng lấn sân sang lĩnh vực này, bị hấp dẫn bởi khoản lợi nhuận dồi dào của ngành tài chính toàn cầu trị giá 1,5 nghìn tỷ USD.

    Hiện tại, fintech mang lại lợi ích lớn về sự tiện lợi. Nếu các ngân hàng niêm yết trên thế giới cắt giảm 1/3 chi phí, mỗi người trên toàn cầu sẽ tiết kiệm được 80 USD/năm. Chi phí trên các khoản thanh toán của Ant là rất thấp và cũng chỉ mất vài phút để tạo ra 1 khoản vay. Giờ đây, đã không còn những ngày khách hàng bị "bòn rút" bởi những quầy đổi tiền ở sân bay. Những công ty như TransferWise và Airwallex cung cấp dịch vụ đổi tiền nhanh và với chi phí thấp hơn.

    Ngoài ra, số hóa cũng hứa hẹn giúp hoạt động tài chính mở rộng quy mô. Việc tiếp cận khách hàng sẽ trở nên dễ dàng hơn và dữ liệu sẽ giúp các khoản vay được đảm bảo chính xác hơn. Các công ty như Square và Stripe giúp kết nối các doanh nghiệp nhỏ với nền kinh tế kỹ thuật số. Tại Ấn Độ và châu Phi, tài chính kỹ thuật số có thể giúp người dùng tránh được những vụ lừa đảo khi đi vay và những ngân hàng có hiệu suất hoạt động kém. Bằng cách tạo ra đồng tiền số riêng, các chính phủ có thể tránh sử dụng hệ thống ngân hàng và thuế thông thường, nhận tiền gửi và thanh toán cho người dân chỉ bằng 1 nút bấm

    Tuy nhiên, "cuộc chinh phục" lĩnh vực fintech cũng mang lại mối rủi ro. Đầu tiên, nó có thể gây mất ổn định trong hệ thống tài chính. Các công ty fintech tập trung vào những mảng có lợi nhuận cao nhất trong ngành, còn mảng ít lợi nhuận hơn và có nhiều rủi ro thường do các nhà cho vay truyền thống đảm nhiệm. Toàn bộ 98% các khoản vay phát hành qua Ant tại Trung Quốc cuối cùng vẫn nằm trong sổ sách của các ngân hàng. Ant cuối cùng dự kiến sẽ thu được 1/10 hoặc cao hơn so với lợi nhuận của hệ thống ngân hàng Trung Quốc.

    Trong khi đó, những nhà cho vay ở các quốc gia giàu có đang gặp khó khăn trong môi trường lãi suất thấp, chi phí tuân thủ rất cao. Nếu họ mất ổn định, rắc rối có thể xảy ra bởi các ngân hàng vẫn thực hiện chức năng kinh tế quan trọng, bao gồm giữ tiền gửi của người dân và chuyển các khoản nợ ngắn hạn thành khoản vay dài hạn cho người khác.

    Mối nguy hiểm thứ 2 đó là nhà nước và các công ty "nền tảng" fintech có thể có thêm quyền lực từ các cá nhân. Hiệu ứng mạng (network effect) là điều không thể thiếu đối với mô hình fintech. Càng nhiều người sử dụng thì nền tảng đó càng trở nên hữu ích và có khả năng khiến những người xung quanh cảm thấy bị thu hút. Do đó, ngành này có xu hướng độc quyền. Và nếu fintech cung cấp càng nhiều dữ liệu cho các chính phủ và nền tảng, thì khả năng người dùng bị giám sát, thao túng và các cuộc tấn công mạng sẽ tăng lên.

    Tham khảo Economist


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày