Những chiếc laptop không thể lắp thêm RAM và "di sản" thực sự của Jony Ive (cùng Apple)

    Liam,  

    Khó có thể phủ nhận sức ảnh hưởng của Apple lên cả thế giới công nghệ. Đôi khi, sức ảnh hưởng ấy lại mang một ý nghĩa vô cùng tiêu cực với người dùng.

    Bởi iPhone 2019 rất có thể chỉ là bản tái chế của iPhone XS (với cụm camera mới), sự kiện quan trọng nhất đối với fan Táo năm nay chắc chắn sẽ là tuyên bố rời đi của nhà thiết kế Jonathan Ive. Là một trong những "đệ tử ruột" cuối cùng của Steve Jobs còn sót lại, cũng là người đã gắn bó với Apple suốt cả cuộc hồi sinh thần kỳ từ cuối thập niên 90, dấu ấn của Jony Ive có trên mọi sản phẩm đình đám của Apple, từ iMac, iPod, MacBook Air, iPhone cho đến iPad.

    Bởi Apple thường là kẻ đi tiên phong phổ biến các trào lưu công nghệ mới, công lao của Jony Ive đối với cả ngành công nghiệp hi-tech là không thể đếm được. Nhưng cũng chính theo cách này, Jony Ive – hay đúng hơn là bộ phận thiết kế của Apple dưới thời Jony Ive – cũng đã tạo ra những di sản tệ hại lên lịch sử công nghệ.

    Dẫn đầu cuộc đua loại bỏ

    Những chiếc laptop không thể lắp thêm RAM và di sản thực sự của Jony Ive (cùng Apple) - Ảnh 1.

    Nếu không vì Apple, có lẽ chiếc Galaxy này sẽ có cổng tai nghe.

    Để thấy mối ảnh hưởng của Apple có thể tệ hại đến thế nào, hãy nhìn vào cạnh dưới của một chiếc Huawei P30, Xiaomi Mi 9, Google Pixel 3 hay thậm chí là Samsung Galaxy A80. Tất cả đều không có cổng tai nghe.

    Lý do không khó để nhận ra, là bởi Apple đã bỏ cổng tai nghe được gần 3 năm rồi. Một cổng kết nối hàng chục năm tuổi đời, gần như ai cũng sử dụng bỗng chốc đã "bốc hơi" với lý do là để lấy chỗ trống cho chip, pin và camera. Và bởi chiếc smartphone tiên phong cho trào lưu này là chiếc smartphone làm chủ phân khúc cao cấp, các hãng smartphone khác cũng cho mình quyền được làm theo Táo. Trên bản đồ smartphone thế giới, tên tuổi lớn duy nhất còn chưa nhăm nhe loại bỏ jack cắm tai nghe là LG: đến cả Google và Samsung từng chê iPhone tơi bời vì bỏ cổng tai nghe, nay cũng đều đã loại bỏ jack cắm quen thuộc này.

    Như thế, đoạn video quảng cáo iPhone 7 với giọng Anh rất hay của Jony Ive đã trở thành điểm khởi đầu cho cái chết của cổng tai nghe. Nhưng đây không phải là lần đầu tiên Apple dám sẵn sàng loại bỏ những tính năng quan trọng và rồi… thành công để các hãng khác học theo. Khi những chiếc laptop của bạn càng ngày càng thiếu cổng kết nối (và thêm nhiều… phụ kiện) thì kẻ đáng trách nhất dĩ nhiên là Apple của Jony Ive: năm 2016, chiếc MacBook 12 inch ra mắt, mở đầu cho trào lưu chỉ sử dụng duy nhất 1 cổng USB-C trên laptop (và tablet lai).

    Những chiếc laptop không thể lắp thêm RAM và di sản thực sự của Jony Ive (cùng Apple) - Ảnh 2.

    Laptop/tablet Windows thiếu cổng? Xin trách Apple.

    Trước đó, năm 2008, MacBook Air góp phần quan trọng khiến cho cổng LAN và ổ đĩa quang lùi vào dĩ vãng. Nếu Apple bỏ và các nhà sản xuất khác thấy Apple thành công, họ cũng sẽ cho mình quyền làm điều tương tự. Đáng nhớ nhất, với chiếc Mac Pro "thùng rác" ra mắt năm 2013, Apple đã truyền tải thông điệp ngầm rằng ngay cả máy tính chuyên dụng cũng có quyền đặt thẩm mỹ lên trên khả năng kết nối. Samsung, ASUS, MSI… sau đó đều đưa ra câu trả lời của riêng mình với những cỗ máy dạng thùng rác cỡ nhỏ.

    Chống lại người dùng

    Dĩ nhiên, không phải quyết định nào của Jony Ive cũng sẽ gây hại cho người dùng: đôi khi, loại bỏ các kết nối cũ cũng sẽ góp phần cho kết nối mới lên ngôi. Việc loại bỏ cổng LAN đã khiến cho Wi-Fi và 3G trở thành bắt buộc; ngay cả quyết định bỏ cổng tai nghe cũng giúp cho tai Bluetooth lên ngôi. Song, đôi khi, Apple sẽ dẫn đầu các nhà sản xuất trong các trào lưu thực sự chống lại người dùng.  

    Những chiếc laptop không thể lắp thêm RAM và di sản thực sự của Jony Ive (cùng Apple) - Ảnh 3.

    Khi Huawei học Apple đến từng con ốc để ngăn người dùng tháo máy.

    Ví dụ, cách đây 5 năm, Apple chuyển sang dùng ốc 5 cạnh, một loại ốc hoàn toàn không hề có bất kỳ ý nghĩa thực tiễn nào ngoại trừ… gây khó khăn cho người dùng mở máy. iFixit, công ty chuyên bán đồ nghề sửa chữa, đã phải lên tiếng vạch trần sự thật đằng sau những con ốc này, nhưng các hãng smartphone khác vẫn thoải mái học theo mà điển hình là Huawei.

    Hay, có lẽ rất nhiều người sẽ sốc khi biết rằng một số mẫu tablet lai laptop chạy Windows như XPS 13 (Dell), Spectre X360 (HP) và Surface Pro (Microsoft) không thể nâng cấp được RAM. Khác với máy tính truyền thống vốn có tính module và khả năng nâng cấp rõ ràng, các dòng tablet/laptop mới càng ngày càng chuyển sang sử dụng RAM "hàn chết" vào bo mạch. Lắp thêm RAM vốn chỉ đơn giản là mua RAM về cắm, nay đòi hỏi người dùng phải có khả năng hàn mạch và luôn luôn đi kèm với rủi ro phá hỏng chiếc máy.

    Những chiếc laptop không thể lắp thêm RAM và di sản thực sự của Jony Ive (cùng Apple) - Ảnh 4.

    Chiếc tablet/laptop Windows của bạn không lắp được thêm RAM là vì... Apple làm vậy.

    Trách ai? Dĩ nhiên là trách Apple. Chính Jony Ive với tư tưởng "mỏng hơn và gọn hơn" đã tạo ra cuộc đua laptop siêu mỏng với MacBook Air, vốn sử dụng RAM "hàn chết" thay vì khe RAM tháo lắp. Với dòng laptop siêu mỏng này, Apple quả thật đã chứng minh được rằng người dùng có thể đặt thẩm mỹ lên trên nguyên tắc "nâng cấp" truyền thống của chiếc máy vi tính. Các hãng khác chỉ cần thấy thế là đã sẵn lòng chuyển sang dùng RAM hàn như Táo.

    Di sản nhà Táo

    Từ những chiếc Intel Ultrabook, những cỗ PC mang hình hài "thùng rác" cho đến những chiếc smartphone tai thỏ của hiện tại, bất kỳ ai cũng có thể thấy vai trò quan trọng của nhà Táo: Apple làm gì, chắc chắn sẽ có kẻ khác làm theo. Hình ảnh gắn liền với phân khúc giá sang trọng đã khiến cho sức ảnh hưởng của Apple lên thị trường công nghệ nói chung là cực kỳ rõ ràng.

    Đôi khi, Apple đã dùng sức ảnh hưởng ấy để khiến cho cả ngành công nghiệp trở nên tồi tệ hơn. Xu hướng thiết kế, tư duy hướng người dùng của cả thị trường đã trở nên phụ thuộc vào một công ty duy nhất, một nhà thiết kế duy nhất - Jony Ive. Giờ đây, khi ông đã rời đi, liệu lịch sử thiết kế của Apple và của cả ngành công nghiệp hi-tech có thể sang trang?

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày